Vì sao Mỹ bỏ rơi người Kurd?

Thứ Ba, 15/10/2019, 14:38
Tối Chủ nhật, 6-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Syria. Vài giờ sau, cơ quan thông tấn Kurdistan phát đi một đoạn video cho thấy đoàn xe bọc thép Mỹ ra khỏi khu vực biên giới Tal Abyad.

Cùng lúc đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là ông Recep Tayyip Erdogan nói rằng lực lượng Mỹ ở Ðông Bắc Syria đã “đứng sang một bên”, để cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào các vị trí của người Kurd...

1. Là một dân tộc không quốc tịch với tổng dân số khoảng 35 triệu, hầu hết người Kurd theo đạo Hồi dòng Sunni, cư trú tại một số quốc gia Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq, Armenia và Syria, trong đó 2/3 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, theo lệnh của Ankara, người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ không được nói tiếng Kurd và ngay cả những từ như "Kurd", "Kurdistan” cũng không được phép xuất hiện công khai.

Do mong muốn trở thành một quốc gia độc lập, người Kurd đã cho ra đời đảng Công nhân Kurdistan (PKK), đồng thời xây dựng chính phủ khu vực Kurdistan. Vì thế, giữa người Kurd và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra nhiều cuộc xung đột vũ trang. Kể từ năm 1984 đến nay, đã có hơn 40.000 người Kurd bị chết.

Năm 2015, thỏa thuận ngừng bắn giữa PKK và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tan vỡ. Năm 2016, cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thất bại. Hậu quả là đã có một loạt động thái tăng cường đàn áp người Kurd, một số chính trị gia Kurdistanbị bắt giam, nhiều phương tiện truyền thông của người Kurd bị cấm hoạt động.

Chiếc xe bọc thép cuối cùng của lính Mỹ rút khỏi Syria.

Ngược dòng thời gian, năm 2003, khi liên minh do Mỹ lãnh đạo tiến hành xâm lược Iraq, lật đổ Tổng thống Saddam Hussein thì người Kurd sống ở các tỉnh phía Bắc Iraq nhân cơ hội này thành lập một chính quyền tự trị. Khi nội chiến Syria nổ ra, rất nhiều tay súng người Kurd gia nhập Lực lượng Dân chủ Syria (SDF).

Giữa năm 2013, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt đầu phát động những cuộc tấn công nhằm vào một số khu vực biên giới phía Bắc Syria, trong đó có Raqqa với ý đồ thành lập “thủ đô Nhà nước Hồi giáo”. Động thái này đã buộc người Kurd phải đánh lại nhưng đến tháng 6-2014, IS chiếm được thành phố Mosul, Iraq, rồi tiếp theo là thị trấn Ain al-Arab, Kobane, phía Bắc Syria

Nhằm chống lại IS, ngoài việc đưa quân đến biên giơi Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, phía Mỹ còn hỗ trợ trực tiếp cho SDF, đồng thời coi PKK là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố. Theo chân Mỹ, một số nước châu Âu cũng cung cấp vũ khí cho PKK. Tuy nhiên, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lại từ chối triển khai quân đội, tấn công vào các vị trí của IS nằm ở sát biên giới với họ, cũng như không cho phép người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ vượt biên sang Syria đánh IS.

Theo các chuyên gia về Trung Đông, do lo ngại nếu để người Kurd sang Syria tham chiến thì sau này, rất có thể họ sẽ biến Syria thành bàn đạp để chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tháng 12-2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố quân đội Mỹ đã hoàn thành mục tiêu đánh bại IS ở Syria. Đầu năm 2019, Tổng thống Erdogan có những cuộc vận động hành lang với một số quan chức trong chính quyền ông Trump, nhằm hối thúc người Mỹ rút quân khỏi Syria. Theo ông Jim Mattis, lúc ấy là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, thì nếu quân Mỹ rút đi, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chiếm ngay những vùng đất do SDF kiểm soát nhằm phá vỡ tiềm lực quân sự của cả SDF lẫn PKK.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện ở biên giới Syria 2 ngày sau khi Mỹ rút quân.

2. Tháng 2-2019, Tổng thống Trump nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách chỉ để lại 1.000 lính ở miền Bắc Syria. Đến tháng 6, các quan sát viên quốc tế cho biết con số này chỉ còn “vài trăm người” và họ sẽ không tham gia hoặc hỗ trợ các hoạt động quân sự trong khu vực nhưng tối Chủ nhật (6-10), ông Trump gây bất ngờ cho cả thế giới khi ra lệnh rút hết. Giải thích về điều này, ông Trump nói muốn đưa nước Mỹ ra khỏi "những cuộc chiến vô lý kéo dài và chỉ mang lại lợi ích cho những bên không ưa Mỹ".

Chỉ vài tiếng sau khi lính Mỹ rút đi, không quân Thổ Nhĩ Kỳ lập tức tiến hành các phi vụ ném bom vào những vị trí của PKK và SDF ở tỉnh Hasakah, Đông Bắc Syria. Theo Tổng thống Erdogan, quốc gia này cương quyết ngăn chặn “sự đe dọa từ phía người Kurd ở lãnh thổ Syria nhưng sẽ không chiếm một tấc đất nào của Syria”. Vụ ném bom đã gây ra sự thất vọng cho một số quan chức trong Chính phủ Mỹ, đồng thời làm dấy lên lo ngại rằng SDF có thể ngả theo Tổng thống Syria Bashar al-Assad, hoặc liên kết với Nga và Iran để bảo vệ mình.

Một phát ngôn viên của SDF nói: “Thái độ của Mỹ đã tạo ra một tác động tiêu cực trên toàn bộ khu vực. Nó tiêu diệt hòa bình, sự ổn định và những gì đã được xây dựng, đặc biệt là an ninh. Nó tạo cơ hội cho IS trỗi dậy một lần nữa".

Điều lo ngại của SDF hoàn toàn có cơ sở bởi lẽ các tay súng người Kurd hiện đang giam giữ 7.000 chiến binh IS, trong đó có khoảng 2,500 người được coi là cực kỳ nguy hiểm, đến từ châu Âu và các nơi khác. Các quốc gia gốc của những người này không muốn nhận lại công dân của mình. Ngoài ra, còn có khoảng 10.000 người Iraq và Syria cũng là tù binh của SDF.

Một sĩ quan cao cấp của SDF nói với tờ New York Times rằng việc rút quân của Mỹ đã khiến họ mất dần quyền kiểm soát các trại giam, trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ không muốn và cũng không đủ khả năng quản lý trại. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho IS phục hồi.

Một nữ chiến binh người Kurd cúi đầu tuyệt vọng khi nghe tin Mỹ rút hết quân.

Ông McGurk, nguyên là phái viên của Mỹ trong liên minh chống IS ở Syria cho biết sau khi ra lệnh rút quân, ông Trump nói nếu IS tái sinh, ông sẽ đánh bại nó. Nhưng “ai sẽ cùng đánh với ông và ai sẽ là đồng minh của ông ấy?”.

Sau vụ ném bom của Thổ Nhĩ Kỳ, do e ngại tiếp theo sẽ là những cuộc tấn công bằng bộ binh bởi lẽ quốc gia này đã thông báo “sẵn sàng mở chiến dịch quân sự để tạo vùng đệm an toàn ở phía Bắc Syria”, người Kurd ở Syria đã tập trung về các thị trấn như Ras al-Ain, Tal Abyad, Kobane, Đông Bắc Syria. Rất nhanh chóng, các thị trấn ấy hình thành nên những khu lều trại khổng lồ.

Arin Sheikhmous, nhà hoạt động nhân quyền tại thành phố Qamishli cho biết: “Họ muốn làm lá chắn sống để ngăn cản bước tiến của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ". Cũng tại thành phố Qamishli, hàng trăm người Kurd tụ tập trước một văn phòng của Liên Hiệp Quốc để kêu gọi thế giới có hành động can thiệp chiến dịch quân sự sắp diễn ra.

Với cộng đồng quốc tế, Ngoài Pháp và Israel lên tiếng đề nghị phía  Mỹ xem lại việc rút quân thì Iran kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không tiến hành tấn công người Kurd ở Syria bởi lẽ sự tồn tại của người Kurd là vùng đệm an toàn cho Iran. Theo kênh truyền hình nhà nước Iran, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif đã có cuộc nói chuyện bằng điện thoại với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ là ông Mevlut Cavusoglu. Trong cuộc nói chuyện, ông Zarif đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Syria.

3. Ngay khi lệnh rút quân của Tổng thống Trump được ban hành, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ kêu gọi ông Trump “rút lại quyết định nguy hiểm này”. Theo bà Pelosi, đây là sự phản bội đồng minh Kurd, đe dọa an ninh khu vực đồng thời còn là một dấu hiệu để Iran, Nga và các đồng minh của Mỹ hiểu rằng “nước Mỹ không còn là người bạn đáng tin cậy”.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, trưởng khối đa số đảng Cộng hòa tại Thượng viện và cũng là người thân cận với ông Trump nói: “Việc rút quân bất ngờ, không suy nghĩ, chỉ làm lợi cho Nga, Iran và chế độ Assad. Điều này sẽ khiến IS cùng các nhóm khủng bố khác có cơ hội hồi phục”. Riêng với Thượng nghị sĩ Lindsey, người hết lòng ủng hộ ông Trump thì cho rằng “một thảm họa đang diễn ra”.

Thoạt đầu, ông Trump giải thích quyết định rút quân của ông chỉ là để cho các đồng minh châu Âu và Iran tự tìm ra cách giải quyết tình hình nơi này. Nhưng, khi gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ, ông Trump lại có vẻ như muốn thay đổi.

Trên Twitter, ông viết: “Đã đến lúc chúng ta rút ra khỏi các cuộc chiến quái gở, không có hồi kết. Nhiều nơi chỉ là cuộc chiến giữa các bộ tộc. Chúng ta chỉ chiến đấu ở nơi nào có lợi cho chúng ta và chỉ chiến đấu để thắng”.

Nhưng sau đó, cũng trên Twitter, ông Trump cho biết ông sẽ có biện pháp đối với Thổ Nhĩ Kỳ: “Như tôi đã nói rất mạnh mẽ và nay chỉ nhắc lại, nếu Thổ Nhĩ Kỳ làm điều gì mà tôi - trong sự thông thái vĩ đại không ai bằng - tôi thấy là vượt qua giới hạn, thì tôi sẽ hoàn toàn phá hủy và tiêu diệt nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Một vị trí của người Kurd bị không kích.

Đáp lại sức ép này, ông Fuat Oktay, Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: “Chúng tôi không phải là quốc gia sẽ hành động thuận theo những lời đe dọa”.

Theo các chuyên gia phân tích chính trị, Nga sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chơi. Ông  McGurk, nguyên là phái viên của Mỹ trong liên minh chống IS ở Syria cho biết một khi Mỹ rút toàn bộ binh sĩ khỏi Syria, Nga sẽ là đội quân duy nhất định hình tương lai của Syria: “Nga sẽ đối thoại và thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ bởi lẽ khi Mỹ không còn bảo vệ người Kurd ở Syria, Nga sẽ bớt phải lo sự kháng cự từ một lực lượng đối lập trong tiến trình giúp chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ổn định chính trị và nắm toàn quyền kiểm soát lãnh thổ”.

Vẫn theo ông McGurk. việc Nga quyết định tham chiến ở Syria là minh chứng cho thấy Moscow đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho cả Syria, Libya và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Vladimir Frolov, cựu quan chức ngoại giao Nga tại Moscow nói: “Để đổi lại việc ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch tấn công người Kurd ở Syria,  Moscow đã yêu cầu Tổng thống Erdogan để các lực lượng quân đội Chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn, triển khai trận đánh cuối cùng vào Idlib, hiện là vùng đất duy nhất còn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng phiến quân Syria. Một vài nhóm trong số này có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda”.

Tuần trước, phát biểu trong cuộc họp thường niên của Câu lạc bộ Valdai tại thành phố Sochi, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố ám chỉ chấp thuận chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Theo ông Lavrov, chiểu theo thỏa thuận ký kết với Syria vào năm 1998, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền đánh đuổi quân khủng bố ở khu vực cách biên giới 5 km.

Ông Lavrov nói: “Chiến dịch tấn công người Kurd của Tổng thống Erdogan có thể tạo ra tác động tích cực cho Nga khi mà quân đội Mỹ rút khỏi khu vực. Đây là lúc người Kurd nhận ra rằng, họ cần phải thỏa hiệp với chính quyền Damascus”.

Theo giáo sư Lee Martin, giảng viên Khoa Chính trị Đại học Lexington, việc rút hết quân khỏi Syria một lần nữa thể hiện quan điểm của Tổng thống Trump: “First America - nước Mỹ trên hết” nhưng nếu IS tái sinh thì máu của lính Mỹ sẽ lại phải đổ ra vì nước Mỹ vẫn là mục tiêu hàng đầu của IS.

Điều này đã được chứng minh bằng việc chỉ vài giờ sau khi không quân Thổ Nhĩ Kỳ ném bom các vị trí của DSF ở Syria, ít nhất 3 phần tử IS đã thực hiện các vụ đánh bom tự sát vào một số cứ điểm quân sự của SDF ở thành phố Raqqa, Syria...

Vũ Cao (theo Diplomatic Policy)
.
.