Vladimir Putin sẽ trở lại làm Tổng thống Nga

Thứ Sáu, 30/09/2011, 16:45

Đó là điều gần như chắc chắn sau khi đảng Nước Nga Thống nhất (United Russia) do ông Vladimir Putin làm Chủ tịch chính thức thông báo hôm 26/9 tại Đại hội Đảng toàn quốc rằng ông V. Putin sẽ đại diện cho đảng này ra ứng cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 3/2012. Bên cạnh đó, đảng cũng công bố danh sách 600 ứng cử viên đại biểu Duma Quốc gia do ông Dmitry Medvedev dẫn đầu.

Đại hội toàn quốc của đảng Nước Nga Thống nhất được giới quan sát phương Tây đặc biệt chú ý bởi đây là sự kiện quan trọng, sẽ cho thế giới biết ai sẽ ra ứng cử tổng thống Nga vào năm tới. Và đúng như dự báo của giới quan sát, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể đại hội - và nước Nga - rằng ông sẽ không ra tái ứng cử chức tổng thống Nga nhiệm kỳ tới tại cuộc bầu cử tháng 3/2012. Thay vào đó, ông Medvedev giới thiệu Thủ tướng Vladimir Putin - Chủ tịch đảng, ra ứng cử. Đổi lại, ông Medvedev được Thủ tướng V. Putin, với tư cách Chủ tịch đảng Nước Nga Thống nhất, giới thiệu đứng đầu danh sách ứng cử viên của đảng tại cuộc bầu cử Duma Quốc gia vào ngày 4/12 tới đây.

Ông Medvedev nói thêm, ông sẽ chấp nhận vị trí Thủ tướng Nga như lời đề nghị của ông V. Putin nếu đảng Nước Nga Thống nhất giành được kết quả tốt tại cuộc bầu cử. Hơn 11.000 người, trong đó có 639 đại biểu đảng Nước Nga Thống nhất có mặt tại Cung thể thao Luzhniki đã vỗ tay không ngớt để bày tỏ sự vui mừng sau tuyên bố của Tổng thống Medvedev đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với ông V. Putin.

Thủ tướng V. Putin lên phát biểu trước 11.000 người dự đại hội đảng Nước Nga Thống nhất hôm 24/9/2011.

Giới quan sát cho rằng, chỉ cần ra ứng cử, ông V.Putin sẽ chắc chắn đắc cử vì cử tri Nga sẽ chỉ bầu cho ông. Hiện tại, dù giữ chức Thủ tướng Nga nhưng uy tín và quyền hạn của ông V.Putin không hề suy giảm mấy so với thời ông làm Tổng thống cách đây 4  năm. Đối với một số người, điều đó cũng giống như một sự hoán đổi vị trí giữa "bộ đôi quyền lực", đôi "song mã" chèo lái con thuyền nước Nga thời kỳ mới, đầy sóng gió và không yên ả như nước hồ Baikal. Thêm một điều gần như chắc chắn nữa là những thăm dò gần đây cho thấy tỉ lệ cử tri ủng hộ đảng Nước Nga Thống nhất vẫn cao nhất nước Nga, bỏ xa các đảng đối lập. Nhưng đối với một số người khác thì đây là một thủ tục trong kế hoạch xoay chuyển quyền lực của ông V. Putin đã được trù tính sẵn từ trước năm 2008. 

Năm nay 59 tuổi, ông V.Putin xuất thân là sĩ quan tình báo KGB, từ năm 1990 lãnh đạo đảng "Ngôi nhà của chúng ta là nước Nga" tại thành phố St. Petersburg, tham gia chính quyền thành phố từ năm 1994 và trở thành Thị trưởng năm 1996. Ngay sau đó, năm 1997, V. Putin được Tổng thống Boris Yeltsin gọi về Moskva, làm Phó chánh Văn phòng Tổng thống Nga. Từ vị trí này, V.Putin bắt đầu tham gia nhiều vào những công việc của lãnh đạo cao cấp của nước Nga. Để rồi 2 năm sau, năm 1999, V. Putin được ông Yeltsin chọn vào vị trí Thủ tướng Nga vốn thay đổi xoành xoạch trước đó. Từ cuối tháng 12/1999, V. Putin tiếp nhận luôn quyền lực từ tay người tiền nhiệm, trở thành Quyền Tổng thống Nga trong khi chờ cuộc bầu cử vào tháng 3/2000. Cuộc bầu cử đó đã chính thức đưa ông V. Putin lên làm Tổng thống nước Nga - chỉ 10 năm sau khi làm cố vấn cho Thị trưởng St. Petersburg.

Tại vị qua 2 nhiệm kỳ Tổng thống, V. Putin đã làm được rất nhiều cho nước Nga, đã lèo lái nước Nga từ một nước chìm ngập trong khủng hoảng kinh tế và đầy rẫy tội phạm xã hội trở thành một quốc gia thịnh vượng, an ninh; về đối ngoại, từ một "con nợ đủ thứ" của Tây âu thành nước nắm quyền chủ động trong mọi cuộc tiếp xúc, quan hệ ngoại giao, kinh tế, kể cả đối đầu. Dưới thời V. Putin, nước Nga đã dần ổn định, thoát được thời kỳ mất phương hướng sau sự kiện Liên Xô sụp đổ, dần lấy lại phần nào vị thế của "siêu cường" một thời.

Trong cuộc đối đầu Đông - Tây thời kỳ mới, nước Nga của V. Putin đã đương đầu một cách quyết liệt trước sức tấn công mạnh mẽ của EU và NATO trong cuộc chiến giành giật không gian ảnh hưởng tại các quốc gia cựu thành viên Liên Xô. Qua 8 năm lãnh đạo của V. Putin, nước Nga đã dần khôi phục lại một số giá trị bất hủ của thời Liên Xô trước đây, đồng thời có những bước phát triển mới về khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại và sức mạnh quân sự của nước Nga vẫn không hề suy giảm.

Năm 2008, theo Hiến pháp, V. Putin đã trao quyền lại cho Dmitry Medvedev - người trước đó làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Gazprom, còn mình nhận lãnh nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ. Tuy V. Putin dưới quyền ông Medvedev, nhưng trên thực tế, phương Tây vẫn cho rằng mọi quyết sách đối nội lẫn đối ngoại của Tổng thống Medvedev đều được xem là có sự hiến kế của ông.

Hiện tại, V. Putin đang nhận được sự ủng hộ rất cao trong cử tri Nga. Người Nga vẫn xem ông là lãnh đạo cấp cao nhất của họ cho dù trong 4 năm qua, ông chỉ đảm trách chức vụ Thủ tướng. Riêng giới chức phương Tây và thành phần thất sủng, những kẻ cơ hội và từng bị ông V. Putin "trị tới nơi tới chốn" thì không "phấn khởi" đón nhận sự kiện này như dân Nga. Báo chí quốc tế cho biết, giới chức phương Tây đang "chuẩn bị tinh thần" để đón nhận sự trở lại của thái độ đàm phán cứng rắn, của phong cách đối ngoại mạnh mẽ, khó đoán từng được ông V. Putin áp dụng 4 năm về trước.

Bản thân ông V. Putin cũng hiểu rõ nước Nga ngày nay đang đối mặt với những cơ hội và thách thức lớn trong một thế giới có nhiều biến động về địa chính trị và nhất là khủng hoảng kinh tế đang hoành hành tại châu âu. Tận dụng tốt cơ hội, đồng thời có đủ bản lĩnh ngăn ngừa các nguy cơ, thách thức, nước Nga của V. Putin nhiệm kỳ mới (nếu đắc cử) sẽ càng phát triển mạnh mẽ hơn

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.