Vụ máy bay Ai Cập mất tích: Sự cố kỹ thuật hay bị khủng bố

Thứ Bảy, 21/05/2016, 10:45
Tính tới 10 giờ sáng 20-5 (theo giờ Việt Nam), người ta vẫn chưa tìm thấy xác của chiếc máy bay Airbus A320 mang số hiệu MS804 của hãng EgyptAir (Ai Cập) mất tích sáng 19-5. Trong lúc công tác tìm kiếm tiếp tục được tăng cường ở Địa Trung Hải, nơi được cho là chiếc MS804 rơi, nhiều giả thiết về nguyên nhân tai nạn được đưa ra, trong đó khả năng máy bay bị đánh bom là rất cao.

Sáng ngày 19-5, chiếc máy bay Airbus A320 của Hãng EgyptAir (Ai Cập) chở theo 66 người, trong đó có 56 hành khách và 10 thành viên phi hành đoàn, đã biến mất khỏi màn hình radar vào 2 giờ 45 phút (tức 7 giờ 45 phút giờ Việt Nam) khi đang vào không phận Ai Cập trên biển Địa Trung Hải sau khi sắp hoàn tất đường bay từ thủ đô Paris (Pháp) về thủ đô Cairo (Ai Cập). Khoảng 10 phút trước khi biến mất, máy bay đã mất liên lạc với trung tâm kiểm soát không lưu.

Các thân nhân hành khách máy bay Ai Cập mất tích trấn an tinh thần một người phụ nữ khi họ đứng chờ tin ở sân bay quốc tế Cairo.

Trong số hành khách có 30 người Ai Cập, 15 người Pháp, 2 người Iraq; các nước Anh, Bỉ, Kuwait, Saudi Arabia, Chad, Bồ Đào Nha, Algeria, Canada và Sudan mỗi nước có 1 người, theo CNN.

Theo hãng hàng không EgyptAir, cơ trưởng của máy bay mất tích có 6.275 giờ bay, gồm 2.101 giờ bay máy bay A320; trong khi cơ phó có 2.766 giờ bay tích lũy.

Trong cuộc họp báo diễn ra chiều 19-5 ở Athens, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos cho hay, chiếc máy bay của EgyptAir đã rẽ ngoặt đột ngột và giảm độ cao bất thường trước khi biến mất khỏi radar ở nam Địa Trung Hải sáng sớm cùng ngày.

“Vào lúc 3 giờ 39 phút sáng 19-5, hướng của máy bay là nam và đông nam các đảo Kassos và Karpathos. Ngay lập tức sau đó, nó đi vào vùng thông tin bay Cairo và thực hiện một cú rẽ ngoặt rồi giảm độ cao mà tôi mô tả là 90 độ sang trái rồi sau đó 360 độ sang phải”, Reuters trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos.

Ông Kammenos cũng nói thêm rằng, chiếc Airbus đã giảm từ 37.000 feet (hơn 11.200m) xuống còn 15.000 feet (hơn 4.500 m) trước khi biến mất khỏi màn hình radar.

Trong lúc các giới chức đang xác định vị trí máy bay mất tích thì một chiếc tàu chở hàng cho biết, lúc gần 3 giờ sáng 19-5 đã nhìn thấy một vệt sáng bất thường trên bầu trời, gần một hòn đảo của Hy Lạp. Như vậy, nhiều khả năng máy bay đã rơi trên biển, cách đảo Karpathos của Hy Lạp khoảng 200km. Đảo Karpathos của Hy Lạp nhưng 200km về phía Đông Nam của đảo này, nơi chiếc máy bay rơi xuống đã là không phận của Ai Cập.

Phía Ai Cập cho biết chiếc máy bay đã không phát ra bất cứ tín hiệu báo nguy nào trước khi rơi vào 2h45 sáng, khi máy bay đã vào không phận Ai Cập được 16km.

Hy Lạp đã điều một máy bay C-130 và một tàu chiến tham gia đội tìm kiếm cùng phía Ai Cập. Từ Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố chiếc Airbus A320 đã rơi xuống biển Địa Trung Hải. Quá trình tìm kiếm mảnh vỡ máy bay hiện đang được tiến hành với sự tham gia của cả Ai Cập, Hy Lạp và Pháp.

Truyền hình nhà nước Hy Lạp cho biết, trong quá trình tìm kiếm máy bay Ai Cập bị mất tích, lực lượng chức năng nước này đã phát hiện hai vật thể bằng nhựa lớn trôi nổi và 2 áo phao cứu sinh nghi là của chiếc máy bay bị mất tích trên vùng biển cách đảo Crete của Hy Lạp 230 dặm về phía Nam. Hai vật thể này dường như là các mảnh nhựa màu trắng và đỏ. Chúng được phát hiện gần một khu vực mà ở đó, lực lượng tìm kiếm máy bay Ai Cập mất tích đã thu được tín hiệu từ bộ tiếp sóng của chiếc máy bay. Bộ tiếp sóng (transponder) này giúp tự động truyền tín hiệu về tình trạng của máy bay như độ cao, mã số máy bay về mặt đất.

Hình ảnh nghi là mảnh vỡ của máy bay Ai Cập bị rơi ở Địa Trung Hải đăng trên facebook của Tarek Wahba, thuyền trưởng một tàu tham gia tìm kiếm chiếc máy bay.

Tuy nhiên sau đó, Phó Chủ tịch EgyptAir Ahmed Adel, nói rằng đó không phải mảnh vỡ của chiếc máy bay 804 của hãng hàng không Ai Cập. “Đính chính lại là chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm vì những vật thể chúng tôi tìm thấy không phải từ chiếc máy bay mất tích. Vì vậy việc tìm kiếm và cứu hộ vẫn đang diễn ra” - ông Adel nói.

Trước đó cũng chính ông Adel đã nói với CNN rằng đã tìm thấy mảnh vỡ máy bay. Ông Adel nói thêm rằng EgyptAir không tham gia vào quá trình tìm kiếm và mọi thông tin đều thu thập từ chính quyền Hy Lạp và quân đội Ai Cập. Thông tin về mảnh vỡ được một phát ngôn viên của Bộ Tổng tham mưu Quốc phòng Hy Lạp tiết lộ.

Giờ là lúc các bên tranh thủ… chối bỏ trách nhiệm. Khi đề cập về vụ máy bay Airbus A320 mất tích vào sáng 19-5, ông Sherif Fathi - Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ai Cập, cho biết: “Tôi không muốn đưa ra các suy đoán. Tuy nhiên, dựa trên kết quả phân tích, khả năng về một vụ tấn công khủng bố mạnh mẽ hơn là khả năng lỗi kỹ thuật”.

Ông Sherif Fathi cũng nhấn mạnh sẽ sử dụng thuật ngữ “máy bay mất tích” cho đến khi tìm thấy chiếc máy bay và kết thúc cuộc điều tra. Ông Fathi nói thêm Pháp sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ sơ suất an ninh nào nếu khủng bố được xác định là nguyên nhân gây nên vụ tai nạn.

Trong khi đó, tại một cuộc họp ở Pháp, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định không loại trừ hay ủng hộ bất kỳ một giả thuyết nào liên quan đến nguyên nhân vụ mất tích máy bay, trong đó có giả thuyết về khả năng bị tấn công khủng bố. Đáng lưu ý, trước khi mất tích, máy bay của EgyptAir còn có một hành động bí hiểm.

Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp, Panos Kammenos, vào lúc 0 giờ37 phút giờ quốc tế, khi đang ở độ cao hơn 37.000 feet, máy bay đã rẽ trái 90 độ, sau đó rẽ phải 360 độ, rồi rơi thẳng xuống độ cao 15.000 feet, trước khi biến mất khỏi màn hình radar.

Đồ họa về hành trình bay và thời điểm bị mất liên lạc với kiểm soát mặt đất của chiếc máy bay Airbus A320 của hãng EgyptAir (Ai Cập) sáng ngày 19-5-2016.

Liên quan đến vụ máy bay Ai Cập mất tích, còn có một thông tin đáng lưu ý là Tổng Giám đốc Cơ quan tình báo nội địa Pháp (DGSI) Patrick Calvar cách đây vài ngày đã cảnh báo nước này có thể sắp hứng chịu một cuộc tấn công từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông Calvar lưu ý: Paris đang là mục tiêu hàng đầu của IS, đồng thời cho biết châu  u cũng đang ở trong “vòng nguy hiểm”.

“Chúng tôi có nguy cơ phải đối mặt với một hình thức tấn công mới: một kế hoạch khủng bố bằng cách đặt thiết bị nổ ở khu vực đông người nhằm tạo ra bầu không khí hoảng loạn” - ông Calvar phát biểu trước Ủy ban quốc phòng của Quốc hội Pháp hôm 10-5.

Đến tối 19-5, Kênh truyền hình CNN dẫn lời một nhân vật giấu tên trong tình báo Mỹ nói rằng nhiều khả năng máy bay đã bị nổ tung khi đang bay. Điều này lý giải tại sao chiếc máy bay của EgyptAir không kịp phát tín hiệu cấp cứu khi lao xuống biển. Theo nguồn tin trên, một quả bom đã được mang lên máy bay và một trong số những hành khách trên đó đã kích hoạt nó.

Các chuyên gia hàng không cảnh báo không nên nghe theo các đồn đại suy đoán, và lập lại rằng cho đến thời điểm này mới có rất ít thông tin được biết nên chưa thể đi đến kết luận được.

Chuyên gia Scott Hamilton thuộc Công ty Tham vấn Hàng không Leeham cho biết: “Tôi có thể nói khi một máy bay mất tích ở độ cao 11.000 mét thì đó là một sự kiện khá bất thường. Hoặc nó cho thấy có một trục trặc gây tai họa, hay trục trặc khẩn cấp nào đó, hoặc như chúng ta biết cách đây không lâu là một quả bom có thể phát nổ... nhưng ta phải thận trọng không đi đến bất kỳ kết luận nào ở thời điểm này”.

Ông Hamilton giải thích rằng, đội tìm kiếm có phần chắc sẽ đến điểm cuối cùng nơi có thể truy tầm máy bay và đi tìm những mảnh vỡ. Khi tìm ra mảnh vỡ, thì hoặc một công cuộc truy tìm và cứu hộ hay tìm kiếm và phục hồi sẽ được phái đến để tìm người sống sót hay thi thể. Ông nói thêm, “Cuối cùng họ sẽ đi tìm những chiếc hộp đen hay các thiết bị ghi dữ liệu chính của chiếc máy bay.

Vụ mất tích máy bay này đã khơi lại những quan ngại về an ninh vài tháng sau khi chiếc máy bay chở khách của Nga bị rơi trên không phận bán đảo Sinai ngày 31-10-2015, làm tất cả 224 người trên máy bay thiệt mạng. Giới chức Moscow sau đó ra thông báo máy bay bị hạ bởi một thiết bị nổ, và một chi nhánh địa phương của nhóm cực đoan IS đã nhận trách nhiệm gài bom.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.