Vụ 5 người tìm trầm bị bắn chết: Đắng cay đời phu trầm

Thứ Sáu, 05/04/2013, 22:55

Chúng tôi về vùng cát Quảng Bình nơi có 5 người dân đi tìm trầm vừa bị hung thủ giết chết. Những phu trầm mặt thẫn thờ, sợ sệt vừa thoát khỏi bàn tay của nhóm bắt cóc kể lại; hung thủ đã tra tấn, giết người còn tàn bạo hơn cả thời trung cổ. Thi thể của những phu trầm bị giết đã được đưa về quê mai táng, nhưng nỗi đau vẫn còn mãi đọng lại dưới nhiều nếp nhà, bởi ở đó còn có những người vợ, những đứa con thơ bỗng dưng mất cha.

Cuộc tàn sát man rợ

Sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, khi những cơn mưa xuân dần dứt hẳn, người làng Quảng Sơn, Quảng Minh, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) lại khăn gói vào rừng. Để chuẩn bị cho một chuyến tìm trầm cả tháng trời, người dân nơi đây phải chạy đôn, chạy đáo vay mượn khắp nơi để sắm vật dụng, tư trang, lương thực.

"Trung bình một chuyến đi mất khoảng 10 triệu đồng để mua dao, rựa, chăn màn, gạo, thịt... Phải chuẩn bị trước cả tuần lễ, thịt, cá phải hun khói, ướp muối, cất trữ thuốc sốt rét, đau bụng... Ai không có tiền để chuẩn bị thì các đầu nậu trầm cho vay mượn, sau đó nếu trúng trầm thì phải bán cho đầu nậu. Nhưng các phu trầm thích vay mượn bên ngoài hơn, vì nếu vay đầu nậu thì khi bán trầm thường bị ép giá, hoặc tính lãi cao" - phu trầm Hoàng Ngọc Cường ở Quảng Minh cho biết vậy.

Từ lâu dọc mảnh đất nghèo miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh... chuyện những phu trầm mất mạng giữa rừng thiêng nước độc do thú vồ, sốt rét, bị cướp giết không còn là chuyện lạ. Nhưng cùng một lúc 5 phu trầm bị giết chết một cách dã man đã làm bàng hoàng người dân địa phương. Bước chân nặng trĩu đưa chúng tôi đến thôn Chày, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình nơi có 2 trong số 5 phu trầm vừa bị sát hại. Thôn Chày - chỉ tên địa danh nghe đã làm mủi lòng những người tìm đến.

Thực ra trong bản đồ hành chính xã Quảng Sơn, thôn Chày có tên hẳn hoi, gọi là thôn Tân Sơn, nhưng người dân địa phương vẫn gọi là thôn Chày bởi nơi đây những con số 0 tròn trĩnh luôn bủa vây cuộc sống người dân cách đây không lâu; không điện, không trường, không trạm, không đất canh tác, không có việc làm... Vì vậy để tồn tại, mưu sinh người dân nơi đây chủ yếu dựa vào rừng. Khi những khu rừng tự nhiên dần dần không còn gỗ, người dân thôn Chày lại đóng gùi vào tận rừng sâu mong tìm được sản vật quý của rừng là trầm hương. Câu chuyện trúng trầm để đổi đời chưa thấy đâu nhưng đời đau vì trầm thì nhiều lắm.

Ngày 23/3/2013, tốp phu trầm gồm 7 người quê ở xã Quảng Minh, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch vào rừng tìm trầm. Sau 3 ngày trèo đèo, lội suối họ tìm đến khu vực bản Cha Lỳ, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị để tìm trầm hương và gỗ huê.

Khi lán trại đơn sơ của nhóm phu trầm vừa được dựng lên thì bất ngờ xuất hiện 3 đối tượng mang theo súng tiểu liên AK, chúng gí súng vào đầu từng người, rồi bắt trói cả nhóm đưa sang khu vực khe Tà Băng thuộc cụm bản Ca Pai, huyện Sê Pôn, tỉnh Sa Vẳn Na Khệt (Lào) cách biên giới khoảng 700m giam giữ, đòi tiền chuộc mỗi người 15 triệu đồng. Chúng thả anh Hoàng Văn Hà (37 tuổi) ở thôn Minh Tiến, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch,  về lấy tiền chuộc. Khi anh Hà vừa rời khỏi nơi giam giữ, nhóm bắt cóc đã dùng dây rừng trói cánh khủy từng người, sau đó chúng trói xâu người này với người khác.

Anh Đỗ Văn Hiền (25 tuổi), trú Quảng Sơn, Quảng Trạch chưa hết bàng hoàng kể lại: Nhóm phu trầm còn đang vật lộn với cơn đói, khát thì các đối tượng dùng báng súng đánh vào chỗ hiểm của từng phu trầm. Chúng trói từng người vào gốc cây rồi dùng gậy đánh đến khi máu chảy đầm đìa. Mặc cho nhiều phu trầm kêu khóc, van lạy, nhưng nhóm bắt cóc vẫn không hề đoái hoài tới. Sau một ngày bắt cóc các phu trầm, hành hạ đủ kiểu, bọn chúng đã trói từng phu trầm vào gốc cây rồi đánh đập cho đến chết, phu trầm nào chưa chết, chúng dùng súng bắn vào đầu. Chúng giết từ từ từng người một.

Lần lượt các phu trầm: Trương Thanh Hiền (SN 1975), trú thôn Minh Tiến, xã Quảng Minh; Nguyễn Văn Thắng (SN 1967), trú thôn Bắc Minh Lệ, xã Quảng Minh; Nguyễn Văn Sáu (SN 1988), trú thôn Bắc Minh Lệ, xã Quảng Minh; Hoàng Xuân Thân (SN 1994), thôn Tân Sơn, xã Quảng Sơn; Trần Văn Trị (SN 1980), thôn Tân Sơn, xã Quảng Sơn, tất cả đều thuộc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình bị giết chết. Khi thấy từng người bị đem đi giết hại dã man, cảm giác sắp đến lượt mình nên anh Đỗ Văn Hiền đã cố hết sức, phá được dây trói và lợi dụng núi rừng hiểm trở đã tháo chạy thoát chết trở về.

Anh Đỗ Văn Hiền (người trốn thoát khỏi nhóm bắt cóc) bàng hoàng kể lại vụ việc.

Anh Đỗ Văn Hiền quê gốc ở Phú Khánh, Thạnh Phú, Bến Tre. Hiền ra Quảng Bình lấy vợ và ở lại quê vợ. Đây là lần đầu tiên anh theo các phu trầm vào rừng tìm trầm và đã gặp cảnh tượng kinh hoàng. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, Hiền vẫn còn thẫn thờ, sợ sệt. Người nhà bảo, từ ngày trốn thoát khỏi nhóm bắt cóc trở về, mỗi khi nghe tiếng động mạnh Hiền giật mình thon thót.

Điều làm Hiền không thể lý giải nổi là không hiểu vì sao, nhóm bắt cóc lại đánh đập dã man rồi giết chết từng người. Bởi chúng yêu cầu tiền chuộc (mỗi người 15 triệu đồng) thì đã cho người về lấy. Trong khi đánh đập nạn nhân, chúng rất ít nói, anh Hiền chỉ nghe loáng thoáng là chúng nói bằng tiếng Việt.

Sau khi giết các phu trầm, có lẽ nhằm để xóa đi dấu vết, nhóm bắt cóc đã đào hố chôn chung 5 phu trầm xấu số. Anh Hoàng Văn Hà (phu trầm được thả về lấy tiền) đã đến từng nhà, rồi vay mượn gom góp đủ tiền để trở vào rừng chuộc các phu trầm. Nhưng anh chưa kịp đến nơi thì đã gặp anh Hiền kể lại câu chuyện kinh hoàng các phu trầm đã bị giết chết. Anh Hà, anh Hiền và thân nhân của các phu trầm bị sát hại đã báo cáo với cơ quan chức năng, và ngày 27/3, thi thể các phu trầm đã được đưa về quê Quảng Bình mai táng.

Ba đứa con đáng thương của anh Trị vẫn ngây thơ không biết từ nay chúng mãi mãi mất cha.

Dằng dặc nỗi đau còn lại

Bước chân nặng trĩu nỗi buồn đưa tôi đến nhà phu trầm Trần Văn Trị ở thôn Tân Sơn, xã Quảng Sơn. Không khí tang tóc bao phủ lên căn nhà xập xệ từ đầu ngõ. Từ khi nghe tin chồng bị giết chết một cách dã man, chị Hoàng Thị Hòe, vợ anh Trị và 3 đứa con cứ bíu riết lấy nhau mà khóc.

Trong số những phu trầm bị giết chết, anh Trị là người có hoàn cảnh khó khăn hơn cả. Cưới vợ ra ở riêng, vợ chồng anh Trị tất bật, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ở vùng quê bán sơn địa để gom góp dựng được căn nhà. Khi niềm vui của vợ chồng chưa lắng xuống thì cuối năm 2011 căn nhà bị cháy rụi. Từ khi nhà cháy, hơn một năm trời vợ chồng anh chị và 3 đứa con thơ phải tá túc trong căn lều dựng tạm. Cuối năm 2012, nhờ vay mượn khắp nơi, hai vợ chồng dựng lại căn nhà để có chỗ che mưa che nắng.

Anh Trị thường đùa với vợ "lỡ ông trời thương cho trúng trầm thì đốt nhà làm lại em hè...", trong lời đùa của anh còn mang nhiều hy vọng. Ai ngờ! Nhìn các con anh trắng vành khăn tang thẫn thờ nhìn ảnh cha ai cũng mủi lòng. Đứa đầu chưa đầy 10 tuổi, đứa út còn bi bô tập nói, chúng len lén nhìn người lạ. Có lẽ trong tâm hồn trong trắng, non nớt của các cháu chưa thể nghĩ đến chuyện chúng đã mãi mãi mất cha.

Rời nhà chị Hòe, chúng tôi đến nhà Hoàng Xuân Thân cùng thôn Tân Sơn. Sinh năm 1994, tuổi thơ của Thân gặp nhiều bất hạnh. Ba bỏ gia đình khi Thân còn tập nói, tập đi. Nhà 3 anh em, Thân một mình gánh vác việc nuôi mẹ, nuôi em. "Trước ngày đi rừng, hắn còn nói với tui, chuyến ni trúng trầm thì con mua cho mạ cái tivi to mà coi cho sướng. Hắn chăm chút sửa lại cái gùi, bọc từng miếng thịt. Khi đã chuẩn bị xong, hắn còn lấy ra một miếng thịt để lại rồi nói: mạ và em để ở nhà mà ăn, ở nhà có chi ăn mô...". Nhớ về con, mẹ Thân luôn miệng khóc gọi tên con trong gió chiều lạnh lẽo.

Quảng Sơn, Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình là vùng cồn bãi, bán sơn địa nên cuộc sống của người dân còn hết sức vất vả. Anh Đoàn Văn Kiệm - Bí thư Chi bộ thôn Minh Tiến, xã Quảng Minh nghẹn lời khi nói đến những phu trầm của làng bị giết hại. "Anh Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1967, vẫn chưa vợ con. Cái đói, cái nghèo cũng phần nào làm Thắng tủi thân chưa gây dựng gia đình. Hàng ngày Thắng cần mẫn nuôi mẹ già hơn 80 tuổi. Thiếu việc làm, thiếu ruộng đồng nên mới phải vào rừng thiêng nước độc tìm kiếm vận may, ai ngờ các anh bị giết hại dã man như vậy".

Đã ba hôm kể từ khi mất con, bà Nguyễn Thị Nhung (mẹ anh Thắng) cứ ngẩn ngơ như người mất hồn. Đám tang của anh đành phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và bà con làng xóm. Tai họa bất ngờ ập xuống làm nhiều người dân ở vùng quê nghèo này bàng hoàng đến sửng sốt.

Sáng 28/3, chúng tôi đã đến gặp Thượng tá Đinh Văn Lưu - Phó trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, anh cho biết: Ngày 25/3, sau khi nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã khẩn trương chỉ đạo Đồn Biên phòng Làng Ho lập biên bản tiếp nhận tin báo, lấy lời khai người bị hại; tổ chức lực lượng điều tra, xác minh. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Đồn trưởng và Đồn phó nghiệp vụ đồn Biên phòng Làng Ho và tổ công tác trực tiếp sang làm việc với Đồn Biên phòng Cù Bai - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, đến hiện trường xảy ra vụ việc phối hợp điều tra, xác minh.

Hiện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã gửi công văn đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị chỉ đạo Đồn Biên phòng Cù Bai thông báo đến lực lượng bảo vệ biên giới đối diện phối hợp điều tra, xác minh, truy xét đối tượng gây án; triển khai 2 tổ công tác về 2 xã Quảng Sơn, Quảng Minh, huyện Quảng Trạch có người bị nạn để điều tra, xác minh; điện báo Bộ Tư lệnh Biên phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo.

Theo nhận định ban đầu của Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình: Đây là vụ giết người, cướp của hết sức man rợ, đối tượng gây án theo mô tả của nạn nhân thì chưa thể khẳng định được là người Việt Nam hay người Lào nhưng chúng rất thông thuộc địa hình hai bên biên giới. Sau khi gây án xong, chúng bỏ trốn không để lại dấu vết, tình hình trên đã gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân vùng biên, vì vậy lực lượng Biên phòng phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan kiên quyết truy bắt các hung thủ trừng phạt theo pháp luật

Dương Sông Lam
.
.