Vì sao một số người ở Mỹ chống báo Vietweekly?

Thứ Năm, 16/08/2007, 13:30
Ngày 21/7, khoảng gần 300 người – trong đó 100 người Nguyễn Chí Thiện “mượn” của tên đại bịp Nguyễn Hữu Chánh, tập trung trước cửa tòa soạn Vietweekly để “đánh cho sập” tờ báo này. Vụ này dự tính kéo dài từ 14h đến 17h, thế nhưng mới khoảng 15h30' đã ... rã đám!

Liên tiếp trong hai này 21 và 22/7/2007, rồi sau đó là ngày 28, tại TP Westminster, quận Cam, miền Nam bang Califonia - Mỹ, đã nổ ra cuộc biểu tình của một nhóm những kẻ cực đoan trong cộng đồng người Việt hải ngoại, mà mục đích là "đánh cho sập" tờ Vietweekly (Tuần báo Việt) với lý do: Đây là báo của... Cộng sản.

Vài nét về báo chí người Việt trên đất Mỹ

Vùng đất mà cộng đồng người Việt tập trung sinh sống đông nhất ở nước Mỹ, chính là quận Cam (Oranger county), thuộc miền Nam bang California. Nếu tính cả những người đang an cư lạc nghiệp ở các quận kế cận như Los Angeles, San Bernadino, San Diego, thì con số này vào khoảng nửa triệu người (chỉ thua dân nhập cư Mexico).

Trong nửa triệu người Việt ấy, có người ra đi vì lý do này, lý do khác nhưng tựu trung sau hơn 30 năm, hầu hết đều có cuộc sống ổn định, chí thú làm ăn và không ai chống lại quê hương, đất nước.

Theo con số thống kê của Cơ quan phụ trách di trú Mỹ, 2/3 người Việt sống trên đất Mỹ, từ giữa thập niên 80 thế kỷ trước đến nay, đã từng về Việt Nam  - ít nhất là hai lần. Trong đó, rất nhiều người đem tài sản về đầu tư, hoặc giúp thân nhân, gia đình tại Việt Nam mở mang kinh doanh, thương mại.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một thiểu số mang trong lòng sự hằn thù. Họ là sĩ quan, tướng tá của chế độ Sài Gòn cũ như Nguyễn Khánh, Lý Tòng Bá, Lê Minh Đảo, Ngô Thế Linh, Trần Đình San, hoặc những nhà chính trị “sa lông”, chuyên đánh võ “mồm”  như Ngô Nhân Dụng, Phan Kỳ Nhơn, Đỗ Thái Nhiên, Trần Thế Cung.

Mặt khác, còn có những kẻ vi phạm luật pháp Việt Nam, bị xử tù hoặc tập trung cải tạo rồi sau khi mãn hạn, chạy ra nước ngoài, lớn tiếng la lối, xuyên tạc, tự coi mình là “ngọn cờ đầu” chống Cộng như Nguyễn Chí Thiện.

Ngoài ra, cũng phải kể thêm một số văn nghệ sĩ, nhà báo Sài Gòn cũ như Hoàng Hải Thủy, Phan Nhật Nam, Đỗ Sơn, Thế Phương, Ngụy Vũ, Đinh Quang Anh Thái... và một số chính trị gia trưởng thành trên đất Mỹ như Trần Thái Văn, Andy Quách, Nguyễn Quang Trung, hoặc những kẻ đại bịp, đẻ ra phong trào này, mặt trận nọ, chính phủ kia, mà mục đích không ngoài việc lừa gạt cộng đồng người Việt để kiếm chác như Đỗ Thành Công, Nguyễn Xuân Ngãi, Nguyễn Hữu Chánh, Đỗ Hoàng Điềm...

Trong bối cảnh ấy, thì báo chí, đài phát thanh, truyền hình tiếng Việt là một trong những công cụ để các nhóm này phô trương thanh thế bởi lẽ theo khảo sát của một tổ chức phi chính phủ, chuyên hỗ trợ người nhập cư, có khoảng 1/6 người Việt sống trên đất Mỹ, không đọc được báo hoặc xem truyền hình bằng tiếng Anh.

Tại bang California, từ năm 2003 trở về trước, "nổi đình nổi đám" nhất vẫn là tờ nhật báo Người Việt của Đỗ Ngọc Yến, tiếp theo là tờ Viễn Đông của Tống Hoằng, tờ Caliweekly của Vương Trùng Dương (nay đã sập tiệm), tờ Sài Gòn nhỏ của Hoàng Dược Thảo và sau này là tờ Việt Times, Việt Tide...

Báo điện tử có tờ - mà bà con Việt kiều hay gọi là tờ “tắc kè nhảy tăng gô” (TakeTango) của “chuyên gia lừa đảo” Thế Phương (Chuyên đề ANTG đã từng có bài viết, vạch trần những chuyện lừa đảo của Thế Phương tại Việt Nam), tờ Calitoday...

Riêng về mảng phát thanh, truyền hình, có đài Little Saigon Radio, Little Saigon Tivi, Vietnam California Radio (VNCR), Radio Bolsa, Voice Of Vietnam (VOV)... Đa số những tờ báo ấy, đều có chung một luận điệu là chống Cộng triệt để.

Lấy thông tin từ một số phần tử xấu trong nước, họ xào nấu, thêm bớt, bình luận sai lệch rồi tung lên, lừa bịp cộng đồng nhằm chống lại Nhà nước Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.

Vì sao một số người chống báo Vietweekly?

Giữa năm 2003, Lê Vũ và Nguyễn Quang Trường cùng một nhóm bạn trẻ, đứng ra thành lập tờ Vietweekly (Tuần báo Việt). Là một họa sĩ, trước đó – năm 1999 – Trường (bút danh là Etcetera) chuyên vẽ biếm họa cho báo Người Việt và một số tờ báo Việt ngữ khác.

Đầu năm 2003, tờ Người Việt suy yếu vì đấu đá nội bộ, Đỗ Ngọc Yến lại ốm sắp chết nên Vũ Ánh cùng những tay chân thân cận – mà họ tự xưng là “nhóm anh em người Việt”, lên ngôi, đẩy Đỗ Ngọc Yến vào cảnh ngồi chơi xơi nước.

Thời điểm ấy, Tống Hoằng mua lại tờ Viễn Đông của Nguyễn Đức Quang, nên đã mời Nguyễn Quang Trường về cộng tác với mình trong vai trò tổng thư ký tòa soạn.

Tháng 10/2003, Vietweekly phát hành số đầu tiên, in cùng một nhà in với nhật báo Viễn Đông và gửi kèm theo tờ Viễn Đông vào thứ 5 hàng tuần, biếu không cho độc giả.

Chỉ một thời gian ngắn, Vietweekly được coi như một hiện tượng trong làng báo người Việt hải ngoại bởi loạt bài “Bolsa dị nhân”, vạch trần những trò bịp bợm của một số nhân vật trong cộng đồng, cùng nhiều bài "nảy lửa" khác, phê phán các thủ đoạn mị dân của một số “chính trị gia” như Trần Thái Văn, Andy Quách, Nguyễn Quang Trung.

Sau vụ ấy, Tống Hoằng cho Nguyễn Quang Trường nghỉ việc, đồng thời không cho Vietweekly phát hành chung với nhật báo Viễn Đông nữa.

Dọn về đường Main, thành phố Garden Grove, quận Cam, Vietweekly tiếp tục trung thành với tôn chỉ mục đích của mình – là làm báo cho cộng đồng, cho đại chúng. (Lúc này, Vietweekly phát hành qua hệ thống Công ty phát hành Người Việt của Đỗ Việt Anh, và ai dè sau đó nó trở thành tai họa).

Báo bán ngày càng tăng đã khiến các bậc “trưởng thượng” trong làng báo người Việt hải ngoại nóng mũi.

Nhất là khi Vietweekly cho đăng toàn văn bài viết của tác giả Hà Văn Thùy, nội dung ca ngợi tài trí của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào giải phóng dân tộc, rồi sau đó là bài phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hoặc những bài nói về tình hình Tây Nguyên, bài phỏng vấn nguyên Phó tổng thống Sài Gòn Nguyễn Cao Kỳ, thì nhóm cực đoan, chống đối như Nguyễn Chí Thiện, Phạm Kim Long, Đỗ Thái Nhiên, Phan Kỳ Nhơn nhảy dựng lên. --PageBreak--

Chưa hết, khi Hội nghị APEC diễn ra tại Việt Nam, Vietweekly là tờ báo duy nhất của người Việt hải ngoại, có phóng viên về tường thuật tại chỗ. Không thể để cho “thằng cà chớn” – là chữ dùng của báo Người Việt gọi Nguyễn Quang Trường – diễu võ dương oai, nhất là sau đó, một tuần trước khi ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến Mỹ, có tin rằng ông sẽ dành cho Vietweekly một cuộc phỏng vấn, thì nhóm cực đoan, cầm đầu là Nguyễn Chí Thiện, đã giật dây Đỗ Việt Anh, chủ báo Người Việt và Tống Hoằng, chủ báo Viễn Đông, dựng lên một kịch bản, quyết tâm đánh cho tan Tuần báo Việt.

Phát súng đầu tiên được phe nhóm Nguyễn Chí Thiện tung ra, với sự phụ họa của báo Người Việt và báo Viễn Đông – rồi sau đó báo điện tử “Tắc kè nhảy tăng gô”, báo Sài Gòn nhỏ, Đài Phát thanh VNCR, Đài Little Saigon Radio cùng một số báo khác, nhào vào đánh hôi, là buổi họp báo của ông Michael Marine, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, tổ chức ngày 6/4/2007.

Trong buổi  họp báo này, khi trả lời câu hỏi của các phóng viên về phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Lý, ông Michael Marine đã nói: “Hành động dùng vũ lực để tái lập trật tự cũng xảy ra một cách bình thường tại các tòa án Mỹ”. Toàn bộ buổi họp báo được phóng viên Vietweekly ghi âm và chụp hình.

Đám biểu tình chống báo Vietweekly.
Để chống Vietweekly, nhóm cực đoan đã gửi thư cho Tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội – nhưng họ cố tình lập lờ khi hỏi rằng trong cuộc họp báo ngày 25/4 (là một cuộc họp báo khác, diễn ra 3 tuần sau đó), Đại sứ Michael Marine có nói như vậy không?

Câu trả lời dĩ nhiên là không! Lập tức, đầu tháng 6/2007, Nguyễn Chí Thiện tổ chức một buổi gặp gỡ các phương tiện truyền thông người Việt tại hội trường của Đài Phát thanh Little Saigon Radio để lên án Vietweekly là bịa đặt, là... thân Cộng!

Tiếp theo, Đỗ Việt Anh, chủ báo Người Việt cho Đài Phát thanh VNCR tung lên một thông điệp, gọi là “bản lên tiếng”. Bên cạnh đó, với tư cách là chủ nhân của Công ty Phát hành Người Việt, Đỗ Việt Anh ra lệnh không cho phát hành Vietweekly qua hệ thống của mình.

Để trả đũa, Vietweekly trưng ra bằng chứng, là đoạn băng ghi âm lời phát biểu của Đại sứ Michael Marine ngày 6/4. Biết là hố to, nhưng Nguyễn Chí Thiện cùng phe cánh vẫn quyết tâm chống Vietweekly đến cùng.

Một sự kiện nữa xảy ra như dầu đổ vào lửa: Ấy là sáng thứ bảy, ngày 13/6, Đài BBC – Anh  loan tin, rằng Vietweekly là tờ báo duy nhất của người Việt hải ngoại, được Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nhận trả lời phỏng vấn (sau này có thêm tờ Việt Triburn ở San Jose).

Ngay buổi chiều hôm ấy, tại phòng họp của nhật báo Viễn Đông, Nguyễn Chí Thiện cùng phe nhóm, đã tổ chức một “phiên tòa”, kết án Vietweekly, đồng thời sai người điện thoại đến tòa soạn Vietweekly để chửi bới, hăm dọa những thân chủ đăng quảng cáo và những sạp bán báo.

Trên mặt báo Người Việt, chủ bút Vũ Ánh (tương tự như  tổng biên tập – còn chủ báo Đỗ Việt Anh là người bỏ tiền ra để làm báo), đích thân viết bài "đánh" Vietweekly. Ma giáo hơn, Phạm Phú Thiện Giao – một phóng viên của Người Việt, trong bài viết chống Vietweekly, đã lập lờ ký tên Mai Phương, rồi chạy tít là “Bài từ Việt Nam gửi qua”.

Hôm sau, nó được tờ Việt Tide, TakeTango đăng lại nguyên văn, được “nhà báo” Trần Phong Vũ thêm mắm thêm muối, đăng trong mục “tản mạn”.

Ngày 15/7, phe Nguyễn Chí Thiện "nã đại bác" vào Vietweekly bằng một buổi họp tại hội trường thành phố Westminster dưới chiêu bài “Liên ủy ban chống Cộng”. Lần này, nhóm cực đoan đi thẳng vào việc buộc tội, lên án Vietweekly là thân Cộng, rồi kêu gọi biểu tình.

Để lôi kéo nhiều người tham gia, nhóm cực đoan gắn Vietweekly, ông Nguyễn Cao Kỳ cùng các doanh nhân Việt kiều như ông Lê Văn Chiêu, ông Hồ Văn Xuân Nhi, ông Nguyễn Trí Hiếu – là những người đã dự buổi tiệc với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tại Dana Point, khi Chủ tịch ghé thăm quận Cam.

Trong buổi họp ấy, bên cạnh lời hô hào của Nguyễn Chí Thiện, là “Không đọc Vietweekly, không quảng cáo trên Vietweekly, không bán, không mua Vietweekly, biểu tình dẹp tan Vietweekly”, thì người của Đài Phát thanh Little Saigon Radio đã phân phát hàng trăm tờ báo Viet Tide – với nội dung gồm 7 bài viết, chống Vietweekly, cho tất cả những ai có mặt.

Nhắc đến ông Lê Văn Chiêu thì không thể không nhắc đến dân biểu Trần Thái Văn. Là chủ nhân của hệ thống bánh mì Lee's Sandwich, ông Chiêu nổi tiếng là giàu có, và những hoạt động từ thiện trong cộng đồng người Việt tại Mỹ.

Khi Trần Thái Văn ra tranh cử dân biểu ở quận Cam, ông Lê Văn Chiêu đã tài trợ cho Văn một số tiền khá lớn. Ấy vậy mà khi ông cùng những doanh nhân khác, dự buổi tiệc với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, Trần Thái Văn – trên báo Người Việt – đã gọi ông là “Việt Cộng nằm vùng lộ nguyên hình”.

Cũng cần  nói thêm là khi tiến hành chiến dịch vận động tranh cử, rồi được Thế Phương – chủ tờ báo mạng “tắc kè nhảy tăng gô” ủng hộ, thì lúc đắc cử, Trần Thái Văn đã ký cho Thế Phương hàng loạt thư mời, để Thế Phương dùng thư này, lừa gạt một số phụ nữ ở Việt Nam, muốn sang Mỹ, lấy của họ mỗi người ít nhất 20 nghìn USD.

Trở lại chuyện biểu tình chống Vietweekly, những ngày sau đó, ngoài tờ Người Việt, Viễn Đông, TakeTango, một số cơ quan truyền thông khác như tờ Viet Tide, Đài Phát thanh VOV cũng nhảy vào cuộc với các “thông báo khẩn số 1”, “thông báo khẩn số 2”, gán ghép thêm cho Vietweekly là ủng hộ tổ chức khủng bố Al-Qaeda!

Đến thứ bảy, ngày 21/7, khoảng gần 300 người – trong đó 100 người Nguyễn Chí Thiện “mượn” của tên đại bịp Nguyễn Hữu Chánh, tập trung trước cửa tòa soạn Vietweekly, “lên đồng tập thể”.

Hôm sau, con số này chỉ còn khoảng 150 người nhưng báo Người Việt nâng thành 2 nghìn, còn báo Viễn Đông thổi lên... 3 nghìn. Riêng phóng viên Vi Anh của “tắc kè nhảy tăng gô”, thì “có tới mấy nghìn người...”. Điều khôi hài là cứ hễ trên loa phóng thanh hô vang một câu gì đó, có chữ “đả đảo” là nhóm người bên dưới vung tay, đả đảo theo.

Đến lúc có người hét to: “Đả đảo bọn xách động chống Vietweekly”, thì tất cả cùng hét lên “đả đảo”. Cuộc biểu tình dự tính sẽ kéo dài từ 14 giờ đến 17 giờ, nhưng mới chỉ khoảng 15 giờ 30 phút đã tự động... rã đám!

Chuyện biểu tình “đánh sập Vietweekly” lại được nhóm cực đoan tiếp tục vào ngày 28/7, kèm với lời hăm dọa sẽ còn biểu tình... dài dài. Nhưng Vietweekly vẫn đứng vững và vẫn tiếp tục xuất bản phục vụ cộng đồng người Việt ở Mỹ

PV
.
.