"Viên đá hoà bình" cuối cùng đã được đặt

Thứ Năm, 18/03/2010, 18:30
Cuộc khủng hoảng thể chế mà mọi người lo sợ tại Bắc Ailen cuối cùng đã không diễn ra. Ngày 9/3, phe đa số và đối lập tại Quốc hội Bắc Ailen đã tìm được tiếng nói chung trong việc chuyển giao quyền kiểm soát tư pháp và cảnh sát từ London về Belfast. Như vậy “hòn đá” cuối cùng của hiệp ước hòa bình Belfast ký kết từ năm 1998 đã được đặt.

Việc chuyển giao quyền tư pháp và cảnh sát từ London, Anh, về cho chính quyền Bắc Ailen là vấn đề gây tranh cãi lớn giữa các đảng phái chính trị tại quốc gia non trẻ này và đe dọa tới sự tồn tại của liên minh cầm quyền và thậm chí cả với Hiệp ước Hòa bình Belfast.

Bắc Ailen là một trong bốn nước cùng với Anh, Scotland và xứ Wales hình thành nên đất nước Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen. Như một đơn vị hành chính thuộc Anh, Bắc Ailen có một chính quyền đại diện tương tự như ở Scotland và xứ Wales. Bắc Ailen trong nhiều năm qua xảy ra nhiều bạo lực và xung đột chính trị - tôn giáo giữa những người Thiên Chúa giáo theo đường lối quốc gia chủ nghĩa Nationalists và những người trung thành theo đường lối liên hiệp với Anh Unionist, với 65% trong số đó theo đạo Tin Lành. Họ muốn Bắc Ailen vẫn là một phần của Anh. Những người Unionist chiếm đa số ở Bắc Ailen, trong khi những người theo chủ nghĩa quốc gia Nationalist chỉ là thiểu số.

Kể từ khi ký kết Hiệp ước Hòa bình Belfast vào năm 1998, các chiến dịch bán quân sự ở Bắc Ailen đều ở trong tình trạng ngừng bắn hoặc tuyên bố chiến tranh đã chấm dứt. Tuy nhiên, phải đợi đến ngày 8/5/2007, một chính phủ liên hiệp tại Bắc Ailen mới được thành lập. Theo đó, chức Thủ hiến (quyền hành pháp cao nhất) được trao cho đại diện đảng Unionist  còn chức Phó thủ hiến được giao cho ông Martin McGuinness, thành viên đảng Nationalists (Sinn Féin). Song cũng kể từ đó, liên minh này luôn xảy ra lục đục, thậm chí có lúc trước bờ vực đổ vỡ.

Ngày 4/12/2009, Phó thủ hiến Martin McGuinness đã ra tối hậu thư cho đảng Unionist yêu cầu chuyển giao quyền lực của cảnh sát và tư pháp cho đảng Sinn Féin trước lễ Noel 2009. Ngay lập tức, Unionist đã đáp trả lại rằng, đảng này sẽ không để bất cứ ai thúc bách hay đe dọa. Vì sao hai đảng Unionist và Sinn Féin rơi vào khủng hoảng? Khi Sinn Féin muốn kiểm soát ngành cảnh sát, còn Unionist lại không chấp nhận.

Năm 2008, đại diện hai đảng phái trên đã từ chối gặp gỡ trong suốt 5 tháng liền do bất đồng về vấn đề này. Tình hình được cải thiện sau khi có sự can thiệp cá nhân của Thủ tướng Anh và Thủ tướng Cộng hòa Ailen. Ông Gordon Brown hứa tài trợ cho Bắc Ailen 880 triệu euro để thực hiện việc chuyển giao quyền lực. Mặc dù vậy, Thủ hiến Bắc Ailen, ông Peter Robinson, vẫn luôn từ chối đưa ra một lịch trình cụ thể cho việc chuyển giao quyền lực này vì chấp nhận yêu cầu của Sinn Féin đồng nghĩa với việc Bắc Ailen sẽ vĩnh viễn được tách khỏi Anh, tức là đi ngược lại tôn chỉ của đảng Unionist.

Những tưởng mâu thuẫn này sẽ không thể giải quyết  được nhưng ngày 9-3 vừa qua, Quốc hội Bắc Ailen đã phê chuẩn một Hiệp định lịch sử giữa những người Thiên Chúa giáo và Tin Lành về việc chấp thuận chuyển giao quyền lực tư pháp và cảnh sát từ London về cho Belfast, giai đoạn cuối cùng của Hiệp ước Belfast. Hiệp định vừa được thông qua, do hai đảng Unionist và Sinn Féin tranh luận từ đầu tháng 2/2010, dự định từ ngày 12/4 tới, việc kiểm soát lực lượng cảnh sát và ngành tư pháp của Bắc Ailen sẽ trực tiếp do Belfast quản lý chứ không do London như trước nữa. Như vậy, chức vụ Bộ trưởng Tư pháp, được giao trọng trách quản lý cả tư pháp và cảnh sát, sẽ được thành lập. Ngoài ra, vị trí Tổng chưởng lý Bắc Ailen cũng sẽ được ra đời.

Sở dĩ đảng Unionist chấp nhận yêu cầu của đảng Sinn Féin là do đã đánh đổi được sự nhượng bộ quan trọng từ phía Sinn Féin. Đó là quyền quy định những cuộc tuần hành của người Tin Lành trong các khu phố của người Thiên Chúa giáo. Những cuộc tuần hành này thường xuyên gây ra những xung đột căng thẳng giữa hai cộng đồng tôn giáo tại Bắc Ailen.

Thủ tướng Anh Gordon Brown rất hoan nghênh thỏa hiệp trên giữa các đảng phái tại Bắc Ailen: "Hiệp ước này đặt dấu chấm hết cho nhiều thập niên xung đột và gửi một thông điệp mạnh tới những ai đang muốn quay trở lại bạo lực, đó là nền dân chủ và sự khoan dung đã thắng thế". Bắc Ailen đã xảy ra xung đột chính trị - tôn giáo trong suốt 3 thập niên và cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người.

Để có được hiệp ước hôm 9/3 không thể không kể tới công lao to lớn của Thủ tướng Anh Gordon Brown và Thủ tướng Cộng hòa Ailen Brian Cowen. Suốt từ năm 2007 đến nay, hễ khi nào liên minh cầm quyền tại Belfast có nguy cơ sụp đổ là hai nhân vật này lại ra tay. Trước khi hiệp ước chuyển giao quyền lực được thông qua, hai ông Brown và Cowen đã có mặt cả tuần tại Belfast để giải tỏa bất đồng và tái khởi động đàm phán giữa Sinn Fein và Unionist. Cũng nên nhắc lại: Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton là một trong những người kiến tạo quan trọng cho Hiệp ước Hòa bình Belfast năm 1998.

Tuy nhiên, theo Adrian Guelke, Giáo sư chính trị tại đại học Queen's University, Belfast, hiệp ước giữa hai đảng Sinn Fein và Unionist là rất quan trọng nhưng nó không giải quyết được tất cả các mâu thuẫn và khó khăn giữa hai đảng phái này. Bằng chứng là trong cuộc họp báo mới đây ông Peter Robinson đã từ chối bắt tay ông Martin McGuinness trước công chúng

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.