Vườn treo Babylon không phải ở... Babylon

Thứ Hai, 20/05/2013, 16:50

Theo tiết lộ mới đây của nhà sử học và cũng là chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ Trung Đông ở Viện Đông phương học thuộc Đại học Oxford (Anh), Vườn treo Babylon - 1 trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại - không tọa lạc ở Babylon như mọi người thường nghĩ mà thật ra nó nằm ở Nineveh, cách Babylon 482km về phía bắc.

Sau hơn 20 năm miệt mài nghiên cứu và chắp nối những tư liệu cổ rời rạc lại với nhau, nữ tiến sĩ Stephanie Dalley kết luận khu vườn độc đáo này được xây dựng vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên (CN) bởi nhà vua Sennacherib của người Assyria ở miền Bắc vùng Lưỡng Hà (nước Iraq hiện đại) hơn là bởi Vua Nebuchadnezzar của thành Babylon ở miền Nam.

Tiến sĩ Stephanie Dalley công bố lần đầu quan điểm của bà về địa điểm của những khu vườn treo là ở Nineveh chứ không phải Babylon vào năm 1992 trên tờ báo Anh The Independent, nhưng phải đến 2 thập niên sau này bà mới có được đầy đủ bằng chứng thuyết phục để chứng minh. Công trình nghiên cứu của Dalley bắt đầu với việc giải mã những ký tự hình nêm (cuneiform) của người Assyria mà về sau được người Hy Lạp và La Mã thể hiện bằng văn bản.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu lịch sử về những khu vườn treo, Dalley chú ý đến một bức phù điêu trong cung điện của Sennacherib ở Nineveh thể hiện những thân cây mọc lên trên hàng cột dưới mái che. Bức phù điêu gốc - đã mất tích vào thế kỷ XIX - trong tình trạng bị hủy hoại nhiều ở bề mặt khi được nhà khảo cổ học người Anh tên là Austin Henry Layard khám phá vào năm 1840. Với ý định bảo tồn, bức phù điêu cùng với những cổ vật khác được nhóm của Layard đưa lên thuyền chở về nước Anh nhưng không may bị đắm ở sông Tigris.

Tuy nhiên, may mắn là một nghệ sĩ trong đoàn khảo cổ của Layard đã vẽ lại bức phù điêu và bức vẽ này - được Dalley xác định là bản mô tả khu vườn treo - được đưa vào cuốn sách của Layard về Nineveh xuất bản ở London vào năm 1853.

Những khu vườn treo Babylon, với Tháp Babel ở phía sau, theo mô tả của nghệ sĩ Hà Lan Maarten van Heemskerck vào thế kỷ XVI.

Theo nghiên cứu của Dalley, sau khi Assyria xâm chiếm Babylon vào năm 689 trước CN, thủ đô Nineveh của Assyria cũng  từ đó được coi là "Babylon mới" do đó người ta mới tin rằng khu vườn treo nằm ở Babylon! Nghiên cứu của Dalley thậm chí còn tiết lộ thêm ít nhất một thành phố khác ở vùng Lưỡng Hà ngày xưa có tên gọi là Borsippa cũng được mô tả là "Babylon khác" vào khoảng đầu thế kỷ XIII trước CN.

Dalley còn có phát hiện bất ngờ là sau khi chiếm được thành Babylon, nhà vua Sennacherib đã đặt lại tên của những cổng thành Ninveh theo tên gọi truyền thống của các cổng thành Babylon - tức theo tên các vị thần. Điều đó giải thích tại sao Nineveh được gọi là "Babylon mới".

Hình ảnh nhà vua Sennacherib trong một bức phù điêu cổ.

Sau khi so sánh địa hình của hai thành Nineveh và Babylon, tiến sĩ Dalley nhận thấy miền đất bằng phẳng bao quanh thành Babylon thật không thể cung cấp đủ nước để nuôi dưỡng những khu vườn treo được mô tả trong các tài liệu cổ. Do đó, Dalley có cơ sở để chắc chắn rằng Khu vườn treo không thể được xây dựng tại Babylon. Nghiên cứu lịch sử Nineveh thời hậu Assyria, Dalley biết được Alexander Đại đế đóng quân gần một trong những cống dẫn lớn cung cấp nước cho khu vực mà hiện nay tiến sĩ tin chắc đó là địa điểm của Những khu vườn treo.

Những khu vườn treo này được xây dựng giống như nhà hát trên ngọn đồi nhân tạo cao 25m, phía dưới chân đồi là hồ nước lớn. Cây cối được trồng trên những bãi đất nhân tạo nhỏ ở đỉnh các cây cột. Toàn bộ khu vườn treo rộng chừng 120m và ước tính nó tiêu thụ ít nhất 35.000 lít nước được cung cấp bởi hệ thống cống dẫn và kênh dẫn nằm cách đó chừng 80km. Nước được dẫn lên khu vườn bằng các máy bơm bằng đồng.

Theo ghi chép lịch sử, cả hai nhà vua Sennacherib và Nebuchadnezzar cũng nổi tiếng là những người phá hoại các công trình tôn giáo biểu tượng. Ví dụ, Vua Nebuchadnezzar của thành Babylon đã phá hủy đền Solomon ở Jerusalem; còn Vua Sennacherib của Assyria hủy hoại các ngôi đền lớn khác ở Babylon - một hành vi được coi là gây căm phẫn cho thế giới Lưỡng Hà lúc đó. Về sau, Vua Sennacherib bị 2 con trai giết chết và người ta coi đó là sự trừng phạt của thánh thần vì tội san bằng các ngôi đền thiêng.

Bức phù điêu mô tả trong cung điện của vua Sennacherib cho thấy sự tồn tại của những khu vườn treo.

Một số nhà sử học vẫn tin rằng khu vườn treo đã mất có lẽ chỉ thuần túy là truyền thuyết, song nghiên cứu mới của nữ tiến sĩ Stephanie Dalley đã chứng minh nó thật sự tồn tại trong thế giới cổ đại. Trong những năm dài nghiên cứu của mình, Dalley cũng hết sức ngạc nhiên khi phát hiện bản mô tả của chính nhà vua Sennacherib về một "cung điện vô song" và một "kỳ quan dành cho mọi người".

Những cuộc khai quật mới đây đã khám phá dấu vết của những đường cống lớn dẫn nước - bao gồm một cống nằm gần thành Nineveh lớn đến mức Dalley tưởng tượng nó là con đường môtô trên không! Toàn bộ công trình nghiên cứu của Stephanie Dalley được thể hiện trong cuốn sách nhan đề "Bí ẩn Vườn treo Babylon" dự kiến phát hành ở Anh vào ngày 23/5 tới.

Vườn treo Babylon từng được coi là công trình của nhà vua Nebuchadnezzar II - người trị vì vương triều Chaldean xứ Babylon vào năm 605 trước CN - dành cho Hoàng hậu được sủng ái Amyitis, Công chúa xứ Medes. Nhưng, trên thực tế người Babylon không có bất cứ ghi chép nào về sự tồn tại của những khu vườn treo độc đáo như thế

Duy Ân (tổng hợp)
.
.