Vụ việc "người đàn ông 7 năm ôm xác vợ":Sự thật chưa hẳn như những lời đồn thổi

Thứ Sáu, 04/12/2009, 15:40
Thời gian gần đây dư luận râm ran chuyện một người đàn ông ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, vì quá yêu thương vợ, nên khi vợ mất đã đào mộ lấy hài cốt đem về đặt vào trong bức tượng do tự tay ông ta nặn bằng đất sét và thạch cao. Từ đó, người đàn ông ôm bức tượng có hài cốt vợ ngủ ngon lành đã 7 năm qua.

Ngày 28/11 vừa qua, phóng viên Chuyên đề ANTG đã có cuộc trao đổi với nhân vật chính của sự việc trên để tìm hiểu sự thật. Vậy sự thật như thế nào?...

Giấu đầu hở đuôi...?

Tin đồn bùng phát rồi lan rộng khắp nhiều địa phương trong nước và trên thế giới qua mạng Internet, bắt đầu từ một bài viết trên VietNamnet (VNN). Thoạt nghe chuyện, không ít người tỏ ra nể phục về sự "chung tình" khác thường của ông Lê Vân; thậm chí còn có người ngợi ca rằng, tự cổ chí kim chỉ có mỗi ông Lê Vân là chung tình nhất thế gian này (!). Cũng có học giả như GS Nguyễn Văn Tuấn ở tận Australia, cũng thông qua lời nhà văn L. đưa ra nhận định trên một tờ báo mạng, rằng ông Lê Vân bị mắc chứng "Ái tử thi" (Yêu xác chết - Necrophilia).

GS Nguyễn Văn Tuấn giải thích rất dài về căn bệnh Necrophilia hay còn gọi là Necrolagnia, cho đây là "chứng lệch lạc về tình dục". Có nghĩa, đối tượng bị nhiễm bệnh này sẽ có hứng thú nhục dục với những xác chết. Ai nghe qua, cũng không khỏi rợn tóc gáy...

Nghiêm trọng hơn, có người còn lớn tiếng chỉ trích chính quyền địa phương, chỉ trích các quan chức từ huyện Thăng Bình đến thị trấn Hà Lam và cả tổ trưởng tổ dân phố 12, nơi gia đình ông Lê Vân sinh sống đã "mắc chứng" quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm. Vì một lẽ, ông Lê Vân đã ôm xác vợ ngủ 7 năm rồi mà không ai phát hiện. Rồi cho rằng, các nhà làm luật, làm chính sách về văn hóa, môi trường của Việt Nam cần sớm có sự bổ sung, hoặc hướng dẫn cán bộ quản lý cơ sở vận dụng linh hoạt về mặt tâm linh, tập tục văn hóa; cần làm cho ông Lê Vân thấy rõ không có chuyện "âm - dương" chung sống trong cộng đồng, để đưa hài cốt vợ đi chôn cất...

Nói chung, dư luận đã và đang rất "rộn ràng" về chuyện ông Lê Vân ôm xác vợ ngủ 7 năm; dựa vào đó mà nhiều người đưa ra những nhận định này nọ, đòi hỏi các cơ quan chức năng chuyên môn phải giải thích. Nhưng, sự thật có đúng như những gì mà người ta bình luận?

Bức tượng dán giấy trong buồng ngủ ông Lê Vân.

Để điều tra sự việc cho thật sự minh bạch và khách quan, chúng tôi mời ông Lê Vân đến trụ sở Công an thị trấn Hà Lam, thực hiện cuộc trao đổi trước sự chứng kiến của những người có trách nhiệm trong bộ máy chính quyền địa phương. Điều đáng mừng là qua điện thoại di động, ông Lê Vân cũng đồng ý và nhanh chóng đi xe máy đến gặp chúng tôi.

Thoạt nhìn ông Lê Vân bước vào với thân thể gầy nhom, chúng tôi đã nghi ngờ về thông tin cho rằng, giữa đêm hôm khuya khắt ông ta một mình đào mộ vợ đưa chiếc quan tài lên đặt ngang mặt đất để chờ "điều kiện" mang xác về nhà. Đến lúc nói chuyện, chúng tôi hỏi thì ông Lê Vân cười cười, lắc đầu phủ nhận: "Tui ốm yếu thế này làm sao một mình có thể rinh nổi cái quan tài lên được. Mấy anh cứ đùa!".

Chúng tôi lại hỏi, có hay không chuyện khi chôn vợ xong, ông lên mộ ngủ được 20 tháng, sau sợ gió, mưa, sương lạnh nên đào đường hầm vào sâu huyệt mộ để ngủ bên quan tài. Ông Lê Vân gạt phắt ngay: "Nhảm nhí! Thông tin đồn nhảm chứ tui đâu có làm những  chuyện như vậy!".

Nói đoạn, ông Lê Vân kể rằng, ông và bà Phạm Thị Sang gá nghĩa vợ chồng, sinh đặng 7 người con, trong đó có 3 người con trai và 4 người con gái. Con đông, gia cảnh khó khăn nên ông làm nghề chẻ đá kiếm sống. Bà Sang ở nhà làm công việc nội trợ, nuôi giữ con; rảnh rỗi thì làm hương bán để có thêm thu nhập nuôi sống gia đình. Tháng 10/2002, ông Vân lên Đắk Lắk làm công nhân chở đá cho một công trình xây dựng tại huyện Ea Súp. Đến cuối tháng 1/2003 thì nghe tin bà Sang chết, ông về cùng gia đình và bà con lối xóm lo chôn cất, sau đó lại tiếp tục lên Tây Nguyên đi làm lại. Ông Lê Vân nói vanh vách: "Đến cuối năm 2004, tui quay về đào mộ bả lên để 4 tháng trên mặt đất, sang năm 2005 mới đưa xác bả về bỏ vào bức tượng do tui tự làm bằng đất sét và thạch cao"...

Cho rằng, có chuyện ông Lê Vân đào mộ vợ mang hài cốt về bỏ vào bức tượng để ôm ngủ, thì qua lời kể trên của ông ta, trước sự chứng kiến của những người có trách nhiệm của thị trấn Hà Lam và huyện Thăng Bình, cũng đã thấy rõ, việc đồn thổi ông Lê Vân 7 năm ôm xác vợ ngủ ngon lành là bịa đặt.  

Xương hóa ra là bằng... gỗ (?)

Chúng tôi ướm hỏi ông Lê Vân rằng, mang xác vợ về ôm ngủ như thế, ông có thấy chiêm bao, vợ về quở trách hay không? Ông lại cười vui vẻ, trả lời tỉnh queo: "Tui chưa thấy bả lần nào"...

Nhưng, ông Lê Vân lại kể cho chúng tôi và những người có trách nhiệm của chính quyền địa phương nghe một câu chuyện khá ly kỳ, đó là linh hồn của ông đi lên thiên đình tìm vợ như thể chuyện Liêu Trai. Ông nói rằng, một đêm ông ngủ chiêm bao thấy, ông đi trước, Phật Bà Quán Thế Âm đi sau, trước mặt và sau lưng ông, cùng Phật Bà có 2 cặp voi trắng theo bảo vệ. Họ đi bằng con đường xiên xiên lên thiên đình. Gần tới thiên đình thì ông thấy có 2 con voi đen phun lửa đón đầu. Nhưng khi ông đi đến thì chúng quay vòi đi chỗ khác. Đến cổng trời, ông gặp một vị quan ăn mặc bảnh bao, hỏi "Đi đâu ?". Ông trả lời rằng, đi tìm vợ, thì vị quan kia vỗ vào vai ông một cái làm ông rớt bịch xuống lại trần gian, đúng vào chỗ mộ vợ ông, bên cạnh có một đám tang; người lớn, con nít bịt khăn tang khóc lóc om sòm làm ông tỉnh giấc (?!)...

Theo giải thích của ông Lê Vân thì khi vợ ông chết, ông từ Tây Nguyên về chịu tang vợ, nhưng về tới nhà thì Công an đã cưỡng bức bắt ông và gia đình chôn cất bà Sang vội vàng (!?). Nhưng, chúng tôi hỏi các con ông Lê Vân và bà con lối xóm thì Công an thị trấn Hà Lam, Công an huyện Thăng Bình không hề can thiệp chuyện ma chay của bà Sang. Vậy, ông Lê Vân "đao to, búa lớn" như vậy là vì mục đích gì? Có phải để cố tình che đậy việc đưa hài cốt vợ về bỏ vào bức tượng để ôm ngủ; bịa đặt ra giấc chiêm bao lên thiên đình như chuyện Liêu Trai và cuối cùng là lớn tiếng chỉ trích Công an địa phương?...--PageBreak--

Trước khi có cuộc trao đổi với ông Lê Vân ngay tại trụ sở Công an thị trấn Hà Lam, chúng tôi đã đến nhà ông. Lúc đó, ông Lê Vân đi vắng, có một tốp thanh niên 5 người bước vào. Họ là khách vãng lai, nghe đồn đại chuyện ông Lê Vân mới tò mò tìm tới xem thực hư. Bất ngờ, có một thanh niên chạy xuống nhà bếp ông Lê Vân mang lên một con dao, nói: "Có hay không tui mổ bức tượng ra thì biết liền".

Nói rồi, chẳng kịp để chúng tôi và những người có mặt can ngăn, thanh niên nọ cùng với một người bạn, kẻ giữ chân tượng, người cầm dao mổ một đường dài đoạn giữa gối và bàn chân phải. Vì, theo ý kiến anh thanh niên, xương ống chân người khó bị tiêu hủy nhất, chôn xuống đất vài chục năm sau vẫn còn; huống gì bà Sang chỉ chôn được hơn một năm sau thì ông Lê Vân đào lên đem về...

Đường dao sắc lẻm cắt mở phần chân phải bức tượng ra cho thấy, bức tượng không phải làm bằng đất sét, thạch cao mà được dán bằng giấy. Bỏ lớp giấy trắng sơn phết màu mè bên ngoài thì bên trong lộ rõ nhiều lớp giấy báo và trong cùng là áo quần cũ. Bên trong lớp áo quần cũ,  là một thanh gỗ. Tốp thanh niên cười ồ dán chân bức tượng lại và bỏ đi... Song, khi tốp thanh niên kia đã phanh phui sự thật, một số người thấy bị mắc lỡm, bèn mở cửa sổ căn buồng ra nhìn cho rõ. Và, chúng tôi mới phát hiện trên bệ cửa sổ có một đĩa hồ dán còn tươi và mắt, mũi, đầu tóc... của bức tượng còn mới chưa ráo mực. Như vậy rõ ràng bức tượng là do ông Lê Vân mới làm chứ không phải làm cách đây đã nhiều năm về trước như ông ta đã nói...

Để tìm hiểu rõ hơn, theo yêu cầu của chúng tôi, lãnh đạo Công an huyện Thăng Bình đã cử một tổ công tác cùng một số Công an thị trấn Hà Lam và những người dân có trách nhiệm tại tổ 12, đưa chúng tôi lên nghĩa địa Bàn Thang, cách nhà ông Lê Vân khoảng 2 cây số, nơi có mộ của bà Phạm Thị Sang. Thì ra, mộ bà Sang xây dựng khá kiên cố (như một lăng mộ), nằm bên một con đường nhỏ, thường xuyên có người qua lại.

Ông Lê Trung Lộc là Công an viên Công an thị trấn Hà Lam, cho biết: Hồi năm 2003-2005, ông làm thợ hồ, chuyên xây mộ cho người chết chôn ở nghĩa địa Bàn Thang. Bà Sang chết, gia đình và bà con chòm xóm làm tang lễ, đưa lên chôn cất và xây liền ngôi mộ này. Khoảng cuối năm 2004, ông Lê Vân đi làm công trình xây dựng ở Tây Nguyên về có xích mích với con cái nên ông ta đã lên mộ bà Sang, đào đất trong cái áo quan xây bằng bê tông ra và chui vào đó nằm ngủ vào ban đêm. Phía trên ông ta phủ bạt để che mưa, gió. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn thì việc làm không bình thường của ông Lê Vân bị bọn trẻ chăn bò phát giác và các con trai lớn của ông ta đã lên ngăn cản, lấp đất lại.

Ông Lê Trung Lộc khẳng định: "Tui là người tận mắt chứng kiến việc ông Lê Vân do mâu thuẫn với con cái đã lên mộ bà Sang ngủ; không hề có chuyện ông ta đào một đường hầm sâu vào huyệt mộ để ngủ bên quan tài bà Sang đã viết trên VNN. Việc ông Lê Vân có ngủ trên mộ bà Sang là có thật, theo tiết lộ của ông Lê Vân, do thấy con cái bất hiếu mà tìm đến cái chết bằng cách đó...

Bên trong cẳng chân chỉ là giấy báo, áo quần cũ và thanh gỗ.

Ngày 1/12, khi bài viết này lên trang thì có một tờ báo thông tin cho biết, họ đã phối hợp cùng Bác sĩ Lê Văn Dần và kỹ thuật viên Lê Thanh Bình của Khoa X-quang, Bệnh viện Quân y C17 tại TP Đà Nẵng, đem máy chụp X-quang vào hợp tác cùng ông Lê Vân để chụp bức tượng và xác định bên trong có bộ hài cốt hoàn chỉnh.

Chúng tôi đã có cuộc làm việc với Đại tá Văn Quý Tuấn, Chính ủy Bệnh viện Quân y C17 thì ông khẳng định: Chỉ huy của Bệnh viện Quân y C17 không phân công một bác sĩ hay kỹ thuật viên nào vào nhà ông Lê Vân để làm công việc như vậy. Máy móc và các trang thiết bị y tế của bệnh viện được quản lý chặt chẽ, không có sự di chuyển ra khỏi đơn vị. Khoa X-quang của Bệnh viện Quân y C17 không có bác sĩ nào tên là Lê Văn Dần, mà ông Dần và ông Bình đều là kỹ thuật viên.

Bệnh viện Quân y C17 nghiêm cấm y, bác sĩ hành nghề y tế tư nhân, do đó sẽ tiến hành làm rõ động cơ mà các kỹ thuật viên Dần và Bình vào nhà ông Lê Vân để chụp X-quang bức tượng... Kỹ thuật viên Lê Văn Dần cũng được lãnh đạo đơn vị mời lên gặp chúng tôi và ông thừa nhận rằng, thông qua sự nhờ cậy của một người quen biết nên ông tìm mượn máy chụp X-quang cầm tay để vào chụp bức tượng của ông Lê Vân.

Với những chứng cứ bằng hình ảnh mà PV Báo CAND & Chuyên đề ANTG đã chụp được vào sáng ngày 28/11, khi nhóm thanh niên dùng dao mổ chân phải của bức tượng tại nhà ông Lê Vân rõ ràng chỉ là thanh gỗ, cho thấy: Nếu thật sự hai kỹ thuật viên dùng máy chụp X-quang xác định trong bức tượng của ông Lê Vân có bộ xương người hoàn chỉnh thì chắc chắn ông ta đã phát giác tượng bị mổ kiểm tra nên lấy hài cốt bỏ vào (có thể không phải là hài cốt của bà Sang. Hoặc không loại trừ khả năng ông Lê Vân đào mộ của ai đó lấy trộm); hoặc cũng có thể là xương động vật.

Đại tá Lương Tấn Tài cho biết, nhiều người dân ở tổ 12, thị trấn Hà Lam, đã có đơn thư khiếu nại về việc làm không bình thường của ông Lê Vân, gây xáo trộn an ninh trật tự địa phương.

Do đó, căn cứ vào Nghị định 150/CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/12/2005 thì ông Lê Vân đã có hành vi gây ảnh hưởng đến việc giữ gìn sự yên tĩnh chung của khu dân cư (điều 8); đồng thời vi phạm điểm b, khoản 4 của điều 9 quy định trong Nghị định 150/CP về việc bốc mộ, di chuyển người chết, hài cốt trái quy định, không đảm bảo vệ sinh...

Chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương đang yêu cầu ông Lê Vân phải trình bày sự việc đúng sự thật để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật

Long Vân
.
.