Vì sao Mỹ ngừng viện trợ an ninh cho Pakistan?

Thứ Hai, 08/01/2018, 12:49
Đúng như lời Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vào cuối tháng 12-2017 cảnh báo “Tổng thống Trump đã để ý đến Pakistan”, ngày 4-1 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chính thức ra thông báo ngừng viện trợ an ninh cho Pakistan.

Một quan chức Mỹ tiết lộ: khoản viện trợ bị đình chỉ trị giá hơn 255 triệu USD, bao gồm chuyển giao thiết bị quân sự và hoàn tiền cho các chiến dịch chống khủng bố của Pakistan.

Theo tin từ hãng Reuters, chính quyền Mỹ buộc phải đình chỉ viện trợ an ninh cho Pakistan vì “Islamabad không mạnh tay hơn với Taliban và Haqqani (một tổ chức hiện diện ở Pakistan bị Mỹ xem là khủng bố kể từ năm 2012). Đây là hai nhóm phiến quân ẩn nấp ở Pakistan rồi tấn công sang Afghanistan. Chúng tôi coi đây là yếu tố gây bất ổn ở khu vực và còn nhằm vào quân nhân Mỹ”, Heather Nauert, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, nói. Vài tiếng trước tuyên bố đình chỉ viện trợ, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo: đặt Pakistan vào danh sách giám sát đặc biệt vì “vi phạm tự do tôn giáo”.

Từ lâu nay, các giới chức tình báo Mỹ vẫn cho rằng, khu vực biên giới Pakistan - Afghanistan là “thiên đường khủng bố”, là nơi ẩn náu của hai nhóm phiến quân chống Afghanistan. Vào tháng 8-2017, Tổng thống Mỹ Trump đã phê phán “Pakistan thường cung cấp nơi trú ẩn cho những yếu tố hỗn loạn, bạo lực và khủng bố. Chúng ta đã chi cho Pakistan hàng tỉ USD. Điều này sẽ phải thay đổi”.

Lính Mỹ tại Pakistan.

Ông Trump còn nói tới khả năng sẽ mời Ấn Độ, đối thủ của Pakistan, tham gia vào cuộc chiến Afghanistan nếu Pakistan không hợp tác. Minh chứng cho sự “bất lực” của giới chức Pakistan là vào ngày đầu tháng 12-2017, các tay súng Taliban, giấu mình trong những bộ áo choàng burqas của phụ nữ, đã tấn công vào Viện Đào tạo nông nghiệp của thành phố Peshawar, Tây Bắc Pakistan, giết chết ít nhất 9 người và làm bị thương 35 người.

Rõ ràng, mối quan hệ giữa hai quốc gia “đồng minh không hiệp ước” đang bước vào giai đoạn căng thẳng. Pakistan giành được quy chế đồng minh với Mỹ dưới thời cựu Tổng thống George Bush năm 2004 và được xem là đồng minh ngoài khối NATO quan trọng hàng đầu của Washington. Điều này mở đường cho Islamabad nhận hàng tỷ đôla viện trợ từ Mỹ. Kể từ năm 2002-2016, Pakistan đã nhận từ Mỹ hơn 33 tỉ USD viện trợ, trong đó có 14 tỉ USD viện trợ quốc phòng.

Arif Rafiq, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách toàn cầu và Viện Trung Đông, nhận xét: “Pakistan hôm nay đã khác Pakistan năm 2009. Quốc gia này đã phần nào an toàn hơn, kinh tế phục hồi, và mối quan hệ với Trung Quốc ngày càng được cải thiện nhiều chiều. Kể từ sau đợt phục kích trùm khủng bố Osama bin Laden, Pakistan đã tăng cường, thắt chặt quan hệ ngoại giao với Qatar, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhờ vậy, Pakistan đã dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ cũng như có thể đương đầu với áp lực Mỹ. Tối hậu thư của Mỹ đang dần đẩy Pakistan trở thành đồng minh của Trung Quốc hơn là phục tùng Mỹ”.

Đô đốc Michael Mullen, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, trong cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ năm 2011 đã cho rằng: Mạng lưới Taliban và Haqqani thực chất là “cánh tay nối dài của Cơ quan Tình báo Pakistan”. Trong suốt nhiều năm liền, Haqqani đã trở thành một mục tiêu ưu tiên của lực lượng Afghanistan và liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Sirajuddin Haqqani (người chỉ tay vào bản đồ), thủ lĩnh nhóm khủng bố Haqqani đang bị Mỹ và Pakistan tầm nã.

Thủ lĩnh của nhóm, Jalaluddin Haqqani, được tin là đã chết vì bệnh và phần lớn con trai của hắn cùng các tướng lĩnh dưới quyền đã bị tiêu diệt hoặc bỏ tù. Thế nhưng Haqqani vẫn “sống khỏe” tới bây giờ vì Jalaludin Haqqani - một người bạn của Osama bin Laden và từng là một bộ trưởng của Taliban - trước khi chết đã trao lại quyền hành, tư tưởng hệ, khả năng lên kế hoạch tấn công kỹ lưỡng cùng khả năng thu hút sự ủng hộ của các chiến binh và các nhà tài trợ ở Trung Đông... cho người con trai duy nhất còn sống của hắn - Sirajuddin.

Từ đó, nhóm Haqqani đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công đẫm máu ở thủ đô Kabul của Afghanistan trong suốt thập kỷ qua, trong đó gồm vụ tấn công Đại sứ quán Ấn Độ và vụ tấn công nhằm vào khách sạn Serena. Tổ chức này, luôn có liên hệ mật thiết với mạng lưới khủng bố al-Qaeda, được cho là đã nghĩ ra hình thức đánh bom tự sát ở Afghanistan, và vụ đánh bom hôm 31-5-2017 là một trong số những vụ kinh hoàng nhất. Một chiếc xe tải chở 1.500 kg thuốc nổ lọt qua hàng rào an ninh ở thủ đô Kabul, sau đó phát nổ khiến 150 người thiệt mạng và 400 người khác bị thương.

Dấu vết của nhiều vụ tấn công khủng bố ở phương Tây đã được truy ngược về Pakistan, bao gồm vụ đánh bom London năm 2005 và vụ thảm sát San Bernardino năm 2015. Hai phần tử quan trọng đằng sau vụ 11-9-2001, và nhiều vụ tấn công khủng bố tại Hoa Kỳ - Osama bin Laden và Khalid Sheik Mohammed - được tìm thấy đã “sống an toàn” tại Pakistan.

Trong các vụ đánh bom Manhattan và New Jersey trong năm 2016, nghi phạm bị bắt giữ, Ahmad Khan Rahami, bị cực đoan hóa tại một trường tôn giáo ở Pakistan gần một cơ sở bí mật của quân đội Pakistan dành cho lãnh đạo nhóm Taliban của Afghanistan. Afghanistan và Bangladesh cũng cáo buộc Cơ quan Tình báo Pakistan phá hoại an ninh của họ thông qua các đại diện khủng bố. Hai nước này đổ trách nhiệm cho Pakistan về các cuộc tấn công khủng khiếp xảy ra ở thủ đô của mình là Kabul và Dhaka trong năm 2016.

Một sinh viên bị thương trong vụ tấn công Viện Đào tạo Nông nghiệp thành phố Peshawar, Pakistan, ngày 1-12-2017.

Giới chức Mỹ không ngừng cáo buộc Pakistan cung cấp nơi ẩn náu cho Haqqani và “che giấu” tổ chức này như một lực lượng ngầm của họ. Tư lệnh quân đội Mỹ tại Afghanistan, Tướng John W. Nicholson, hồi tháng 2-2017 đã nói trước một ủy ban Thượng viện rằng, phiến quân Taliban và nhánh Haqqani của chúng “là mối đe dọa an ninh lớn nhất ở Afghanistan” và rằng thủ lĩnh của các tổ chức này “tận hưởng sự an toàn ở Pakistan”.

Trong khi đó, Pakistan liên tiếp bác bỏ cáo buộc cho rằng họ ủng hộ hoặc cung cấp nơi ẩn náu cho Haqqani, rằng tổ chức này đã bị quét sạch khỏi khu vực bộ lạc gần biên giới cùng các nhóm phiến quân khác sau một chiến dịch chống khủng bố mà quân đội Pakistan thực hiện trong các năm 2014-2015. Sirajuddin Haqqani, được tin là đang trong độ tuổi 40, hiện đang nắm giữ một lực lượng gồm ít nhất 5.000 chiến binh đang giấu kín hành tung của mình kể từ sau khi kế thừa vị trí thủ lĩnh tổ chức Haqqani từ cha mình.

Với khoản tiền treo thưởng 5 triệu USD cho cái đầu của hắn, Sirajuddin được tin là đang di chuyển liên tục. Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Afghanistan, đặc biệt là tỉnh Khost của nước này, dọc biên giới Pakistan, hiện vẫn là vùng an toàn của hắn.

“Mạng lưới Haqqani không còn hiện diện ở Pakistan. Chúng đang hoạt động ở Afghanistan” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan nói hồi tháng trước - “Những kẻ khủng bố này đang trên đường chạy trốn, và chúng đã tới được những khu vực không được kiểm soát ở Afghanistan”.

Chính phủ Pakistan một mực phủ nhận mình “chứa chấp” Taliban và Haqqani, cáo buộc Mỹ “đổ vấy” lên Pakistan để biện hộ cho thất bại của mình trong cuộc chiến 16 năm qua ở Afghanistan. Sau các tuyên bố này từ phía Mỹ, chẳng những Quốc hội Pakistan ra nghị quyết phản đối mà đường phố không ngớt diễn ra những cuộc biểu tình chống Mỹ.

Quang Học (tổng hợp)
.
.