Vĩnh biệt nhà hoạt động giải phóng dân tộc Nam Phi Albertina Sisulu

Thứ Tư, 15/06/2011, 21:45

Nếu như người Nam Phi xem ông Nelson Mandela là vị "cha già dân tộc" thì họ cũng tôn kính MaSisulu như là "mẹ già" của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống chế độ Apartheid. Tuy không bị tù đày như Mandela, nhưng bà Sisulu đã góp công lớn lãnh đạo phong trào đấu tranh của người Nam Phi da đen. Bà vừa qua đời tại Johannesburg hôm 2/6/2011, thọ 92 tuổi.

Albertina Sisulu tên thật là Nontsikelelo Thethiwe, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng Transkei, một khu bảo hộ cũ của thực dân Anh. Cái tên Albertina có được là do khi bà ghi danh học tại một trường dòng, người ta đưa cho bà một danh sách các tên thánh để bà chọn, và bà chọn "Albertina". Cha của Albertina qua đời khi bà 11 tuổi, và sự nghèo túng lúc đó đe dọa con đường học vấn của bà, nhưng thật may, bà nhận được học bổng của một trường trung học cơ sở do Nhà thờ Thiên Chúa La Mã quản lý. Sau khi Albertina tốt nghiệp, một linh mục nhà thờ đã khuyên bà nên theo học ngành y tá điều dưỡng.

Albertina gặp gỡ ông Walter Sisulu lần đầu lúc bà còn đang tập sự tại Bệnh viện đa khoa Phi Âu (dành cho những người không phải người Âu). Ông Sisulu khi đó là một nhà hoạt động chính trị của Đại hội Dân tộc Phi (ANC). Chính ông đã giúp giác ngộ ý thức chính trị nơi bà. Ngày hai ông bà cưới nhau, Nelson Mandela làm phù rể. Mandela đã trêu bà Albertina rằng: "Này Albertina, chị đã kết hôn với một người đàn ông đã kết hôn đấy.

Trước khi Walter gặp chị, anh ấy đã kết hôn với chính trị rồi". Như chính Albertina thì đã kết hôn với phong trào giải phóng Nam Phi đó thôi! Từ đó, ngôi nhà của gia đình Sisulu ở khu Orlando, quận ngoại ô Soweto (thành phố Johannesburg) trở thành trung tâm hội nghị và bàn bạc các kế hoạch, định hướng chiến lược hành động của ANC. Albertina dựa vào công việc y tá của mình để vừa chăm sóc bệnh, vừa phân phát truyền đơn.

Ngày 9/8/1956, Albertina lãnh đạo một cuộc tuần hành lịch sử với 20.000 phụ nữ Nam Phi tham gia để phản đối việc chính quyền Apartheid ban hành các luật lệ hạn chế các quyền tự do của người da đen. Một biểu ngữ của đoàn diễu hànn ghi: "Các người chạm vào một người phụ nữ là các người chạm vào một tảng đá". Sau này, ngày 9/8 hàng năm đã trở thành Ngày Phụ nữ Nam Phi.

Hai ông bà có với nhau 5 người con, và nuôi thêm 3 người con của người chị quá cố của bà Albertina. Ông Walter Sisulu thường bận bịu công việc lãnh đạo ANC, và sau này cùng với ông Mandela và vài người nữa đứng ra thành lập quân đội, ít dành thời gian cho vợ con, nhưng bà vẫn sẵn sàng chia sẻ với mọi thứ. Trong suốt 20 năm đầu chung sống, họ chỉ ở bên nhau được 9 năm, vì phần lớn thời gian ông Sisulu bận công tác hoặc... bị bắt ngồi tù do hoạt động đấu tranh chống chế độ Apartheid.

Trong khoảng thời gian gần 20 năm đầu chung sống với ông Sisulu, bà Albertina cũng nhiều lần bị bắt giam vào tù như ông. Một lần vào năm 1963, bọn cảnh sát do không tìm thấy ông Sisulu nên đã bắt bà khi bà đang chăm sóc người bệnh. Chúng biệt giam bà trong 90 ngày không xét xử theo một đạo luật độc ác. "Không có gì để đọc, không có gì để làm, không có gì để suy nghĩ cả, ngoại trừ việc lo lắng không biết chuyện gì xảy ra với các con tôi" - bà kể trong quyển tiểu sử của bà do con dâu bà, Elinor Sisulu viết.

Vợ chồng Walter và Albertina Sisulu vào năm 2000.

Năm 1964, ông Sisulu bị chính quyền kỳ thị chủng tộc kết án tù chung thân, bị biệt giam trên đảo Robben Island cùng với ông Mandela. Albertina đã học cách tự thân hoạt động khi không có chồng bên cạnh. Thời gian này, bà liên tục bị chính quyền Apartheid quấy nhiễu. Tổng cộng bà bị chúng bỏ tù hết 26 năm - gần bằng số năm ngồi tù của ông Mandela.

Năm 1983, bà trở thành một trong những người sáng lập Mặt trận Dân chủ Thống nhất - một tổ chức liên minh chống chủ nghĩa Apartheid rất mạnh, là nơi tập hợp tất cả thành phần trong xã hội, từ tôn giáo đến sinh viên, nhân dân lao động,… Năm 1989, Albertina dẫn đầu phái đoàn đi hải ngoại để vận động kêu gọi thế giới chế tài chế độ kỳ thị chủng tộc Apartheid ở Nam Phi. Bà đã gặp gỡ Tổng thống Mỹ George H.W. Bush và cựu Tổng thống Jimmy Carter.

Tháng 10/1989, chồng bà, ông Sisulu được trả tự do. Bốn tháng sau, tháng 2/1990, đến lượt ông Mandela được ra tù. Trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên năm 1994, đảng ANC giành chiến thắng, ông Mandela được bầu làm Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, còn bà Albertina Sisulu cũng được bầu vào Quốc hội và chỉ phục vụ một nhiệm kỳ 4 năm rồi thôi. Năm 2003, ông Sisulu qua đời. Con gái lớn của bà là Lindiwe Sisulu hiện nay là Bộ trưởng Quốc phòng; con trai tên Max thì làm Chủ tịch Quốc hội; và một người con gái nữa gên là Beryl Sisulu hiện đang là Đại sứ Nam Phi tại Na Uy.

Sự ra đi của bà Albertina Sisulu là thêm một ngọn nến của thế hệ đấu tranh vĩ đại thế kỷ XX đã tắt. Tất cả lãnh đạo của đất nước Nam Phi đều đến viếng bà. Chỉ duy nhất ông Mandela không thể đến được, vì ông nay đã quá yếu, nằm một chỗ, con cháu bà sẽ tới thăm ông để báo tin bà mất

Văn Trương (tổng hợp)
.
.