Vấn đề hạt nhân ở Iran: “Bài toán hóc búa” đối với Washington

Thứ Bảy, 25/04/2009, 23:45
Việc chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang xem xét khả năng thay đổi chiến lược trong quan hệ với Tehran được nhìn nhận như là cơ hội cho những bước đột phá mới để có thể giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Trong khi chờ đợi những hành động thiện chí cụ thể từ phía Washington, Tehran sau một thời gian thăm dò đã có những hồi đáp tích cực đầu tiên khi tuyên bố sẵn sàng tham gia đàm phán với nhóm "5+1" (Gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an và Đức).

Với bước ngoặt mới này, vấn đề công luận đang quan tâm hiện nay là, những lời giải nào sẽ được áp dụng cho "bài toán hóc búa Iran" trong thời gian tới?

Sẽ có những thay đổi căn bản trong chiến lược của Washington?

Sau những tuyên bố mang tính thiện chí đầu tiên, chính quyền Barack Obama giờ đây đang tập trung cân nhắc về những thay đổi cụ thể trong chính sách của mình. Có nhiều khả năng điều kiện tiên quyết trước đây của Washington - yêu cầu Tehran phải ngừng ngay quá trình làm giàu uranium trước khi đàm phán - sẽ được bãi bỏ.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, ông Obama đang buộc phải gấp rút, nhưng không thể không thận trọng, tìm ra cách để đàm phán có hiệu quả với người Iran.

Cụ thể là Mỹ và các đối tác phương Tây đang soạn thảo những đề xuất mới để giải quyết chương trình hạt nhân của Iran, trong đó có việc thuyết phục quốc gia này mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận của các thanh sát viên quốc tế tại các cơ sở hạt nhân. Tất nhiên còn phải có những hạn chế nhất định, nếu như Washington chấp nhận khả năng Iran vừa tham gia đàm phán, vừa làm giàu uranium.

Nếu như Tổng thống Obama thông qua tất cả những đề xuất trên, theo như đánh giá của tờ The New York Times, đó sẽ là một bước biến đổi hết sức quan trọng trong chiến lược ngoại giao của Mỹ.

Cần nhớ là từ trước đó, chính quyền tiền nhiệm của George Bush luôn yêu cầu phải ngừng ngay lập tức mọi hoạt động của các cơ sở hạt nhân Iran trước khi chính thức đàm phán. Các đề xuất của nội các Bush đã được phản ánh trong 3 nghị quyết trước đó của Hội đồng Bảo an, tất cả đều bị phía Iran "phớt lờ" thực thi. Iran bất chấp những biện pháp cấm vận quốc tế, vẫn đang vận hành được tới 5.500 máy ly tâm, về mặt lý thuyết trong vòng một năm có thể sản xuất đủ uranium để chế tạo 2 quả bom hạt nhân.

Bên trong một cơ sở hạt nhân của Iran.

Bước đột phá của vấn đề này (ngay cả khi chỉ mang tính tượng trưng) vẫn có ý nghĩa quan trọng với Mỹ nhằm thể hiện vai trò của mình trong cuộc chiến chống phổ biến vũ khí hạt nhân, nhất là vào thời điểm CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ tái khởi động chương trình hạt nhân của mình.

Xét một cách tổng thể, mục đích cuối cùng của Washington thực ra vẫn như trước kia - đó là ngăn chặn hoàn toàn tiến trình làm giàu uranium tại Iran. Điểm khác biệt duy nhất là "quỹ thời gian" của ông Obama sẽ không còn nhiều như trước đây, nếu tính tới cả những lời cảnh báo từ phía Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông.

Theo thông tin được chính báo chí Mỹ đăng tải, một quan chức cao cấp của Israel trong chuyến công du Washington mới đây đã tuyên bố thẳng thừng rằng, Tổng thống Obama chỉ còn thời gian từ nay đến cuối năm để có thể "ngăn chặn hoàn toàn" việc làm giàu uranium tại Iran. Trong trường hợp ngược lại, quốc gia Do Thái đã "bóng gió" rằng, họ sẽ tự đứng ra giải quyết vấn đề trên bằng cách sử dụng vũ lực.

Washington đã có những nỗ lực cụ thể đầu tiên vào tuần trước, khi Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng, Mỹ sẽ trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán của LHQ và các nước châu Âu với Iran về vấn đề hạt nhân của nước này.

Trước mắt, Washington đã đề nghị Ủy viên Liên minh châu Âu về đối ngoại Javier Solana chính thức mời Iran tham gia các cuộc hội đàm mới với nhóm "5+1". Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng nhấn mạnh thêm, nước Mỹ từ thời điểm này sẽ trở thành "một đối tác đầy đủ ý nghĩa" trong quá trình đàm phán của nhóm "5+1" với Iran.

Phản ứng từ phía Iran

Sau một thời gian phản ứng có phần dè dặt, thậm chí "im hơi lặng tiếng" trước những đề xuất của ông Obama, phía Iran cuối cùng đã có những phản hồi cụ thể.

Tổng thống Mahomud Ahmadinejad mới đây đã tuyên bố: Iran sẵn sàng quên đi quá khứ và sẵn sàng tiếp tục đàm phán về vấn đề hạt nhân "từ đầu". Theo lời của nguyên thủ Iran, Tehran hiện tại đang chuẩn bị một gói các đề xuất dành cho nhóm "5+1" để trên cơ sở đó có thể triển khai quá trình đàm phán trong tương lai.

"Họ đang đề nghị chúng tôi cần phải giải quyết vấn đề bằng các biện pháp ngoại giao. Chúng tôi cũng đồng ý với điều này và cũng là những người ủng hộ cho việc đàm phán" - ông Ahmadinejad cho biết, đồng thời cảnh báo không thể đàm phán với nhân dân Iran trên quan điểm của kẻ mạnh.

"Hiện nay không một siêu cường nào có thể áp đặt bất cứ điều gì cho nhân dân Iran" - người đứng đầu Nhà nước Iran nhấn mạnh.

Thư ký Hội đồng Tối cao về an ninh quốc gia Iran là Said Jalili hôm 13/4 vừa rồi cũng chính thức tuyên bố trên Đài Truyền hình quốc gia Iran về việc nước này đã sẵn sàng tham gia đàm phán về vấn đề hạt nhân của mình. Quan điểm này cũng được ông Jalili khẳng định từ trước đó qua cuộc điện đàm trực tiếp với đại diện về đối ngoại của EU là Javier Solana. 

Dù đã có những thay đổi đáng kể về thái độ và cách tiếp cận, mục tiêu cuối cùng của mỗi bên về căn bản vẫn được đánh giá là "bất di bất dịch". Phía Mỹ vẫn muốn Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân của mình với bất cứ giá nào. Trong khi Tehran ngược lại vẫn trung thành với quan điểm sẽ tiếp tục chương trình hạt nhân vì hòa bình mà không thế lực bên ngoài nào có thể ngăn cản. Tìm được mẫu số chung cho hai quan điểm gần như trái ngược này chắc chắn vẫn là một bài toán khó đối với chính quyền của Tổng thống Barack Obama

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.