Vì sao bà Hillary Clinton chọn châu Á cho chuyến công du hải ngoại đầu tiên của mình?

Thứ Năm, 19/02/2009, 08:40
Tân ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, với nụ cười tươi rói trên môi, đã lên đường bắt đầu chuyến công du hải ngoại đầu tiên của mình từ ngày 15/2/2009 tới 4 nước châu Á: Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên trong vòng 60 năm, một ngoại trưởng Mỹ chọn châu Á là điểm đến cho chuyến công du đầu tiên của mình sau khi nhậm chức. Và như vậy, đây có thể được coi là sự "thay đổi" trong cách nhìn thế giới của chính quyền mới ở Washington.

Trong tình hình hiện nay, rõ ràng đây là sự lựa chọn có tính toán của chính sách ngoại giao nước Mỹ.

Bruce Klingner, chuyên gia ở Quỹ Heritage, được BBC dẫn lời, đã phân tích rằng chuyến thăm châu Á lần này của bà Hillary Clinton là để "chứng tỏ châu lục này có ý nghĩa với Mỹ", và rằng Washington "quyết duy trì vai trò ưu thế trong vùng về dài hạn".

Còn nhà báo Robert Kaplan của tờ The Atlantic, cũng được BBC dẫn lời,  lại nhận xét rằng châu Á là "tâm điểm chiến lược của thế kỷ mới" mà, vẫn theo Robert Kaplan, chính quyền Bush hiểu điều này nhưng lại bị "kẹt cứng ở Iraq và Afghanistan".

Sự sắp xếp thứ tự các nước mà bà Hillary Clinton đến thăm theo hành trình nói trên không dựa trên cái lô-gích "gần xa" thông thường về khoảng cách địa lý mà là kết quả của những tính toán lợi ích của Mỹ. Nhật Bản được "ưu tiên" hơn vì Mỹ muốn nhấn mạnh đến quan hệ đồng minh chiến lược.

Indonesia, nước đông dân thứ tư thế giới và là quốc gia lớn nhất của thế giới đạo Hồi, được cho  là một sự lựa chọn "thú vị" vì tân Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama, thời thơ ấu từng học ở đây. Với việc đến thăm Indonesia ngay trong chuyến công du đầu tiên này, tân Ngoại trưởng Mỹ không chỉ muốn gửi đi một tín hiệu hòa hiếu với thế giới Hồi giáo mà còn có những tính toán khác.

Vẫn theo phân tích của nhà báo Robert Kaplan được BBC dẫn lời, trong lúc Đông Nam Á ngày càng chứng kiến sự mở rộng hoạt động thương mại của Trung Quốc, cũng sẽ có lý để Mỹ thường xuyên thăm châu Á, gồm cả Indonesia, để chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc "một cách tế nhị và có trách nhiệm".

Hàn Quốc cũng là một đối tác chiến lược của Mỹ ở châu Á, dẫu ở hàng thứ yếu hơn so với Nhật Bản, nhưng luôn giành được sự quan tâm của Mỹ do tính chất "nóng" của bán đảo Triều Tiên - nơi Mỹ luôn lo lắng không kiểm soát được tình hình trước khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân của người Bắc Triều Tiên.

Còn Trung Quốc là chặng dừng chân cuối cùng. "Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng" như người Mỹ thường nói. Trong chuyến đi được đánh giá là "có tính chiến lược" này của tân Ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc là điểm đến có ý nghĩa riêng của nó.

Đất nước rộng lớn với  hơn 1,3 tỉ dân này không chỉ là đối tác Mỹ muốn có quan hệ tốt mà còn là "đối thủ" Mỹ luôn phải cảnh giác trước những phát triển bứt phá về mọi lĩnh vực,  tiềm ẩn những khả năng cạnh tranh địa vị "cường quốc số 1" của Mỹ, buộc Mỹ phải tính toán trong việc tạo ra những đối trọng cần thiết với Ấn Độ một bên và Nhật Bản một bên, trong khi vẫn cần duy trì một quan hệ ổn định với Bắc Kinh.

Vì vậy, trước chuyến công du này, bà Hillary Clinton đã đánh đi một thông điệp thân thiện và cũng là để thể hiện mối quan tâm của chính quyền mới của Mỹ muốn tạo ra một sự "thay đổi" trong quan hệ với châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng.

Bà Hillary Clinton và Ngoại trưởng Nhật Bản Horofumi Naksone tại Tokyo (17/2/2009).

Phát biểu với BBC, bà nhấn mạnh rằng  Hoa Kỳ muốn hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc và rằng "Chúng tôi muốn thiết lập quan hệ đối tác và tạo cơ hội hợp tác để bảo đảm an ninh quốc gia và duy trì các giá trị của nước Mỹ". 

Hơn thế nữa, theo nhận định của bà Elizabeth Economy, Giám đốc Nghiên cứu châu Á của Hội đồng Đối ngoại (Mỹ), chuyến thăm của bà Hillary Clinton tới Trung Quốc còn là "chuyến đi lắng nghe". "Chúng ta cần nghe từ người Trung Quốc đâu là ưu tiên của họ trong quan hệ với Mỹ vì như thế chúng ta mới có thể có ảnh hưởng" (BBC).

Người ta bình luận rất nhiều, theo những quan điểm khác nhau về lý do tại sao bà Hillary Clinton lại chọn 4 nước ở Đông và Đông Nam Á là điểm đến trong chuyến công du hải ngoại đầu tiên của bà. Nhưng, bao giờ cũng thế và luôn luôn là thế,  lý do quan trọng nhất và cũng là lý do xuyên suốt chủ trương đối ngoại của Hoa Kỳ: vì lợi ích của nước Mỹ.

Bà Hillary Clinton đã nói với BBC: "Chuyến đi châu Á của tôi nhằm chỉ ra rằng, Mỹ không chỉ là cường quốc Đại Tây Dương mà còn là cường quốc Thái Bình Dương nữa"

Nguyễn Quốc Uy
.
.