Vì sao các quốc gia châu Phi rút khỏi Tòa án Hình sự quốc tế?

Thứ Tư, 02/11/2016, 10:10
Sau Nam Phi và Burundi, đến lượt Gambia hôm 25-10 đã tuyên bố rút khỏi Tòa án Hình sự quốc tế (CPI). Trước đó, vào ngày 12-10, Tổng thống Burundi Pierre Nkurunziza vốn đang bị cáo buộc về những vi phạm nhân quyền đã tuyên bố thực hiện các thủ tục để rút khỏi quy chế Roma. Quyết định này của một vị Tổng thống đang muốn tránh bị truy tố không có gì đáng ngạc nhiên.

Nhưng 3 ngày sau, cường quốc hàng đầu châu Phi là Nam Phi lại tiếp bước theo. Nước này cho rằng việc sáp nhập thỏa ước Roma là đi ngược lại các cam kết về miễn trừ ngoại giao. Trong năm 2015, nhà chức trách Nam Phi đã từ chối bắt giữ Tổng thống Sudan Omar El-Bechir theo một trát bắt giữ của CPI về tội diệt chủng. Trong tương lai nếu các tội ác được thực hiện trên lãnh thổ những quốc gia đó, người ta sẽ không thể truy tố.

"Tòa án cần sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế để chống lại sự miễn trừ đối với các thủ phạm gây ra những tội ác hàng loạt và ngăn chặn sự tái diễn" - phát ngôn viên Fadi El Abdallah của CPI nói với phóng viên tờ Le Figaro.

Tòa án Hình sự quốc tế tại Lahaye.

Được thành lập vào năm 1998, CPI có 122 quốc gia gia nhập, khác với các tòa án được thành lập để xét xử những tội ác đặc thù, chẳng hạn như Tòa án Nuremberg hay Tòa Hình sự quốc tế về Nam Tư cũ...

Có đến 9 trong số 10  hồ sơ đang được tòa CPI thụ lý là của châu Phi: Uganda, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Trung Phi (2), Darfour, Kenya, Libya, Mali và Bờ biển Ngà. Vì thế các nguyên thủ châu Phi chỉ trích tính "bên trọng bên khinh" của một tòa án "tân đế quốc". Mới đây Gambia đã yêu cầu CPI truy tố các nước phương Tây vì cái chết của hàng ngàn người di dân trên Địa Trung Hải.

Năm 2014, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta bị cáo buộc đóng một vai trò trong những vụ bạo lực sau bầu cử làm chết 1.300 người vào năm 2007 nhưng ông ta "biện hộ" bằng cách xoay ra cáo buộc CPI "chỉ tập trung việc điều tra vào các nguyên thủ châu Phi", đồng thời yêu cầu phải sửa đổi quy chế Roma. Cáo trạng bị hủy bỏ vì không có bằng chứng. Liên minh châu Phi cũng thẳng thừng phê phán CPI. Sau hội nghị thượng đỉnh năm 2013, Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn đã tố cáo "một cuộc săn chủng tộc".

Phải chăng đây là luận cứ thực sự hay là cái cớ được các nguyên thủ châu Phi sử dụng để tránh bị truy tố? "Từ ngữ rất quan trọng: không phải "châu Phi" chống lại CPI, cũng không phải người dân mà là một số nguyên thủ đã bày tỏ tình đoàn kết với El-Béchir, Gbagbo, Kenyatta và Ruto" - nhà nghiên cứu Jean-Baptiste Jeangène Vilmer giải thích.

Vì sao CPI hầu như chỉ xử lý các hồ sơ của châu Phi ? Theo Fadi El Abdallah, đó là do thủ tục thụ lý. Tòa án có thể thụ lý theo 3 cách: bởi các quốc gia thành viên; bởi Hội đồng Bảo an LHQ; và tự thụ lý sau khi điều tra sơ khởi với các bên. Vào tháng 8-2008, CPI đã thụ lý trường hợp của cuộc chiến chớp nhoáng giữa Georgia và Nga.

Mê Linh (theo L'Express)
.
.