Vì sao Thủ tướng Hungary gặp rắc rối?

Thứ Hai, 09/10/2006, 09:00

Rốt cuộc thì ngày 27/9, Thủ tướng Ferenc Gyurcsany cũng đã đưa ra lời xin lỗi dân chúng Hungary về việc ông và đảng Xã hội đã "nói dối" về tình hình tài chính quốc gia khi vận động cho kỳ bầu cử Quốc hội hồi tháng 4/2006. Trong khi đó, cuộc biểu tình phản đối, đòi Thủ tướng từ chức của hàng ngàn người dân Hungary vẫn tiếp tục sang ngày thứ 12 (28/9).

Sự thể bắt đầu bùng nổ vào ngày 17/9 sau khi Đài Truyền hình quốc gia Hungary cho phát đoạn băng ghi âm cuộc họp nội bộ đảng Xã hội, trong đó trích dẫn những lời phát biểu của ông Gyurcsany với các đảng viên Xã hội rằng “những gì chúng ta đã nói với cử tri là không đúng sự thật”. Lúc đầu, cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, thu hút chỉ vài trăm người, chủ yếu là cư dân thành phố Budapest, không có vụ đụng độ đáng kể nào xảy ra giữa người biểu tình với cảnh sát trật tự. Nhưng sang ngày 20/9, dòng người biểu tình đã gia tăng đột biến lên đến 10.000, rồi 15.000 người. Bạo động đã xảy ra sau khi các phần tử côn đồ và thành phần cực hữu tham gia quậy phá, chiếm Đài Truyền hình quốc gia Hungary trong vài tiếng đồng hồ, đốt phá xe cộ, cửa hiệu, v.v... và xung đột với cảnh sát trật tự, khiến cho khoảng 200 người bị thương, hàng trăm người khác bị bắt giữ.

Hungary từ sau sự kiện Đông Âu tan rã năm 1989 được xem là quốc gia ổn định nhất, nhờ sự chuyển tiếp một cách êm thấm sang định hướng kinh tế thị trường. Những cải cách cần thiết của Đảng Cộng sản Hungary cho phù hợp tình hình mới đã góp phần quan trọng giúp ổn định đất nước, tránh được những biến cố đẫm máu từng xảy ra ở một số nước láng giềng như Rumania, Bulgaria. Sự ổn định trong suốt thời gian dài (hơn 15 năm) đó chính là lý do để quốc gia nhỏ bé này (diện tích 93.030 km2, dân số 9,8 triệu người) hiện là một trong những thành viên mới của Liên minh châu Âu (kết nạp ngày 1/5/2004) có nền kinh tế tăng trưởng vào loại khá, với mức thu nhập GDP đầu người khá cao (10.030 USD/năm).

Bản thân Thủ tướng Gyurcsany là một điển hình thành đạt về kinh tế. Sau sự kiện 1989, ông Gyurcsany nắm bắt cơ hội tư nhân hóa, nhảy vào kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản và làm giàu nhanh chóng, trở thành một trong những triệu phú giàu có nhất Hungary. Năm 2002, khi đảng Xã hội trở lại cầm quyền cũng là lúc Gyurcsany dấn thân thực thụ vào chính trường với chân cố vấn cho cựu Thủ tướng Peter Medgyessy, để rồi hai năm sau (2004), khi Medgyessy đột ngột từ chức, ông được bổ nhiệm lên thay thế, trở thành Thủ tướng trẻ tuổi nhất lịch sử Hungary (khi đó ông mới 43 tuổi).

Ông Gyurcsany thuộc mẫu người mới, trẻ trung, hoạt bát, có mục đích, khéo ăn khéo nói và cá tính mạnh mẽ, không ngại đụng chạm. Xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hungary trước đây, Gyurcsany đã biến các ưu điểm cá nhân của mình thành ưu thế cho đảng Xã hội. Theo đánh giá của giới chuyên gia, kể từ khi Gyurcsany xuất hiện trong hàng ngũ lãnh đạo, uy tín của đảng Xã hội bỗng tăng vọt và vượt qua đối thủ trung hữu là đảng Fidesz (Liên minh Công dân Hungary), dẫn đến việc đảng Xã hội giành lại thế cầm quyền và tiếp tục được dân chúng tín nhiệm sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 4/2006.

Tuy nhiên, chính tính cách mạnh mẽ cũng gây bất lợi cho Gyurcsany, khiến cho không ít người, kể cả một số thành viên cùng đảng Xã hội, không  đồng tình với ông. Có lẽ vì điều này, theo báo chí phương Tây (BBC News, Christian Science Monitor), Gyurcsany đã bị ai đó trong nội bộ đảng “chơi xỏ” bằng cách ghi âm những phát biểu mang tính “gây sốc” của ông rồi cố tình “rò rỉ” ra công luận báo chí, gây nên những rắc rối không nhỏ cho Gyurcsany. Xin mở ngoặc, đây không phải lần đầu, mà Gyurcsany từng gặp rắc rối vào năm ngoái khi đó ông (cũng phát biểu trong nội bộ đảng) dùng từ “bọn khủng bố” để ám chỉ Đội tuyển bóng đá Arập Xêút. Kết quả là ông Gyurcsany buộc phải chính thức xin lỗi người dân Arập Xêút.

Trở lại sự kiện đang diễn ra, có ý kiến cho rằng đảng Fidesz đã lợi dụng sự mất đoàn kết đó để gây khó khăn cho đảng Xã hội và Thủ tướng Gyurcsany bằng cách khoét sâu vào yếu tố “nói dối” để gây mất lòng tin trong dân chúng, kích động quần chúng biểu tình phản đối nhằm mục đích gây sức ép có thể buộc ông Gyurcsany từ chức, hoặc chí ít cũng sẽ mất dần khả năng thắng thế trong các cuộc bầu cử hội đồng địa phương vào ngày 1/10 tới. Thực tế cho thấy, điều đó không dễ thực hiện, nhất là khi Thủ tướng Gyurcsany kiên quyết bảo lưu quan điểm không nhượng bộ và không từ chức theo yêu cầu của phe đối lập.

Ngay trong dư luận báo chí và công chúng, thái độ đối với những thông tin tiết lộ về “lời nói dối” của ông Gyurcsany cũng trái ngược nhau, bên ủng hộ và chống đối ông, nhưng xem ra phe ủng hộ đông hơn. Cho đến nay, ông Gyurcsany càng thắng thế sau khi làn sóng người biểu tình đòi ông từ chức đã giảm đi nhiều so với những ngày đầu.

Một cách khách quan, vấn đề thật sự nằm ở chỗ, Chính phủ Gyurcsany và đảng Xã hội đang rơi vào tình thế khó khăn khi phải đối phó với những yêu cầu đặt ra trong nước, buộc phải giữ lời hứa với cử tri là cắt giảm thuế và tăng các khoản chi tiêu xã hội trong khi phải bảo đảm quy định bắt buộc của EU là giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2008. Để đảm bảo yêu cầu này, Gyurcsany và đảng của ông đã buộc phải thực thi chính sách “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu xã hội (trợ cấp thất nghiệp, lương hưu, bảo hiểm xã hội, v.v.) đồng thời tăng thuế. Kết quả cho đến nay là, trong khi Gyurcsany được EU chiếu cố, gia hạn cho thêm một năm áp dụng định mức 3%, thì chính phủ của ông lại bị dân chúng phản đối.

Có lẽ Chính phủ Gyurcsany sẽ không bị đổ vì vụ “nói dối” như phương Tây cố tình làm rùm beng, nhưng trong tình hình niềm tin trong dân chúng đang giảm và sự thất vọng đang tăng trong khi chính phủ buộc phải tiếp tục chính sách kinh tế khắc khổ thì đảng Xã hội của ông Gyurcsany có thể sẽ rất khó giành chiến thắng áp đảo trước Fidesz

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.