Tương lai quan hệ Anh – EU

Thứ Ba, 12/01/2021, 13:05
Khi bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels vào đêm Giáng sinh, bà đã tóm gọn bản chất của thời khắc lịch sử đối với một châu Âu mà bà đang lèo lái bằng một câu danh ngôn của nhà thơ người Anh Thomas Stearns Eliot: "Thứ ta gọi là khởi đầu thường chính là kết thúc. Và kết thúc chính là khởi đầu".


Liên minh châu Âu (EU) vừa hoàn tất đàm phán thỏa thuận với Vương quốc Anh, một thỏa thuận được cho là sẽ chi phối mối quan hệ giữa hai bên trong nhiều thập niên tới. Do đó, về khía cạnh này, việc ký kết thỏa thuận là dấu chấm hết cho một mối quan hệ. 

Tuy nhiên, điều này cũng tượng trưng cho sự khởi đầu của một mối quan hệ mới, cho dù sẽ rất khác biệt so với trước đây. Anh và EU hiện đang đứng trước một "ngã rẽ lịch sử" mới mà cả hai bên đều không thể định hình được quỹ đạo của mình trong tương lai. Tuy nhiên, có thể kết luận chắc chắn một điều rằng mối liên hệ giữa hai bên vẫn sẽ có vai trò quan trọng hơn nhiều so với những gì họ sẵn sàng thừa nhận.

Tương lai quan hệ Anh - EU còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Có một điều chắc chắn, sẽ không có một đảng phái chính trị nghiêm túc nào của Anh dám nêu vấn đề trở lại EU trong ít nhất một thập niên kể từ thời điểm hiện tại. Và ngay cả khi câu hỏi được nêu ra thì cũng không có cơ sở để đảm bảo rằng Anh sẽ quay trở lại EU, vì bản thân khối này đang thay đổi theo những cách mà hầu hết người dân Anh bình thường đều cho là không phù hợp. 

Từ quyết định vay tiền để hỗ trợ các quốc gia trong liên minh bị thiệt hại nặng nề vì COVID-19 và áp đặt việc chờ đợi phân phối vaccine mà không có sự ưu tiên theo "công bằng kiểu Anh" đều khiến cho những người bên kia eo biển Manche khó mà đồng tình. Một vài vấn đề khác nữa và cho đến cả câu hỏi về sự tồn tại của Vương quốc Anh với những vấn đề chủ nghĩa dân tộc của Scotland cũng khiến cho vấn đề nội tại trở nên khó giải quyết hơn, cần thời gian hơn trước khi hướng ra bên ngoài.

Cuối cùng là vấn đề thương mại. Đạt được thỏa thuận trước phút cuối là một điểm nhấn, song nếu ai đó coi đây là câu trả lời cho mọi vấn đề quan hệ Anh - EU thì xem ra đã là hơi quá. Mặc dù hiệp định được ký kết vừa qua bao gồm thương mại hàng hóa sản xuất, song hiệp ước này hầu như không đề cập đến thương mại dịch vụ vốn chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu của Anh. Hiệp ước cũng không đề cập đến số phận của London, trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu, nơi vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào châu Âu để duy trì sự thịnh vượng.

Hơn nữa, mặc dù Anh đã giành được quyền sửa đổi các quy tắc thương mại của họ với thế giới, song không thể nói rằng sự tự do này không phải trả giá. Khi ký kết hiệp ước giờ chót với EU, Anh đã không thuyết phục được châu Âu giảm tần suất kiểm tra biên giới đối với các sản phẩm thực phẩm hoặc đảm bảo rằng bằng cấp chuyên môn của Anh - như bằng luật sư và kế toán - sẽ được công nhận trên toàn châu lục. Vì vậy, người Anh có quyền tự do làm theo ý mình đối với thương mại toàn cầu nhưng họ sẽ phải trả giá bằng các tranh chấp thương mại trong tương lai với EU.

Người ủng hộ Brexit ăn mừng trước cửa tòa nhà quốc hội Anh trong đêm Giáng sinh 2020.

Có thể chắc chắn rằng mâu thuẫn trong hoạt động thương mại và các cuộc đàm phán giữa EU và Anh sẽ trở thành một đặc tính cố định và giữa hai bên sẽ liên tục xảy ra tranh chấp. Đó là hệ quả tất yếu của việc tiếp giáp với một thị trường lớn thống nhất. Vì vậy, ít nhất về mặt này, hiệp ước hiện tại không phải là dấu chấm hết cho tranh chấp giữa London và Brussels. Thậm chí đây cũng không phải là "khởi đầu của một kết thúc".

Anh cũng sẽ khó mà thực hiện được một lời hứa khác mà họ đã đưa ra khi rút ra khỏi EU: giành lại quyền kiểm soát đường biên giới của nước mình. Mặc dù số lượng người di cư EU đã giảm và được đảm bảo sẽ tiếp tục giảm hơn nữa, nhưng khả năng cao là lực lượng lao động giá rẻ từ Đông Âu vẫn sẽ làm việc bất hợp pháp tại Anh. Và việc đóng cửa biên giới đối với công dân EU không có tác dụng trong việc kiểm soát áp lực di cư từ các nước thuộc thế giới thứ ba. Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy số dân nhập cư đang ở mức cao nhất được ghi nhận, một thực tế hầu như không ai biết đến mà chính quyền London không muốn đề cập quá nhiều.

Cuối cùng sẽ là sự hợp tác về các chính sách đối ngoại và an ninh. Xem ra, một khi không nằm trong EU, các dự định và kế hoạch hợp tác của Anh cũng sẽ "thông thoáng" hơn rất nhiều. Hoặc ít nhất là, trong mối quan hệ với nước Mỹ cường quốc, sẽ không bị chi phối bởi cuộc chiến thương mại giữa hai bên bờ Đại Tây Dương đang dần gay gắt.

Theo lời mô tả của một nhà đàm phán EU, có lẽ đó là những lý do tại sao hai bên đã không bắt tay nhau hay ăn mừng sau khi đạt được thỏa thuận vào phút cuối trong đêm Giáng sinh. Thay vào đó, "hai bên chỉ ngồi đó và nhìn nhau".

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.