Vụ kiện kéo dài 15 năm tại Toà án Roma:

Vietnam Airlines không chấp nhận những phán quyết bất công

Thứ Tư, 25/03/2009, 12:10
Một vụ việc tưởng chừng đơn giản nhưng suốt 15 năm qua, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã phải đổ khá nhiều công sức, tiền bạc để đeo đuổi. Cho đến nay, ngoài số tiền 5.200.000 euro mà Vietnam Airlines phải nộp vào tài khoản của Chủ tịch Đoàn luật sư Paris để tạm giữ chờ kết quả của các phiên tòa xem xét vụ kiện là hàng loạt các chi phí phát sinh khác như tiền thuê luật sư tại Paris, tại Italia...

Vụ việc trở nên nghiêm trọng đến độ từ năm 2005 Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo thành lập Tổ công tác của Chính phủ  giải quyết vụ kiện này (thành phần bao gồm các cán bộ của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại, Tòa án Tối cao và Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam) để hỗ trợ Vietnam Airlines. Ngày 2/4 sắp tới, nếu không có gì thay đổi, theo các luật sư là phiên xem xét lần thứ 6 và có thể sẽ là phiên xem xét cuối cùng của Tòa Sơ thẩm Roma về vụ kiện.

Bài viết dưới đây của Chuyên đề ANTG sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vụ kiện phức tạp này để qua đó thấy được tường tận bản chất của vụ việc...

Tòa sơ thẩm Roma triệu tập: Vietnam Airlines không đến vì không liên quan

Vụ việc bắt đầu từ năm 1992, rất đơn giản, tại Italia. Số là vào năm này Vietnam Airlines đã ký hợp đồng đại lý bán vé máy bay với Công ty Falcomar, một công ty được thành lập theo pháp luật của nước Cộng hòa Italia, do ông De Montis làm giám đốc.

Hợp đồng đại lý nêu trên được ký kết trên mẫu hợp đồng đại lý của Tổ chức Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA). Tại Điều 2 hợp đồng năm 1992 quy định rõ Công ty Falcomar chỉ có quyền bán vé cho Vietnam Airlines và Vietnam Airlines  sẽ không chịu trách nhiệm về bất kỳ phát sinh nào từ bất kỳ hợp đồng/thỏa thuận nào khác do Công ty Falcomar ký kết.

Tháng 11/1994, Vietnam Airlines bất ngờ nhận được giấy triệu tập của Tòa Sơ thẩm Roma kèm theo bản dịch Đơn kiện của ông Maurizio Liberati (nguyên đơn) yêu cầu Vietnam Airlines phải có mặt tại Tòa Sơ thẩm Roma ngày 30/11/1995.

Theo nội dung đơn kiện thì ông Liberati yêu cầu Tòa án buộc Công ty Falcomar và Vietnam Airlines (các bị đơn) phải bồi thường cho ông Liberati tiền công cho các công việc mà ông đã thực hiện cho Công ty Falcomar và Vietnam Airlines không ít hơn 537.910.000 lia Italia.

Trên thực tế, Vietnam Airlines không thuê hoặc yêu cầu ông Liberati làm bất cứ công việc gì, giữa hai bên cũng không có bất cứ thỏa thuận, hợp đồng hoặc văn bản ủy quyền nào mà dựa trên đó ông Liberati thực hiện công việc nhân danh Vietnam Airlines. Do đó, Vietnam Airlines đã không có mặt tại phiên Tòa Sơ thẩm Roma ngày 30/11/1995(!)

7 năm sau, khi mọi việc tưởng như đã rơi vào quên lãng thì bất ngờ tháng 5/2002 Vietnam Airlines nhận được Thư đòi tiền của ông Liberati kèm theo 1 trang copy của bản án do Tòa Sơ thẩm Roma ban hành ngày 7/3/2000 bằng tiếng Italia yêu cầu Vietnam Airlines trả số tiền 4.370.584 euro trong vòng 30 ngày để thi hành bản án của Tòa nêu trên, nếu không ông ta sẽ tiến hành các hành động pháp lý khác. Chỉ đến khi nhận được thư đòi tiền của ông Liberati thì Vietnam Airlines mới biết có bản án của Tòa Sơ thẩm Roma ngày 7/3/2000 vì Vietnam Airlines không được tống đạt bản án.

Tiếp viên Vietnam Airlines.

2 năm sau lá thư này, tháng 2/2004 Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã nhận được Thông báo của Ủy ban Đòi nợ và Tịch biên Pháp thông báo phong tỏa số tiền 1.334.411,94 euro tại tài khoản BSP (tài khoản thu bán đại lý) của Vietnam Airlines tại Pháp để thi hành bản án ngày 7/3/2000 của Tòa Sơ thẩm Roma.

Kèm theo Thông báo là Quyết định của Tòa án Paris xác nhận số tiền Vietnam Airlines phải trả là 5.185.969,39 euro. Đây là một quyết định gây choáng váng đối với Vietnam Airlines. Và kể từ đây, vụ việc bắt đầu trở nên nghiêm trọng...

Hành trình đòi công lý: Tốn kém và mỏi mệt

Tháng 5/2002, ngay sau khi nhận được Thư đòi tiền của ông Liberati và được biết về bản án của Tòa Sơ thẩm Roma ngày 7/3/2000, Vietnam Airlines đã cử cán bộ sang Italia làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Italia, Cơ quan Lưu trữ của Tòa án Roma, Cơ quan Đăng ký hồ sơ vụ án và Văn phòng Luật sư Freshfields tại Roma để tìm hiểu.

Bởi vì, những thông tin ban đầu Vietnam Airlines có được ở thời điểm đó về vụ kiện là rất ít ỏi. Hồ sơ và tài liệu chỉ có duy nhất Thư đòi tiền của ông Liberati và 1 trang copy của bản án bằng tiếng Italia. Đoàn công tác đã xác định được thông tin về bản án là đúng.

Tháng 2/2004, khi bị Tòa án Paris - Pháp  phong tỏa số tiền trong tài khoản BSP tại Pháp, Vietnam Airlines đã thuê Văn phòng luật sư Cabinet Garnault tại Paris - Pháp để tư vấn và đại diện cho Tổng công ty giải quyết vụ kiện tại Paris - Pháp. Theo ý kiến tư vấn của các luật sư Pháp, Vietnam Airlines cần phải thuê luật sư tại Italia để tư vấn và đại diện cho Vietnam Airlines trong quá trình giải quyết vụ kiện tại Italia.

Ngay sau đó, Vietnam Airlines đã thuê Văn phòng luật sư Studio Legale Guerreri tại Roma – Italia làm luật sư tư vấn và đại diện cho Vietnam Airlines để nộp Đơn chống án ở các tòa án có thẩm quyền tại Roma - Italia. 

Đơn kháng án ngay sau đó đã được phía Vietnam Airlines nộp lên Tòa Phúc thẩm Roma xin xem xét lại bản án đã có hiệu lực của Tòa Sơ thẩm Roma ngày 7/3/2000.

Nhưng tháng 3/2006, Tòa Phúc thẩm Paris đã ra bản án bác Đơn kháng án của Vietnam Airlines và tuyên Vietnam Airlines phải nộp đủ 5.200.000 euro vào tài khoản của Chủ tịch Đoàn Luật sư Paris để tạm giữ chờ kết quả của các phiên tòa xem xét vụ kiện giữa Vietnam Airlines và ông Liberati đang diễn ra tại Italia.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính đồng ý, Vietnam Airlines đã nộp đủ 5.200.000 euro vào tài khoản của Chủ tịch Đoàn Luật sư Paris để thi hành bản án này.--PageBreak--

Sau 7 phiên xem xét từ năm 2004 đến nay, ngày 16/12/2008 Tòa Phúc thẩm Roma đã ban hành bản án không chấp nhận Đơn kháng án của Vietnam Airlines với hai lý do:

Thứ nhất, Giấy triệu tập Vietnam Airlines ra Tòa Sơ thẩm Roma năm 1995 đã được tống đạt cho Vietnam Airlines là hợp pháp.

Thứ hai, tại thời điểm Vietnam Airlines nộp đơn kháng án năm 2004 thì thời hiệu kháng án đã hết từ cách đó... 3 năm (thời hiệu kháng án hết từ năm 2001 trước khi Vietnam Airlines được biết bản án của Tòa Sơ thẩm Roma).

Ông Liberati và luật sư của công ty Falcomar đã có sự dàn xếp để  trục lợi

Nhưng trong quá trình thu thập tài liệu theo đuổi vụ kiện, do phát hiện thấy có sự thỏa thuận, dàn xếp giữa ông Liberati và luật sư của Công ty Falcomar, tháng 10/2005 Vietnam Airlines đã gửi tiếp Đơn đặc biệt xin hủy bản án năm 2000 tới Tòa Sơ thẩm Roma.

Vietnam Airlines cho rằng đã có sự dàn xếp và tạo dựng chứng cứ giả với mục đích trục lợi giữa nguyên đơn với luật sư của Công ty Falcomar, lợi dụng việc Vietnam Airlines vắng mặt tại phiên tòa. Trong vụ kiện này, Vietnam Airlines đã bị lợi dụng và chịu một bản án bất công, phi lý vì những lý do sau:

Thứ nhất, Vietnam Airlines không có bất cứ mối quan hệ pháp lý nào với nguyên đơn - ông Maurizio Liberati. Hợp đồng đại lý bán vé máy bay với Công ty Falcomar (Italia) mà Vietnam Airlines đã ký năm 1992 là theo mẫu hợp đồng đại lý của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).

Điều 2 của Hợp đồng nói trên quy định rõ: Vietnam Airlines sẽ không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ hợp đồng/thỏa thuận nào khác với bên thứ ba do Công ty Falcomar ký kết. Vì vậy, đơn kiện của ông Maurizio Liberati yêu cầu Falcomar và Vietnam Airlines thanh toán các chi phí cho những công việc mà ông ta thực hiện cho Falcomar với tư cách là đại diện cho Vietnam Airlines trong thời gian từ tháng 9/1991 đến tháng 12/1992 là hết sức vô lý.

Trên thực tế, Vietnam Airlines không thuê hoặc yêu cầu ông Maurizio Liberati làm bất cứ công việc gì, giữa hai bên cũng không có bất cứ thỏa thuận/hợp đồng hoặc văn bản ủy quyền nào. Việc ông Maurizio Liberati đưa Vietnam Airlines vào quá trình tố tụng với tư cách là bị đơn thứ hai (Công ty Falcomar là bị đơn thứ nhất) là không có cơ sở.

Thứ hai, trong quá trình thu thập tài liệu để theo đuổi vụ kiện, Vietnam Airlines đã phát hiện thấy có dấu hiệu của sự dàn xếp giữa ông Liberati và luật sư của Công ty Falcomar nhằm mục đích trục lợi, gây hại cho Vietnam Airlines thể hiện ở hai bức thư đề ngày 23/9/1996 và 13/11/1996. Trong thư, ông Liberati đề nghị phía Falcomar khai trước tòa đã thuê ông làm việc cho Vietnam Airlines.

Sau hai bức thư này, Falcomar tuyên bố giải thể để chuyển phần trách nhiệm sang Vietnam Airlines, với tư cách bị đơn thứ hai. Như vậy, thay vì kiện Falcomar, Liberati quay sang kiện Vietnam Airlines. Và bản án năm 2000 của Tòa Sơ thẩm Roma đã được quyết định theo đúng kịch bản được dàn xếp này, trong đó yêu cầu Vietnam Airlines buộc phải bồi thường một cách bất công và phi lý.

Bên cạnh đó, thay vì đưa ra mức phí tư vấn - mà theo mức giá thị trường chỉ được phép tính bằng hàng nghìn đến chục nghìn euro nếu là một công việc tư vấn pháp lý cho một đại lý bán vé máy bay bình thường như Falcomar, ông Liberati đã cùng với luật sư của Falcomar xây dựng kịch bản để đưa con số đòi bồi thường Vietnam Airlines lên tới hàng triệu euro.

Ông Maurizio Liberati là một luật sư mang quốc tịch Italia, đã có nhiều kinh nghiệm hành nghề chuyên nghiệp và hiểu biết tường tận hệ thống luật pháp Italia, cũng như những quy tắc đạo đức của nghề luật sư, trong đó nguyên tắc trung thực là một trong những nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất, được tôn trọng ở mọi quốc gia. Trong vụ việc này, ông Maurizio Liberati đã hành động ngược lại với nguyên tắc đạo đức đó nhằm mục đích trục lợi cho bản thân mình, gây tổn hại về kinh tế, uy tín và hình ảnh của Vietnam Airlines.

Thứ ba, sau lần duy nhất nhận được giấy triệu tập của Tòa Sơ thẩm Roma vào năm 1994, Vietnam Airlines hoàn toàn không nhận được bất cứ thông báo, giấy triệu tập tới các phiên tòa tiếp theo nào. Ngay cả Bản án số 8395 ngày 7/3/2000 của Tòa Sơ thẩm Roma cũng không được tống đạt đến Vietnam Airlines.

Trong khi Vietnam Airlines không có Văn phòng đại diện tại Italia, thì việc phán quyết không được gửi tới bất kỳ địa chỉ nào của Vietnam Airlines hay thậm chí cả cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Italia là một sự vô lý.

Việc không nhận được thông tin nào từ phía Tòa Sơ thẩm Roma diễn ra trong nhiều năm liền, từ phiên tòa đầu tiên vào ngày 30/11/1995 cho đến tận năm 2002 – chỉ khi nhận được thư đòi tiền của ông Maurizio Liberati kèm theo phần trích lại Bản án 8395 thì Vietnam Airlines mới biết có bản án này.

Vào thời điểm đó, theo luật của Italia thì đã hết thời gian kháng án và thực tế việc thông báo này của ông Liberati một lần nữa được thực hiện đúng theo kịch bản do đã biết trước thời điểm hết hạn kháng án. Vì vậy, Vietnam Airlines đã không có điều kiện, cơ hội để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách thích hợp.

 

Ông Phạm Ngọc Minh.

Phát biểu về vụ kiện, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh khẳng định: “Vietnam Airlines sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình - một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước của Việt Nam bằng mọi khả năng có thể, vì chúng tôi tin rằng cuối cùng công lý cũng sẽ được bảo vệ và thực thi, cho dù có sự khác biệt về địa lý hay hệ thống tư pháp giữa hai quốc gia.

Chúng tôi rất hy vọng rằng các cấp tòa án có thẩm quyền của Italia cũng như người dân Italia sẽ ủng hộ một phán quyết công bằng và khách quan trong vụ việc này, tạo điều kiện cho sự hợp tác kinh tế, thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước cũng như mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Italia ngày một bền vững và phát triển”.

Đặng Huyền
.
.