Vụ PV báo Pháp Luật TP HCM bị bắt giữ: Chống tiêu cực, đừng tiêu cực!

Thứ Tư, 14/08/2013, 12:25

Báo giới lại vừa đón nhận một thông tin chấn động: phóng viên Võ Thanh Tùng - đang công tác tại báo Pháp Luật TP HCM bị các trinh sát của Bộ Công An bắt giữ vì có dấu hiệu nhận tiền từ một doanh nghiệp tại một khách sạn lớn ở TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).

Phóng viên Võ Thanh Tùng, được đồng nghiệp và độc giả biết đến nhiều hơn với bút danh Duy Đông. Anh là phóng viên thường trú tại khu vực Đồng Nai của báo Pháp Luật Tp HCM.

1. Đầu năm 2012, phóng viên Duy Đông chuyển về báo Pháp luật Tp HCM. Rất nhanh chóng, phóng viên Duy Đông khẳng định vị thế của mình bằng những loạt bài điều tra liên tiếp, phanh phui những vụ việc tiêu cực xảy ra tại tỉnh Đồng Nai.

Tháng 6/2013, phóng viên Duy Đông nhận giải 3, Giải thưởng báo chí của Hội Nhà báo Tp HCM với loạt bài điều tra mang tên: “Nhức nhối nạn đóng "hụi chết" cho CSGT trên quốc lộ 20” của Võ Tùng - Duy Đông. Cũng trong tháng này, Duy Đông là phóng viên nhận được giải thưởng Vành Khuyên - một giải thưởng của Diễn đàn Nhà báo trẻ, được điều hành bởi nhà báo Phan Lợi - Trưởng Văn phòng đại diện Báo Pháp luật Tp HCM tại Hà Nội, với loạt bài "Những cây xăng "quyền lực" trên quốc lộ 20".

Giải thưởng Vành Khuyên là giải thưởng do chính cá nhân nhà báo Phan Lợi đề xuất, dựa trên mức đóng góp của một vài cá nhân (hay tổ chức), dành để khen ngợi những phóng viên có bài viết hay trong tháng. Với hơn 5.000 thành viên, Diễn đàn Nhà báo trẻ rất đình đám trên facebook, hoạt động theo đúng "định hướng" của nhà báo Phan Lợi. Chính nhờ diễn đàn này, nhà báo Phan Lợi mới được biết đến, đồng thời nhận được nhiều lời mời giảng dạy từ các tổ chức báo chí trong và ngoài nước.

Nhiều khả năng vụ tiêu cực của PV Duy Đông liên quan đến loạt bài viết này.

Trưa ngày 7/8 vừa qua, phóng viên Duy Đông bị các trinh sát hình sự Bộ Công an bắt quả tang khi đang nhận tiền của chủ một doanh nghiệp. Nhiều khả năng, doanh nghiệp này là đối tượng chính trong loạt bài điều tra gần nhất của Duy Đông, loạt "Múa cột, ma túy trong các quán bar ở Đồng Nai" in trên báo Pháp luật Tp HCM, vào cuối tháng 7/2013. Nghĩa là chỉ độ 1 tuần sau khi in loạt bài trên thì phóng viên Duy Đông bị bắt quả tang nhận tiền.

Cùng bị bắt với Duy Đông là hai người đàn ông khác, nhiều khả năng hai người này chính là "cộng tác viên" của phóng viên Duy Đông. Khám xét nhà riêng của phóng viên Duy Đông, các điều tra viên thu giữ nhiều giấy tờ, hồ sơ khác… Báo Pháp luật Tp HCM, cũng đã cử đại diện lãnh đạo của Báo đến để tìm hiểu sâu hơn về vụ việc này.

2. Mảng điều tra luôn có sức hấp dẫn với các phóng viên. Phóng viên thực hiện tốt mảng này đều được anh em đồng nghiệp đánh giá cao, nhanh chóng tạo nên tên tuổi trong làng báo chỉ cần thông qua vài loạt bài như vậy.

Đương nhiên là đa phần những thông tin điều tra phản ánh chính xác của báo chí đều được các cơ quan chức năng quan tâm, tiếp nhận và xử lý theo quy định của pháp luật. Đối tượng bị phóng viên điều tra tập trung nhắm đến trong loạt bài điều tra nếu là cá nhân thì bị đình chỉ công tác, xử lý kỷ luật, hay truy tố tùy theo mức độ vi phạm. Còn nếu đó là doanh nghiệp kinh doanh, thì chắc chắn còn gặp nhiều "mệt mỏi" hơn vì những sai phạm của doanh nghiệp bị phóng viên phanh phui.

Tâm lý thông thường, người ta vừa sợ vừa ghét những ai đưa ra ánh sáng dư luận những điều khuất tất mà họ mong muốn giấu kín. Hơn nữa, trong xã hội chúng ta, lực lượng phóng viên điều tra nhận được khá nhiều sự ưu ái, nể trọng… của nhiều tầng lớp khác nhau. Chính vì vậy, phóng viên mảng điều tra lại càng tỏ ra tự tin thái quá với "quyền lực" trong tay.

Chính tự sự tự tin thái quá, mà một số phóng viên mảng điều tra bắt đầu có những hành vi lệch chuẩn, vừa gây tổn hại đến uy tín của mình vừa khiến tòa soạn (nơi phóng viên công tác) gặp bất lợi về mặt danh dự.

Những sai phạm đã qua của một số phóng viên mảng điều tra cho thấy, phóng viên theo mảng này nếu không dọa nạt theo kiểu tuyên bố "đăng cho nó chết", thì đa phần rất khéo léo đề cập đến việc kiến nghị gặp riêng để "chúng tôi đang có thêm thông tin, đề nghị các anh (chị) cho cuộc hẹn trao đổi". Hoặc đơn giản hơn, chấp nhận lời mời của đối tượng mình điều tra, như "Anh đánh tụi em rát quá, nghe anh có tin mới, thôi anh để cho em làm ăn. Trưa anh rảnh, em mời anh đi uống chút gì đó rồi anh em mình… nói chuyện".

Ai đó không biết gì, cứ tỏ ra là kẻ am chuyện khi huyênh hoang về những vụ sai phạm của phóng viên mảng điều tra theo lối hóng hớt, suy đoán lăng nhăng theo kiểu "đánh tiêu cực nên bị trù dập".

Cần phải khẳng định rằng, nếu bản thân phóng viên điều tra trong sáng, biết cách vượt qua được những cám dỗ liên tục được đưa ra từ phía  "bị điều tra" thì chắc chắn không ai có thể "trù dập" họ được.

"Không có lửa, sao có khói", bởi thế trót theo nghề báo, làm mảng điều tra lại càng phải hết sức giữ mình. Đơn giản là vì muốn đấu tranh bằng ngòi bút để chuyển đến công luận những hành vi tiêu cực của một hay nhiều đối tượng, chỉ nhằm thỏa mãn sự tiêu cực của cá nhân thì phút chốc chuyện đáng hoan nghênh đều thành trò dối trá. Phải biết tự răn mình, chứ để đến lúc tên mình bị bêu trên các báo, hối thì đã muộn.

Hiện, Cơ quan điều tra (Bộ Công an) đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án liên quan đến vụ việc nhận hối lộ của phóng viên Duy Đông

Kinh Hữu
.
.