Vấn đề hạt nhân Iran: “Súng chuẩn bị siết cò”?

Thứ Ba, 07/02/2006, 11:52

Vấn đề hạt nhân Iran đã trở thành chủ đề nóng bỏng đầu năm. Nó được nhắc đến trong diễn văn Thông điệp liên bang của Tổng thống George W. Bush; được đưa ra Hội đồng Bảo an (UNSC) vào thượng tuần tháng 2/2006 và được đề cập tại các hành lang nghị trường châu Âu.

Tổng thống Iran M.Ahmadinejad tiếp tục cứng rắn trong khi Trung Quốc và Nga có khả năng phủ quyết luật cấm vận nhằm vào Teheran...

Một trong những động thái mang tính thách thức của Iran là tái khởi động chương trình làm giàu uranium ở mức độ nhỏ vào trung tuần tháng 1/2006. Ali Larijani - Chánh thương thuyết của Iran về vấn đề hạt nhân - thậm chí cho biết Iran có khả năng tiến hành chương trình làm giàu uranium ở mức độ cao hơn tại nhà máy Natanz, đồng thời cấm thanh sát viên LHQ đến tất cả nhà máy hạt nhân Iran nếu vụ hạt nhân được trình lên UNSC.

Cần nhắc lại, Iran hiện còn cách xa mục tiêu sản xuất 50.000 máy ly tâm cho chương trình làm giàu uranium tại Natanz vì đang chỉ có không đến 1.000 máy ly tâm. Tuy nhiên, báo cáo từ Cơ quan Nguyên tử năng lượng quốc tế (IAEA) cho biết có thể có mối liên hệ giữa Dự án muối xanh (chương trình thử nghiệm làm giàu uranium ở mức độ nhỏ) với loạt thí nghiệm “chất nổ mạnh và thiết kế tên lửa mà tất cả đều tiềm ẩn một hành động triển khai quân sự hạt nhân”.

Bản phác thảo đệ trình UNSC gồm vài ý chính: Tái đóng băng chương trình làm giàu uranium và những hoạt động tương tự của Iran; Xem xét việc dừng lại tiến trình xây dựng một nhà máy nước nặng có thể dùng trong công nghiệp plutonium cho chế tạo vũ khí; chuẩn y chính thức nghị quyết cho phép IAEA có nhiều quyền hạn hơn trong thanh sát; cho phép IAEA rộng tay hơn trong tiến trình điều tra các vấn đề liên quan chương trình hạt nhân, trong đó có việc “tiếp cận các cá nhân” để phỏng vấn cũng như đọc các tài liệu liên quan những thương vụ mua nguyên liệu hạt nhân - thiết bị ngoài thị trường chợ đen... Kết luận, báo cáo của IAEA nhấn mạnh, họ “quan ngại nghiêm trọng về chương trình hạt nhân Iran”.

Chính sách cứng rắn của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad khiến việc giải quyết bằng đàm phán rơi vào thế bế tắc. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mostafa Mohammad Najjar nói rằng Iran sẵn sàng “chơi” tất cả quốc gia nào tấn công vào các cơ sở hạt nhân nước họ. Tuy nhiên, cánh cửa cho đàm phán ngoại giao chưa đóng kín. “Ngũ đại cường” thường trực UNSC hôm 31/1/2006 dù đã đồng ý đưa vấn đề hạt nhân Iran lên UNSC nhưng hai thành viên Nga và Trung Quốc cũng yêu cầu UNSC nên chờ bản báo cáo của IAEA chi tiết hơn tại phiên họp thường kỳ vào tháng 3/2006 trước khi cộng đồng quốc tế đưa ra biện pháp cụ thể.

Phần mình, Iran dự tính dùng dầu hỏa để làm đối trọng với các nước phương Tây bằng việc yêu cầu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) gây khó khăn, nhưng ít nhất cho đến thời điểm này OPEC không tỏ ra nhiệt tình (Iran là nước lớn thứ hai trong OPEC với sản lượng dầu đạt 4,1 triệu thùng/ngày vào năm 2005, đạt doanh thu khoảng 45 tỉ USD).

Đàm phán (còn phía trước) chưa biết ngã ngũ thế nào nhưng có thể đặt câu hỏi rằng, liệu Mỹ có tấn công Iran một khi Teheran tiếp tục không thay đổi lập trường? Ít nhất về kế hoạch trên bàn giấy, Washington đã sẵn sàng tổ chức đồng minh thực hiện chiến dịch quân sự.

Theo F. William Engdahl (tác giả A Century of War: Anglo-American Oil Politics and the New World Order) viết trên Asia Times, tháng 1/2003, Tổng thống Bush đã ký tài liệu tuyệt mật mang tên Conplan 8022-02, trong đó phác thảo chiến dịch quân sự tấn công Iran mà không đổ quân bộ. Hè 2005, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld cũng chuẩn y (mật lệnh) Interim Global Strike Alert Order với chương trình tấn công quân sự tại bất kỳ địa điểm nào trên thế giới và giao Bộ Tư lệnh chiến lược (Stratcom) điều hành - theo Washington Post 15/5/2005.

Theo nhận định riêng của F. William Engdahl, nội các Bush - trước loạt khủng hoảng chính trị nghiêm trọng liên quan nội bộ Cộng hòa - chỉ có thể tấn công Iran vào trước kỳ bầu cử Quốc hội (Mỹ) giữa kỳ vào tháng 11/2006 hoặc có thể sau cuộc bầu cử ở Israel vào ngày 28/3/2006.

Trong một bài báo khác trên Asia Times, sử gia - chuyên gia phân tích chính sách an ninh Gareth Porter (tác giả quyển "Dominance: Imbalance of Power and the Road to War in Vietnam", phát hành tháng 6/2005) cho biết thêm Washington đúng là đã có nhiều “cử chỉ” cho thấy họ sẵn sàng thực hiện một cuộc chiến quy mô nữa tại Trung Đông. Ngày 12/12/2005, Giám đốc CIA Perter Goss đã gặp đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ và tờ báo địa phương Cumhuryet viết rằng nội dung cuộc gặp là bàn về khả năng ủng hộ từ Ankara cho chiến dịch quân sự nhằm vào Iran.

Nhật báo Đức Der Tagesspiegal cũng trích nguồn từ vài viên chức NATO về việc Mỹ nhắc đến khả năng đánh Iran. Nhà báo Seymour Hersh viết trên tờ The New Yorker kể rằng Mỹ đã tiến hành một số chiến dịch do thám mật trong khuôn khổ chiến dịch oanh tạc quy mô sau đó. Ngày 11/8/2005, chính Tổng thống Bush cũng nói trong một buổi họp báo rằng: “Tất cả khả năng chọn lựa đều đang nằm trên bàn”...

“Tất cả khả năng chọn lựa” của Tổng thống Bush ở đây hàm ý gì? Giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao; bằng sự thuyết phục ủng hộ từ Moskva và Bắc Kinh; bằng sức ép từ LHQ hoặc bằng chiến dịch bom đạn thật sự? Câu trả lời vẫn ở phía trước

M.Kim
.
.