Vấn đề người nhập cư chia rẽ cựu lục địa

Thứ Năm, 20/08/2015, 12:30
Làn sóng người nhập cư ồ ạt đổ vào châu Âu trong những tháng qua đang trở thành mối lo ngại lớn nhất đối với “lục địa già”, át cả nỗi lo về kinh tế và thất nghiệp. Không những thế, tranh cãi liên quan vấn nạn này đang làm nảy sinh những chia rẽ mới trong nội bộ khối.

Biến động chính trị tại Trung Đông và châu Phi là nhân tố chính tạo nên làn sóng người tị nạn di cư sang châu Âu. Kể từ năm 2011, số lượng những vụ vượt biên trái phép vào Liên minh châu Âu (EU)  đã tăng vọt sau cơn địa chấn mang tên “Mùa xuân Arập” khi hàng nghìn người Tunisia bắt đầu cập bến đảo Lampedusa của Italia, nơi chỉ cách Tunisia 113 km.

Song, câu chuyện trở nên phức tạp hơn trong vài năm qua, khi nhiều quốc gia Bắc Phi rơi vào bất ổn, khiến dòng người đi tìm nơi thoát nạn và mưu sinh ở châu Âu tăng vọt. Những người dân thuộc khu vực Nam sa mạc Sahara từng tới Libya trong những năm 2011-2012 cũng bắt đầu chạy trốn khỏi quốc gia hỗn loạn này để tìm nơi trú ẩn mới.

Giới phân tích cho rằng đối với châu Âu, đây có thể coi là việc phải “gặt bão” cho hành động “gieo gió” của mình, bởi dòng người di cư vào châu Âu xuất phát chủ yếu từ những nước châu Phi mà phương Tây tìm cách lật đổ chính quyền để “gieo mầm dân chủ” như Lybia, Ai Cập, Syria...

Ngoài những người là nạn nhân của các cuộc xung đột, một động lực khác thúc đẩy những con người bất chấp mạo hiểm với mạng sống của chính mình là họ hy vọng tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn nơi quê nhà. Chỉ tính riêng từ bờ biển Libya, mỗi tháng có hàng chục nghìn người di cư và tị nạn, chủ yếu đến từ Syria, Libya, Nigeria, Bangladesh… chen chúc trên những con thuyền cũ nát, ọp ẹp vượt Địa Trung Hải tìm cách cập bến Italia, Malta, Hy Lạp. Tại đây, những trại tạm cho người nhập cư lúc nào cũng chật cứng người, trở thành gánh nặng cho các nước châu Âu "tuyến đầu".

Trong bối cảnh dòng người nhập cư và tị nạn tới châu Âu ngày càng nhiều, nhưng có một thực tế là sự phân biệt giữa những người tìm kiếm quy chế tị nạn chính trị và di cư vì lý do kinh tế thực sự không rõ ràng, mặc dù hai nhóm này, theo quy định của luật pháp quốc tế, được hưởng những mức độ trợ giúp và bảo vệ khác nhau.

Sự nhập nhèm này bị các quy định khác nhau về việc nộp đơn xin tị nạn chính trị của 28 quốc gia thành viên EU làm cho rối rắm hơn. Do vậy, EU không chỉ phải đối mặt với bài toán về số lượng người nhập cư mà việc tiếp nhận những người này theo cách nào đang là vấn đề gây tranh cãi trong giới chức châu Âu.

Giới chức EU đã tiến hành nhiều cuộc họp khẩn và rất nhiều giải pháp đã được đề cập, nhưng cho đến nay dường như vẫn chưa có phương án nào được coi là tối ưu. Ủy ban châu Âu đã đưa ra một đề xuất gây tranh cãi là các nước thành viên EU sẽ phải tiếp nhận người tị nạn theo quy chế phân bổ hạn ngạch. Tuy nhiên, cho đến nay Anh vẫn  phản đối kế hoạch này.

Quan điểm phản đối của London đặt Thủ tướng Anh David Cameron vào thế mâu thuẫn với người đồng cấp Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo EU khác, đặc biệt trong bối cảnh ông đang khởi động kế hoạch tái thương lượng mối quan hệ của Anh với EU trước khi tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân vào năm 2017 về việc Anh nên tiếp tục ở lại hay rời khỏi EU.

Trong khi đó, kế hoạch tái sắp xếp 40.000 người nhập cư tại Italia và Hy Lạp vào các nước EU khác trong 2 năm tới vẫn chưa ngã ngũ khi một số nước chỉ đồng ý tái sắp xếp cho khoảng 32.000 người, trong khi giới lãnh đạo EU đặt ra chỉ tiêu 40.000 người.

Một vấn đề gây chia rẽ nữa trong EU là Italia và Hy Lạp thông thường là những nước tiếp đón đầu tiên người nhập cư, nhưng đây lại không phải là điểm đến cuối cùng. Sau một thời gian được phân loại trong các trại tị nạn, dòng người nhập cư lại tìm mọi cách di chuyển lên phía bắc châu Âu, tìm đến những nước có chế độ an sinh xã hội tốt ở Bắc Âu như Đức, Na Uy, Thụy Điển hoặc tìm đường sang Anh.

Trong khi theo quy định từ Brussels, khi một người nhập cư bất hợp pháp đặt chân đến châu Âu, nước tiếp nhận đầu tiên phải thiết lập bộ nhận dạng để làm căn cước quản lý cá nhân đó và người nhập cư trái phép buộc phải xin tị nạn tại ngay đất nước đầu tiên tiếp nhận. Tuy nhiên, điều này lại vượt quá khả năng gánh vác của những nước cửa ngõ phía nam châu Âu, nhất là Italia, nơi nhận đến ba phần tư số người nhập cư trái phép từ Bắc Phi.

Chính vì lý do này, Cảnh sát Italia đã thả lỏng kiểm soát và để dòng người này tiếp tục di chuyển lên phía bắc. Còn một “điểm tập kết” khác của người nhập cư là cảng Calais, thuộc miền Bắc nước Pháp, điểm đến trước khi vào Anh bằng tuyến đường hầm qua eo biển Manche. Lúc cao điểm có tới 2.000 người tìm cách trốn sang Anh chỉ trong một đêm. Nhiều người bất chấp cả tính mạng, đối đầu với các lực lượng an ninh tại đường hầm.

Trước tình thế khó kiểm soát này, một số chính trị gia cho rằng châu Âu nên học theo chính sách quản lý nhập cư của Australia. Kể từ năm 2013, quân đội Australia đã mở chiến dịch “Biên giới có chủ quyền” để chặn đứng dòng người tị nạn vượt đại dương tới "xứ sở chuột túi".

Hầu hết các tàu chở người tị nạn đã bị lực lượng hải quân nước này chặn từ ngoài khơi xa, khiến những người này lại phải tiếp tục lênh đênh nhiều ngày trên biển để trở về nơi xuất phát. Tuy nhiên, chính sách này này bị coi là quá hà khắc cho dù cũng có ý kiến ủng hộ cách làm này bởi thực tế cho thấy nó đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc ngăn chặn làn sóng di cư trái phép.

Tranh cãi cho một giải pháp được cả “lý và tình” có lẽ sẽ vẫn là bài toán khó đối với “cựu lục địa” vốn tồn tại nhiều bất đồng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khó khăn kinh tế đang là yếu tố hạn chế cho bất kỳ việc triển khai kế hoạch nào của khối.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.