Vua dối trá

Thứ Hai, 30/06/2014, 19:50

Hỏi bất kỳ ai trên thế giới này: "Ai là vua làm hàng giả?", câu trả lời chắc chắn không ai khác ngoài Trung Quốc. Sự giả dối đi liền với gian lận không chỉ thể hiện trong sản xuất hàng giả, hàng nhái mà còn trong các phát ngôn, trong các vấn đề minh bạch, trong các số liệu báo cáo kinh tế - xã hội, và nhất là trong đối ngoại. Đó đã trở thành thứ văn hóa dối trá. Đặc biệt trong vấn đề biển Đông, Trung Quốc đã thể hiện văn hóa dối trá đến mức thượng thừa.

Lộng giả thành chân

Tháng 9/2012, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khi đó là ông Dương Khiết Trì đã nói với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton rằng "có nhiều chứng cứ lịch sử và pháp lý chứng minh Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo trong biển Đông và các vùng nước lân cận". Cái gọi là "chứng cứ lịch sử" mà ông Dương đề cập đã bị các chuyên gia pháp lý quốc tế vạch trần là một sự giả dối, không có cơ sở.

Mohan Malik, giáo sư chuyên về an ninh châu Á tại Trung tâm nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương ở Honolulu (Mỹ) viết trên tạp chí Quan hệ Quốc tế (World Affairs Journal) khẳng định: Các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông là không hợp pháp.

Giáo sư Malik cho rằng, nếu nói về bằng chứng lịch sử thì đó là sự bịa đặt kỳ quặc nhất của Trung Quốc. Trên thực tế, tất cả các bản đồ địa lý của Trung Quốc đều thể hiện cực nam Trung Hoa là ở phía nam đảo Hải Nam. Giáo sư Malik lập luận, nếu nói về chứng tích lịch sử trên các hòn đảo ở biển Đông để khẳng định chủ quyền thì Trung Quốc lại càng thất bại. Cho đến thời nhà Thanh, Trung Quốc vẫn chưa hề biết đến các hòn đảo trong biển Đông.

Biển Đông từ xa xưa cho đến cuối thế kỷ thứ XIX đầu thế kỷ XX là vùng biển của các cư dân bản xứ người Malay, người Polynesia và người xứ Phù Nam, nay là vùng đất miền Nam của Việt Nam. Các triều đại phong kiến Trung Quốc hoàn toàn chỉ quanh quẩn trong vùng biển gần bờ. Họ cũng có một vài chuyến du hành đến Ấn Độ và châu Phi, nhưng đó là đi quá giang trên thuyền của người Malay, người Polynesia. Họ không hề có lịch sử gì ở biển Đông.

Căn cứ lịch sử duy nhất mà Trung Quốc có được chính là tấm bản đồ với đường "mười một chấm" do chính quyền Quốc Dân đảng của Tưởng Giới Thạch vẽ ra. Trước việc người Pháp công nhận các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của An Nam vào cuối thế kỷ XIX, Tưởng Giới Thạch đã vội vàng vạch đường ranh giới cực nam Trung Hoa kéo dài xuống tận phía Nam biển Đông, bao gồm luôn rạn ngầm James mà Malaysia tuyên bố chủ quyền. Điều nực cười là Tưởng Giới Thạch và bộ sậu vì chưa bao giờ đặt chân đến rạn ngầm James nên đã nhầm tưởng đó là bãi cát nổi trên mặt nước và gọi đó là "bãi Tăng Mẫu", xem đó là "lãnh thổ cực nam Trung Quốc".

Ngày nay, trước những chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý không thể chối cãi về lãnh thổ của Việt Nam và Philippines, Trung Quốc vẫn ngoan cố ngụy biện, dùng chiêu thức giả dối để đổi trắng thay đen. Giới học giả Trung Quốc thậm chí lập luận một cách sống sượng rằng, Trung Quốc đang muốn "theo gương" các nước phát triển ở phương Tây đi xâm chiếm các vùng biển, đảo ở cách xa lãnh thổ đất liền của mình.

"Nước Mỹ có Guam ở châu Á nằm cách rất xa nước Mỹ, và nước Pháp cũng có các đảo trong Thái Bình Dương, vì thế việc Trung Quốc chiếm các hòn đảo trong biển Đông thì có gì mới đâu". Đây là kiểu "ăn đằng sóng, nói đằng gió", quơ quàng bừa bãi cốt phục vụ lợi ích của riêng mình, bất chấp luật pháp quốc tế, không phù hợp thời đại phát triển ngày nay. Trung Quốc tự so mình với các đế quốc thời xa xưa, thời kỳ thế giới chưa có đầy đủ luật pháp để duy trì trật tự.

Ngày nay, Liên Hiệp Quốc đã có công ước về chủ quyền, về việc thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia thành viên. Đó là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một những quốc gia đã đặt bút ký.

Vu khống và đơm đặt

Trong tình hình căng thẳng trên biển Đông hiện nay, Trung Quốc luôn luôn lợi dụng tư cách nước lớn, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trâng tráo sử dụng chiến thuật đổi trắng thay đen để lừa dối dư luận thế giới và trong nước. Trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh luôn rao giảng dối trá rằng biển Đông là của Trung Quốc và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) là lãnh thổ Trung Quốc. Họ làm đủ mọi cách để người dân Trung Quốc suy nghĩ rằng đó là sự thật. Mọi thông tin trái chiều, thông tin khách quan, sự thật từ bên ngoài, trên các phương tiện truyền thông quốc tế đều bị ém nhẹm.

Trâng tráo hơn, Trung Quốc còn lợi dụng tình hình đất nước Việt Nam chia cắt giai đoạn 1954-1975 để bịa đặt ra chuyện một tập bản đồ năm 1972 và sách giáo khoa lớp 9 năm 1974 của Việt Nam Cộng hòa công nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc. Điều này hoàn toàn sai trái, xuyên tạc sự thật, vì chính Trung Quốc đã dùng vũ lực quân sự xâm chiếm Hoàng Sa, vào thời điểm năm 1974 còn nằm trong sự quản lý của Việt Nam Cộng hòa.

Hai thái cực giàu - nghèo trong xã hội Trung Quốc.

Dã tâm hơn, Bắc Kinh còn bịa đặt cả nội dung bức công thư năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi đó việc cố Thủ tướng nước ta gửi bức công thư là một hành động ngoại giao cao đẹp ủng hộ nước bạn anh em. Nội dung bức công thư ủng hộ Trung Quốc khẳng định chủ quyền lãnh hải 12 hải lý tính từ đất liền, hoàn toàn không đề cập chuyện Hoàng Sa và Trường Sa vì thực tế rõ ràng hai quần đảo này không liên quan gì đến lãnh thổ và lãnh hải Trung Quốc.

Hiện nay, điều Trung Quốc sợ nhất chính là việc Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế (IJC) và Tòa án Quốc tế về Luật Biển; cả hai tòa án này đều thuộc LHQ và đều có chữ ký phê chuẩn của Trung Quốc. Việc Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng đoạt lãnh thổ ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc; đồng thời việc tàu Trung Quốc đâm chìm các tàu cá Việt Nam cũng đã đủ cơ sở để Việt Nam kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc tế của LHQ.

Bưng bít đủ điều

Lâu nay, rất nhiều giới trên thế giới, từ học giả, chính trị, ngoại giao cho đến kinh doanh, thương mại đều không tin tưởng vào những gì giới chức cầm quyền ở Trung Quốc công bố. Người ta biết rõ, với tham vọng đánh bóng hình ảnh Trung Hoa trên trường quốc tế, giới chức ở Bắc Kinh luôn luôn tìm đủ mọi cách để "mông má" các số liệu thống kê, sẵn sàng xuyên tạc hoặc kiểm duyệt, ém nhẹm các thông tin sự thật chứa đựng mặt trái tiêu cực không đúng ý đồ tô hồng của Bắc Kinh.

Việc bưng bít và kiểm duyệt, ém nhẹm thông tin diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của Trung Quốc. Trong vài năm gần đây, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại, các chuyên gia kinh tế thế giới bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu che giấu sự thật về tình trạng tài chính, năng lực hoạt động của các công ty.

Từ năm 2012, Bắc Kinh đã ra quy định mới bắt buộc kể từ năm 2017, các chi nhánh của 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới phải do người Trung Quốc quản lý thì mới được tiếp tục thực hiện công việc kiểm toán cho các  công ty Trung Quốc. Một số chuyên gia kiểm toán người phương Tây đã buộc phải từ chức sau khi đã tuyên bố phát hiện những gian lận, sai trái về sổ sách. Và người ta tin rằng, để người Trung Quốc tự kiểm toán sổ sách thì có trời biết chuyện gì sẽ xảy ra. Những con số tròn trĩnh, đẹp đẽ luôn là ưu tiên số một.

Thông tin về các vấn đề xã hội là đặc biệt nhạy cảm đối với Trung Quốc. Trước đây, Trung Quốc đã đặt ra tiêu chuẩn xã hội lành mạnh, "không có tội phạm nghiêm trọng". Các báo cáo về tội phạm nghiêm trọng thường bị kiểm duyệt và ém nhẹm. Cho đến năm 2010, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc mới bắt đầu tung ra báo cáo đầu tiên về tình hình tội phạm gia tăng, và cũng là lúc dư luận đặt câu hỏi: Vậy lâu nay bọn tội phạm đã ở đâu?

Kinh tế phát triển, xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ, đời sống vật chất ngày càng sung túc, cũng là lúc sự phân hóa giàu nghèo ngày càng diễn ra gay gắt ở Trung Quốc. Sự phân hóa giàu nghèo tất yếu đi kèm với bất công, và đó là nguyên nhân của những vụ việc dân làng ở các vùng quê nghèo "nổi loạn" bao vây cơ quan chính quyền đòi công bằng xã hội, đòi giải quyết quyền lợi thỏa đáng về đất đai, như vụ việc ở làng Wukan, tỉnh Quảng Đông cách đây 2 năm chẳng hạn. Trước những sự cố như thế thường truyền thông Trung Quốc rất hạn chế đưa tin và thông tin đưa lên mạng Internet cũng sẽ bị kiểm duyệt gắt gao.

Trung Quốc đặc biệt ngại phổ biến thông tin về tình hình an ninh ở hai khu vực tự trị Tây Tạng và Tân Cương, cũng như vụ đàn áp đẫm máu ở Quảng trường Thiên An Môn cách đây đúng 25 năm. Gần đến ngày kỷ niệm 25 năm sự kiện Thiên An Môn (4/6/1989), những nhà hoạt động ở Trung Quốc đã lần lượt bị nhà cầm quyền Bắc Kinh bắt giam hoặc khống chế tại nơi cư trú nhằm ngăn chặn họ tổ chức các hoạt động kỷ niệm có thể khiến dư luận quan tâm tìm hiểu về sự thật của vụ đàn áp đẫm máu mà Bắc Kinh không dám công khai.

Tân Cương luôn là điểm nóng an ninh của Trung Quốc, với những vụ tấn công khủng bố ngày càng gia tăng. Từ vài năm gần đây, Trung Quốc đặc biệt sử dụng chiêu "chia lửa ra bên ngoài", tức gây hấn trên biển Đông với Việt Nam và Philippines mỗi khi trong nước có sự cố bất ổn về kinh tế, an ninh, trật tự xã hội nhằm hướng sự chú ý của dư luận vào tình hình biên giới lãnh thổ mà quên đi chuyện bất ổn trong nước.

Nhưng Tân Cương ngày càng trở nên nguy hiểm, Trung Quốc không thể che giấu mãi sự bất ổn đó sau khi đã xảy ra hàng loạt vụ tấn công bằng dao vào năm 2013 và mới đây là những vụ đánh bom vào hạ tuần tháng 5/2014 ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương. Truyền thông quốc tế đưa tin có đến trên 30 người chết, nhưng giới chức Trung Quốc hạn chế con số ở mức 15/16 người nhằm làm giảm mức độ nghiêm trọng của vụ việc

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.