Ukraina bên miệng hố thảm họa nhân đạo

Thứ Ba, 19/08/2014, 15:45

Quân đội Chính phủ Ukraina đang chuẩn bị cho một đợt tổng tấn công vào các thành trì của lực lượng ly khai ở miền Đông. Những người dân bị mắc kẹt trong vùng chiến sự có nguy cơ trở thành nạn nhân vô tội. Trong khi đó phương Tây và Kiev một mực từ chối các hoạt động cứu trợ nhân đạo của Nga.

Chính phủ Ukraina ngày 10/8 lên tiếng bác bỏ kêu gọi ngừng bắn của lực lượng ly khai ở miền Đông nước này. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraina đang thắt chặt vòng vây quanh khu vực Donetsk và Lugansk, hai thành trì cuối cùng của lực lượng chống chính phủ.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraina Andrey Lysenko cho rằng, lời kêu gọi ngừng bắn của phe nổi dậy cần được thực hiện bằng những giải pháp thiết thực như hạ vũ khí và đầu hàng chứ không phải lời nói.

Theo ông Lysenko, Kiev chưa thấy những bước đi thiết thực như vậy mà chỉ là một lời tuyên bố. Trước đó, người đứng đầu chính quyền Cộng hòa nhân dân Donetsk tự phong Alexander Sachartschenko tuyên bố sẵn sàng tiến tới một lệnh ngừng bắn nhằm góp phần ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở khu vực chiến sự Đông Ukraina.

Tuy nhiên, ông này cũng cảnh báo: Các tay súng địa phương sẵn sàng bảo vệ thành phố này trong trường hợp bị quân chính phủ tấn công.

Giao tranh dữ dội giữa quân đội chính phủ và lực lượng chống đối với đạn pháo liên tiếp nã xuống Donetsk đã khiến hàng trăm nghìn người dân địa phương phải rời bỏ nhà cửa, hoặc đi lánh nạn ở các hầm trú bom. Từ chỗ có 1,1 triệu dân nay Donetsk chỉ còn lại không quá 400.000 người.

Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại Lugansk. Hội đồng thành phố Lugansk hôm 9/8 cho biết thành phố với 425.000 dân này đã không có điện và năng lượng từ một tuần nay. Một phần của thành phố vẫn đang bị tấn công và hầu hết các cửa hàng đã đóng cửa.

Dòng người di dân dời khỏi Donetsk.

Theo ước tính, có khoảng 1.500 người đã thiệt mạng và 4.000 người bị thương kể từ khi chính quyền Kiev mở các đợt tấn công lực lượng đòi liên bang hóa ở miền Đông Ukraina. Số lượng người dân di tản khỏi vùng chiến sự đã lên đến hàng triệu.

Theo số liệu mới nhất, số người dân miền Đông Ukraina đang sống tại các điểm tạm trú của Nga đến nay đã vượt quá con số 51.000 người, tăng gần 6.000 người trong vòng chưa đầy một tuần qua.

Người phát ngôn Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga Aleksandr Drobyshevsky ngày 11/8 cho biết, nước này đã triển khai 703 điểm tạm trú tạm thời để trợ giúp người dân ở miền Đông Ukraina phải chạy khỏi đất nước do các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội chính phủ và lực lượng đòi liên bang hóa. Tính đến nay, có 51.319 người dân Ukraina, trong đó có 17.027 trẻ em đang tị nạn ở Nga. Tất cả những người này đều được cung cấp lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác.

Quân đội chính phủ Ukraina đang bao vây thành phố Donetsk chuẩn bị cho cuộc chiến cuối cùng.

Để trợ giúp người tị nạn, giới chức Nga đã thiết lập một đường dây nóng và đã nhận được hơn 6.100 yêu cầu trợ giúp. Ngoài ra, Nga cũng huy động các phương tiện giao thông, bao gồm cả máy bay của Bộ Tình trạng khẩn cấp để chở những người đi lánh nạn. Trong khi đó, những người Ukraina không biết sơ tán đi đâu phải lánh nạn ở các hầm trú bom. Các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội chính phủ và các tay súng chống đối đã khiến những người dân này phải hứng chịu tình trạng thiếu điện, nước, phương tiện liên lạc và đặc biệt là lương thực, cũng như phải đối mặt với nhiều vấn đề sinh hoạt nghiêm trọng khác.

Trước tình trạng này, Nga liên tục triệu tập các cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để cảnh báo một thảm họa nhân đạo sắp xảy ra và yêu cầu quốc tế can thiệp.

Mới nhất, hôm 8/8, trong cuộc họp khẩn cấp tại Liên Hiệp Quốc, đại diện Nga đề nghị tiến hành một chiến dịch nhân đạo hoặc mở các hành lang nhân đạo để giúp đỡ người dân ở miền Đông Ukraina. Dòng người tị nạn ngày càng tăng. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là số trẻ em mắc bệnh cần được chăm sóc y tế đặc biệt.

Tuy nhiên, phía chính quyền Ukraina và đại diện Mỹ đã bác bỏ đề nghị này của Nga vì sợ rằng, lực lượng Nga muốn vào Ukraina ngụy trang dưới hình thức phái bộ nhân đạo. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rõ là phương cách tốt nhất để đưa vật phẩm cứu trợ nhân đạo vào Ukraina là qua những tổ chức quốc tế có sẵn tại chỗ.

Về phần mình, Tổng thống Ukraina, Petro Poroshenko, cũng khẳng định sẵn sàng chấp nhận một phái bộ cứu trợ đến Lugansk, nhưng chỉ với điều kiện một phái bộ quốc tế như vậy phải phi vũ trang và nhập cảnh Ukraina qua các ngả biên giới do Kiev kiểm soát. Chính quyền Ukraina cũng đang lên kế hoạch sơ tán tất cả trẻ em ra khỏi vùng chiến sự.

Người dân tại miền Đông Ukraina trú ẩn dưới hầm tránh một cuộc tấn công đạn pháo của quân đội Ukraina nhằm vào khu vực này.

Không nản chí, Nga vẫn đang cố đàm phán với chính quyền Kiev, cũng như với các tổ chức nhân đạo quốc tế, Liên Hiệp Quốc và Hội Chữ thập đỏ để gửi viện trợ nhân đạo cho nhân dân các tỉnh Lugansk và Donetsk của Ukraina. Những cuộc thỏa thuận diễn ra khá căng thẳng, hiện tại mới chỉ đang đàm phán, nhưng đã có những tiến triển. Chỉ 3 ngày trước, Kiev, Washington, Berlin và London đã phản đối mạnh mẽ đối với sự trợ giúp nhân đạo của Nga. Họ nói rằng ở Đông Ukraina không cần phải viện trợ nhân đạo, vì ở đó "đã cung cấp các hỗ trợ cần thiết".

Đề nghị của Nga gửi cho các khu vực đó thực phẩm, vật dụng y tế, đồ dùng vệ sinh và đồ gia dụng được cho là phi lý và thậm chí còn đe dọa Nga sẽ bị trừng phạt bổ sung. Bộ phận báo chí của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra tuyên bố rằng "bất kỳ sự can thiệp nào của Nga ở Ukraina, ngay cả vì mục đích nhân đạo mà không có sự cho phép chính thức từ Chính phủ Ukraina là không thể chấp nhận, là vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ dẫn đến hậu quả trừng phạt bổ sung".

Trong khi đó, Nga đã gửi đơn chính thức lên Liên Hiệp Quốc, OSCE, Hội đồng châu Âu và Hội Chữ thập đỏ đề nghị tổ chức sứ mệnh nhân đạo ở Đông Ukraina, trong đó hàng nhân đạo sẽ được theo dõi, tháp tùng và phân phối bởi các nhân viên Hội Chữ thập đỏ.

Theo các chuyên gia Nga, ý tưởng hỗ trợ cho cư dân ở miền Đông Ukraina không phù hợp với kế hoạch của Kiev và các nước phương Tây. Sự hiện diện của một liên hệ chính thức như vậy, kể cả thông qua Hội Chữ thập đỏ, sẽ làm giảm mức độ căng thẳng tâm lý trong khu vực. Như vậy có nghĩa là kế hoạch đạt chiến thắng quân sự nhanh chóng của Kiev sẽ khó khăn hơn nhiều.

Nhưng dù sao đi nữa thì Kiev cũng không thể hoàn toàn khước từ viện trợ nhân đạo quốc tế. Trước đó họ tuyên bố rằng, các hoạt động quân sự trong khu vực sẽ không gây ra bất kỳ tác hại nào cho dân thường, quân đội Ukraina không bắn vào các khu dân cư và không giết thường dân.

Hiện nay, sự thật về những điều đó đã bị vạch trần. Còn phương Tây thì thích viện trợ cho quân đội Ukraina hơn. Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ thập đỏ đã ủng hộ đề xuất của Moskva về sứ mệnh nhân đạo. Sau đó, Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier đã thông qua thỏa thuận có thể giữa Nga và Ukraina về việc cung cấp viện trợ nhân đạo

M.T. (tổng hợp)
.
.