Vệ tinh Nga - Mỹ va chạm nhau trên quỹ đạo

Thứ Ba, 17/02/2009, 17:45
Quan chức cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ ngày 11/2 vừa qua cho biết, vệ tinh thương mại Iridium của Công ty LLC Mỹ và một vệ tinh thông tin quân sự đã hỏng của Nga, vừa xảy ra va chạm trên vùng trời phía bắc Siberia ở độ cao 800 km. Theo các nhà khoa học, đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại xảy ra sự kiện va chạm vệ tinh lớn trên quỹ đạo.

Người phát ngôn Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, rất nhiều mảnh vụn sản sinh sau vụ va chạm giữa hai vệ tinh này bay rải rác trong vũ trụ.

Theo Kelly Humphries, phát ngôn phiên của NASA thì Trạm không gian quốc tế ISS vốn di chuyển trên quỹ đạo thấp hơn (430km), sẽ không bị nguy hiểm. Tuy nhiên, những đám mây mảnh vỡ từ vụ va chạm trên lại đang đe dọa kính viễn vọng Hubble, ở độ cao 600km có nhiệm vụ dò xét vũ trụ và một số vệ tinh quan sát trái đất khác.

Humphries cho biết, các chuyên gia đang phân tích vụ tai nạn này để xem có hiểm nguy nào không và phải mất nhiều tuần nữa ảnh hưởng của vụ này mới được làm rõ.

Vệ tinh thương mại Iridium được phóng lên vào năm 1997 và vệ tinh của Nga được phóng vào năm 1993. NASA cho biết trước đây có 4 vụ va chạm do tai nạn nhưng tất cả đều không quan trọng, chỉ là những mảnh nhỏ của tên lửa đẩy hay vệ tinh nhỏ mà thôi. Công ty LLC hiện sở hữu 66 vệ tinh thương mại cho biết, việc này sẽ gây ảnh hưởng nhất định tới dịch vụ do công ty này cung cấp.

Vấn đề về rác thải vũ trụ một lần nữa lại được đặt ra. "Chúng tôi biết điều này sớm muộn cũng xảy ra"- nhà khoa học Mark Matney thuộc Trung tâm kiểm soát Houston nhận định.

Theo tính toán của các nhà khoa học, đến đầu năm 2009 trên vũ trụ tồn tại khoảng 17.000 mảnh vỡ - rác vũ trụ do con người thải ra.

Theo Trung tâm nghiên cứu không gian (CNES), hiện có khoảng 2.500 vệ tinh bay quanh trái đất. Vụ va chạm trên đang đặt ra yêu cầu cấp thiết là cần "dọn rác thải trong vũ trụ".

Theo CNES, có hai giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Thứ nhất là thu gom những mảnh vỡ không gian như dùng tàu vũ trụ chuyên biệt với các sợi cáp kéo hoặc rơ moóc để thu gom rác vũ trụ về hoặc dùng tia laser phá hủy những mảnh vỡ lớn. Hiện nay chưa một cơ quan nào xem xét việc này vì chi phí của nó là quá lớn và vũ trụ thì không thuộc quyền quản lý của bất cứ quốc gia nào.

Giải pháp thứ hai có vẻ thực tế hơn là đưa toàn bộ những mảnh vỡ trong vũ trụ ra một quỹ đạo khác, đảm bảo một số vùng quỹ đạo an toàn

H.N. (tổng hợp)
.
.