Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ mạnh tay hơn trong việc truy quét phiến quân ở miền Bắc Iraq?

Thứ Tư, 12/03/2008, 16:30
Những căng thẳng giữa Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ với phiến quân PKK ở miền Bắc Iraq đã không thể giải quyết bằng đàm phán từ những tháng cuối năm 2007. Ngay sau đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã được huy động dọc biên giới giáp Iraq hòng tiêu diệt đội quân nổi dậy này. Các cuộc đụng độ giữa hai lực lượng từ đó vẫn dừng lại ở những cuộc đọ súng lẻ tẻ dọc biên giới, cùng lắm thì Ankara cũng mới chỉ đưa máy bay ném bom sang bắn phá một số vùng núi tình nghi là nơi đồn trú của quân PKK.

Tuy nhiên, ngày 21/2 vừa qua, quân đội Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã mở một chiến dịch lớn cho quân tiến sâu vào lãnh thổ Iraq. Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, sở dĩ Ankara "dám mạnh tay" như vậy là nhờ Mỹ đã bật đèn xanh để đổi lại việc Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với Mỹ trong việc cô lập Iran.

Tính đến ngày 25/2, cuộc hành quân vượt biên giới của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tiêu diệt quân PKK đã bước qua ngày thứ năm. Với máy bay trực thăng và trọng pháo yểm trợ, quân đội Thổ đã tiêu diệt được 153 phiến quân kể từ ngày 21/2. Nhiều thập niên qua, đảng Công nhân Kurdistan gọi tắt là PKK đã đấu tranh để thành lập một quốc gia trong vùng đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp nhiều áp lực trong nước, sau khi bị du kích PKK mở các đợt tấn công giết chết nhiều quân nhân và cảnh sát nước này. Chính phủ Ankara cho biết, họ chỉ mở cuộc hành quân sau khi Chính phủ Iraq đã không áp dụng biện pháp gì để ngăn chặn 3.000 quân PKK đang dùng lãnh thổ Iraq làm bàn đạp tấn công Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù Bộ Tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không tiết lộ rõ con số quân nhân tham gia cuộc hành quân lần này, nhưng một viên chức cao cấp trong quân đội cho báo chí biết, cuộc hành quân do 2 trung đoàn thực hiện (khoảng 8.000 binh lính).

Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ thì cho rằng, đợt hành quân này có khoảng 10.000 người tham gia. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã ném bom các vị trí của PKK từ tháng 10/2007 sau khi được Quốc hội cho phép mở cuộc hành quân vượt biên giới. Ankara cho rằng từ khi PKK vũ trang trong năm 1984 cho tới nay đã có khoảng 40.000 người thiệt mạng. Mỹ và Liên minh châu Âu đã liệt PKK vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Quân Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện tại tỉnh Sirnak, trong khu vực Kurdistan Iraq, ngày 25/2/2008.

Báo Referans của Thổ Nhĩ Kỳ nhận định: “Sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc Iraq là một tiền lệ về mặt chính trị. Thực tế thì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq từ năm 2003 đã khiến mọi cuộc đột nhập của Thổ Nhĩ Kỳ vào quốc gia láng giềng này trở nên bất khả thi.

Cuộc hành quân lần này là thành quả của mối quan hệ gần đây giữa Ankara và Washington, và nó đã được cụ thể hóa sau cuộc gặp giữa nhân vật số hai của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với tướng Mỹ Petraeus tại Baghdad.

Còn nhớ, tháng 1/2003, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho phép quân đội Mỹ tấn công Iraq từ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tháng 7/2003, việc các binh lính Mỹ nhục mạ một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tại Souleymanieh đã khiến quan hệ ngoại giao hai nước càng trở nên căng thẳng. Mối quan hệ Mỹ - Thổ tốt đẹp như hiện nay là nỗ lực không riêng gì của Ankara. Thực vậy, cô lập Iran là nhiệm vụ chính trong đường lối chính trị của Mỹ tại Trung Đông.

Sự tái định hướng chiến lược này buộc Mỹ phải tìm kiếm các đồng minh trong khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng. Để đổi lại, Ankara yêu cầu Washington hợp tác trong cuộc chiến chống phiến quân PKK. Chính điều kiện này đã khiến Mỹ bật đèn xanh cho quân đội Thổ tràn qua biên giới Iraq. Tuy nhiên, phía Mỹ lưu ý quân đội Thổ rằng phải ở mức giới hạn và không được phép làm ảnh hưởng tới toàn bộ người Kurd tại miền Bắc Iraq.

Rusen Cakir, nhà bình luận thời sự của tờ Vatan, cho rằng dù Chính phủ và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ luôn nhấn mạnh là, chiến dịch lần này của họ không nhằm mục đích gì khác ngoài tiêu diệt PKK, nhưng thực tế cuộc tiến công của quân đội Thổ nhằm cảnh cáo toàn bộ người Kurd tại Iraq. Massoud Barzani, thủ lĩnh người Kurd tại miền Bắc Iraq hiểu rất rõ ý định này.

Chính vì vậy, từ nhiều ngày nay, Barzani luôn có những lời lẽ gây căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chức lãnh đạo vùng tự trị Kurdistan tuyên bố, cuộc hành quân của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp sức kháng cự mãnh liệt, nếu thường dân hay các vùng đông dân cư bị tấn công.

Rất có khả năng toàn bộ người Kurd tại miền Bắc Iraq sẽ đứng lên để bảo vệ cho quân PKK. Giới chức quân sự Mỹ ở Iraq nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã bảo đảm cuộc hành quân sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho thường dân. Cuộc hành quân diễn ra trong vùng rừng núi hẻo lánh, cách xa những khu vực đô thị.

Chính phủ Iraq đang tìm biện pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng, đưa ra nhận định rằng cuộc hành quân sẽ không chặn được PKK tấn công vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Vào lúc này, Jalal Talabani - Tổng thống Iraq gốc là người Kurd, luôn chờ đợi một lời mời chính thức từ Ankara, chỉ còn biết im lặng.

Cũng theo Rusen Cakir, trước mắt, chiến dịch quân sự lần này của Ankara sẽ khó có khả năng tạo không khí hòa bình tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là tại những vùng có người Kurd sinh sống. Bởi lẽ, PKK có tầm ảnh hưởng khá sâu sắc đối với người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ.

Và rất có thể đảng DTP (đảng của người Kurd) trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là tổ chức đầu tiên lên tiếng phản đối chiến dịch tấn công của Ankara. Nếu điều đó xảy ra, tình hình chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ lại càng trở nên bất ổn hơn bao giờ hết vì đảng DTP đang bị Tòa án hiến pháp nước này liệt vào danh sách những tổ chức chờ phán quyết cấm hoạt động

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.