Vùng Vịnh trong vòng xoáy mới

Thứ Ba, 18/07/2017, 13:42
Cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh vẫn chưa thể tìm ra lối thoát. Việc không bên nào chịu “xuống thang” đã khiến căng thẳng ngày càng gia tăng và có nguy cơ đẩy cuộc xung đột ngoại giao được coi là tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua tại khu vực này vào thế bế tắc. Vòng xoáy mới nguy hiểm hơn đang xuất hiện, bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế.

Tan rã các liên kết, giá dầu sẽ có biến động lớn hay một cuộc xung đột “ngầm” trong thế giới Hồi giáo ở khu vực đã được tính tới.

“Ăn miếng, trả miếng”

Ngày 12-7, tại phiên khai mạc Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Thông tin Arab (AIMC) lần thứ 48 diễn ra ở thành phố Cairo của Ai Cập, các quan chức đầu ngành thông tin của nhóm các nước Arab gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain đã đồng loạt chỉ trích kênh truyền hình Al-Jazeera của Qatar vì đã phát sóng các nội dung kích động làn sóng chống các nước Arab, nỗ lực phá hoại sự ổn định và an ninh khu vực.

Trong thư phản hồi Liên Hiệp Quốc (LHQ) liên quan đến việc các nước Arab yêu cầu đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera của Qatar công bố ngày 12-7, Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Anwar Gargash đã cáo buộc Al-Jazeera thúc đẩy chủ nghĩa bài Do Thái, kỳ thị và kích động hận thù tôn giáo. Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash đã gửi một bức thư tới Cao ủy LHQ về nhân quyền Zeid Ra’ad al-Hussein, trong đó nhấn mạnh rằng Al-Jazeera đã nhiều lần vượt qua ngưỡng kích động thù địch, bạo lực và phân biệt đối xử.

Tuy nhiên, LHQ cảnh báo rằng việc liên minh các nước Arab do Saudi Arabia đứng đầu, trong đó có UAE, yêu cầu Qatar đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera là vi phạm các “quyền tự do cơ bản”.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang có chuyến công du vùng Vịnh với vai trò “tháo ngòi nổ”. Ảnh: The Indian Express.

Trước đó, trong nỗ lực tìm cách gia tăng sức ép lên Qatar, ngày 10-7, giới chức Saudi Arabia đã công bố nội dung của một hiệp ước bí mật mà Doha và các nước Vùng Vịnh đạt được năm 2013 nhằm củng cố các cáo buộc rằng Qatar hậu thuẫn khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia Vùng Vịnh. Tiếp đó, trong một tuyên bố chung ngày 11-7, 4 quốc gia Arab gồm Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và UAE khẳng định các biện pháp trừng phạt đối với Qatar vẫn sẽ được duy trì.

Phản ứng trước việc các nước Arab gia tăng sức ép lên Qatar, một người phát ngôn của Qatar đã cáo buộc ngược lại rằng chính Saudi Arabia và UAE phá vỡ tinh thần của Hiệp ước năm 2013, và “chìm đắm” vào “một cuộc tấn công đối với chủ quyền của Qatar”. Qatar cũng đã đe dọa rút khỏi Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), liên minh kinh tế và chính trị liên chính phủ của các nước Arab Vùng Vịnh, với việc đưa ra điều kiện ngược lại đối với các nước Vùng Vịnh do Saudi Arabia đứng đầu.

Trong một bức thư gửi tới Tổng Thư ký của GCC Abdul Latif Bin Rashid Al Zayani, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã nêu các điều kiện của Qatar, nếu không được đáp ứng nước này sẽ rút khỏi GCC. Bộ trưởng Al-Thani cam kết Qatar tuân thủ các luật và các công ước quốc tế, đặc biệt liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố và tài trợ khủng bố, đồng thời nhấn mạnh Qatar sẽ không thương lượng vấn đề chủ quyền của nước mình.

Ông tuyên bố Qatar sẽ ra thông báo có thời hạn ba ngày cho các quốc gia Vùng Vịnh để dỡ bỏ phong tỏa đối với Qatar và bồi thường những thiệt hại về mặt chính trị và kinh tế mà Doha phải gánh chịu. Trong bức thư, Ngoại trưởng Qatar nêu rõ hết thời hạn này, Qatar sẽ chính thức tuyên bố rút khỏi GCC.

Cho tới nay, cùng với chính sách phong tỏa về ngoại giao, các quốc gia Arab Vùng Vịnh do Saudi Arabia đứng đầu còn thực thi một loạt biện pháp cô lập về kinh tế, tài chính, ngân hàng, giao thông (đường không, đường bộ và đường biển)... nhằm gia tăng sức ép buộc Qatar phải thay đổi chính sách liên quan đến các vấn đề khu vực.

Thậm chí, để siết chặt “vòng vây” cô lập Qatar, Saudi Arabia mới đây còn sử dụng đòn bẩy “hỗ trợ kinh tế” để hối thúc Iraq và Sudan tham gia chiến dịch phong tỏa Qatar, đồng thời kêu gọi một số đối tác thương mại ngừng các mối quan hệ làm ăn với Doha.

Trên thực tế, thái độ cứng rắn mang tính đe dọa của các nước Arab đối với Qatar đang khiến viễn cảnh giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh ngày càng trở nên mờ mịt bởi khó có khả năng Doha sẽ chấp nhận những điều kiện như đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar và chấm dứt tài trợ các tổ chức như Anh em Hồi giáo.

Qatar cũng thể hiện thái độ kiên quyết kiểu “ăn miếng trả miếng”, một mặt bác bỏ cáo buộc của các nước Arab, mặt khác đưa ra “điều kiện ngược lại” và đe dọa rút khỏi Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), liên minh kinh tế và chính trị liên chính phủ của các nước Arab vùng Vịnh.

Tình thế bế tắc của cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh đã và đang tác động xấu đến các bên và đương nhiên Qatar là nước chịu tổn thất nhiều nhất. Tình trạng bị cô lập đang gây thiệt hại một cách toàn diện đến nền kinh tế Qatar và có nguy cơ đẩy nước này vào cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử.

Nếu căng thẳng ngoại giao kéo dài, nền kinh tế và tài chính của Qatar chắc chắn phải đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng. Giá cả leo thang và những hiểm nguy của lạm phát sẽ là những thách thức lớn. Qatar có nguy cơ mất quyền đăng cai giải bóng đá lớn nhất hành tinh vì nhiều công ty thầu khoán nước ngoài có thể rút khỏi các dự án nếu cuộc khủng hoảng tiếp tục bế tắc.

Mất thế cân bằng

Về phía các nước Arab Vùng Vịnh, mâu thuẫn với Qatar có thể không gây tổn thất đáng kể về kinh tế, song một khi quan hệ ngoại giao sứt mẻ, sự ổn định tạm thời giữa các nước đồng minh trong GCC sẽ bị phá vỡ, ảnh hưởng tới vị thế và uy tín của GCC. Sự chia rẽ giữa các nước Arab Hồi giáo trong khu vực ngày càng lộ rõ, trong khi thế cân bằng địa chính trị tại khu vực đang thay đổi do Qatar có xu hướng xích lại gần Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ, những nước công khai ủng hộ Doha trong cuộc xung đột ngoại giao tại Vùng Vịnh.

Bên cạnh đó, những mâu thuẫn lợi ích vốn âm ỉ giữa các quốc gia Vùng Vịnh có nguy cơ càng phức tạp trong vòng xoáy tranh giành ảnh hưởng giữa Saudi Arabia và Iran.

Có thể nói, diễn biến cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh rất khó dự báo, song kịch bản “xung đột vũ trang toàn diện” giữa Qatar và các nước Arab Vùng Vịnh ít có khả năng xảy ra bởi nhiều lý do. Trước hết, do còn đang “mắc kẹt” trong cuộc chiến chống lại phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh ở Yemen, Saudi Arabia không muốn “sa lầy” thêm nữa trong các cuộc xung đột khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dự họp với Ngoại trưởng 4 nước vùng Vịnh và Kuwait. Ảnh: Reuters.

Trong bối cảnh khó khăn về kinh tế do giá dầu thấp, Saudi Arabia đang cố gắng thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện kế hoạch cải tổ sâu rộng “Tầm nhìn kinh tế 2030” với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, giảm sự lệ thuộc vào dầu mỏ. Chiến tranh và xung đột sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và đây là điều không mong muốn của Riyadh.

Trong khi đó, Mỹ vẫn cố gắng thúc đẩy các nỗ lực hòa giải và không sẵn sàng cho “kịch bản chiến tranh” khi Qatar hiện là nơi đặt căn cứ không quân Al Udeid lớn nhất của Washington ở Trung Đông với khoảng 10.000 quân. Hơn nữa, hai nước có quan hệ kinh tế khá tốt và Qatar cũng là thị trường vũ khí đáng kể của Mỹ tại Trung Đông. Mặt khác, Washington đang muốn duy trì mối quan hệ đồng minh với tất cả các nước Arab Vùng Vịnh, trong đó Saudi Arabia và Qatar đều nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực.

Quan trọng hơn nữa, mọi động thái của Saudi Arabia cùng các nước Arab chỉ nhằm mục tiêu buộc Qatar phải “thay đổi chính sách” và các nước này có thể sẽ không dám “đi quá xa” vì Saudi Arabia nói riêng và các thành viên GCC nói chung thực sự không muốn mất đồng minh Qatar về tay Iran, một địch thủ khu vực của Riyadh.

Tuy nhiên, nếu không sớm được giải quyết, cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh có nguy cơ rơi vào vùng xoáy rủi ro mới kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng hơn, tác động tới nhiều bên và gây ra những thiệt hại nặng nề. Để giải quyết mối bất hòa hiện nay, các nước Arab Vùng Vịnh và Qatar cần phải có sự thỏa hiệp và nhượng bộ nhất định, dựa trên lợi ích hài hòa của các bên.

Khó tới hồi kết

Theo bài viết trên trang mạng của tổ chức phân tích thông tin tình báo “Stratfor” ngày 12-7, cuộc khủng hoảng trong nội bộ Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đã đến thời điểm bước ngoặt. Ngày 11-7, trong ngày thứ hai của chuyến công du nhằm mục đích “tháo ngòi nổ” căng thẳng trong khối này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã ký một thỏa thuận chống khủng bố với Chính phủ Quatar.

Mặc dù nội dung của thỏa thuận còn mơ hồ, song thông điệp thì rõ ràng: Nước Mỹ muốn chấm dứt mối hiềm khích giữa một bên là Qatar và bên kia là Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Riyadh và Abu Dhabi sẽ phải thay đổi quan điểm của mình trong cuộc tranh cãi với Doha, hầu hết xung quanh cái gọi là sự hỗ trợ của Qatar đối với các tổ chức khủng bố, sau khi đạt được một biên bản ghi nhớ.

Tuy nhiên, ngay cả khi thỏa thuận này thúc đẩy được một giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay trong khối, thì một cuộc xung đột khác hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai không xa.

Nếu các thành viên có thể cùng bước sang trang mới, GCC sẽ là một liên minh mạnh gồm những quốc gia hầu hết theo dòng Sunni có tài chính và tài nguyên dồi dào. Những cường quốc chủ chốt như Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đều muốn có khối này làm đồng minh vì muốn khai thác cả an ninh năng lượng lẫn ảnh hưởng của khối này tại khu vực Trung Đông nhiều biến động.

Tuy nhiên, những bất hòa giữa các thành viên GCC thường phủ bóng đen lên sự liên kết chiến lược giữa những nước này, mà minh chứng rõ nhất là cuộc khủng hoảng ngoại giao mới nhất. Mối bất hòa hiện nay là cuộc tranh cãi nội bộ căng thẳng nhất trong lịch sử 37 năm của GCC. Đây không phải là lần đầu tiên, cũng không phải là lần cuối cùng.

Bằng cách ký bản ghi nhớ với Mỹ, Qatar đã làm suy yếu luận điệu của Saudi Arabia và UAE rằng Doha phải nỗ lực hơn nữa để chống khủng bố. Ngoại trưởng Qatar cũng bác bỏ bất kỳ mối liên quan nào giữa bản ghi nhớ này với cuộc khủng hoảng trong GCC. Về phần mình, ông Tillerson đã tái xác nhận rằng thỏa thuận này đã được thảo luận từ vài tháng trước, và rằng Mỹ sẽ kêu gọi những văn kiện tương tự từ các nước GCC khác.

Dù thực tế là thế nào đi chăng nữa, thỏa thuận nêu trên cũng có tác dụng chặn trước những nỗ lực của Riyadh nhằm khoét sâu tranh chấp bằng cách lợi dụng các vấn đề toàn cầu để vận động các nước thành viên GCC cô lập Qatar. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ gần như không thể giải quyết được những mâu thuẫn ngầm trong nội bộ GCC.

Nhiều mặt hàng tại Qatar đã bắt đầu có dấu hiệu leo thang về giá. Ảnh: Haaretz.

Những khúc mắc giữa Saudi Arabia và Qatar đã âm ỉ trong nhiều năm và bao gồm cả sự độc lập về chính sách đối ngoại của Doha, sự phản kháng của Qatar trước sự kiểm soát của Riyadh, quan hệ của Quatar với Iran, các tổ chức Hồi giáo mà Doha hậu thuẫn. Những bất đồng giữa hai nước này đã gây ra những cuộc xung đột trong quá khứ và không biến mất ngay cả khi cuộc khủng hoảng hiện nay lắng dịu.

Đánh giá về những nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ, khi trao đổi với báo giới lúc đang ở thăm Slovakia, Ngoại trưởng Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) Abdullah bin Zayed al-Nahayan cho rằng chuyến công du của ông Tillerson khó có thể giải quyết các mâu thuẫn hiện nay. Reuters dẫn lời ông nói: “Chuyến công du này có thể giảm bớt căng thẳng, song nó chỉ tạm thời kiềm chế vấn đề nổi cộm này mà thôi, căng thẳng sẽ lại leo thang”.

Nhà phân tích rủi ro Jean-Marc Rickli, hiện đang làm việc tại Trung tâm Chính sách An ninh Geneva, cho rằng cuộc khủng hoảng này không chỉ xoay quanh những việc hỗ trợ tài chính cho chủ nghĩa khủng bố, mà thực chất là do lo ngại của vùng Vịnh về vai trò của Iran trong khu vực.

Ông Rickli nhấn mạnh: “Dù kết quả có thế nào đi chăng nữa thì 2 bên đều sẽ bị mất mặt, và việc mất mặt đối với thế giới Arập là điều hết sức nghiêm trọng. Sẽ có những hậu quả hết sức tiêu cực với một, hoặc thậm chí là tất cả các bên”.

Trang mạng của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nam Dương (Singapore) mới đây đăng bài bình luận về cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và Saudi Arabia có thể dẫn tới việc vẽ lại bản đồ chính trị tại Vùng Vịnh.

Nguyễn Hòa
.
.