Tương lai của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Thứ Tư, 02/12/2020, 15:17
Việc ai trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ xem ra chưa hẳn sẽ là một "sự thay đổi lớn" đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu, hay có thể đưa nó về tình trạng trước năm 2017.

Bởi trên thực tế, từ đó đến nay, đã có nhiều thay đổi trong môi trường quốc tế, sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn giữa các nước lớn đang dẫn tới những thay đổi cấu trúc quốc tế đáng chú ý. Điều mà châu Âu cần làm rõ hơn lúc này, đó là họ mong chờ điều gì từ chính sách của Washington và họ sẵn sàng làm những gì để có được điều đó.

Thời điểm này, giới chính trị châu Âu có 2 nhiệm vụ: Làm rõ và tìm ra những lợi ích ưu tiên của Đức và châu Âu trong nhiều lĩnh vực chính trị có hợp tác xuyên Đại Tây Dương và chủ động đưa ra những đề nghị, sáng kiến đối với Mỹ, qua đó vạch ra khuôn khổ mới cho hợp tác xuyên Đại Tây Dương cùng các điều kiện của nó.

Điều châu Âu cần làm rõ là họ mong chờ điều gì từ Washington và sẵn sàng làm gì để có được điều đó.

Bên cạnh đó, những ưu tiên cần được đặt vào các lĩnh vực chính trị trọng yếu, như một nền tảng để theo đuổi chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương, chẳng hạn như là tìm một khuôn khổ chung để chống lại sự lan truyền thông tin chính trị sai lệch hay thành lập một liên minh vaccine xuyên Đại Tây Dương. Các mục tiêu tương ứng cần nằm ở mức vừa phải, nhận được sự đồng thuận của cả hai bên và có tính cấp thiết chung.

Các tuyên bố ban đầu của những ngày qua cho thấy ông Biden, ứng cử viên dường như đã thắng cử, có ý mong muốn quay trở lại các quan hệ đối tác và liên minh để bảo vệ lợi ích của Mỹ nhưng nó sẽ diễn ra trong hoàn cảnh có những thay đổi khác nhiều so với trước. Sự hợp tác rất có thể sẽ có ưu tiên thấp hơn so với khuôn khổ cạnh tranh chiến lược. Mỹ sẽ tìm cách sử dụng hợp tác với châu Âu trong hoàn cảnh xung đột Mỹ và Trung Quốc. Bởi vì trong vấn đề Trung Quốc, đảng Dân chủ cũng có lập trường không khác nhiều so với đảng Cộng hòa.

Ông Biden cũng miêu tả Trung Quốc như một đối thủ địa chính trị và công nghệ lớn. Các khẩu hiệu tranh cử của ông Biden như "Buy American" và "Made in USA" chỉ ra rằng chính sách kinh tế và thương mại cũng sẽ chứa đựng những yếu tố bảo hộ. Tuy nhiên, với ông Biden, EU sẽ là đối tác của Mỹ trước Trung Quốc vì những giá trị và lợi ích chung cũng như mối quan hệ lịch sử xưa nay.

Do đó, khái niệm "phương Tây" có thể sẽ được hồi sinh về mặt chính trị. Tình hình địa chính trị thay đổi đang đe dọa thu hẹp khả năng hành động của châu Âu, vì chính quyền mới rất có thể sẽ trông đợi Brussels ủng hộ Mỹ một cách rõ ràng trong một số vấn đề quan trọng, không phải chỉ là giữ thế "dĩ hòa vi quý" như nhiệm kỳ 4 năm vừa qua, chẳng hạn như vấn đề xây dựng mạng 5G với việc ồ ạt đón tiếp các nhà thầu Trung Quốc ban đầu, bất chấp thái độ của Mỹ. Những cơ hội hợp tác với Washington sẽ dẫn tới khả năng hợp tác ít hơn cho châu Âu trong quan hệ với Trung Quốc và sẽ đem lại những cái giá đắt hơn cả về chính trị và kinh tế.

Mỹ luôn có lợi thế nhờ vào vị trí thống trị của đồng USD.

Có một thực tế là phạm vi chính sách, kể cả đối nội và đối ngoại, của các Tổng thống Mỹ đều chịu ảnh hưởng bởi những diễn tiến lâu dài, có tác động vượt ra ngoài 1 hoặc 2 nhiệm kỳ. Với sự phân cực chính trị đảng phái mạnh mẽ trong thời gian gần đây, sự sẵn sàng thỏa hiệp trong Quốc hội Mỹ đang giảm dần. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tiến trình lập pháp, nhất là trong trường hợp không có một đa số tuyệt đối, khiến việc thông qua những điều luật quan trọng sẽ trở nên khó khăn hơn.

Việc ông Trump nhận được 71 triệu phiếu bầu (phần đã kiểm đếm chính xác) trong đợt bầu cử đầu tháng 11 vừa qua, nhiều hơn cả so với năm ông đắc cử 2016, sẽ làm giảm sự sẵn sàng thỏa hiệp của đảng Cộng hòa trong nay mai.

Thêm vào đó, tình hình dịch COVID-19 sẽ làm gia tăng sự bất bình đẳng và chia rẽ trong xã hội, khiến khả năng hành động chính sách đối ngoại của nước Mỹ trong nay mai sẽ bị thu hẹp hơn. Lý do là vì quản lý dịch bệnh sẽ là ưu tiên hàng đầu của bất cứ ai ngồi vào Phòng Bầu dục sắp tới. Thứ nữa là sự đồng thuận của xã hội Mỹ về những can thiệp tốn kém ra bên ngoài cũng như trách nhiệm với đồng minh không bao giờ là vô điều kiện. Nó luôn phụ thuộc vào hứa hẹn của các chính trị gia có tạo ra được những thay đổi tích cực về phương diện bình đẳng cơ hội trong xã hội và trong nền kinh tế hay không.

Tuy nhiên, nhờ vào vị thế thống trị của đồng USD trong hệ thống tài chính thế giới, Mỹ có khả năng chịu mức nợ nhiều hơn các nước khác. Nhưng hậu quả của bệnh dịch làm quốc gia này thâm hụt ngân sách rất lớn cộng với một khoản nợ lớn nhất trong lịch sử. Do những diễn tiến này, nhiều áp lực sẽ đè năng hơn lên Quốc hội Mỹ trong quá trình cân đối ngân sách và giảm mức nợ. Nó sẽ thu hẹp phạm vi chi tiêu ngân sách, trong đó có chi tiêu cho các chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng. Bởi thế, đối với các đối tác, kể cả các đối tác truyền thống bên kia bờ Đại Tây Dương, việc tìm ra một phương án tiếp cận hiệu quả là việc cần làm trong thời điểm này, thời điểm của cuộc chuyển giao.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.