Vấn đề hạt nhân trong quan hệ Nga - Mỹ

Thứ Ba, 17/02/2009, 19:45
Ngay trong cuộc họp báo đầu tiên của mình kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama đã ngay lập tức nhấn mạnh đến ý nghĩa của khả năng đạt được những thỏa thuận Nga - Mỹ trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, đặc biệt là những nỗ lực trong việc ngăn chặn nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia nhận định rằng, Washington muốn tận dụng các thỏa thuận về vũ khí hạt nhân với Moskva để làm phương tiện giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran...

Tăng cường hợp tác với Nga

Cuộc họp báo đầu tiên của ông Obama có nội dung ban đầu chủ yếu liên quan đến các nỗ lực của ông nhằm thuyết phục Quốc hội thông qua chương trình chống khủng hoảng kinh tế, và một phần trong đó là quan hệ của chính quyền mới với Iraq, Afghanistan và Pakistan.

Tổng thống Mỹ bắt đầu chuyển chủ đề, sau khi các nhà báo quan tâm đến quan điểm của Nhà Trắng đối với nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Trung Đông.

Ông Obama không chỉ nhắc tới nguy cơ hiện hữu của mối đe dọa này, mà còn thừa nhận rằng, hệ thống rào cản của quốc tế nhằm ngăn chặn nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân đã suy yếu đi đáng kể từ vài năm gần đây, và đã đến lúc "cần phải củng cố lại các thỏa thuận trong lĩnh vực này".

"Một trong những nhiệm vụ trọng tâm sắp tới của tôi là phải ngăn chặn được nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Tôi cho rằng, điều kiện quan trọng là Mỹ và Nga phải cùng nhau xây dựng được một lộ trình và tôi đã nói về điều này trong cuộc trò chuyện với Tổng thống Nga Medvedev. Tôi nghĩ rằng đối với Mỹ, điều quan trọng là phải cùng với Nga đi đầu trong tiến trình này". Ông chủ mới của Nhà Trắng còn khẳng định, tấm gương hợp tác Nga - Mỹ sẽ thức tỉnh các quốc gia khác phải từ bỏ tham vọng về vũ khí hạt nhân.

Từ trước đó, chủ đề giải giáp vũ khí hạt nhân đã bắt đầu được nhắc đến trong tuyên bố của các đại diện trong chính quyền mới tại Washington, trước tiên là Phó tổng thống Joseph Biden trong Hội nghị quốc tế về an ninh vừa qua tại Munich.

Tờ The Times sau đó còn tiết lộ một thông tin khẳng định, ông Obama đang dự định đề xuất với Nga cùng cắt giảm tới 80% kho vũ khí hạt nhân của cả hai nước, tức là tới cả ngàn đầu đạn.

Những thông tin trên cùng với những cuộc đàm phán trực tiếp của ông Biden với Phó thủ tướng thứ nhất của Nga Sergei Ivanov đã được coi là một sự kiện gây chú ý tại Hội nghị Munich 2009, khiến báo chí Mỹ đã vội vàng đánh giá về một quá trình "tháo ngòi nổ" mới trong quan hệ Nga - Mỹ.

Theo những thông báo từ trước đó, Moskva và Washington đều khẳng định sự sẵn sàng trong thời gian gần nhất sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm xây dựng một thỏa thuận song phương mới thay thế cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START-1) sẽ hết hạn vào đầu tháng 12 năm nay.

Với những thiện chí được thể hiện từ chính quyền mới tại Washington, triển vọng hợp tác Nga - Mỹ trong lĩnh vực kiểm soát và cắt giảm vũ khí trên toàn thế giới được đánh giá là khá sáng sủa. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những bất đồng lớn có thể đe dọa tới khả năng hợp tác Nga - Mỹ trong lĩnh vực hạt nhân, chí ít là khả năng thực thi của kế hoạch cắt giảm đầy tham vọng nói trên.

Đầu tiên chắc chắn sẽ là những rào cản liên quan đến hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ tại châu Âu. Trong khi chính quyền mới của ông Obama vẫn tỏ ra "lập lờ" về vấn đề này, Moskva lại luôn coi đây là điều kiện tiên quyết có ý nghĩa quan trọng để khai thông những bất đồng.

Xét về quan điểm quân sự, việc giảm bớt trên quy mô lớn kho vũ khí hạt nhân của cả hai nước trong bối cảnh Mỹ vẫn tích cực triển khai hệ thống lá chắn tên lửa vẫn có thể phá vỡ thế bình quân về hạt nhân Nga - Mỹ.

Ngoài ra, kinh nghiệm từ nhiều giai đoạn giải trừ trước đây đã cho thấy, chính quyền Mỹ nhiều khi đã không phá hủy các đầu đạn của mình, mà chỉ đưa vào trong kho bảo quản và cất giữ.

Nga mặt khác cũng công khai bày tỏ thái độ không chấp nhận những nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế những mối quan hệ kinh tế - thương mại với Iran, với lý do liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran.

Mỹ sẽ đối thoại trực tiếp với Iran?

Theo các nhà quan sát, Mỹ đang muốn tận dụng những thỏa thuận chặt chẽ hơn với Nga để làm cơ sở giải quyết nguy cơ về vũ khí hạt nhân của Iran. Tổng thống Mỹ rõ ràng đã cố liên kết chủ đề hợp tác với Moskva trong lĩnh vực không phổ biến vũ khí hạt nhân với khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp tại Trung Đông, quan trọng hàng đầu là nguy cơ mở rộng kho vũ khí hạt nhân tại đây.

"Cả thế giới sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm, nếu như vũ khí hạt nhân xuất hiện tại một khu vực có nhiều bất ổn như Trung Đông" - Obama đã tuyên bố như vậy. Cũng theo ông Obama, Washington hiện "đang tìm kiếm những lĩnh vực để có thể khởi xướng đối thoại mang tính xây dựng với Iran".

Tổng thống Barack Obama có thái độ khá thận trọng khi đánh giá về "vấn đề gai góc" lâu nay đối với nước Mỹ là Iran. Nhưng Tổng thống Obama vẫn khẳng định: "Việc phía Iran hỗ trợ tài chính cho các tổ chức khủng bố như Hezbollah và Hamas, cũng như tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân của họ đang đi ngược lại với quyền lợi không chỉ của Mỹ, mà của cả thế giới nói chung".

"Chúng ta cần phải hành động bằng tất cả các phương tiện có thể, trong đó có cả biện pháp ngoại giao" - Tổng thống Mỹ nói, đồng thời thông báo thêm, nhóm chuyên trách về an ninh quốc gia trong chính phủ mới đang xem xét lại một chính sách thực tế hơn với Iran. Nói một cách chi tiết hơn, người Mỹ đang xác định các vấn đề qua đó "có thể tiến hành đối thoại mang tính xây dựng".

Ông Obama khẳng định rằng, chính quyền Mỹ đang thể hiện mong muốn đối thoại với Tehran theo một phong cách mới. "Giờ đây, đến lượt Iran phải gửi cho chúng tôi những tín hiệu cho thấy, họ cũng muốn hành động tương tự" - Tổng thống Mỹ kết luận.

Trước động thái trên, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad của Iran sau đó cũng công khai tuyên bố, Iran sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Mỹ "trên tinh thần công bằng và tôn trọng lẫn nhau". Dù hai bên đã bước đầu thể hiện thiện chí, nhưng theo các chuyên gia, vẫn còn quá sớm để có thể nói về khả năng giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran trong thời gian ngắn tới đây

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.