Vương quốc Anh trước nguy cơ không còn nguyên vẹn

Thứ Hai, 15/09/2014, 21:45

Ngày 18/9, cử tri Scotland sẽ bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về yêu cầu độc lập khỏi Vương quốc Anh. Tất cả các chính khách Anh đều đã vào cuộc nhằm cứu vãn khả năng một Vương Quốc Anh bị xé nát bởi nếu Scotland ly khai sẽ tạo ra một tiền đề nguy hiểm không chỉ riêng đối với các vùng khác của Vương quốc Anh mà còn đối với nhiều nước khác trên thế giới.

Lý do của việc bỏ phiếu trưng cầu dân ý của người dân Scotland là họ đang phải chia sẻ gánh nặng kinh tế với Vương quốc Anh. "Mỗi giây người Scotland phải trả 127 bảng cho khoản nợ công của Vương quốc Anh nhưng không được công bố". Đó là dòng chữ chạy thường trực trên các trang kinh tế tại Scotland.

Mặc dù sáp nhập vào Vương quốc Anh kể từ năm 1707, trên thực tế, quốc gia này vẫn giữ sự độc lập về hệ thống pháp luật, giáo dục và bản sắc văn hóa riêng. Scotland còn được hưởng nhiều quyền tự trị rộng rãi, đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục…

Chưa kể, London còn để cho Scotland quản lý hơn 50% thuế thu được trong khi nước này chỉ đem về có 10% GDP cho Vương quốc Anh. Nhưng 90% dự trữ dầu hỏa của Anh đều nằm ở vùng biển thuộc về Scotland. Trong mọi trường hợp, London sẽ mất mát rất nhiều nếu như vùng lãnh thổ này rời khỏi ngôi nhà chung của nước Anh.

Thực ra vấn đề người Scotland đòi độc lập đã râm ran từ rất lâu nhưng điều khiến chính khách nước Anh "sốt vó" là vì kết quả các cuộc thăm dò dân ý cho biết đa phần người Scotland chọn "Yes" trong cuộc bỏ phiếu ngày 18/9 tới. Trước tình hình này, những ngày này thật dễ dàng nhìn thấy chính khách Anh từ lớn đến nhỏ phải tất bật thế nào.

51% người dân Scotland ủng hộ việc tách ra khỏi Vương quốc Anh.

Ngày 9/9, 3 đảng phái chính trị lớn nhất Anh đã ủy nhiệm cho chính trị gia gốc Scotland, Gordon Brown, thuyết phục đồng hương bỏ phiếu "chống". Ông Brown lập tức lên tiếng hứa hẹn rằng, Quốc hội Anh sẽ ra một luật mới cho phép trao quyền tối đa cho Nghị viện Scotland. Việc xây dựng một bộ luật như vậy sẽ được  bắt đầu kể từ ngày 19/9/2014, trong trường hợp cử tri Scotland bỏ phiếu chống lại việc tuyên bố độc lập trong cuộc trưng cầu dân ý.

Cựu Thủ tướng đảng Lao động Gordon Brown, bản thân là người Scotland, đã thảo ra một lộ trình, bao gồm một cuộc lấy ý kiến rộng lớn vào cuối tháng 10, công bố rộng rãi các nội dung được thảo luận kể từ cuối tháng 11 và cuối cùng là một dự thảo luật được hoàn chỉnh vào tháng 1/2015. Lộ trình này cho phép các nghị sĩ chiến thắng trong kỳ bầu cử tháng 5/2015 bỏ phiếu thông qua luật này.

Ông Gordon Brown cũng hứa hẹn sẽ có sự chuyển giao quyền lực về mặt ngân sách công, thuế và các phúc lợi xã hội trong 12 lĩnh vực khác nhau, như giao thông, cơ sở hạ tầng hay việc làm.

Một ngày sau, 10/9, ba lãnh đạo chính trị hàng đầu của Anh gồm Thủ tướng David Cameron, đại diện đảng Tự do liên minh cầm quyền Nick Clegg và lãnh đạo Công đảng Ed Milliban đã phải khẩn trương tới Scotland. Mục đích của chuyến đi là cố gắng thuyết phục các cử tri Scotland hãy ở lại trong Vương quốc Anh.

Trước chuyến công du, Thủ tướng David Cameron viết: "Chúng tôi khẩn thiết mong muốn quý vị sẽ ở lại, chúng tôi không muốn gia đình dân tộc này bị xé nát". Thủ tướng Anh cũng cảnh cáo sẽ là một "cú nhảy vào hư vô" trong trường hợp số người ủng hộ Scotland độc lập thắng.

Tóm lại các nhà chính trị Anh đã sử dụng hết tình cảm của mình để kéo Scotland ở lại. Nhưng đây là một cuộc đánh cược chứa đựng nhiều rủi ro. Ông David Cameron biết là ông không được chào đón ở Scotland, bởi ở đó phe bảo thủ vẫn bị ghét. Còn với lãnh đạo Công đảng, ông Ed Miliband, mặc dù đảng này chiếm đa số tại Scotland nhưng uy tín chính trị của ông đang ở mức không thể thấp hơn được nữa. Nhưng đây là một việc cấp bách vì tất cả họ đều sẽ mất rất nhiều.

Một số người cho rằng nếu phe ủng hộ ly khai thắng, ông David Cameron sẽ không còn cách lựa chọn nào khác là từ chức. Và tên ông sẽ lưu lại lịch sử như là người đã để cho khối liên hiệp bị biến mất. Lãnh đạo Công đảng thì sẽ mất những lá phiếu sống còn để có thể tồn tại trong Quốc hội, và những người bên đảng Dân chủ tự do cũng vậy.

Về phần mình, những người ủng hộ độc lập cho Scotland cho rằng đây chỉ là một mưu toan muộn mằn nhằm mua chuộc cử tri Scotland. Những người chủ trương độc lập biết rõ điều đó và lãnh đạo của phe này, ông Alex Salmond hy vọng chuyến đi tới Scotland sẽ phản tác dụng với chính các nhà chính trị của nước Anh. Lãnh đạo Scotland đã cười nhạo kế hoạch giờ chót của các đảng đưa ra sau 2 năm có thông báo tổ chức trưng cầu dân ý, mà theo ông thì kế hoạch này không đem lại cái gì ngoài việc cho thấy họ đang bị thất thế.

Tuy nhiên, việc lãnh đạo Anh hứa trao thêm nhiều quyền hành cho Scotland có thể biến Vương quốc Anh thành một quốc gia liên bang. Scotland, cũng như xứ Wales, Bắc Ireland và nhiều vùng dân cư lớn khác cũng sẽ đòi được trao quyền tự trị rộng rãi hơn trên phương diện ngân sách. Và như vậy Thượng Nghị viện Vương quốc Anh sẽ bị biến thành Hội đồng các khu vực.

Ngoài ra, nếu kết quả cuộc trưng cầu dân ý nghiêng về nền độc lập cho Scotland, Vương quốc Anh sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có khả năng đội tàu ngầm nguyên tử của Anh đặt tại Scotland sẽ phải rời khỏi vùng lãnh thổ này. Chưa kể sự kiện này cũng sẽ ảnh hưởng đến chiếc ghế thường trực Hội đồng Bảo an LHQ của Anh cũng như vai trò đầu tàu của Anh trong Liên minh châu Âu (EU).

Vậy nếu tách khỏi Vương quốc Anh, Scotland sẽ mất gì và được gì? Quy mô khoảng 5 triệu dân và GDP hơn 200 tỉ USD, Scotland đang định hướng mình tới một mô hình phát triển tốt như Na Uy. Kinh tế đang tăng trưởng đều, nguồn dầu mỏ biển Bắc dồi dào và thu nhập đầu người chẳng kém gì vương quốc. Đây là cái cớ để giới chức Scotland kiên quyết xin độc lập.

Tuy nhiên, báo chí Anh khẳng định, nếu rời Anh, tiêu chuẩn sống mỗi hộ gia đình Scotland sẽ giảm 2 con số. Tờ BBC cho rằng, thu nhập của người Scotland có thể tăng lên 1.400 bảng/ năm nhưng để duy trì các vấn đề an sinh xã hội, các loại thuế sẽ phải tăng 3%, nếu không sẽ phải cắt giảm 11% chi tiêu cho dịch vụ công. Và tiền để thay đổi thể chế rơi vào khoảng 1,5 - 2,7 tỉ bảng. Nhưng cấp thiết nhất, nếu tách ra khỏi Anh thì Scotland sẽ dùng đồng tiền nào? Tiếp tục dùng đồng bảng? Không thể. Chỉ có một cách là gia nhập Eurozone.

Ngay khi nghe tin này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã tuyên bố, Scotland khó trở thành thành viên của EU nếu tách ra khỏi Anh bởi Scotland phải nhận nguồn viện trợ từ Anh 27 tỉ bảng (20% GDP/năm). Điều này rất có thể biến Scotland trở thành Hy Lạp thứ hai nếu gia nhập EU hay Eurozone.

Nếu Scotland tách ra khỏi Vương quốc Anh thì những xứ khác thuộc vương quốc này như xứ Wales hay Bắc Ireland cũng sẽ đòi độc lập. Và nguy hại hơn là làn sóng ly khai sẽ lan sang cả các nước khác như Tây Ban Nha hay Bỉ.

Cùng với sự kiện Scotland, người dân tại các vùng Catalan của Tây Ban Nha và Flandre của Bỉ cũng đang lên tiếng đòi thoát khỏi các chính quyền trung ương. Catalan chiếm đến 19% trọng lượng kinh tế của toàn quốc, bảo đảm đến 1/4 xuất khẩu của Tây Ban Nha và đây cũng là vùng đất giàu có nhất nước, là "đầu máy công nghiệp và kinh tế" của toàn nước Tây Ban Nha. Mất Catalan, không biết chính quyền Madrid có chịu nổi nguy cơ vỡ nợ vốn đe dọa nước này từ mấy năm qua?

Câu trả lời cuối cùng sẽ có sau ngày 18/9 tới đây khi 4,2 triệu dân Scotland từ 16 tuổi trở lên sẽ đi bỏ phiếu trả lời cho câu hỏi rất đơn giản: "Scotland có nên chăng trở thành một nước độc lập?"

M.T. (tổng hợp)
.
.