Ngày 12/11, Hội đồng Bảo an LHQ nhóm họp phiên khẩn cấp về tình hình Ukraina, trong bối cảnh lệnh ngừng bắn ở miền Đông thường xuyên bị vi phạm. Đây là cuộc họp thứ 26 của HĐBA để thảo luận về tình hình Ukraina và vẫn như trước đây, cuộc họp diễn ra trong bầu không khí Chiến tranh lạnh. Mỹ đã đề nghị triệu tập khẩn cấp cuộc họp để tố cáo Nga tiếp tục vũ trang cho phe nổi dậy, bất chấp kế hoạch hòa bình được ký kết ở Minsk.
Đại sứ Mỹ Samantha Power cho biết, các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã nhìn thấy 43 xe quân sự mang biển số dân sự, hiện diện ở phía đông Donetsk. Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) quan sát thấy hàng đoàn xe chở thiết bị quân sự Nga, xe tăng và binh sĩ, tiến vào Ukraina trong vòng 48 giờ qua.
 |
Tổng thống Ukraina Poroshenko (phải) cùng Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Stepan Poltorak bàn về các biện pháp lấy lại miền Đông. |
Tình hình được đánh giá là nghiêm trọng và các đại diện của LHQ bắt đầu nói đến nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn diện tại Ukraina. LHQ cũng nêu ra một khả năng khác là cuộc xung đột chỉ khoanh vùng ở miền Đông Ukraina, nhưng có thể kéo dài hàng năm, thậm chí hàng chục năm. Về phần mình, Nga đã bác bỏ mọi chỉ trích và nói rằng những cáo buộc của các nước cùng báo cáo của NATO không phản ánh tình hình hiện thời mà đúng hơn là những luận điệu tuyên truyền.
Phó Đại diện thường trực của Liên bang Nga tại LHQ Alexandr Pankin tuyên bố trang thiết bị và các lực lượng quân đội Nga đang hiện diện trên lãnh thổ Nga, nói về nguy cơ đe dọa Ukraina là không mang tính xây dựng. Đây là lời đáp trả câu hỏi của Yuri Sergeyev, đại diện thường trực Ukraina tại LHQ, về việc tại sao dường như hàng trăm thiết bị quân sự Nga đang ở gần biên giới Ukraina.
Theo ông Pankin, Moskva nghi ngờ “sự quan tâm chân thành” của Kiev trong việc giải quyết xung đột ở phía đông. Ông Pankin đồng thời nhấn mạnh rằng, Nga lấy làm thắc mắc với việc OSCE không có phản ứng gì về chuyển động của các lực lượng quân đội Ukraina ở miền Đông Ukraina.
Theo ông Pankin Kiev đã tận dụng việc ngưng giao tranh để mở rộng các vị trí quân sự và vì thế đó là điều logic khi lực lượng ly khai cũng tìm cách tăng cường vị trí của họ tại các khu vực bị tấn công.
Phát biểu trong cuộc họp nội các ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Stepan Poltorak tuyên bố: “Nhiệm vụ rõ ràng là chuẩn bị chiến đấu. Chúng tôi đang chuẩn bị cho việc này. Chúng tôi tiến hành điều quân, bố trí lại các lực lượng vũ trang. Khối lượng lớn công việc chuẩn bị tuyến phòng thủ đầu tiên đã hoàn thành, hiện đang tiến hành chuẩn bị tuyến thứ hai”. Tuy nhiên, ông Poltorak cũng lưu ý rằng quân đội chính phủ, vẫn chưa quyết định xong những vấn đề cần chuẩn bị đối phó với mùa đông.
Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Ukraina ngày 6/11 đã công bố kế hoạch mua sắm vũ khí và thiết bị quân sự trị giá 792 triệu Hryvnia (gần 60 triệu USD) từ nay đến cuối năm 2014. Động thái trên diễn ra ngay sau khi Tổng thống Poroshenko ký sắc lệnh tăng chi tiêu cho Bộ Quốc phòng năm 2014 lên mức 3% GDP, đồng thời tiến hành hàng loạt các biện pháp nhằm củng cố Lực lượng vũ trang và tổ hợp công nghiệp-quốc phòng của nước này vào ngày 3/11 vừa qua.
Trước đó, ngày 26/9 Bộ Quốc phòng Ukraina đã được cấp hơn 17,8 tỉ Hryvnia, trong đó 8,1 tỉ Hryvnia chi cho lĩnh vực hậu cần và 9,7 tỉ Hryvnia chi trả những khoản khác cho quân nhân.
 |
Xe tăng của lực lượng ly khai tại miền đông Ukraina. |
Việc chính quyền Ukraina tăng ngân sách quốc phòng và đẩy mạnh mua sắm vũ khí diễn ra giữa lúc cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraina vẫn căng thẳng. Ngày 9/11, giao tranh ác liệt đã diễn ra tại Donetsk khiến ít nhất 24 lính ly khai thiệt mạng.
Ngày 12/11, các cuộc pháo kích lại diễn ra ác liệt tại Donetsk. Các trận pháo kích dữ dội đã gia tăng rất nhiều so với những ngày trước đó. Người dân tain miền Đông Ukraina đang hết sức lo ngại tình hình chiến sự sẽ nghiêm trọng thêm vì nhiều quân lính đã được điều đến Donetsk trong mấy ngày qua.
Tình hình tại miền Đông Ukraina đã xấu hẳn đi, từ sau khi phe ly khai tổ chức bầu cử. Kết quả là phe đòi ly khai đã thắng lớn ở các nước cộng hòa tự xưng. Ba ngày sau khi Tổng thống Ukraina ra lệnh quân đội dồn về miền Đông để chiếm lại vùng đất do lực lượng ly khai kiểm soát.
Theo giới quan sát, với những gì đang diễn ra tại thực địa, cộng với các bế tắc ngoại giao ở Ukraina cũng như giữa các nước có liên quan, một cuộc chiến toàn diện giữa lực lượng ly khai với quân đội Kiev là điều khó tránh khỏi trong những ngày tới. Thủ tướng Ukraina Arseni Yasenyuk hôm 5/11 tuyên bố, Kiev tạm thời dừng chi trả ngân sách cho các khu vực đòi độc lập ở hai tỉnh miền Đông là Donetsk và Lugansk, tuy nhiên sẽ tiếp tục cung cấp điện và khí đốt cho khu vực này.
Phát biểu tại cuộc họp nội các, Thủ tướng Ukraina cho hay, hiện các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng đòi độc lập vẫn đang cần ngân sách từ trung ương, tổng cộng khoảng 2,6 tỉ USD, tuy nhiên khi lực lượng này còn kiểm soát khu vực thì Kiev sẽ không cấp ngân sách. Thông báo của Thủ tướng Yasenyuk đã gây xôn xao, nhưng trước mắt thì cũng không thay đổi gì nhiều, vì trên thực tế thì hệ thống ngân hàng đã ngưng hoạt động từ tháng 7/2014 và người dân ở miền Đông cũng không nhận được gì từ Kiev.
Nếu như chính quyền các tỉnh Donetsk và Lugansk đòi ly khai khỏi Ukraina bằng kết quả cuộc bầu cử hôm 2/11 thì những biện pháp của chính quyền Kiev như hạn chế đi lại, cắt ngân sách cho miền Đông... đang đặt mạng sống của người dân ở đây vào vòng nguy hiểm. Hành động đó đang khiến chính những người dân nơi đây chán ghét chính quyền trung ương và thúc đẩy tiến trình độc lập của Donetsk và Lugansk diễn ra nhanh hơn.
Điều đáng nói là EU, Mỹ- NATO không giúp được gì, trong khi 2 nước Cộng hòa Donetsk và Lugansk tự xưng thì càng đánh càng mạnh. Cho nên, Kiev không phải tiến hành cuộc chiến với lực lượng ly khai mà thực chất là chiến tranh với nước Nga như Thủ tướng Ukraina Yatsenyuk đã cay đắng xác nhận.
Sự trừng phạt của EU-Mỹ với Nga chưa đủ độ để buộc Moskva thay đổi ý định. Sử dụng biện pháp quân sự với Nga của lực lượng NATO thì hoang tưởng. Vậy thì nhà cầm quyền Kiev sẽ lựa chọn biện pháp nào? Hoặc là đưa phần còn lại vào EU hoặc là liên bang hóa Ukraina. Nếu chấp nhận mất miền Đông để đưa phần còn lại vào EU, thì sẽ là một cuộc tự sát chính trị, chính quyền sẽ tan rã. Tiến hành liên bang hóa theo đề nghị của Nga cách đây 9 tháng? Tình thế giờ đã khác, Donetsk và Lugansk chưa chắc chịu liên bang hóa mà họ đang có xu hướng muốn độc lập hơn, cũng chưa chắc họ sẽ sáp nhập vào Nga như Crimea. Tương lai toàn vẹn lãnh thổ Ukraina là vô cùng u ám.
Một thông tin đáng chú ý khác là việc ngày 8/11, Nga đính chính lại rằng, Moskva chỉ tôn trọng chứ không công nhận kết quả bầu tại Donetsk và Lugansk. Bình luận về diễn biến mới này, một quan chức cao cấp Chính phủ Nga khẳng định Moskva đã chủ ý lựa chọn cách tiếp cận an toàn đối với vấn đề bầu cử Ukraina để tránh phá hủy những kết quả đạt được sau bao khó nhọc.
Động thái mới nhất cho thấy Nga muốn chờ kết quả cuộc họp của EU về vấn đề Ukraina và Hội nghị G20 giữa tháng 11 này do trước đó phương Tây đã phong thanh chuyện tăng cấm vận sau phát ngôn của Ngoại trưởng Lavrov nói rằng “Nga tôn trọng ý nguyện của người dân ở miền Đông Ukraina”
Mộc Thạch (tổng hợp)