Về Hội nghị thượng đỉnh 3 bên Mỹ, Pakistan và Afghanistan

Thứ Hai, 18/05/2009, 15:40
Cuối tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo một chiến lược mới cho cả Afghanistan và Pakistan. 6 tuần sau, tình hình đã xấu tới mức biện pháp đột phá của Washington đứng trước nguy cơ phá sản. Nguyên nhân là do đâu và liệu cuộc gặp giữa 3 vị tổng thống tại Washington có tìm được lời giải cho bài toán khủng bố?

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có buổi hội đàm trong hai ngày (6 và 7/5) với Tổng thống Afghanistan, Karzai và Tổng thống Pakistan, Zardari tại Washington. Hội nghị thượng đỉnh 3 bên này diễn ra trong bối cảnh Mỹ lo ngại sẽ không thắng nổi Taliban và việc chi viện thêm 21.000 lính Mỹ trong thời gian tới cho Afghanistan cũng không thể trấn áp được lực lượng này.

Mục tiêu của cuộc gặp tay ba này đối với Tổng thống Mỹ là làm sao Afghanistan và Pakistan có thể hợp lực để đánh bại Taliban. Hội nghị này diễn ra đúng theo lộ trình trong cố gắng thuyết phục Quốc hội Mỹ bỏ phiếu ủng hộ chiến lược mới của Tổng thống Obama và nhất là để thông qua ngân sách khoảng 7,5 tỉ USD giúp đỡ phi quân sự cho Pakistan.

Tại Afghanistan, mùa đông kết thúc và các đợt tấn công của Taliban gia tăng trong các vùng núi non hiểm trở. Thủ đô Kabul cũng ngày càng khó kiểm soát, trong lúc Mỹ chuẩn bị phái thêm lực lượng sang đây để duy trì an ninh, đặc biệt cho cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan vào tháng 8 tới.

Còn tại Pakistan, cuối tháng 4 vừa qua, Taliban mở rộng các đợt tấn công và lấn chiếm ở vùng Tây Bắc nước này, thung lũng Swat, cách thủ đô Islamabad 100km.

Cuộc gặp trực tiếp giữa 3 tổng thống Afghanistan (trái), Mỹ và Pakistan.

Trước đó, Chính phủ Pakistan đã phải thỏa hiệp với Taliban và ký thỏa ước hòa bình ngày 16/2/2009 với hy vọng tìm một giải pháp hòa bình qua đối thoại. Tuy nhiên, chẳng những thỏa ước hòa bình bế tắc, mà việc này đã khiến cho chính quyền của Tổng thống Zardari bị Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton, lên án là đã "đầu hàng" Taliban, khi chấp nhận cho Taliban áp đặt luật Hồi giáo trong thung lũng Swat.

Bản thân ông Barack Obama đã phải lên tiếng lo âu trước một Chính phủ Pakistan "rất mong manh", không đủ năng lực để đối phó, cũng như để giải quyết các nhu cầu cơ bản của người dân.

Tại sao tình hình tại Afghanistan và Pakistan lại xấu đi như vậy? Trong cuộc gặp vừa qua, ông Karzai đã bị Tổng thống Obama chỉ trích nặng nề về cách điều hành yếu kém.

Cuối năm 2001, khi được chính quyền Mỹ chọn làm người điều hành chính phủ tạm thời tại Afghanistan, cho tới nay, tỉ lệ ủng hộ của người dân Afghanistan đối với ông Karzai không ngừng giảm sút (hiện giờ chỉ còn 14%). Trong con mắt người dân Afghanistan, vị tổng thống của họ giống như con rối của người Mỹ và thường lơ là với công việc. Ngay cả với người Mỹ, ông Karzai cũng bị coi là thiếu khả năng lãnh đạo...

Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng ông Karzai vẫn chắc chắn giành chiến thắng trong kỳ bầu cử vào ngày 20/8 tới, bất chấp sự bất ổn cũng như việc trỗi dậy của Taliban.

Về phía Pakistan, tuy được đánh giá là lá bài quyết định nhưng Islamabad lại không khỏi gây rất nhiều ngờ vực cho Mỹ. "Phía Pakistan có một trở ngại lớn về mặt chiến lược đối với những gì đang xảy ra là họ chú trọng vào việc đối phó với Ấn Độ trong khi gặp sự tấn công từ hướng tây" - Juan Zarate, một cựu phụ tá an ninh quốc gia chuyên về chống khủng bố thời Tổng thống George W. Bush, cho biết.

Trong khi tìm kiếm đồng minh có thể trông cậy được ở vùng Nam Á, các giới chức Mỹ đôi khi đưa ra những chỉ dấu trái ngược, có lúc ca ngợi sự hợp tác với quân đội Pakistan, nhưng có khi lại cáo buộc họ và cơ quan tình báo đầy quyền lực của quốc gia này là hỗ trợ Al-Qaeda.

"Một số người đã bày tỏ sự lo ngại là có các thành phần bên trong quân đội và cơ quan tình báo Pakistan có thể có cảm tình với các nhóm phiến quân, khiến cho chúng ta lo ngại"- Michele Flournoy, Thứ trưởng Quốc phòng đặc trách chính sách, tường trình trước Ủy ban quốc phòng Hạ viện Mỹ hồi tuần vừa rồi.

Tướng David Barno, cựu chỉ huy của Liên quân tại Afghanistan, cũng tuyên bố với Hãng Reuters: "Quân đội và tình báo của Pakistan tin chắc rằng kẻ thù số 1 của họ là Ấn Độ. Không một lãnh đạo nào có kinh nghiệm tại Pakistan đặt tin tưởng vào Mỹ và xem Washington là tác nhân hiện diện lâu dài trong khu vực này".

Mặt khác, không ít người trong các thành phần ưu tú của Pakistan cũng tỏ thái độ nghi kị đối với Tổng thống Afghanistan, và xem ông Karzai là người quá thân thuộc với Ấn Độ, kẻ thù truyền kiếp của Pakistan. Do đó, những người theo khuynh hướng này tại Pakistan chủ trương yểm trợ cho Taliban, xem đó là quốc sách để tiếp tục duy trì ảnh hưởng của Pakistan trên Afghanistan, đặc biệt trong thời kỳ hậu chiến, khi người Mỹ không còn hiện diện tại đây.

Như vậy có thể thấy rõ rằng chiến lược mới của ông Obama nhằm đánh bại Al-Qaeda và Taliban hoạt động tại Afghanistan và Pakistan đã không được sự ủng hộ hoàn toàn của cả hai nước này. Đây cũng là nguyên nhân tại sao tình hình tại hai quốc gia Nam Á này trở nên tồi tệ trong thời gian gần đây.

Điều khó khăn nhất cho ông Obama hiện nay là thuyết phục Pakistan nỗ lực chống Taliban và ngăn chặn lực lượng này sử dụng lãnh thổ Pakistan làm sào huyệt để thọc sâu vào Afghanistan, một vấn đề tranh cãi lớn giữa Islamabad và Kabul. Đặc sứ Mỹ trong vùng, ông Richard Holbrook, khi điều trần trước Quốc hội, đã nhấn mạnh rằng chính quyền Islamabad phải cho thấy rõ quyết tâm của mình. Tuy nhiên, ông cũng phủ nhận tin đồn cho rằng có nhiều bất đồng giữa chính quyền Mỹ và Pakistan.

Trong khi tìm cách chấm dứt cuộc chiến ở Iraq, chiến lược của ông Obama cho vấn đề Afghanistan và Pakistan đã được khen ngợi vì chú trọng vào việc gia tăng viện trợ và phát triển nhưng không trông cậy hoàn toàn vào một giải pháp quân sự để chống lại Al-Qaeda. Tuy nhiên, đến nay xem ra chiến lược này chưa được thực thi nhưng đã có nguy cơ thất bại. "Hiện nay chúng ta đang thua cuộc ở Afghanistan, nhưng chưa thua hoàn toàn" - Bruce Riedel, một cố vấn chiến lược của ông Obama, cho biết

Nguyễn Lê Bảo Phương (tổng hợp)
.
.