Xung quanh nghị quyết lên án lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba:

Vẫn tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Thứ Ba, 03/11/2015, 10:55
Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua Nghị quyết lên án lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba, với tỷ lệ phiếu áp đảo 191/193 phiếu thuận, một tỷ lệ ủng hộ cao nhất mà Cuba giành được trong 24 lần đệ trình lên cơ quan tối cao này của LHQ yêu cầu Mỹ chấm dứt cuộc bao vây cấm vận phi lý kéo dài hơn nửa thế kỷ qua.

Thế nhưng, đáng tiếc là Mỹ và Israel vẫn bỏ phiếu chống, động thái này được hiểu là họ không muốn nhìn vào thực tế khi Washington và La Habana vừa mới mở đại sứ quán tại mỗi nước và đang nỗ lực thúc đẩy quá trình tái thiết lập quan hệ ngoại giao.

Có thể nói số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối vừa qua là một thắng lợi ngoại giao vang dội của Cuba. Trước thời điểm bỏ phiếu, đã có nhiều dự đoán về khả năng Mỹ có thể bỏ phiếu trắng để gia tăng sức ép đối với Quốc hội nước này về việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận chống Cuba. Hiện Quốc hội Mỹ là cơ quan duy nhất có khả năng tiến hành bước đi trên do chính sách này đã bị luật hóa năm 1996.

Nếu Washington bỏ phiếu trắng, đây sẽ lần đầu tiên một quốc gia tự bỏ phiếu phủ nhận hay ít nhất là nghi ngờ tính chính đáng của một văn bản luật vẫn còn hiệu lực của nước này. Bản thân Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã từng lên tiếng yêu cầu Quốc hội Mỹ hủy bỏ luật cấm vận Cuba và công khai chỉ trích chính sách trừng phạt này là lỗi thời và phản tác dụng.

Chưa rõ nguyên nhân thực sự dẫn tới quyết định của Chính phủ Mỹ: có thể do Washington không muốn tỏ ra "mềm yếu" trước giai đoạn tranh cử, cũng có thể Mỹ không muốn tạo ra một tiền lệ "xấu" tại diễn đàn LHQ hay không muốn trao thêm ưu thế cho Cuba trong đàm phán,…. Tuy nhiên, việc Mỹ vẫn giữ nguyên lá phiếu phản đối là hành động "trống đánh xuôi  kèn thổi ngược" trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang có những tín hiệu tích cực và cộng đồng quốc tế đang chờ đợi hai bên tiếp tục có những bước đi mạnh mẽ hơn nhằm cải thiện quan hệ.

Tổng thống Bolivia Evo Morales đã bình luận rằng: "Cả thế giới ủng hộ nghị quyết của Cuba ngoại trừ hai quốc gia. Mỹ vẫn không tôn trọng nghị quyết ấy. Vậy họ còn có thể nói gì về nền dân chủ?".

Một phiên họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Trong cuộc họp báo sau phiên họp toàn thể của ĐHĐ, trước các câu hỏi của phóng viên quốc tế yêu cầu bình luận về việc Mỹ tiếp tục bỏ phiếu chống lại nghị quyết lên án lệnh cấm vận Cuba, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez Parrilla một lần nữa kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua quyết định chấm dứt chính sách phong tỏa Cuba đồng thời bày tỏ hy vọng Quốc hội Mỹ thay đổi chính sách phi lý và tàn bạo đối với hòn đảo này.

Trong khi đó, trong phát biểu tranh luận và giải thích phiếu tại ĐHĐ, đại diện các nước và các nhóm nước như Không liên kết, G77 châu Phi, Cộng đồng các nước Caribe, MERCOSUR và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo… đã lên án mạnh mẽ lệnh cấm vận của Mỹ vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi Mỹ có trách nhiệm thực thi các Nghị quyết của ĐHĐ LHQ và chấm dứt ngay lệnh cấm vận phi pháp đối với Cuba.

Đại diện của Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Quốc hội gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba, đồng thời nhấn mạnh việc Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ tạo điều kiện để Cuba mở cửa nền kinh tế từ đó người dân Cuba có thể được thụ hưởng các quyền lợi chính đáng của mình. Theo EU, lệnh cấm vận không chỉ ảnh hưởng tới lợi ích Cuba mà ảnh hưởng cả Mỹ và EU.

Đại diện Ấn Độ nêu bật những tác động tiêu cực mà lệnh cấm vận gây ra đối với người dân Cuba, như kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội của Cuba, gây ra sự tăng giá đối với các hoại hàng hóa, công nghệ, dịch vụ… làm ảnh hưởng tới quyền con người ở đất nước này nhất là quyền được hưởng các dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, lương thực, phát triển.

Đại diện Iran cũng cho rằng lệnh cấm vận đã ngăn cản Cuba tiếp cận các thị trường, các nguồn vốn viện trợ từ các thể chế tài chính, cản trở sự chuyển giao công nghệ, sự phát triển kinh tế xã hội của Cuba. Lệnh cấm vận cũng ngăn cản việc tiếp cận Internet, sự trao đổi văn hóa, thể thao, khoa học, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Cuba.

Phát biểu đại diện cho nhóm châu Phi, Cộng hòa Sierra Leone bày tỏ mong muốn Mỹ gỡ bỏ ngay lập tức lệnh cấm vận để người dân Cuba có được cuộc sống tốt hơn, đúng như chủ đề của Chương trình nghị sự Phát triển bền vững đến năm 2030 là "không ai bị bỏ lại phía sau".

Thay mặt cho cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe, đại diện Ecuador lên án chính sách bao vây cấm vận của Mỹ đối với Cuba là đi ngược lại tinh thần, nguyên tắc và mục đích của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Ecuador hy vọng Mỹ sẽ sớm gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba và rút khỏi nhà tù Guantanamo.

Giới phân tích cho rằng với quyết tâm của Cuba tiếp tục chính sách đối thoại để cùng tìm giải pháp cũng như đệ trình các nghị quyết tương tự chừng nào cuộc bao vây cấm vận "vẫn còn nguyên như hiện tại", cuộc đấu tranh chính nghĩa của Cuba cũng như ý chí kiên cường dân tộc sẽ được đền đáp xứng đáng. Tiến trình tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước hy vọng cũng không bị "trật bánh" dù còn nhiều chông gai và thách thức.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.