Vụ 10 thuyền viên bị bắt tại Nam Phi: Chờ một sự phán xét công bằng

Thứ Sáu, 22/05/2009, 10:45
Theo các nguồn tin nước ngoài, ngày 5/5/2009, Cảnh sát đặc nhiệm Nam Phi đã bắt 10 thuyền viên Việt Nam làm thuê trên tàu đánh cá Balena của Đài Loan hoạt động ở ngoài khơi Cape Town (Nam Phi) vì bị tình nghi phạm tội "bắt cóc" và "cướp biển".

Một số nguồn tin báo chí Nam Phi cho biết, 10 thuyền viên Việt Nam nói trên, tuổi từ 17 đến 28, đã bị đưa ra trước Tòa án Cape Town  ngày 7/5/2009. Tuy nhiên, do chưa có đủ chứng cứ để buộc tội họ, phiên tòa đã được hoãn đến ngày 20/5/2009 để "có thời gian điều tra thêm".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng cho biết: Ngay sau khi được tin về vụ việc này, Đại sứ quán nước ta tại Nam Phi đã cử cán bộ đi Cape Town để tiếp xúc lãnh sự và làm việc với các cơ quan chức năng của Nam Phi.

Theo tường thuật của một bài báo đăng trên mạng sapsjournalonline.gov.za của Sở Cảnh sát Nam Phi ngày 8/5/2009, vụ việc mà bài báo này mô tả là "cuộc giải cứu" bắt đầu lúc 15h (giờ địa phương) ngày 4/5/2009 khi Sở Cảnh sát Nam Phi được thông báo là đã xảy ra "xung đột" trên tàu đánh cá viễn dương mang tên "Balena" của Đài Loan.

Vẫn theo bài báo trên, 10 trong số 31 thành viên trên tàu đã có hành động khống chế, bắt giữ viên thuyền trưởng và sĩ quan trưởng của ông ta làm "con tin" và "cướp tàu" để chạy vào cảng Table Bay (Vịnh Cái Bàn) ở Cape Town (Nam Phi). Đến 5h30' (giờ địa phương) ngày 5/5/2009, Cảnh sát đặc nhiệm Nam Phi đã đổ bộ lên tàu Balena, bắt 10 thuyền viên này mà sau đó người ta được biết là người Việt Nam và "giải thoát" thuyền trưởng cùng sĩ quan trưởng của tàu Balena.

Bản chất của sự việc không hẳn như nhận định của bài báo trên. Việc bắt giữ để khống chế thuyền trưởng và sĩ quan trưởng của tàu Balena có thể đã xảy ra, như tường thuật của bài báo, nhưng hoàn toàn chưa có căn cứ để khẳng định đây là vụ "bắt giữ con tin" và "cướp tàu".

Thông thường, trong các vụ bắt cóc con tin, những kẻ bắt cóc đều đưa ra yêu sách đòi một tổ chức, một nhóm người hoặc một cá nhân nào đó phải nộp tiền chuộc hoặc phải thực hiện một công việc theo yêu cầu của chúng để đổi lấy việc chúng thả con tin.

Trong trường hợp của 10 thuyền viên Việt Nam làm thuê trên tàu Balena, chưa có bằng chứng nào cho thấy họ đã đòi tiền chuộc hoặc đưa ra một yêu sách nào đó để đổi lấy những người bị cho là "con tin" (cụ thể trong trường hợp này là ông thuyền trưởng và sĩ quan trưởng của tàu Balena).

Và nếu các thuyền viên Việt Nam có hành động "cướp" tàu như sự tình nghi của Cảnh sát Nam Phi, thì chẳng dại gì họ lại cho tàu chạy vào cảng Table Bay của Nam Phi, vì làm như vậy tức là họ tự nộp mình cho nhà chức trách Nam Phi.

Một bài báo đăng trên mạng www.iol.co.za của Nam Phi ngày 6/5/2009 đã dẫn lời ông Cassiem Augustus, đại diện của Liên đoàn Vận tải quốc tế tại Cape Town, cho rằng các thủy thủ Việt Nam đã "hành động trong cơn tuyệt vọng" sau nhiều tháng bị viên chỉ huy và các thủy thủ người Đài Loan trên tàu Balena đánh đập và đối xử tàn tệ.

Ông Augustus nói rằng các thủy thủ Việt Nam đã "đề nghị dừng tàu ở Cape Town để họ có thể lên bờ và bay về nước" và, chỉ khi người chỉ huy con tàu từ chối, các thủy thủ Việt Nam mới giành quyền kiểm soát con tàu.

Cảnh sát Nam Phi canh giữ các thuỷ thủ Việt Nam bị bắt trên tàu cá Đài Loan.

Vẫn theo lời ông Augustus, các thủy thủ Việt Nam nói rằng họ đã bị đối xử tàn tệ và bị đánh đập trong thời gian phục vụ trên tàu đánh cá Balena. Một trong số những thủy thủ này bị vỡ mũi và một người khác bị thương ở đầu, còn một người nữa thì trong suốt 19 tháng liên tục không được lên bờ.

Ông Augustus đặt câu hỏi là liệu những lời cáo buộc họ (các thủy thủ Việt Nam) phạm tội "bắt cóc" và "cướp biển" có thích hợp hay không, đồng thời ông cũng đưa ra thắc mắc là liệu nhà cầm quyền Nam Phi có quyền xét xử vụ này hay không khi vụ việc xảy ra ở vùng biển thuộc hải phận quốc tế và trên một con tàu không phải của Nam Phi.

Thực tế cho thấy, hành động của các thuyền viên Việt Nam trên tàu Balena chỉ là cách mà họ buộc phải làm khi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài mục đích tự giải thoát khỏi môi trường làm việc quá hà khắc và sự ngược đãi quá mức trong thời gian dài của chỉ huy và các thủy thủ người Đài Loan trên con tàu này, rồi lên bờ để tìm đường về nước. Họ chỉ là những nạn nhân, không thể buộc tội họ là những kẻ "bắt cóc" và "cướp biển".

Dư luận đang chờ sự phán xét công bằng đối với 10 thuyền viên Việt Nam bị bắt trên tàu Balena

Nguyễn Quốc Uy
.
.