Nước Anh đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình:

Vì lợi ích kinh tế, thảm đỏ trải khắp nơi

Thứ Hai, 26/10/2015, 10:15
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm tới Anh 4 ngày. London muốn xóa tan đi tảng băng đang đè nặng lên quan hệ đôi bên, kể từ sau việc Thủ tướng David Cameron tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma năm 2012. Vì sao nước Anh lại cần Trung Quốc đến vậy? Đó đơn giản là vị khách tới từ Bắc Kinh đang mang đến cho xứ sở sương mù các hợp đồng kinh tế trị giá 30 tỉ bảng Anh.

Trong một bài xã luận hôm 17/10 trên tờ The Guardian (Anh), chiến lược gia Steve Hilton, hiện là giáo sư và doanh nhân tại Mỹ, phân tích lợi hại và viết thẳng rằng việc nước Anh nhún nhường trước Trung Quốc là sai lầm về đạo đức và phi lý về kinh tế chỉ vì hai quốc gia chuyển dịch theo hai hướng trái ngược.

Theo ông Hilton, khác với nhà Ðại Thanh từ giữa thế kỷ XIX, đế quốc Anh ý thức được sự suy sụp của mình, sau Thế chiến II, và mở cửa làm ăn theo hướng khác. Văn minh, hiếu hòa và tôn trọng quy củ của thế giới để phần nào gìn giữ được ưu thế của London như một trung tâm tài chính lớn của thế giới. Còn lại, quyền lợi kinh tế là cái gì đó có thể thương thuyết được. Theo kiểu con buôn không xài súng.

Chuyển qua báo Pháp, tờ Les Echos viết: Ngày xưa phương Tây nhào vào xâu xé lãnh thổ Trung Quốc, nay lại phải trải thảm đỏ để đón vị khách Trung Hoa, một tấc thảm cũng không được thiếu. Tờ báo Pháp còn nhắc lại, khi Thủ tướng Trung Quốc đến thăm London năm ngoái, Bắc Kinh đã phàn nàn thảm đỏ trải từ chân máy bay đến sảnh dành cho VIP tại sân bay bị ngắn mất vài mét!

Để cho chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình từ ngày 20/10 được chỉn chu, thảm đỏ được trải khắp nơi ở London và Manchester, hai thành phố mà Chủ tịch Trung Quốc và phu nhân sẽ đến thăm.

Một điều nữa có thể sẽ làm cho ông Obama phải ghen tị, đó là London sẽ dành cho Chủ tịch Trung Quốc và phu nhân mọi sự đón tiếp tráng lệ nhất như trong cổ tích: ngủ tại cung điện của Nữ hoàng Anh - cung điện Buckingham và di chuyển bằng xe ngựa kéo.

Theo Hãng tin AFP, những hợp đồng của Trung Quốc cho phép tạo ra khoảng 3.900 việc làm tại Anh. Dù vẫn chưa có những thông tin cụ thể cho tới nay, nhưng hợp tác song phương sẽ liên quan tới rất nhiều lĩnh vực, trong đó có các ngành công nghiệp sáng tạo, kinh doanh bán lẻ, hay dịch vụ tài chính, hàng không và giáo dục.

Hai lĩnh vực đứng đầu danh sách là nguyên tử và giao thông. Cùng với Pháp, Đức và Nhật Bản, Trung Quốc hiện đang đấu thầu xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối liền London tới Manchester và Birmingham. Gói thầu dự án lên tới 58 tỉ euro.

Các chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc sang phương Tây thường bị phản đối trong vấn đề nhân quyền. Lần này Chính phủ Anh bị chỉ trích là nhắm mắt làm ngơ chuyện nhân quyền để thu lợi về kinh tế.

Gần đây, Chính phủ Anh còn ra luật để cấp loại visa đặc biệt cho các đoàn khách Trung Quốc khi sang EU thì được nối tiếp đi luôn sang Anh không cần phải xin thêm visa mới. Tuy nhiên, câu chuyện được chú ý nhất trong các cuộc tranh luận chính trị mấy ngày hôm nay là ưu đãi của chính phủ cầm quyền giảm thuế cho các tập đoàn Trung Quốc sang xây nhà máy điện hạt nhân và làm đường. Người ta e ngại về vấn đề di dân, chất lượng, và đặc biệt nhất là an ninh quốc gia liên quan tới các công trình cơ sở hạ tầng ảnh hưởng tới quốc phòng. Hiện Trung Quốc là nhà đầu tư thứ tư tại Anh sau Mỹ, Pháp và Ấn Độ.

Còn những gì nước Anh có thể "kiếm được" tại Trung Quốc là gì? "Vương quốc Anh muốn thể hiện là quốc gia phương Tây cởi mở nhất đối với Trung Quốc. Đó là lựa chọn có tầm nhìn xa và mang tính chiến lược". Trên đây là lời phát biểu của ông Tập Cận Bình trong một buổi phỏng vấn với Hãng tin Reuters. Chủ tịch Trung Quốc hoan nghênh các dự án đầu tư của Anh tại Trung Quốc, mà năm ngoái đã tăng thêm 88%. Không một nước nào trong EU có thể làm tốt hơn.

Nữ hoàng Anh và Quận công Philip tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân tại Điện Buckingham ngày 20/10.

Nhật báo Trung Quốc Global Times viết: "Dĩ nhiên nước Anh tỏ thái độ thiện chí vì những lý do thực tiễn, nhưng điều này cũng cho thấy rằng Trung Quốc hiện là một quốc gia có sức cuốn hút lạ thường đối với các đối tác muốn vào làm ăn tại quốc gia này".

Theo chuyên gia kinh tế Rajiv Biswas, thuộc Viện IHS Global Insight, dù tăng trưởng kinh tế có chững lại, Trung Quốc vẫn có triển vọng trở thành nền kinh tế số 1 từ nay tới năm 2027, vượt qua cả Mỹ.

Dưới góc nhìn chính trị hơn, báo Độc lập (Nga) cho rằng sở dĩ nước Anh trải thảm đỏ đón ông Tập Cận Bình vì chính quyền Thủ tướng David Cameron đang có nhiều bất đồng với EU, nhất là việc nước Anh gần đây còn muốn ra khỏi EU. Có được nhiều hợp đồng kinh tế với Trung Quốc, London sẽ tự tin hơn khi mặc cả những đòi hỏi với EU nếu khối này muốn nước Anh ở lại.

Tuy nhiên, giới chức tình báo Anh đã lên tiếng cảnh báo chính quyền Cameron nên cẩn thận khi hợp tác với Trung Quốc. Trong chuyến thăm Anh lần này, ông Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký kết một thỏa thuận đặc biệt quan trọng giữa Công ty Điện lực quốc gia Pháp EDF với Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc CGN và Tập đoàn Khai thác hạt nhân quốc gia CNNC.

Theo đó, EDF sẽ đầu tư 2/3 dự án (tức khoảng 33 tỉ euro) và 1/3 còn lại sẽ do phía đối tác Trung Quốc đảm nhận trong dự án Hinkley Point tại Anh. Thỏa thuận chung ký kết với Anh còn dự trù hai trung tâm hạt nhân khác đời EPR sẽ do phía Trung Quốc đồng tài trợ và một trung tâm hạt nhân "Hỏa long", trung tâm hạt nhân thế hệ thứ 3 sẽ hoàn toàn do Trung Quốc đảm nhận.

Trung tâm Khai thác điện hạt nhân Hinkley Point là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Anh. Dự án này dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng năm 2025. Với dự án này, đối tác Trung Quốc của Công ty EDF có thể chen chân vào lĩnh vực hạt nhân tại châu Âu. Nhưng theo báo Le Monde (Pháp), hạt nhân Trung Quốc đang làm dấy lên nhiều nỗi lo lắng tại Vương quốc Anh.

Theo tờ báo, ngành tình báo Anh cảnh báo dự án này là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Giới chuyên gia nghi ngờ tài trợ của Trung Quốc trong các dự án trung tâm khai thác điện hạt nhân mới tại Anh là một con ngựa thành Troy của Bắc Kinh trong ngành công nghiệp chiến lược này.

Jeffrey Henderson (giáo sư Đại học Bristol) còn cho thỏa thuận này là một sự "điên rồ nguy hiểm" khi nhắc rằng CNNC cũng tham gia vào phức hợp quân sự - công nghiệp Trung Quốc. Về điểm này, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (CERI) thuộc đại học Khoa học chính trị Sciences Po của Pháp cũng có cùng quan điểm. CERI khẳng định CNNC nằm trong số 10 tập đoàn công nghiệp quốc phòng, chỗ dựa vững chắc của quân đội Trung Quốc.

Một số quan chức tình báo Anh còn vẽ ra một kịch bản đen tối cho là Trung Quốc rất có thể sẽ cài đặt những "cổng bí mật" trong hệ thống tin học, cho phép họ kiểm soát được trung tâm hạt nhân. Trong trường hợp có xung đột ngoại giao, Trung Quốc có thể sẽ cúp một phần nguồn điện tại Anh.

Chuyên cơ chở phái đoàn Trung Quốc do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dẫn đầu hạ cánh xuống sân bay Heathrow ở London ngày 20/10.

Paul Dorfman, chuyên gia Viện Năng lượng, Trường University College tại London lưu ý: "Chưa có một quốc gia nào tại châu Âu ký kết một thỏa thuận như thế. Mỹ cũng chưa từng nghĩ sẽ giao vào tay Trung Quốc một cơ sở hạ tầng chiến lược như vậy. Việc Vương quốc Anh sẵn sàng làm điều này quả thật là lạ đời".

Một mối lo khác cũng được người dân và giới chuyên gia lo lắng đó là tính đáng tin cậy của các kỹ sư Trung Quốc. Họ công nhận một điều là "các kỹ sư và công nhân Trung Quốc làm việc rất hiệu quả và nhanh chóng. Do bởi một phần là ban lãnh đạo có thể huy động nhân sự rất dễ dàng và thúc đẩy tiến độ công trình. Nhưng họ có thể làm được như vậy là do công tác quản lý an toàn ít nghiêm ngặt hơn".

Tờ Le Monde thuật lại một nguồn tin cho hay có rất nhiều lỗi kỹ thuật tại Trung tâm Khai thác hạt nhân tại vịnh Đại Á Loan, gần Hồng Công do CGN và EDF xây dựng và được đưa vào sử dụng năm 1994. Theo lời kể, một nhà thầu đã quên hơn phân nửa kết cấu sắt thép dùng để gia cố một sàn bêtông. Ngoài ra, tờ báo Pháp còn lo âu cho ngành công nghệ hạt nhân của Pháp.

Đối tác giữa EDF và CGN-CNNC còn là mối họa do có liên quan đến việc chuyển giao công nghệ. Và như vậy, các lò phản ứng hạt nhân của Pháp chẳng còn gì là bí mật đối với Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là khi bắt tay với Trung Quốc đổi lấy lời hứa được gia nhập vào thị trường của họ, liệu các tập đoàn năng lượng Pháp có đang thả mồi bắt bóng hay không để rồi sau đó bị thua trong cuộc chiến thương mại.

Anh sẽ là tấm biển quảng cáo phương Tây cho công nghệ Trung Quốc. Sau khi đã xây xong các trung tâm hạt nhân thế hệ hai và ba, EDF đã phải giao lại quyền sử dụng cho họ. Và như vậy kể từ giờ Trung Quốc có thể tự mình xây dựng các trung tâm khai thác hạt nhân đời mới nhất.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.