Washington với chiến lược “cuộc cách mạng có kiểm soát” tại Syria

Thứ Năm, 02/08/2012, 15:35

Tình hình Syria lại tiếp tục có những diễn biến "đảo chiều" qua lại đầy bất ngờ. Phe đối lập tuyên bố về việc bắt đầu chiến dịch giải phóng Aleppo. Trong khi các các phương tiện truyền thông đại chúng của Chính phủ Syria lại bác bỏ thông tin về các trận chiến đường phố tại thành phố lớn thứ hai này ở Syria, đồng thời cho phát đi những cảnh "làm sạch" các tay súng nổi dậy tại những khu phố của thủ đô Damascus. Trong những điều kiện phức tạp như vậy, Washington đã quyết định ngừng các nỗ lực giải quyết khủng hoảng để dồn sức cho cái gọi là "cuộc cách mạng có kiểm soát" với mục tiêu cuối cùng vẫn là lật đổ chế độ của Bashar Assad…

Hãng thông tấn SANA của Syria hôm 22/7 đã phát đi thông tin về những cuộc đụng độ tại khu vực phía bắc Aleppo cũng như về chiến tích tiêu diệt một vài nhóm phiến quân của quân đội chính phủ. Về phần mình, phe đối lập tuyên bố, họ đang triển khai một loạt các vụ đọ súng với quân chính phủ ở trung tâm thành phố lớn thứ hai Syria, đồng thời bao vây sân bay để cản trở khả năng chuyển quân tiếp viện tới đây. 

Aleppo từ trước vẫn được coi là thủ đô kinh tế của Syria. Cư dân tại đây, trong đó có nhiều người Alawis, vẫn có truyền thống luôn ủng hộ cho Assad. Chính vì vậy, phe đối lập đã coi chiến dịch tấn công vào thành phố này như một cơ hội tuyên truyền hữu hiệu. Họ hứa hẹn nếu chiếm được Aleppo sẽ tôn trọng quyền của các cộng đồng thiểu số về sắc tộc và tôn giáo, cũng như kêu gọi các binh sĩ quân đội chính phủ đào ngũ. 

Còn nhớ mới chỉ trước đó một tuần, phương Tây đã vội vàng hô hào về "những ngày tàn cuối cùng của chế độ Bashar Assad". Phe đối lập khi đó giành quyền kiểm soát tại một loạt các khu vực rộng lớn tại các tỉnh Idlib, Lattakia, Homs và Daraa. Một loạt các khu vực ngay giữa thủ đô đã trở thành chiến trường trực tiếp, thậm chí nhiều nhân chứng còn nghe thấy nhiều tiếng nổ ngay phía trước dinh tổng thống. Vụ đánh bom khủng bố vào ngày 18/7 sát hại nhiều quan chức thân tín của Assad đã khiến nhiều cơ quan truyền thông phương Tây khẳng định: Chính quyền Syria đã không còn kiểm soát nổi tình hình. Nhưng theo một số nhà quan sát, "tình cảnh bi đát của chế độ Assad" nhiều khả năng chỉ là trò thông tin giả thổi phồng từ phía bộ máy tuyên truyền của phương Tây.

Mọi chuyện lại bất ngờ đảo chiều chỉ sau một tuần. Tình hình tại Damascus hiện đã dần dần trở lại bình thường. Trong những ngày cuối tuần vừa rồi, quân đội với sự hỗ trợ của các phương tiện bọc thép đã tiếp tục đẩy bật phe nổi dậy khỏi một loạt các khu vực tại thủ đô. Chính phủ thông báo về việc tiêu diệt hàng chục tay súng nổi dậy, trưng bày nhiều kho vũ khí đạn dược tịch thu được. Nhận thức được việc chiến dịch đánh chiếm thủ đô đã thất bại, phe nổi dậy lại bắt đầu quay trở lại với chiến thuật áp dụng các đòn đột kích phá hoại  tại các khu vực nông thôn.

Các tay súng phe nổi dậy tại Syria.

Trong lúc này, báo chí thế giới liên tục đưa tin về việc hàng ngàn người tị nạn từ Syria chạy sang các nước láng giềng. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế cho tới giờ vẫn chưa thể đưa ra được một giải pháp thống nhất để giải quyết vấn đề. Hôm 20/7 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết mang tính kỹ thuật, kéo dài thời hạn hoạt động của các phái đoàn quan sát viên tại Syria thêm một tháng nữa. Có điều tình hình tại đây vẫn được coi là đang hoàn toàn lâm vào tình cảnh bế tắc - các nước phương Tây vẫn đổ lỗi hoàn toàn cho chính Tổng thống Bashar Assad, trong khi Nga luôn từ chối ủng hộ một nghị quyết nhằm thay đổi chế độ tại Syria.

Trong khi đó theo như báo chí Mỹ, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang lên kế hoạch trong thời gian gần nhất sẽ từ bỏ nỗ lực tìm kiếm các giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Syria. Thay vào đó, Washington dự định sẽ tăng cường sự giúp đỡ cho phe đối lập, gia tăng gấp đôi nỗ lực xây dựng một liên minh các quốc gia có chung quan điểm muốn lật đổ chế độ của Bashar Assad.

Những đối tác có khả năng hàng đầu của Mỹ trong mục tiêu trên chính là Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Trong vài ngày sắp tới, ông chủ Lầu Năm Góc Leon Panetta sẽ đến Israel để tiếp tục các cuộc tham vấn đã được Cố vấn An ninh quốc gia Thomas Donilon triển khai từ một tuần trước đó. Nhà Trắng hiện đang lo ngại hơn cả về vấn đề kho vũ khí hóa học của Syria rất có thể rơi vào tay những tên khủng bố. Israel rất có thể đang tìm cách phá hủy những kho vũ khí này của Syria, nhưng họ vẫn đang dè chừng trước nguy cơ các chất độc hóa học này có thể phát tán vào không khí hay lây nhiễm ra môi trường xung quanh.

Theo tờ The New York Times, chính quyền Mỹ hiện đang có xu hướng chuyển sang chiến lược được gọi là "một cuộc cách mạng có kiểm soát" tại Libya. Cụ thể là Washington tìm cách thống nhất toàn bộ các thành phần phe đối lập tại Syria, giúp họ soạn thảo ra một kế hoạch chuyển đổi chế độ chính trị thực tế hơn. Hiện đã ghi nhận nhiều nỗ lực tiếp xúc với cộng đồng người Alawis, thậm chí còn những lời kêu gọi kết nạp các đại diện của cộng đồng này vào hàng ngũ của phe đối lập.

Washington trên danh nghĩa như trước đây vẫn tuyên bố rằng, họ sẽ không cung cấp vũ khí cho phe đối lập. Tuy nhiên, người Mỹ vẫn đang tiếp tục cung cấp cho lực lượng nổi dậy các phương tiện liên lạc để phối hợp hoạt động tốt hơn giữa các đơn vị riêng lẻ, cũng như cung cấp cho họ các thông tin tình báo. Khả năng thành công trong chiến lược mới của Washington vẫn là một câu hỏi lớn trước quyết tâm bảo vệ chế độ của những người ủng hộ ông Bashar Assad. Bộ Thông tin Syria mới đây đã tuyên bố về việc bắt đầu động viên lực lượng dự bị. Chính quyền nước này còn không loại trừ khả năng sẽ mở cửa các kho vũ khí phát cho những dân thường có nguyện vọng được chiến đấu bảo vệ tổng thống

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.