Ukraina: Phảng phất không khí chiến tranh lạnh

Chủ Nhật, 09/03/2014, 19:14

Vài ngày sau vụ chính biến lật đổ Tổng thống dân cử Viktor Yanukovych của phe đối lập thân phương Tây tại Ukraina, chính quyền Nga đã chính thức mở đợt tổng phản công trên nhiều mặt trận nhằm vào phe đối lập Ukraina cũng như những thế lực trợ giúp bên ngoài.

Những động thái kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan và phát xít

Trên mặt trận chính trị và ngoại giao, ngày 24/2, Nga chính thức phản ứng trước những diễn biến ở Ukraina, với việc Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nêu nghi vấn về tính chính danh của chính phủ lâm thời ở Kiev và Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc những phương thức "độc tài" và "khủng bố" đang được sử dụng nhằm vào những người chống đối chính phủ mới.

Nói tới những lực lượng đã truất quyền ông Viktor Yanukovych khỏi chức tổng thống Ukraina, Thủ tướng Dmitry Medvedev phát biểu với phóng viên ở Moskva rằng không còn ai để Chính phủ Nga giao tiếp ở Ukraina. Ông gọi việc truất quyền ông Yanukovych thực chất là "một cuộc nổi loạn vũ trang".

Bộ Ngoại giao Nga cũng đồng quan điểm, mô tả những sự kiện gần đây ở Ukraina là một cuộc đối đầu vũ trang giữa "những kẻ côn đồ hiếu chiến" và những đơn vị thực thi pháp luật đang cố gắng để bảo vệ thường dân. Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi người dân Ukraina kháng cự những người mà Bộ này gọi là "những kẻ cực đoan mưu tìm quyền lực".

Cơ quan ngoại giao Nga cũng cáo buộc Quốc hội Ukraina thực hiện những hành động nhằm mục đích xâm phạm quyền của người Nga và những dân tộc thiểu số khác. Ngày 25/2, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) mạnh mẽ lên án sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc cực đoan và phát xít ở các vùng tây Ukraina.

Chỉ vài ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Yanukovych bị lật đổ, nạn bài xích những gì liên quan tới Nga tại Ukraina gia tăng một cách đáng lo ngại. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moskva bất bình trước chiến dịch phá hủy tượng đài đang diễn ra tại Ukraina. "Hôm 24/2, một hành động dã man bài Nga đã diễn ra tại tỉnh Lviv, những kẻ quá khích đã tháo dỡ tượng đài danh tướng Nga Mikhail Kutuzov" - Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Bộ này yêu cầu chính quyền mới Ukraina ngăn chặn những kẻ phá hoại di tích. Ngoài ra, tại  các vùng phía tây của nước này, đài tưởng niệm những người lính Xôviết hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc, chống chủ nghĩa phát xít cũng bị phá hoại.

Chưa dừng lại ở đó, một đề xuất cấm các kênh truyền hình Nga phát sóng ở Ukraina cũng đang được chính phủ lâm thời tại Ukraina dự định ban hành. Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh: Nếu quyết định này được thực hiện ở Ukraina, điều đó sẽ vi phạm tự do ngôn luận một cách nghiêm trọng.

Ông Lavrov cho biết: "Đại diện OSCE về tự do truyền thông có kế hoạch đến Ukraina để đối phó với tình trạng này".

Không những không công nhận chính quyền mới tại Kiev, chính quyền Nga còn chỉ trích sự ủng hộ của châu Âu khi cho đó là "những tính toán địa chính trị đơn phương", rằng thái độ của châu Âu là sai lệch.

Ngày 25/2, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov khẳng định rằng, Nga giữ vững "lập trường không can thiệp" vào công việc nội bộ của Ukraina và hy vọng rằng những đối tác khác của Moskva trong cộng đồng quốc tế cũng sẽ hành động tương tự”. Ông kêu gọi châu Âu sử dụng những mối liên lạc với các lực lượng chính trị khác nhau ở Ukraina để góp phần ổn định tình hình và nhanh chóng thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị.

Hành động cảnh cáo của Nga trùng khớp với sự kiện người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu, bà Catherine Ashton có chuyến thăm tại Kiev. Theo giới phân tích, thái độ của Nga buộc bà Ashton phải cẩn trọng trong ngôn từ và hành động. Một mặt, châu Âu chỉ chấp nhận tháo khoán gói trợ giúp 2-3 tỉ euro cho Ukraina với sự đồng thuận của Quỹ Tiền tệ quốc tế, sau khi có kết quả bầu cử vào ngày 25/5.

Với điều khoản trói buộc là phải tiến hành các chính sách cải cách. Về phần mình, Nga tuyên bố ngưng chuyển khoản thứ hai trong tổng số tiền viện trợ hứa hẹn là 15 tỉ USD.

Thủ tướng mới của Ukraina Arseniy Yatsenyuk nói chuyện với Tổng thống lâm thời Oleksandr Turchynov và các nhà lập pháp tại quốc hội ở Kiev, ngày 27/2.

Tại sao các quân khu miền tây nước Nga phải đặt trong tình trạng báo động?

Trong khi đó trên mặt trận quân sự, ngày 26/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội tiến hành một cuộc tập trận báo động khẩn cấp để thử nghiệm khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga dọc khu vực phía tây giáp biên giới Ukraina.

Theo Thông tấn xã Nga Interfax, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Choigu tuyên bố: "Theo sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga, các lực lượng thuộc Quân khu miền Tây đất nước đã được đặt trong tình trạng báo động lúc 14 giờ (10 giờ giờ quốc tế) ngày 26/2/2014". Quân khu miền Tây bao gồm phần lớn khu vực phía tây nước Nga và giáp ranh giới với Ukraina, vốn nằm giữa các quốc gia NATO và Nga.

Tại một cuộc họp của Bộ Quốc phòng hôm 26/2, ông Choigu thông báo: Các cuộc tập trận sẽ diễn ra trong hai giai đoạn và kết thúc vào ngày 3/3 tới. Tham gia đợt tập trận này có các đơn vị chỉ huy phòng không và vũ trụ Nga, các đơn vị lính nhảy dù, các đơn vị không quân có tầm hoạt động xa.

Liên quan đến Hạm đội Biển Đen của Nga đóng căn cứ tại Crimea, một khu tự trị thuộc Ukraina, Moskva cho biết đã có các biện pháp để bảo đảm an toàn cho các cơ sở vũ khí, khí tài của Nga. Theo Thông tấn xã Nga RIA, Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói rằng: "Chúng tôi rất chú ý theo dõi những gì đang diễn ra tại Crimea, xung quanh Hạm đội Biển Đen".

Thủ tướng Medvedev hôm 24/2 đã nhận định, lợi ích của Nga và các kiều dân của họ ở Ukraina đang bị đe dọa. Ngày 26/2, nhiều cuộc đụng độ ngắn giữa người biểu tình thân Nga và những người ủng hộ tân chính quyền Ukraina đã xảy ra tại Simferopol, thủ phủ của khu tự trị Crimea.

Vào lúc mà cuộc khủng hoảng Ukraina đang làm dấy lên căng thẳng giữa Nga và phương Tây, việc Tổng thống Putin phát lệnh tập trận khẩn cấp lần này gây sự chú ý đặc biệt. Ngày 23/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice nói rằng, sự can thiệp quân sự của Nga sẽ là một "sai lầm nghiêm trọng", "chứng kiến sự chia rẽ nước này không có lợi cho Ukraina hay cho Nga, cho châu Âu, hoặc cho Mỹ. Không có ai được lợi ích gì khi bạo động và tình hình leo thang trở lại".

Đến ngày 26/2, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond đã có phản ứng, tỏ ra lo ngại việc Tổng thống Putin ban hành lệnh tập trận khẩn cấp ở vùng biên giới với Ukraina.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 26/2 khẳng định: "Điều mà chúng ta cần làm bây giờ là không trở lại thế đối đầu kiểu Chiến tranh lạnh xưa cũ. Chúng ta cần hợp tác để cùng giúp nhân dân Ukraina xây dựng tương lai của họ". Tuy nhiên, những gì Mỹ đã nói và làm lại hoàn toàn mâu thuẫn với nhau. Trong khi Mỹ yêu cầu Nga tôn trọng tuyên bố không can thiệp vào Ukraina thì Washington lại làm đủ trò để lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych.

Những lời lẽ được coi là khá cứng rắn trong khuôn khổ ngoại giao này có lẽ sẽ làm Nga gia tăng sự nghi ngờ phương Tây muốn xen vào khu vực các nước lân bang thuộc ảnh hưởng của mình. Các chuyên gia quân sự nhận định rằng kịch bản Nga đưa quân can thiệp Ukraina khó có thể diễn ra vì sẽ dẫn đến những bất ổn có thể lan sang cả nước Nga.

Bạo lực bùng phát ở Crimea, nơi có nhiều người nói tiếng Nga ủng hộ chính quyền Nga và Tổng thống Yanukovych.

Ngày 27/2, chính quyền Nga tuyên bố: Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych sẽ nhận được đảm bảo an toàn trên lãnh thổ Nga. Tuyên bố này nhằm đáp lại yêu cầu của ông Yanukovych để bảo vệ ông khỏi những mối đe dọa phải đương đầu ở Ukraina, đất nước mà ông vẫn coi mình là Tổng thống hợp pháp. Một ngày trước đó, Tòa án Kiev đã quyết định bắt giam Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych với cáo buộc cố ý giết người. Bộ Nội vụ Ukraina công bố truy nã ông Yanukovych và một loạt quan chức cấp cao khác.

Trước đó, cũng trong ngày, Quốc hội Ukraina do phe đối lập chiếm số đông đã thông qua tuyên bố đưa ông Yanukovych và một loạt quan chức ra Tòa án quốc tế.

Liên quan tới phe đối lập, ngày 27/2 Quốc hội Ukraina đã phê chuẩn thành phần tân nội các, trong đó thủ lĩnh đảng Batkivtshina, Arseniy Yatsenyuk giữ chức Thủ tướng. Đa số các thành viên chính phủ mới không thuộc bất cứ đảng phái chính trị nào. Phó thủ tướng thứ nhất Ukraina là ông Vitaly Yarema. Đứng đầu Bộ Ngoại giao Ukraina là ông Andrei Deshitsa, Bộ Quốc phòng là Igor Tenyukh.

Phát biểu trước các nghị sĩ, ông Yatsenyuk tuyên bố có lẽ ông ta sẽ là Thủ tướng không được ưa chuộng nhất trong lịch sử Ukraina. Theo lời ông này, đất nước Ukraina đang trong cảnh hoang tàn và ngân khố quốc gia trống rỗng. "Buộc phải có biện pháp tiết kiệm cứng rắn, kể cả trong lĩnh vực xã hội" - ông nói.

Hiện đang có nhiều quan ngại là quốc gia có 46 triệu dân này có thể chia cắt làm hai, một khu vực thân Nga ở miền Đông Ukraina, và khu vực thân phương Tây ở miền Tây

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.