Vấn đề quyền con người ở Việt Nam: Một thực tế không thể xuyên tạc

Thứ Ba, 19/05/2009, 05:45
Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam, do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao nước ta, ông Phạm Bình Minh, trình bày chiều ngày 8/5 (giờ địa phương) tại khóa họp thứ V của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ), tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ), với sự tham dự đầy đủ của đại diện 192 quốc gia thành viên cùng nhiều tổ chức của LHQ và các tổ chức quốc tế khác, đã nhận được những phản hồi khác nhau, song đa phần là tích cực.

Đây là lần đầu tiên, Việt Nam trình bày báo cáo quốc gia về việc thực hiện quyền con người tại một diễn đàn quốc tế lớn như vậy. Và đây cũng là việc làm bình thường thuộc trách nhiệm của một nước thành viên LHQ phục vụ cuộc điều tra chung của Hội đồng Nhân quyền LHQ với tất cả các quốc gia thành viên.

Báo cáo của Việt Nam gây được sự chú ý, vì nó đã trình bày một bức tranh tổng thể, nhưng không khái quát mà được cụ thể hóa bằng những dẫn chứng và số liệu, với các cơ sở pháp lý là Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như các cam kết, chủ trương, chính sách và hoạt động thực tiễn của Nhà nước Việt Nam để khẳng định một thực tế là ở Việt Nam, những quyền cơ bản của con người luôn được tôn trọng, bởi lẽ, như báo cáo đã nêu, "Nhà nước Việt Nam coi con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội và luôn nhất quán trong việc đảm bảo và thúc đẩy các quyền con người".

Một thực tế hiển nhiên không ai có thể phủ nhận  là người dân Việt Nam đã và đang được hưởng các quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, trong đó có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại và cư trú trên đất nước Việt Nam. Họ được bình đẳng trước pháp luật, được quyền tham gia quản lý công việc của Nhà nước và xã hội;  được quyền khiếu nại và tố cáo; được quyền lao động, học tập, chăm sóc sức khỏe..., không phân biệt giới tính, sắc tộc, tôn giáo, trong đó nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người thiểu số và người khuyết tật) được đặc biệt quan tâm.

Đoàn Đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị tại Geneva, Thụy Sĩ.

Lâu nay, vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, dưới góc nhìn sai lệch của những thế lực vốn có định kiến chính trị với Việt Nam, thường bị xuyên tạc, bị bóp méo.

Với những thông tin toàn diện, có sức thuyết phục về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam, Báo cáo của Việt Nam  tại Hội đồng Nhân quyền LHQ kỳ này là cơ sở để cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn, nhìn nhận khách quan hơn về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

Sau hơn 20 năm đổi mới, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định, bình quân đạt 7,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ dưới 200 USD/người (năm 1990) lên 1.024 USD/người (năm 2008). Trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Ưu tiên này cũng là nhằm thúc đẩy các quyền con người, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước và các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MTTNK) của LHQ.

Việc thực hiện "Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo" được Chính phủ thông qua tháng 5/2002 trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001-2010 đã góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia từ hơn 60% vào năm 1990 xuống còn 13.8% năm 2008. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên đạt MTTNK về xóa đói giảm nghèo và được quốc tế ghi nhận là một trong những quốc gia đi đầu về xóa đói giảm nghèo.

Xóa đói giảm nghèo phải đi đôi với giải quyết việc làm. Kết quả đạt được trong nỗ lực này là không nhỏ. Trong 8 năm (2001 - 2008), cả nước đã có 12,44 triệu việc làm mới.--PageBreak--

Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực giáo dục và y tế cũng góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quyền con người. Năm 2000, Việt Nam hoàn thành phổ cập tiểu học, vượt trước 15 năm so với thời hạn của MTTNK của LHQ và hiện đang tiến hành phổ cập trung học cơ sở. Tính đến hết năm 2007, 42/64 tỉnh, thành đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở. Hiện nay, Việt Nam được UNESCO xếp thứ 64/127 nước về phát triển giáo dục.

Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để mọi người dân thụ hưởng quyền được chăm sóc sức khỏe, ưu tiên các đối tượng phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật. Các chương trình, chính sách có tính chiến lược như tiêm chủng cho trẻ em, hỗ trợ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi, phòng chống lao, phòng chống HIV/AIDS... đã mang lại hiệu quả tích cực.

Tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 58% (1990) xuống còn 25,9%(2007), dưới 1 tuổi từ 31% (2001) xuống còn 16% (2007); tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em chỉ còn 21,2% (2007); tỉ lệ tử vong ở phụ nữ sau sinh giảm từ 233/100.000 trẻ đẻ sống (1990) xuống 75/100.000 trẻ (2007).

Rõ ràng đây là những con số ấn tượng, có sức thuyết phục cao mà báo cáo của Việt Nam đưa ra, khiến đại diện nhiều nước, nhất là những nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin, trong các  phát biểu "phản biện" của mình, đã đánh giá cao những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam mà những thành tựu đó là tiền đề quan trọng để đảm bảo quyền con người.

Đại biểu Sri Lanka, theo trích thuật của phóng viên TTXVN tại Geneva, cho rằng sự nỗ lực phấn đấu, hy sinh của nhân dân Việt Nam trong nhiều thập niên qua có thể coi là biểu tượng phấn đấu vì quyền con người trên thế giới.

Tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí là những vấn đề mà các thế lực không có thiện chí với Việt Nam thường xuyên tạc khi đề cập đến cái mà họ gọi là "thành tích" nhân quyền của Việt Nam. Báo cáo của Việt Nam cũng đã làm sáng tỏ những vấn đề nhạy cảm này.

Tính đến năm 2008, ở Việt Nam có 12 tôn giáo, trong đó một số tôn giáo có đông tín đồ như Phật giáo, Công giáo, Tin lành..., với  khoảng 20 triệu người theo các tôn giáo khác nhau và 80% số dân có đời sống tín ngưỡng. Nhà nước Việt Nam thừa nhận tôn giáo là nhu cầu chính đáng của con người và không ngừng phấn đấu đảm bảo đời sống tín ngưỡng cho người dân.

Đại lễ Phật đản LHQ năm 2008 được tổ chức trọng thể tại Việt Nam, với sự tham dự của hơn 4.000 tăng ni, phật tử, trong đó có khoảng 2.000 chức sắc, tín đồ đến từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, là bằng chứng sinh động về quyền tự do tín ngưỡng ở đất nước này.

Còn trong lĩnh vực thông tin báo chí, tính đến năm 2008, Việt Nam có gần 15.000 nhà báo được cấp thẻ,  hơn 700 cơ quan báo chí in với 850 ấn phẩm, 1 hãng thông tấn quốc gia, 68 đài phát thanh, truyền hình của trung ương và cấp tỉnh, một đài truyền hình kỹ thuật số mặt đất, 80 báo điện tử cùng hàng nghìn trang tin điện tử trên mạng Internet và 55 nhà xuất bản. Khoảng 20 triệu người Việt Nam thường xuyên truy cập Internet, chiếm 23,5% dân số, cao hơn mức trung bình của châu Á (18%).

Báo chí không chỉ là kênh cung cấp thông tin mà còn là diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội và của  nhân dân, là công cụ  bảo vệ lợi ích của xã hội, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của nhân dân và đóng vai trò quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt về quyền con người.

Ngoài hệ thống thông tin, báo chí trong nước, người dân Việt Nam còn được tiếp cận với thông tin của  hàng chục hãng thông tấn, báo chí và kênh truyền hình nước ngoài, như Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN và nhiều báo, tạp chí quốc tế lớn khác. Hàng chục cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài đặt phóng viên thường trú của họ tại Việt Nam và những phóng viên này được tạo những điều kiện thuận lợi để hoạt động nghiệp vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Những khi có các sự kiện lớn ở Việt Nam, hàng nghìn phóng viên báo chí quốc tế được phép vào Việt Nam hoạt động.

Ở một đất nước với các hoạt động tôn giáo và báo chí như thế, không thể nói là không có tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do báo chí.

Vậy mà tại diễn đàn quốc tế lớn này, vẫn còn những ý kiến phản biện đòi Việt Nam "cần cởi mở hơn về tự do báo chí".

Không thể tránh được sự khác biệt về cách nhìn nhận và đánh giá về giá trị nhân quyền tại một diễn đàn quốc tế đa phương. Song, sự thực là ở Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã và đang được hưởng đầy đủ những quyền cơ bản của con người. Đó là một thực tế không thể bị xuyên tạc

Nguyễn Quốc Uy
.
.