Vì sao Omar Karami được tái bổ nhiệm làm thủ tướng Lebanon?

Thứ Bảy, 09/04/2005, 08:01

Chỉ sau hơn mười ngày từ chức, ông Omar Karami lại được Tổng thống Emile Lahoud tái bổ nhiệm làm Thủ tướng Lebanon với lời tuyên bố: việc tái chấp chính của ông Omar Karami là cách duy nhất để đưa đất nước Lebanon thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Hầu như người dân Lebanon nào cũng biết tới ông Abudula Hammid Karami, cha đẻ của đương kim Thủ tướng Omar Karami là một anh hùng dân tộc. Đầu năm 1941, người dân Lebanon đã đứng lên đấu tranh chống lại ách cai trị hà khắc của thực dân Pháp, và ông Abudula Hammid Karami là một trong những nhà lãnh đạo của phong trào này.

Do muốn nhảy vào khu vực Trung Đông, cơ quan tình báo Anh và Mỹ sớm nhận thấy vai trò và ảnh hưởng của Abudula Hammid Karami nên đã ra sức ủng hộ ông. Trước sức ép của Mỹ và Anh, Pháp buộc phải để Abudula Hammid Karami trở thành nghị sĩ Quốc hội. Và chỉ trong một thời gian ngắn, ông Abudula Hammid Karami đã vận động và được Quốc hội thông qua việc bãi bỏ “đặc quyền của Pháp tại Lebanon”.

Ngay lập tức, Pháp tuyên bố giải tán Quốc hội và ra lệnh bắt những “kẻ tạo phản”. Hành động này đã dấy lên một làn sóng đấu tranh chống Pháp trên phạm vi toàn quốc. Trong thời gian này, ông Abudula Hammid Karami tích cực vận động quần chúng tổ chức nhiều cuộc biểu tình và đã giành thắng lợi. Ngày 22/11/1943, Quốc hội Lebanon đã thống nhất thông qua việc bầu vị Tổng thống đầu tiên và đến tháng 1/1945, ông Abudula Hammid Karami được bầu làm Thủ tướng thứ ba trong lịch sử Lebanon.

Người con trưởng của Thủ tướng Hammid Karami là Lassidd Karami cũng tiếp nối con đường chính trị của cha và đã được bổ nhiệm làm Thủ tướng khi mới 34 tuổi. Sinh ngày 30/12/1921 tại một thành phố nhỏ phía Bắc Lebanon và được đào tạo từ nhỏ nên sau khi lấy bằng luật tại Trường đại học Cairo, Ai Cập, năm 1951, khi mới 30 tuổi, nhưng ông Lassidd Karami đã trở thành nghị sĩ Quốc hội. Chỉ mấy tháng sau, ông Lassidd Karami được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp. Và 4 năm sau, năm 1955, Lassidd Karami trở thành Thủ tướng Lebanon. Sự nghiệp chính trị lừng lẫy của ông được ghi nhận với 9 lần được bổ nhiệm chức vụ Thủ tướng.

Lassidd Karami là người ủng hộ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của người Palestine, là người phản đối sự can thiệp của Israel vào công việc nội bộ của Lebanon, ủng hộ sự giúp đỡ của Syria. Những đội quân đầu tiên của Syria tới đóng tại Lebanon là theo yêu cầu của Thủ tướng Lassidd Karami.

Ngày 1/6/1987 là thời khắc cuối cùng của Thủ tướng Lassidd Karami. Hôm đó, sau khi kết thúc ngày nghỉ tại quê nhà, ông Lassidd Karami định lên máy bay trực thăng để về Beirut, nhưng bị các nhân viên an ninh ngăn lại vì họ vừa nhận được tin tình báo nói rằng, trên máy bay có đặt bom. Họ đề nghị Thủ tướng Lassidd Karami lui thời gian bay về Beirut để kiểm tra máy bay, nhưng ông không thể chờ đợi với lý do có nhiều việc gấp đang chờ ông giải quyết. Và chiếc máy bay trực thăng đã phát nổ chỉ sau mấy phút cất cánh. Thủ tướng Lassidd Karami đã thoát ra khỏi máy bay, nhưng do vết thương quá nặng nên ông đã chết trên đường cấp cứu. Cùng bị nạn với Thủ tướng Lassidd Karami còn có Bộ trưởng Nội vụ, 4 vệ sĩ và phi hành đoàn, song những người này chỉ bị thương nặng.

Tuy cũng lấy bằng luật tại Trường đại học Cairo, Ai Cập như anh trai, nhưng sau đó (1956) ông Omar Karami lại bắt đầu cuộc sống bằng nghề luật sư và kinh doanh xây dựng. Sau cái chết của Thủ tướng Lassidd Karami, luật sư Omar Karami được bầu làm nghị sĩ Quốc hội và ông nhanh chóng phát huy truyền thống tham chính của gia đình. Sau một thời gian làm Bộ trưởng Giáo dục, tháng 12/1990, luật sư Omar Karami được bầu làm Thủ tướng, đứng đầu chính phủ liên hợp đầu tiên gồm nhiều đảng phái, đoàn thể và các tổ chức tôn giáo khác.

Đến tháng 5/1992, chiếc ghế Thủ tướng của luật sư Omar Karami đã phải nhường lại cho nhà tỉ phú Rafik al-Hariri, người mới bị ám sát cách đây không lâu (14/2/2005). Sau hơn 10 năm tại vị, tháng 10/2004, Thủ tướng Rafik al-Hariri phải từ chức do có nhiều bất đồng với Tổng thống Emile Lahoud và người được chỉ định thay thế lại là luật sư Omar Karami. Kể từ khi “tái tham chính” đến nay, chính phủ do Thủ tướng Omar Karami thường xuyên bị chỉ trích từ nhiều phía bởi ông bị coi là “người của Syria”, nhất là sau cái chết đầy bí ẩn của cựu Thủ tướng Rafik al-Hariri. Và trước sức ép của dư luận, ngày 28/2/2005, Thủ tướng Omar Karami tuyên bố từ chức. Nhưng đến ngày 10/3/2005, ông lại được Tổng thống Emile Lahoud tái bổ nhiệm.

Một trong những thành công đầu tiên của Thủ tướng Omar Karami sau khi tái chấp chính là Syria đã hoàn tất giai đoạn đầu rút quân khỏi Lebanon và đây sẽ là thuận lợi để ông giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 5/2005. Tuy nhiên, giới bình luận cũng lo ngại rằng, nếu những cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng trăm ngàn người vẫn liên tiếp diễn ra thì nước này khó tránh khỏi nội chiến như từng diễn ra hàng chục năm trước đây, nhất là khi nó có sự can thiệp của Mỹ và phương Tây

T.T.T (Theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.