Vì sao Kobani không được Mỹ quan tâm?

Thứ Năm, 30/10/2014, 20:15

Lầu Năm Góc đã thừa nhận rằng chỉ riêng những cuộc oanh kích sẽ không thể cứu vãn được thành phố Kobani của Syria.

Ngày 19/10 vừa qua, lần đầu tiên không quân Mỹ đã thả vũ khí, đạn dược và dụng cụ y tế xuống cho các chiến binh người Kurd trong thành phố Kobani. Một chiếcmáy bay vận tải C-130 đã thực hiện nhiều chuyến thả hàng cứu trợ do chính quyền Kurd tự trị ở Iraq. Hành động này có thể sẽ khiến Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khó chịu vì trong cùng ngày đó Tổng thống Erdogan vẫn bác bỏ các yêu cầu của liên minh nhằm thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tế vũ khí cho chiến binh người Kurd tại Syria.

Hàng trăm vụ không kích các cứ điểm của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria, cũng bằng ấy ở Iraq, nhiều chiếc xe trang bị súng, các cứ điểm chỉ huy, những kho quân trang bị phá hủy… nhưng tất cả những thứ đó vẫn chưa đủ. Hơn 2 tháng sau khi bắt đầu những chiến dịch không kích của liên minh do Mỹ dẫn đầu, phiến quân IS vẫn lăm le xâm chiếm Kobani, thị trấn chiến lược nằm ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Đứng trước những lời chỉ trích ngày càng nhiều ngay trong Chính phủ Mỹ về hiệu quả hạn chế của chiến dịch không kích, Lầu Năm Góc đành phải nhượng bộ. “Chỉ riêng các cuộc oanh kích thì không thể mang lại một giải pháp và cứu vãn thành phố Kobani. Chúng tôi làm tất cả để ngăn chặn đà tiến của IS. Nhưng chúng tôi phải thẳng thắn thừa nhận những mặt hạn chế của sức mạnh không quân. Các lực lượng trên bộ đáng tin tưởng là những đơn vị địa phương, còn chúng tôi lại không có đồng minh tự nguyện, đủ khả năng và hiệu quả trên thực địa” - Đề đốc John Kirby, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết và nói thêm - “Mục tiêu của liên minh quốc tế là phá hủy cấu trúc hạ tầng của IS và ngăn chặn việc chúng sử dụng Syria như hậu cứ để hoạt động tại Iraq chứ không phải cứu vãn các thành phố của Syria. Nhiều làng mạc và thành phố sẽ tiếp tục bị xâm chiếm, chúng ta phải thừa nhận thực tế đó”. 

Chiến sự không ngừng diễn ra ác liệt ở khu vực tây nam Kobani.

Liệu người ta phải một lần nữa thấy rằng, Mỹ và các đồng minh đã không lường trước được các động thái của phiến quân Hồi giáo? Quả thật theo nhiều chuyên gia, những cuộc oanh kích của liên minh không bao giờ là giải pháp tối ưu chặn đứng IS. IS đã dần dần thích nghi với phương cách hoạt động của liên minh bằng cách hòa lẫn vào dân chúng, đề ra một cách thức hành quân bất đối xứng, đưa các chiến binh Kurd vào một cuộc chiến “du kích thành thị” có lợi cho chúng hơn.

Những cuộc tấn công của liên minh phải chính xác hơn để không gây thiệt hại cho dân thường và chiến binh người Kurd. IS được trang bị rất tốt, rất cơ động, rất khó phát hiện. Mà để nhận dạng mục tiêu, không quân cần phải có người dưới đất để hướng dẫn không kích, giống như khi tấn công phe Taliban tại Afghanistan năm 2002 nhờ lực lượng đặc nhiệm dưới đất.

Lần này lực lượng dân quân Kurd ở Syria có trang bị kém hơn, không có tổ chức tốt và không được đào tạo để sử dụng các thiết bị dẫn đường. Vì thế liên minh không thể tin cậy vào họ và cũng không thể dùng đến trực thăng để tiến gần đến mục tiêu, vì như thế sẽ rất dễ bị bắn hạ.

Nhưng các mặt hạn chế về chiến lược do liên minh đề ra không thể giải thích cho thảm kịch đang diễn ra tại Kobani. Rõ ràng là còn có hạn chế về chính trị. Ngoại trưởng John Kerry đã nhận định rằng, Kobani không phải là một mục tiêu chiến lược. “Dù kinh khiếp khi nhận thấy những gì diễn ra tại Kobani theo thời gian, nhưng quý vị phải nhìn lại để hiểu được mục tiêu chiến lược của Mỹ”. 

Thực trạng này thật trái ngược với sự can thiệp cấp bách vào những ngày đầu khi thành phố Sinjar của người Kurd tại Iraq rơi vào tay phe IS khiến cho hàng ngàn người phải tẩu thoát và trốn vào vùng núi. Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu và Hội Chữ thập đỏ đã lập ra những điểm trung chuyển hàng cứu trợ và quyết định mở một chiến dịch quân sự quy mô.

Dù Kobani tượng trưng cho sự rối loạn của quốc tế nhưng lại không phải là ưu tiên của phương Tây. “Quan trọng là Baghdad chứ không phải Kobani” - một quan chức Pháp cho biết. Baghdad chỉ còn cách trận tuyến của IS vài kilômét, nơi  tổ chức này quyết tâm sẽ lấy làm thủ đô cho Nhà nước “califat” của chúng. Đó cũng là một chiến trường quản lý đơn giản hơn. Nhà Trắng vẫn duy trì các mối quan hệ chặt chẽ với Chính phủ Iraq. Liên minh cũng có nhiều đối tác tại Iraq, là quân đội Iraq hay các chiến binh Kurd - người Peshmerga. Tại Iraq có rất nhiều cố vấn Mỹ chứ không giống như ở Syria.

Thế nhưng theo các chuyên gia, Kobani có giá trị chiến lược hơn. Trước tiên vì nếu chiếm được thị trấn này, IS sẽ kiểm soát được con đường dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria: một dải đất dài 900km nối liền Aleppo ở phía tây với Raqqa ở phía đông, các cứ điểm của phiến quân thánh chiến. Quá trình bao vây Kobani đã giúp việc buôn lậu tiếp tế cho nguồn tài chính của IS. Hơn nữa, việc thất thủ của Kobani, biểu tượng của sự chiến đấu ngoan cường của người Kurd, sẽ là một sự nhục nhã đối với liên minh.

Trong chiến lược của liên minh, có lẽ Kobani chỉ là một giai đoạn như nhiều thành trì khác đã mất rồi được lấy lại. Phải mất nhiều tháng trước khi có được một sự phản công đáng kể. Vào đầu tháng 10, Bộ Tổng tham mưu Pháp đã nhấn mạnh rằng liên minh quốc tế “đang ở giai đoạn khởi đầu, trước tiên chỉ nhằm kìm chân IS”. Các chuyên gia quân sự đã báo trước rằng cuộc chiến chống IS sẽ mất nhiều năm

Mê Linh (tổng hợp)
.
.