Vác tiền đi tậu ễnh ương

Thứ Ba, 16/09/2014, 14:35

Lời các cụ ta thường nói không phải vậy, mà là "bán bò tậu ễnh ương" kia. Bởi thế, tác giả bài viết này xin kính cẩn bái các cụ 3 bái cho phép được mượn ý tứ thâm thúy, một sự so sánh tài tình, hài hước của các cụ, để nói về chuyện ngày nay, nó đã, đang và rồi sẽ diễn ra mà nội dung, ý nghĩa của nó không khác gì mấy chuyện ngày xửa, ngày xưa các cụ đã đề cập tới.

Lời người xưa, nói về một việc làm ngu dại, bán thứ có giá trị thiết thực để mua về cái thứ xấu hơn, kém hơn đó là bán bò tậu ễnh ương.

Bán bò. Gia đình có một con bò đem bán, ở nông thôn thế là lớn lắm, nhưng cũng chỉ là một bọc tiền nho nhỏ. Nhưng câu chuyện thời nay, ở một đơn vị cấp Cục, có bò đâu mà bán! Đành lấy tiền ngân sách đi mua, đi tậu. Một khoản tiền 7.180.000.000đ (bảy tỉ một trăm tám chục triệu) giá trị gấp hàng nghìn con bò thì cố nhiên phải vác chứ bọc vào túi nào đem đi cho đặng!

Sự việc trên, tình cờ tác giả bài viết này đọc được trên tờ Thanh Niên, số ra ngày thứ bảy (6/9/2014) tại trang 6 của số báo này, tác giả Thái Sơn đã nêu rất cụ thể, chi tiết sự việc. Vì vậy, chỉ xin tóm tắt vài ý chính như sau:

Chuyện xảy ra tại đơn vị Đoạn Quản lý đường thủy nội địa (QLĐTNĐ) số 1, thuộc Cục Đường thủy nội địa. Năm 2006, đơn vị này được trang bị dây chuyền tàu cuốc gồm: 2 xà lan, tàu trục thả phao, tàu lái, tàu cuốc với tổng trị giá 7,18 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, để phục vụ nạo vét luồng tàu chạy tuyến vận tải đường thủy Hải Phòng - Sơn La.

Đầu năm nay (2014), Đoạn QLĐTNĐ số 1 đã thành lập hội đồng thẩm định giá trị khối tài sản này. Kết quả là sau chưa đầy 8 năm toàn bộ các phương tiện trên đều hư hỏng nghiêm trọng. Mặc dù chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, đơn vị này đã thấy dây chuyền tàu cuốc không phát huy được công năng sử dụng, hệ thống quá nặng nề, công suất máy chính quá lớn, tiêu hao nhiều nhiên liệu làm tăng giá thành sản phẩm. Hơn nữa, chiều sâu đào chỉ được 2,5m nên không thể thi công được.

Tóm lại, hệ thống dây chuyền này không phù hợp, kém chất lượng. Vì vậy, đơn vị này đã làm báo cáo đề xuất và được cấp có thẩm quyền phê duyệt bán đấu giá toàn bộ dây chuyền này (cố nhiên là phải bán theo giá đồ thứ phẩm, sắt phế thải). Tại phiên đấu giá được tổ chức vừa qua, Hợp tác xã vận tải CP Mùa Xuân (thuộc tỉnh Nam Định) đã trúng thầu với tổng số tiền 562 triệu đồng.

Sự việc đã rõ, toàn bộ hệ thống dây chuyền máy móc cấu tạo bằng sắt thép mà chưa đầy 8 năm sử dụng cầm chừng đã trở thành phế thải, bán đi không được 10% giá trị khi mua, lạ lùng thay! Việc này không liên quan tới trách nhiệm của đương kim Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, kể cả cấp trên của ông, vì vụ việc xảy ra (đầu tư mua sắm phương tiện không phù hợp) khi họ chưa đảm nhiệm cương vị hiện nay.

Công việc tiếp theo là trách nhiệm của các cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của những người liên quan trong dự án mua sắm và chất lượng sản phẩm. Tỷ như mục mua tàu cuốc giá 2,4 tỉ đồng, máy do Trung Quốc sản xuất, vỏ lại do Viện Khoa học Công nghệ đóng; Tàu lai, phần máy không đoạt động được do hỏng trục cơ xéc măng, Pitton xi lanh bị bào mòn, hệ thống điện bị chập cháy… đơn vị cho bổ máy để kiểm tra khắc phục nhưng không được. Vậy tàu này đóng mới hay mua cũ mà đến nỗi tàn tạ như vậy?

Sự việc trên khiến người đọc nghĩ tới một thời người ta đua nhau nhập thiết bị cũ, thậm chí nhập cả rác về Việt Nam. Đã không ít chuyến tàu bị cấm nhập tái xuất. Điển hình trong việc mua đồ cũ đó là chiếc ụ nổi 83M của Vinalines, thời điểm tháng 6/2008 tại Nhật chỉ có 2,3 triệu USD (tương đương 37 tỉ đồng.

Người ta lại mua qua công ty môi giới với giá 9 triệu USD. Rồi thuê lai dắt về Việt Nam, sửa chữa, bảo hành, thuê bến neo đậu, tiền bảo quản, bảo vệ… dẫn tới tổng chi phí lên tới 525 tỉ đồng. Thế là ngân sách nhà nước phải bỏ ra 525 tỉ đồng để đổi lấy một đống sắt vụn và hàng chục cán bộ phải hầu tòa vì qua vụ này họ đã tham ô 1,66 triệu USD (tương đương 28 tỉ đồng) để chia chác nhau.

Cũng từ việc trên, khiến người đọc nghĩ tới thời gian gần đây, sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, chủ trương của Nhà nước cho vay vốn đầu tư nâng cấp tàu thuyền ở vùng đánh bắt cá trọng điểm từ tàu vỏ gỗ lên vỏ sắt với công suất lớn hơn. Đã có một số công ty tư nhân lập dự án xin vay vốn thực hiện. Nghe nói có công ty định mua ở nước ngoài hàng chục tàu mới và hàng trăm tàu vỏ sắt cũ. Nghe mà cứ giật mình thon thót.

Xin các cơ quan chức năng hãy hết sức thận trọng trong công tác thẩm tra, xác minh trước khi trình lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt nhằm tránh vết xe đổ cũ, thiết thực góp phần bảo vệ tài sản Nhà nước, tránh tiếng đời mai mỉa: Vác tiền đi tậu ễnh ương

K.T.D.
.
.