Vẫn một góc nhìn sai lệch

Thứ Ba, 03/11/2009, 15:50
Đã thành thông lệ, năm nào Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng công bố một "Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế". Và năm nào báo cáo này cũng vấp phải phản ứng từ nhiều quốc gia, vì những nhận xét, đánh giá về tình hình tự do tôn giáo, trong nhiều trường hợp, bị coi là không phản ánh đúng thực tế và thiếu khách quan, thậm chí bị coi là can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.

"Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2009" mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ  công bố ngày 26/10 vừa qua (giờ Washington) cũng vậy, vì họ vẫn xem xét tình hình thực hiện quyền tự do tôn giáo ở nhiều nơi, trong đó có Việt Nam, qua một góc nhìn sai lệch do định kiến chính trị cố hữu.

Trong phần nói về tự do tôn giáo ở Việt Nam, mặc dù buộc phải thừa nhận "có những tiến bộ" hoặc "tiếp tục có những cải thiện", nhưng báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn cho rằng "một số tín đồ tôn giáo tiếp tục bị đàn áp hoặc sách nhiễu" hoặc trong một số trường hợp, "cán bộ địa phương dùng bạo lực để buộc ngừng các buổi tụ họp tại nhà thờ, đóng cửa các nhà thờ tại gia chưa đăng ký và buộc các tín đồ phải từ bỏ tôn giáo, tín ngưỡng của mình" v.v và v.v...

Những nhìn nhận như vậy là hoàn toàn không đúng với thực tế ở Việt Nam, nơi quyền tự do tín ngưỡng của công dân được quy định rõ ràng trong Hiến pháp và được bảo đảm trên thực tế. Những thông tin về  "một số tín đồ tôn giáo tiếp tục bị đàn áp hoặc sách nhiễu" hoặc "cán bộ địa phương dùng bạo lực để buộc ngừng các buổi tụ họp tại nhà thờ, đóng cửa các nhà thờ tại gia chưa đăng ký và buộc các tín đồ phải từ bỏ tôn giáo, tín ngưỡng của mình" rõ ràng là không đúng; thậm chí có thể nói đó là những thông tin bị xuyên tạc, bị bóp méo. Ở Việt Nam hoàn toàn không có bất kỳ sự "đàn áp" hoặc "sách nhiễu" nào đối với các tín đồ tôn giáo và không ai bị bắt buộc phải từ bỏ tôn giáo, tín ngưỡng cũng như đức tin của mình.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói rõ rằng đã có những trường hợp một số tín đồ lợi dụng quyền tự do tôn giáo để tiến hành những hoạt động vi phạm pháp luật.

Trong những trường hợp như vậy, họ bị xử lý vì vi phạm pháp luật chứ không phải vì hoạt động tôn giáo. Không thể coi việc xử lý về mặt pháp lý đối với những tín đồ vi phạm pháp luật là hành động "đàn áp" hoặc "sách nhiễu" đối với tín đồ tôn giáo. Ở quốc gia nào cũng vậy, mọi hoạt động của công dân, kể cả việc thực hiện các quyền của mình, trong đó có quyền tự do tôn giáo, đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Rất đáng tiếc là Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại tiếp tục dựa trên những thông tin sai lệch về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam để đưa ra những đánh giá không khách quan. Cách nhìn nhận như vậy không những không phù hợp với xu thế tiến triển theo chiều hướng ngày càng tích cực của mối quan hệ Việt - Mỹ mà còn bị một số thế lực thù địch với Việt Nam lợi dụng để chống lại Việt Nam cũng như chống lại mối quan hệ này

N.Q.U.
.
.