Ukraina bên bờ vực nội chiến

Thứ Sáu, 23/05/2014, 16:30

Đó là lời cảnh báo của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đăng trên tờ Bloomberg hôm 14/5 ngay sau khi Ukraina tiến hành cuộc đối thoại bàn tròn toàn quốc mà không có sự tham gia của thành phần ly khai ở miền Đông. Hành động này được xem là tiếp tục làm cho tình hình căng thẳng gia tăng hơn nữa kể từ sau khi thành phần ly khai thân Nga ở 2 vùng miền Đông Ukraina tổ chức trưng cầu dân ý về việc tuyên bố độc lập và Kiev liên tiếp dùng vũ lực quân sự để giải quyết vấn đề.

Cuộc đối thoại gượng ép

Cuộc đối thoại bàn tròn đã diễn ra tại Kiev vào ngày 14/5 mà không gây chú ý trong dư luận và bị những người ly khai thân Nga ở miền Đông bác bỏ, bởi cái cách nó được tổ chức và thực chất của "đối thoại". Gọi là “đối thoại thống nhất quốc gia”, nhưng những người ly khai đang làm chủ các thành phố, thị trấn ở miền Đông đã không được mời tham gia; thành phần được mời dự chủ yếu là giới chức các cơ quan nhà nước ở Kiev và các thống đốc vùng do Kiev bổ nhiệm.

“Đối thoại bàn tròn quốc gia” được kỳ vọng là cách tốt nhất để giải quyết khủng hoảng hiện tại ở Ukraina, do Liên minh châu Âu làm trung gian hòa giải. Đây cũng là ý tưởng được cổ xúy bởi nước Nga. Tuy nhiên, mấu chốt quan trọng nhất của cuộc khủng hoảng hiện tại đã không được bàn bạc trong đối thoại, và một bên quan trọng để giải quyết khủng hoảng cũng không được mời, cho nên đối thoại đã biến thành diễn đàn để lãnh đạo lâm thời của Ukraina đưa ra những tuyên bố sử dụng vũ lực quân sự chống lại những người ly khai thân Nga ở miền Đông.

Trong khi đó, tình hình miền Đông và Nam Ukraina vẫn trong tình trạng chiến tranh. Ngày 13/5, một ngày trước cuộc đối thoại, quân ly khai vùng Dontesk đã mai phục giết chết 7 binh sĩ Ukraina và làm bị thương 8 người khác, gây nên tổn thất lớn nhất cho quân đội Ukraina từ khi xung đột xảy ra đến nay. Kể từ khi 2 vùng Donetsk và Lohansk tổ chức trưng cầu dân ý hôm 11/5 (với kết quả 89% và 96% người dân 2 vùng này tán thành việc thành lập nhà nước tự trị "Cộng hòa nhân dân Donetsk"), dư luận càng lo ngại khả năng Ukraina chìm vào chiến tranh là rất cao, như lời cảnh báo của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier đến Kiev hôm 13/5 để thúc giục Ukraina đối thoại.

Kiev hiện chỉ có 2 sự lựa chọn: một là trực tiếp đối thoại với những người ly khai để lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân các vùng miền Đông; bằng không, Ukraina sẽ chìm trong khói lửa.

Theo Serhiy Taruta, Thống đốc vùng Donetsk do Kiev bổ nhiệm, mặc dù nước Cộng hòa nhân dân Donetsk tự phong của những người ly khai không đủ cơ sở pháp lý lẫn chính trị, nhưng Kiev cũng cần phải quan tâm giải quyết những vấn đề bận tâm của người dân các vùng này.

Taruta cho rằng Kiev nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc vào ngày 15/6, ngày tổ chức vòng hai cuộc bầu cử tổng thống, để lấy ý kiến dân chúng về vấn đề lớn là phân quyền chính trị để cho phép các vùng có tiếng nói nhiều hơn trong các vấn đề của riêng họ, trong đó bao gồm việc phân chia tiền thuế và việc công nhận tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức thứ hai.

Tuy nhiên, ngay cả giới phân tích ở phương Tây cũng nhận định rằng hành động quân sự không phải là cách giải quyết khủng hoảng, và Kiev đã phạm sai lầm khi theo đuổi chính sách cứng rắn như hiện nay.

Vì sao EU không muốn trừng phạt Nga?

Mỹ và Liên minh châu Âu tiếp tục đưa ra những lời đe dọa gia tăng trừng phạt Nga nếu Nga "tiếp tục có hành động gây mất ổn định Ukraina". Phương Tây đặc biệt nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với nước Nga nếu cuộc bầu cử tổng thống Ukraina vào ngày 25/5 thất bại.

Sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 11/5, các bộ trưởng ngoại giao EU đã ra thông báo nhất trí trừng phạt bổ sung 13 cá nhân và 2 công ty của Nga. Động thái trừng phạt sẽ chính thức có hiệu lực sau khi thông qua hội nghị toàn thể EU.

Hội nghị đối thoại bàn tròn tại Kiev hôm 14/5 không có sự tham gia của những người ly khai thân Nga.

Trên thực tế, không phải ai ở châu Âu cũng ủng hộ trừng phạt nước Nga, vì những lợi ích kinh tế đan xen giữa 2 bên, và sự thiệt hại từ đó cũng 2 bên cùng gánh chịu. Bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng sẽ là nước Đức. Hiện tại, giới doanh nghiệp Đức đang phản đối việc gia tăng trừng phạt kinh tế. Hiện tại, có khoảng 6.000 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Moskva, và họ không muốn công sức gây dựng hàng thập niên qua bị tan vỡ chỉ vì lệnh cấm vận của EU.

Mặt khác, nền kinh tế nước Đức nói chung cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu EU đẩy mạnh trừng phạt Nga. Đức là đối tác thương mại lớn thứ ba của Nga, với khối lượng trao đổi mậu dịch hàng năm khoảng 106 tỉ USD. Nga là thị trường lớn của thiết bị điện, máy móc cơ khí và ôtô của Đức, ngược lại Đức nhập 46% khí đốt và 37% dầu mỏ từ Nga. Chưa kể nếu Nga trả đũa bằng vũ khí khí đốt, nền kinh tế Đức cũng sẽ bị tác động mạnh, có thể giảm tăng trưởng đến 0,9% ngay trong năm nay và 0,3% vào năm tới.

Trong khi đó, người Anh cũng không an tâm cổ vũ cho hành động trừng phạt mạnh tay với nước Nga, vì London e ngại các nhà giàu Nga, những doanh nghiệp đang đầu tư vào bất động sản và các ngành công nghiệp mũi nhọn ở Anh sẽ lo bán tháo tài sản, rút vốn đầu tư hàng loạt do bị cấm vận.

Những người ly khai đang kiểm soát chặt các vùng miền Đông Ukraina sau trưng cầu ý dân ngày 11/5.

Vấn đề an ninh năng lượng đang được châu Âu đặt ra một cách nghiêm túc vì nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng lên kinh tế - xã hội toàn khối. An ninh năng lượng của cả khối đang bị đe dọa nghiêm trọng khi Nga và Ukraina lại tiếp tục màn "đấu khí đốt": Ngày 12/5, Tập đoàn Dầu khí Gazprom của Nga đã gửi cho Ukraina một hóa đơn thanh toán trước trị giá 1,7 tỉ USD cho đơn hàng khí đốt tháng 6/2014, và nếu Ukraina không thanh toán, tập đoàn này sẽ ngưng cung cấp.

Ngày 15/5, Tổng thống Nga Putin cũng gửi thư cho lãnh đạo Ukraina để thông báo về việc Ukraina phải thanh toán trước hóa đơn khí đốt cho Gazprom. Ukraina hiện đang nợ tiền khí đốt của Tập đoàn Gazprom lên đến 3,5 tỉ USD, trong khi nước này hiện đang không còn tiền mặt để trả nợ. Điều này đặt ra nguy cơ rõ rệt về việc đường ống dẫn khí cung cấp cho Ukraina sẽ bị khóa. Vì thế, EU buộc phải cho Ukraina vay nóng khoản tiền 1,7 tỉ USD để trả nợ Nga.

Việc Nga "làm căng" với Ukraina về vấn đề khí đốt khiến cho EU lo lắng nhiều hơn. Nga hiện cung cấp đến 30% lượng khí đốt cho các quốc gia Bắc và Đông Âu, hơn 50% cho Ukraina và khoảng 60% cho Ba Lan. Vì vậy, nếu Nga sử dụng vũ khí khí đốt, chỉ cần khóa một phần các van của các nhánh ống dẫn sang Bắc, Đông và Nam Âu, tình hình giá nhiên liệu khí đốt ở châu Âu sẽ hết sức căng thẳng, đặc biệt là vào mùa đông sắp tới.

Vì thế, EU đang nỗ lực tìm cách để chống lại sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, bằng cách đa dạng hóa nguồn cung khí đốt và dầu mỏ

Văn Trương (tổng hợp)
.
.