Vụ khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ: Người Syria tị nạn sợ bị trả thù

Thứ Hai, 20/05/2013, 17:15

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) còn chưa hết bàng hoàng sau vụ khủng bố kinh hoàng nhất kể từ đầu vụ xung đột tại Syria. Hai chiếc xe gài bom đã phát nổ lúc 11h55' trước Tòa thị chính và Bưu điện của thị trấn Reyhanli, chỉ cách đồn biên phòng ở biên giới Syria 8km, làm chết ít nhất 46 người và hàng trăm người bị thương.

Vụ nổ rất mạnh và các đội cấp cứu đang tìm kiếm nạn nhân dưới những đống đổ nát. Nhiều chiếc xe bị hủy hoại hoàn toàn do vụ nổ. Cửa kính của nhiều ngôi nhà bị vỡ trong bán kính 200m. Các chuyên viên cảnh sát khoa học mặc trang phục trắng tất bật bên trong khu vực an ninh; 15 xe cứu thương, 2 phi cơ và nhiều trực thăng y tế đã được điều đến Reyhanli, thị trấn có 60.000 cư dân. Chính quyền TNK đã lập tức cáo buộc mối liên hệ giữa các thủ phạm vụ khủng bố và chính quyền Syria.

Trong một cuộc họp báo tại thành phố Antakya gần đấy, Bộ trưởng Nội vụ Muammer Guler cho biết, các thủ phạm vụ đánh bom kép đó có dính líu đến những tổ chức thân chính phủ Syria. "Những kẻ và tổ chức thực hiện vụ khủng bố đã bị nhận dạng. Rõ ràng là chúng có liên quan đến các tổ chức ủng hộ chế độ Bashar và các cơ quan tình báo Syria. Phó thủ tướng TNK Besir Atalay còn nói rõ rằng "những thủ phạm không đến từ bên kia biên giới mà ngay trong lãnh thổ TNK".

Trong chuyến công du sang Đức, trước các phóng viên, Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu đã lên tiếng cảnh báo: "Chúng tôi kêu gọi những ai hậu thuẫn cho Chính phủ Syria không nên liên kết với các tổ chức thực hiện một tội ác chống lại nhân loại. Vụ khủng bố tại Reyhanli cho thấy sự cần thiết phải có một giải pháp cấp bách cho vấn đề Syria".

Trước đó, Ngoại trưởng TNK đã nhấn mạnh về "sự trùng hợp giữa vụ khủng bố với sự gia tăng các nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, đặc biệt là chuyến viếng thăm của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đến Washington dự trù vào ngày 16/5". Ông nói rằng vụ nổ bom không làm thay đổi chính sách tiếp nhận người tị nạn của TNK. "Những ai tị nạn tại đây sẽ là khách của chúng tôi". TNK luôn ủng hộ phe nổi dậy Syria và đã tiếp nhận khoảng 400.000 người tị nạn Syria.

Hiện trường một vụ nổ.

Ngay sau đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ thái độ: "Các tin tức ghê tởm đó khiến chúng tôi rất xúc động, tất cả chúng tôi đều hợp tác chặt chẽ với TNK". Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon yêu cầu các thủ phạm "cần nhanh chóng bị nhận dạng và đưa ra trước pháp luật". Tổng thống Pháp François Hollande bày tỏ "sự đoàn kết với nhân dân và chính quyền TNK". Ngoại trưởng Anh William Hague cũng tuyên bố: "Chúng tôi luôn sát cánh với người dân TNK".  

Về phía mình, Chính phủ Syria đã lên tiếng chối bỏ sự dính líu đến vụ khủng bố tại Reyhanli. "Syria đã không và sẽ không bao giờ thực hiện một hành động như thế, không phải vì chúng tôi không đủ khả năng mà vì các giá trị của chúng tôi không cho phép làm điều đó. Chúng tôi rất đau buồn về cái chết của những kẻ tuẫn đạo tại Reyhanli. Đó là anh em của chúng tôi. Chính Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan phải bị chất vấn về hành động đó. Ông ta và đảng của ông ta phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Ông ta phải từ chức vì là kẻ sát nhân, ông ta không thể xây dựng vinh quang trên máu của người dân TNK và Syria. Tại sao vụ khủng bố lại xảy ra vài ngày trước khi ông ta gặp gỡ Tổng thống Obama? Phải chăng vì TNK là thành viên NATO nên ông ta định xúi giục Mỹ can thiệp vào Syria bằng cách nói đất nước của ông ta đã bị tấn công? Ông ta định phá vỡ các nỗ lực của Nga và Mỹ nhằm kêu gọi Damascus và phe nổi dậy ngồi vào bàn đàm phán? Không ai có quyền đưa ra những cáo buộc võ đoán. Ông ta muốn đưa ra các cáo buộc rồi tìm kiếm bằng chứng, nói cách khác là dựng lên bằng chứng" - Bộ trưởng Thông tin Syria Omrane Al-Zohbi tuyên bố trong một cuộc họp báo được trực tiếp truyền hình.

Hôm 12/5, Phó thủ tướng TNK Besir Atalay cho biết cảnh sát đã bắt giữ 9 kẻ tình nghi. Theo lời Bộ trưởng Nội vụ Muammer Guler, vụ khủng bố đã được thực hiện bởi một nhóm mà nhà chức trách TNK từng biết và có liên hệ trực tiếp với cơ quan tình báo Mukhabarat của Syria. Báo chí TNK nhắc đến nhóm cánh tả Acilciler và thủ lĩnh Mirac Ural hoạt động cho Damascus.

Vụ khủng bố đã gây ra nỗi hoảng loạn và giận dữ nơi cư dân ở Reyhanli, và các nhóm thanh niên đã gây chiến với những người Syria có mặt trong thành phố buộc cảnh sát phải bắn chỉ thiên để giải tán đám đông. Các xe cộ tại trung tâm thành phố mang biển số Syria hầu như đều bị đập phá.

Hàng ngàn người Syria trốn chạy những cuộc bắn giết trong nước đang có mặt tại Reyhanli và trong những trại tị nạn gần thành phố. Liên minh Quốc gia Đối lập Syria đã lên án một âm mưu của chế độ Damascus "muốn trả thù và trừng phạt dân tộc TNK vì đã ủng hộ người dân Syria". Nhiều người dân tại Reyhanli cũng có cảm tưởng bị phản bội bởi 25.000 người tị nạn Syria. Trái với tại các thành phố khác, người tị nạn ở Reyhanli tương đối được tự do đi lại, thuê nhà trọ, thậm chí còn mở cửa hiệu buôn bán.

"Mỗi khi có một tội ác, dù là bắn giết, ma túy hay cướp bóc, người ta lại nghĩ ngay đến người tị nạn Syria. Mọi người không thoải mái, họ đang sôi sục vì tức giận. Chúng tôi không cho rằng người tị nạn có dính líu trực tiếp, nhưng phải thừa nhận rằng cuộc sống ngày càng khó khăn đối với tất cả chúng tôi" - vài người dân thổ lộ.

Do cẩn trọng nên cảnh sát đã kiểm soát gắt gao mọi ngả đường dẫn đến các khu phố của người Syria. Đa số người tị nạn đều đóng kín cửa ở trong nhà do lo sợ bị trả thù

Minh Luân (tổng hợp)
.
.