Vì sao Mỹ vẫn chưa chịu thay đổi chính sách đối với Cuba?

Thứ Sáu, 08/01/2010, 05:30
Khi mới lên nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã khiến cho dư luận hy vọng về những "thay đổi" trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ đối với khu vực Mỹ Latinh, nhất là đối với Cuba. Chủ tịch Cuba Raul Castro thậm chí còn đề cập đến khả năng đối thoại tay đôi giữa lãnh đạo 2 nước lần đầu tiên trong lịch sử. Nhưng, gần một năm sau khi ông Obama bước vào Nhà Trắng, mọi chuyện hầu như vẫn chưa có gì thay đổi.

Khẩu hiệu "chúng ta có thể thay đổi" của ông Obama đang ngày càng nhận được nhiều cái "thở dài" thất vọng, và việc chính quyền của ông chưa có động tĩnh gì trong chính sách đối với Cuba cũng nằm trong diện "đáng thất vọng" đó. Trong gần một năm qua, ông Obama đã thể hiện cho lãnh đạo và nhân dân Cuba thấy Mỹ chưa có ý định cải thiện quan hệ giữa 2 bên.

Cốt lõi trong chính sách thù địch của Mỹ đối với Cuba chính là lệnh cấm vận toàn diện đã tồn tại gần 50 năm qua. Chính sách thù địch đó đã có từ thời Cách mạng Cuba thành công ngày 1/1/1959. Một năm sau, năm 1960, Washington áp đặt lệnh cấm vận một phần nhằm gây sức ép, buộc Nhà nước Cuba non trẻ phải đi theo quỹ đạo của mình. Khi Chủ tịch Fidel Castro quyết tâm đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Cuba, tiến hành quốc hữu hóa toàn bộ tài sản của tư sản mại bản Mỹ, Washington quyết định áp đặt lệnh cấm vận toàn diện vào năm 1962.

Gần 50 năm qua, các đời chính quyền của Mỹ vẫn tiếp tục chính sách thù dịch chống Cuba, đã không ngừng siết chặt chính sách cấm vận vô lý và lỗi thời ấy, đồng thời tung ra hàng loạt hành động chống phá từ bên ngoài, như tung tiền giả, kích động người Cuba di cư, cài gián điệp vào phá hoại bên trong Cuba, với hy vọng làm nhụt ý chí kiên cường của "Hòn đảo tự do".

Năm 1992, chính sách bao vây cấm vận vô nhân đạo đó đã được Quốc hội Mỹ đẩy lên một mức cao hơn, chuyển thành cái gọi là Luật Dân chủ Cuba (Cuban Democracy Act) do Nghị sĩ Robert Torricelli soạn thảo và chủ xướng (cho nên còn được gọi là Luật Torricelli).

Tiếp theo sau Luật Torricelli, Washington càng điên cuồng chống phá Cuba, siết chặt bao vây cô lập "Hòn đảo tự do" bằng một đạo luật mới có tên gọi là Luật đoàn kết dân chủ và tự do Cuba (Libertad), gọi nôm na là Luật Helms-Burton (vì do 2 ông nghị chống Cuba Jesse Helms và Dan Burton soạn thảo và đề xuất) được Quốc hội Mỹ thông qua tháng 3/1996 nhằm trừng phạt các công ty, tổ chức nước ngoài làm ăn với Cuba, loại Cuba khỏi các định chế tài chính quốc tế và đòi thay đổi thể chế tại Cuba.

Hồi đầu năm 2009, ngay sau khi ông Obama nhậm chức, giữa Mỹ và Cuba từng đã khởi động các cuộc đối thoại song phương ở cấp thấp về các vấn đề người di cư, giao nhận bưu chính và một số vấn đề khác. Tuy nhiên, đối thoại chưa kịp triển khai đã bị hoãn vô thời hạn vì những lý do muôn thuở mà người Mỹ luôn đưa ra nhằm tìm cách trì hoãn các bước đi hướng đến việc cải thiện quan hệ 2 nước.

Chủ tịch Quốc hội Cuba Ricardo Alarcon đã thẳng thắn bác bỏ những tuyên bố sáo rỗng của chính quyền Obama rằng, nước Mỹ đã và đang có những "thay đổi nhỏ" bằng cách "nới lỏng" việc đi lại, cho phép kiều bào Cuba gửi tiền từ Mỹ về nước và cho phép các công ty viễn thông Mỹ làm ăn tại Cuba. Ông Alarcon cho rằng, những cái "nới lỏng" hoặc "cho phép" đó thực ra rất nhỏ và chỉ là bức bình phong nhằm che đậy những âm mưu đen tối của Mỹ.

Ngay cả Chủ tịch Raul Castro - người từng đặt nhiều hy vọng vào sự điều chỉnh chính sách của ông Obama - cũng đã phải lên tiếng cảnh giác những hành động gia tăng chống phá Nhà nước Cuba ngày càng công khai của chính quyền Mỹ. Một trong những ví dụ điển hình là một nhà thầu người Mỹ đã ngầm hoạt động chống phá Nhà nước Cuba và bị chính quyền La Habana bắt giữ vào thượng tuần tháng 12/2009.

Thế giới đang tiến bộ từng ngày. Những gì là lỗi thời và vô nhân đạo cần phải được thủ tiêu, bị loại bỏ. Trong những thập niên gần đây, đã từng có nhiều nhân vật có uy tín đến thăm Cuba. Trong chuyến thăm Cuba năm 2005, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã kêu gọi chính quyền nước ông chấm dứt lệnh cấm vận vô lý và lỗi thời này. Từ năm 1992 đến nay, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã 18 lần lên án chính sách cấm vận vô nhân đạo đó.

Ngoài ra còn có không ít tiếng nói từ thế giới tiến bộ, kể cả các đồng minh của Mỹ, hay như Liên minh châu Âu, kêu gọi Washington nới lỏng cấm vận, tiến tới gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bất hợp lý để cho công dân và các doanh nghiệp của các nước đó đi lại và làm ăn với Cuba được thoải mái hơn.

Đầu năm 2009, EU thậm chí còn khởi động lại các liên lạc ngoại giao với Cuba sau một thời gian ngắn bị gián đoạn. Chính EU đã cùng với Canada chỉ trích Mỹ gay gắt khi Washington thông qua đạo luật vô nhân đạo Helms-Burton.

Một góc La Habana.

Ở khu vực châu Mỹ Latinh, Cuba cũng không hề đơn độc. Bên cạnh Cuba giờ đây đã có một Venezuela của Tổng thống Hugo Chavez luôn kề vai sát cánh trong mọi khó khăn; một Bolivia của Tổng thống Evo Morales luôn sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết, ... Một châu Mỹ Latinh thiên tả đang ngày càng xích lại gần hơn đã tạo nên một nguồn hỗ trợ, động viên lớn lao đối với "Hòn đảo tự do" trong cuộc đối đầu với "Đế quốc" (El Imperio - từ dùng của nhân dân Cuba) ở phương Bắc.

Ngay chính người dân Mỹ cũng đang ngày càng không muốn đất nước mình kéo dài chính sách thù địch lỗi thời ấy nữa. Một cuộc thăm dò gần đây do Đài Truyền hình CNN phối hợp với Hãng thăm dò ý kiến Opinion Research Corporation thực hiện cho thấy 64% dân Mỹ ngày nay muốn nước Mỹ dỡ bỏ cấm vận chống Cuba, và có đến 75% nghĩ rằng, nước Mỹ nên tái thiết lập bang giao với Cuba. Những con số này tăng dần qua từng đợt thăm dò do các hãng thăm dò ý kiến thực hiện trong những năm gần đây.

Tháng 10/2010 sẽ đánh dấu 50 năm nước Mỹ áp đặt chính sách cấm vận chống Cuba. Đây cũng là dịp để chứng minh rằng chính sách ấy đã lỗi thời, không còn phù hợp trong xu thế đối thoại ngoại giao ngày nay. Nếu chỉ vì chút "hận thù" ngày xưa mà Washington vẫn chưa rũ bỏ được nếp nghĩ cũ kỹ để tiến tới chấm dứt các chính sách thù địch chống Cuba thì đây có lẽ sẽ là thất bại nặng nề nhất trong chính sách đối ngoại của chính quyền Barack Obama

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.