Vụ án tên không tặc Hammadi

Thứ Ba, 28/02/2006, 07:48

Ngày 8/12/2005, Chính phủ Đức, đã trả tự do cho phạm nhân người Liban, tên là Hammadi, sau khi hắn phải ở tù 19 năm vì  tội tham gia vào vụ  tấn công bắt cóc một chiếc máy bay chở khách trên chặng đường từ Athens đến Rome.

Quá trình giải cứu con tin trong vụ cướp máy bay đã kéo dài suốt 17 ngày đêm, gây lo lắng và căng thẳng cho gia đình nạn nhân và cả chính quyền các nước liên quan. Đây còn là sự kiện tạo ra sự bức xúc cho các nhà chức trách Mỹ trong suốt những năm qua vì chính quyền Mỹ cho rằng Hammadi đã sát hại một lính thủy thuộc lực lượng Hải quân Mỹ.

Theo nguồn tin từ Liban, hiện nay Hammadi đang trú tại nhà người anh trai là Bdel-Hadi tại Liban. Chính quyền Mỹ đang nỗ lực đàm phán để thuyết phục quốc gia này cho phép  dẫn độ Hammadi về Mỹ và hy vọng nước Mỹ sẽ được tận mắt chứng kiến cảnh Hammadi bị lãnh án về tội giết người. Tuy nhiên, Mỹ đang gặp nhiều trở ngại từ phía Liban vì giữa hai quốc gia này chưa từng có bất cứ một thỏa thuận nào liên quan đến vấn đề trên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ thất vọng về quyết định phóng thích đối với phạm nhân Mohamed Ali Hammadi và hứa sẽ truy nã phạm nhân này đến cùng để đưa về Mỹ xét xử về tội sát hại quân nhân của lực lượng Hải quân Mỹ. 

Mohammed Ali Hammadi bị bắt tại sân bay Frankfurt vào tháng 1/1987 và bị xét xử tại Đức vào năm 1989. Mỹ đã theo dõi chặt chẽ diễn biến phiên tòa xét xử tên không tặc trên. Vụ cướp chiếc máy bay mang ký hiệu TW 847  bay từ Athens đến Rome được xem là dấu hiệu báo động khủng bố toàn cầu và đó chính là một thứ vũ khí mà các phần tử Hồi giáo cực đoan dùng để chống lại các thế lực của Mỹ và Israel ở khu vực Trung Đông.

Vụ không tặc ngày 14/6/1985 xảy ra khi một nhóm các tay súng tấn công chiếc máy bay mang ký hiệu TW 847, sát hại Stethens, một lính hải quân Mỹ rồi ném thi thể anh ta xuống đường băng sân bay Beirut. Trải qua hơn hai tuần căng thẳng đấu tranh với không tặc, cuối cùng nhóm con tin gồm 39 người cũng đã được giải cứu.

Người ta cho rằng, những tên không tặc được coi là đồng lõa với Hammadi đang có mặt ở nhiều nơi trên thế giới  và việc Chính phủ Đức ân xá cho phạm nhân Hammadi đã làm cho mối quan hệ giữa Đức và Mỹ vốn  đã căng thẳng nay càng căng thẳng hơn.

Kể từ sau sự kiện  ngày 11/9, chính quyền Đức và Mỹ đã hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực tình báo, nhưng về lĩnh vực chống khủng bố thì sự hợp tác này vẫn chưa mang lại kết quả gì. Điều dễ nhận thấy là, Chính phủ Đức đang tìm kiếm các bằng chứng để kết tội hai kẻ tình nghi là thành viên của tổ chức Al- Qaeda tại Đức. Hai tên này bị nghi là có dính líu đến kế hoạch khủng bố ngày 11/9. Rốt cuộc, việc kết án hai nghi phạm này đã không thành vì phía Mỹ đã từ chối cung cấp các nguồn tin liên quan mà nước này có được. Vì vậy, tòa án ở Hamburg đã phải tha bổng hai kẻ tình nghi là Abdegani Mzoudi và Mounir El-Motassadep.

Trở lại với việc Hammadi được Chính phủ Đức ân xá, các quan chức chống khủng bố của Mỹ đã hết sức bất bình vì Hammadi đang nằm trong danh sách hồ sơ tội phạm đợi xét xử tại Mỹ. Mặt khác, Chính phủ Mỹ không có đủ thẩm quyền để can thiệp vào quyết định đầy nhạy cảm này.

Các quan chức Mỹ đã dự đoán trước rằng, Hammadi có thể được Đức ân xá và họ đã tìm kiếm các thỏa thuận với các quan chức an ninh Đức về khả năng dẫn giải Hammadi về Mỹ, ngay sau khi anh ta được trả tự do. Nhưng mọi việc không diễn ra như kế hoạch đã định. Sau khi được ân xá, Hammadi ngay lập tức đã rời khỏi Đức để trở về Liban.

Theo nguồn tin từ các quan chức an ninh Mỹ thì chính quyền Đức đã rất dè dặt trong việc bàn giao Hammadi cho chính quyền Mỹ, nơi mà tên này có thể sẽ phải lãnh án tử hình. Khi Hammadi bị bắt tại Đức, Mỹ đã yêu cầu phía Đức cho dẫn độ tên này sang Mỹ, nhưng Tòa án Đức đã mở phiên tòa xét xử tên tội phạm này. Hammadi đã phải nhận mức án cao nhất mà Tây Đức đang áp dụng cho khung hình phạt của tội trạng này là án tù chung thân.

Sau 19 năm thụ án, Hammadi đã được hưởng ân xá và được trả tự do. Việc trả tự do cho Hammadi chỉ diễn ra vài ngày trước khi một nhà khảo cổ người Đức, bà Susanne bị bắt làm con tin tại Iraq được thả. Nhưng dù sao, theo các quan chức Đức thì việc này không liên quan đến việc ân xá cho Hammadi tại Đức.

Người phát ngôn của văn phòng công tố viên ở Frankfurt bà Doris Moller-Scheu đã khẳng định việc trả lại tự do cho phạm nhân Hammadi là phù hợp với luật pháp hiện hành của chính phủ Đức dựa trên cơ sở xem xét và đánh giá quá trình học tập cải tạo của phạm nhân. Mặt khác, khi Hammadi bị kết tội, chính phía Mỹ đã bày tỏ sự hài lòng về bản án mà phiên tòa đã dành cho tên không tặc này.

Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông McCormack cho biết, chính  quyền Mỹ đã rất thất vọng về việc trả tự do trước thời hạn cho Hammadi, vì theo họ, Hammadi sẽ phải ngồi tù  trong 25 năm nếu chiểu theo luật pháp của Đức.

Điều đáng ngạc nhiên là trong suốt quá trình xét xử Hammadi không có một nhân chứng nào khai nhận là đã nhìn thấy người nổ súng bắn chết Rogbert Dean Stethens. Khi tham gia vụ bắt cóc máy bay Hammadi chỉ mới 22 tuổi. Tên này đã quả quyết rằng, kẻ giết chết Stethens của lực lượng Hải quân Mỹ là một tên không tặc khác.

Mặc dầu vậy, Hammadi vẫn đang sống ung dung tại nhà riêng của anh trai mình là một nhân viên an ninh cấp cao của Chính phủ Liban. Theo chính quyền Liban thì “không có lý do gì mà Hammadi lại phải ra hầu tòa hai lần chỉ bởi một tội danh”.

Vụ án tên không tặc Hammadi vẫn còn gây nhiều tranh cãi và nó sẽ làm cho quan hệ ngoại giao giữa các nước liên quan cũng căng thẳng

Thúy Lan (Tổng hợp từ báo nước ngoài)
.
.