Vụ đánh bom tại Thái Lan: Cuộc chiến bẩn thỉu?

Chủ Nhật, 26/02/2012, 14:25

3 quả bom phát nổ đúng vào Ngày Tình nhân 14/2 vừa qua tại khu trung tâm thủ đô Bangkok của Thái Lan làm 5 người bị thương. Ngay lập tức, kết luận được một chỉ huy cảnh sát Thái Lan và đại sứ Israel tại Bangkok đưa ra rằng "Iran đứng đằng sau vụ nổ bom này, cũng giống như 2 vụ trước đó tại Gruzia và Ấn Độ”. Nhưng Iran đã bác bỏ cáo buộc này.

Theo thông tin báo chí, trong 3 vụ nổ bom xảy ra ngày 14/2 tại Bangkok thì 1 vụ là do quả bom tự tạo phát nổ khi cất giữ trong căn hộ mà các nghi can thuê trọ, không có thương vong; quả thứ 2 phát nổ làm chính nghi can định ném quả bom vào cảnh sát Thái Lan bị cụt cả 2 chân; còn quả thứ 3 nổ ngay trước cổng một trường trung học cơ sở khiến cho nhà trường phải cấp tốc sơ tán học sinh và giáo viên. Ngay sau các vụ nổ, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã lên tiếng trấn an dư luận Thái và yêu cầu lực lượng cảnh sát bình tĩnh triển khai các biện pháp giữ gìn an ninh trật tự, chờ cơ quan an ninh vào cuộc điều tra, xác minh.

Ngay sau các vụ nổ, 4 nghi can người Iran đã được Cảnh sát Thái Lan khoanh vùng gồm Saeid Moradi, 28 tuổi, bị cụt cả 2 chân do một quả bom nổ ngoài ý muốn tại khu nhà trọ; Mohammad Khazaei, 42 tuổi, bị bắt tại sân bay quốc tế Bangkok chiều tối 14/2 khi định lên máy bay trốn thoát; Masoud Sedaghatzadeh, 31 tuổi, cũng chạy trốn sang Malaysia và đang bị truy lùng gắt gao; và cuối cùng là Leila Rohani, người đứng ra thuê căn hộ cho cả nhóm tạm trú; Cảnh sát Thái Lan cho rằng cô này hiện đã trốn về Tehran.

Vụ nổ bom tại Bangkok xảy ra đúng 10 ngày sau khi chính quyền Mỹ, Israel và một số quốc gia châu Âu gỡ bỏ khuyến cáo du lịch đến Thái Lan. Cách đây khoảng 1 tháng, chính quyền Mỹ, Israel và 9 quốc gia châu Âu đã ra khuyến cáo công dân mình cảnh giác khi đi du lịch đến Thái Lan do nguy cơ tấn công khủng bố nhắm vào họ rất cao.

Khuyến cáo được đưa ra sau khi một người đàn ông Liban có quan hệ với phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Liban bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ vì "nghi ngờ khủng bố", đồng thời 4 tấn phân bón hóa học (có thể dùng để chế tạo bom) cũng bị tịch thu trên đường vận chuyển. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surapong Tovichakchaikul khẳng định số phân bón đó sau khi kiểm tra đã được cho đi vì đang trên đường trung chuyển sang Campuchia để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông Tovichakchaikul đã phê phán chính quyền Mỹ, Israel và một số quốc gia đã cường điệu những mối đe dọa, gây ảnh hưởng đến ngành du lịch Thái.

Ngày 15/2, một ngày sau khi các vụ nổ bom xảy ra, giới chức an ninh Thái Lan đã lục soát căn hộ nơi các nghi can thuê và phát hiện một số mảnh từ và chất nổ C-4 cùng các thiết bị nổ. Những thiết bị, chất nổ và mảnh từ này sau đó được mang ra đối chiếu và Cảnh sát Thái Lan phát hiện chúng hoàn toàn giống với loại chất nổ và các thiết bị đã dùng trong các vụ nổ tại New Delhi và Tbilisi.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak - đang ở thăm Singapore vào ngày 14/2 - đã mạnh miệng cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ nổ bom tại Thái Lan nhắm vào công dân Israel. Trong một phát biểu bằng văn bản ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Israel cho biết, ông Ehud Barak đã đến thăm Bangkok vào hôm Chủ nhật 12/2. Mặc dù không có công dân Israel nào là mục tiêu trong các vụ nổ hôm 14/2, nhưng các sự kiện đã nhanh chóng được xâu chuỗi để làm nổi bật lên một "thủ phạm" chính: đó là Iran. Sau các vụ việc này, phải chăng một "cuộc chiến bẩn thỉu" đang được tiến hành giữa Israel và Iran? Có thể.

Tuy nhiên, phía Iran đã ra thông cáo bác bỏ cáo buộc do phía Israel đưa ra. Phát biểu với các hãng tin thông tấn, báo chí quốc tế hôm 15/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Ramin Memanparas tuyên bố những vụ việc này "do Israel dàn dựng nhằm bôi xấu hình ảnh Iran và làm xấu đi quan hệ giữa Tehran với các nước khác". Hơn nữa, việc gây ra những sự kiện không rõ hung thủ như thế này, rồi sau đó tung ra những phát biểu "bóng gió" đã tạo cơ hội nảy sinh các "giả thuyết âm mưu" khiến cho tình hình càng phức tạp thêm.

Như đổ thêm dầu vào lửa, một quan chức tình báo Mỹ (giấu tên) tiết lộ ít nhất "2 vụ nổ bom tương tự nhắm vào người Israel" đã bị vô hiệu hóa tại Baku, Azerbaijan và tại Bulgaria. Cho đến nay, lực lượng an ninh Thái Lan vẫn chưa thể xác định được động cơ cũng như mục tiêu của 3 người đàn ông Iran. Giới chức an ninh Thái Lan vẫn rất thận trọng khi tuyên bố với báo chí rằng, họ vẫn chưa thể xác định những người đàn ông Iran này là ai, thuộc thành phần nào và mục tiêu tấn công nhắm vào ai. Điều này cho thấy vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định Iran đứng đằng sau vụ việc.

Nhìn lại các vụ việc đã xảy ra tại Ấn Độ và Gruzia, giới chức an ninh cũng không thể xác định được các chứng cứ đủ để kết luận "có bàn tay của Iran". Trong vụ nổ tại New Delhi chẳng hạn, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Palaniappan Chidambaram cho biết hung thủ là một tay lái môtô được huấn luyện bài bản, áp sát và gắn thiết bị bom từ vào chiếc ôtô rồi phóng vọt đi trước khi bom nổ.

Điều đáng ngạc nhiên là, cách thức hung thủ gây ra vụ nổ tại New Delhi giống một cách kỳ lạ với vụ nổ bom xảy ra hồi tháng 11/2010 tại Tehran làm chết nhà khoa học hạt nhân Iran, Tiến sĩ Majid Shahriari, đồng thời làm Tiến sĩ Fereydoon Abbasi bị thương. Ngoài ra, hàng loạt vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân Iran trước và sau đó, mới nhất là vụ việc xảy ra ngày 27/1 vừa qua, cũng theo cách thức gần giống nhau. Iran đã cáo buộc Israel thuê các nhóm khủng bố người Iran và Iran lưu vong để thực hiện âm mưu phá hoại chương trình hạt nhân của mình. Vì vậy, trong vụ này, có vẻ như Iran tiếp tục là nạn nhân của Israel?

Văn Trương (tổng hợp)
.
.