Ghi tại hiện trường vụ tai nạn máy bay ở Thạch Thất (Hà Nội):

“Xin được cúi đầu trước các anh”

Thứ Bảy, 12/07/2014, 15:25

Khoảng 7 giờ 45 phút sáng ngày 7/7 vừa qua, một vụ tai nạn máy bay đã xảy ra tại thôn Hòa Lạc (Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội). Chiếc máy bay Mi-171 chở 21 chiến sĩ của Trung đoàn Không quân trực thăng 916, Sư đoàn Không quân 371, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) bay huấn luyện nhảy dù đã bị mất liên lạc và tai nạn đã xảy ra. Cho tới trưa ngày 8/7, đã có 18 trong tổng số 21 chiến sĩ hy sinh. Đây thực sự là một tổn thất lớn đối với Sư đoàn Không quân 371 nói riêng, và Quân chủng PK-KQ nói chung.

Được biết, trong khi đang bay huấn luyện nhảy dù tại khu vực sân bay Hòa Lạc, máy bay Mi-171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916 - Sư đoàn Không quân 371 đã bị cháy động cơ, rơi tại thôn Hòa Lạc. Lúc này, trên máy bay có tất cả 21 người, gồm 3 người thuộc tổ lái, 2 giáo viên dù và 16 học viên. Sau khi rơi, máy bay đã bốc cháy dữ dội và cơ bản được dập tắt lúc 8 giờ 20 phút cùng ngày.

Ngay sau đó, chúng tôi đã tiếp cận được vị trí chính xác của chiếc máy bay rơi. Hàng trăm người dân ở các xã lân cận cũng đang có mặt để cùng với các chiến sĩ thuộc Quân chủng PK-KQ tiếp tục thu nhặt các phần thi thể của các chiến sĩ tử nạn; đồng thời thu gom các mảnh vỡ của chiếc máy bay vẫn còn sót lại.

Trước đó, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tiến hành phong tỏa hiện trường, cánh phóng viên báo chí hầu như không thể tiếp cận.

Mặc dù những người bị thương, thiệt mạng đã được đưa đi, những mảnh vỡ của chiếc máy bay cũng được đưa về đúng nơi quy định để tiến hành công tác điều tra, song quang cảnh vẫn hết sức tang thương. Khu đất rộng chừng 2.000 m2 tan hoang như sau một vụ cháy rừng. Những cây xoan bị phạt ngang thân, dưới đất ngổn ngang những thân cây bị cháy sém. Rặng nhãn bị lửa táp úa vàng. Hai góc của khu vườn là mấy chiếc bàn thờ lập vội.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, nhà ở xã Cẩm Yên, Thạch Thất là một trong số những người đầu tiên nhìn thấy chiếc máy bay rơi. Anh Tuấn cho biết: Khoảng 7 giờ sáng anh từ nhà đi ra Hòa Lạc có việc. Khi đến khu vực xóm 11 thì từ đằng xa đã thấy chiếc máy bay bốc khói, có tiếng nổ rồi đâm sầm xuống khu vực có khá nhiều cây cối của thôn. Anh Tuấn vội dựng xe máy rồi chạy vào xem có ai bị thương không. Trước mắt anh là một chiến sĩ nằm úp mặt xuống đất, quần áo bị cháy sém.

"Khi mọi người nâng chiến sĩ này dậy, anh ấy còn lấy tay chỉ về phía đồng đội mình, ý chừng ra hiệu cho mọi người là còn nhiều đồng đội của mình đang bị thương, cần sự giúp đỡ. Rồi anh mới gục xuống. Trước cảnh tượng như vậy, tôi và nhiều bà con có mặt đều không cầm nổi nước mắt" - Anh Tuấn xúc động chia sẻ.

Đồng cảm với anh Tuấn, anh Nguyễn Văn Đức xã Sơn Đông (Thạch Thất, Hà Nội) kể lại. Anh là một trong số những người đã lao vào hiện trường phá bức tường ngăn và cùng nhiều người khác dùng xô chậu múc nước, chuyền tay nhau dập lửa.

Xông vào gần đám cháy, nhóm anh Đức phát hiện một chiến sĩ trẻ bị cháy một phần quần áo và tóc nhưng vẫn tỉnh. Anh Đức lao tới, cầm con dao nhỏ trong chùm chìa khóa, nghiến răng cắt chiếc dây dù trên người nạn nhân đang dính vào mảnh máy bay rồi dìu người lính trẻ ra khỏi khu vực nguy hiểm. Mặt cháy sém, tay bị gãy, người lính thều thào: "Chú ơi, đồng đội cháu trong kia còn nhiều lắm, hãy cứu lấy anh em".  Nghe cậu ta nói mấy câu ấy, mọi người đều ứa nước mắt.

Chiếc máy bay đã rơi trúng vào khu vườn của gia đình ông Thân Văn Khả và của một gia đình hàng xóm kế bên. Ông Khả thuật lại sự việc với chúng tôi vẫn còn chưa hết bàng hoàng.

Vốn phần đất vườn bên kia là của một người chủ ở Hà Nội, hiện đang cho một người cháu ở nhờ. Vì ngôi nhà đã dột nát nên ông ấy đã thuê ông Khả sang đảo ngói, đồng thời xây lại cho chắc chắn.

Sáng nay ông Khả sẽ cùng với thợ tiến hành cải tạo lại ngôi nhà kế bên. Khoảng 7 giờ 30 phút ông Khả pha trà, ngồi uống nước trước hiên nhà, chờ cho người chủ đất làm lễ xong là sẽ tiến hành động thổ.

Trà vừa ngấm, ông Khả đang rót nước ra chén thì bỗng nghe thấy tiếng ù ù từ xa vọng tới. Chưa kịp định thần, ông Khả giật bắn mình khi nghe một tiếng nổ lớn như tiếng bom. Rồi một quầng lửa bùng lên, cao quá ngôi nhà ba tầng của ông. Quá khiếp hãi, ông Khả vội nhảy vọt qua bờ tường. Sau khi định thần lại, ông trở vào nhà thì không thể tin nổi cảnh tượng trước mắt.

Trong quầng lửa đỏ, ông có thể thấy phần đầu của chiếc máy bay rúc ngay sát đường cái. Một vệt dài khoảng 60m vương vãi những mảnh thân, vỏ máy bay. Và ông nghe thấy những tiếng kêu cứu yếu ớt phát ra từ một góc vườn.

Ông Khả chạy đến nơi phát ra tiếng kêu thì thấy bên dưới đống gạch 4-5 người nằm chất chồng lên nhau. Kiểm tra sơ bộ ông Khả thấy nhiều người còn sống liền hô người dân vào cứu. Lần lượt 5 chiến sĩ được đưa ra, tựa lưng vào tường. Rồi một người dân đã nhanh tay gọi điện thoại cho lực lượng cấp cứu. Chừng 10 phút sau thì xe cứu thương tới, đưa tất cả đến bệnh viện.

Trong lúc ông Khả đang khẩn trương đưa các chiến sĩ bị thương ra, thì lửa vẫn cháy bùng bùng. Rồi một tiếng nổ lớn phát ra. "Tôi từng tham gia những trận chiến ác liệt ở chiến trường miền Nam nên chẳng ngại tiếng súng đạn, cũng chẳng sợ tiếng nổ. Với cái chết thì lại càng dạn dày" - ông Khả nói. Vì vậy, rất nhiều người can ông Khả nên lánh ra chỗ khác để chờ lực lượng cứu hộ cứu nạn đến, song ông Khả không nghe.

Sau khi đã đưa được 5 chiến sĩ lên xe cứu thương, ông Khả tiếp tục chạy vào góc vườn để thả con chó cùng đàn gà ra. Vì ông sợ chúng nó… chết cháy. Chẳng ngờ, ông phát hiện thêm hàng chục thi thể chiến sĩ khác nằm ngổn ngang tại khu vực đuôi máy bay rơi. Trên lưng các anh vẫn đeo dù, và đang cháy phừng phừng. Ông Khả lao vào dập lửa. Nhưng khi kiểm tra, tất cả họ đều đã tắt thở.

Hiện trường vụ tai nạn.

Lúc này đã có khá đông người dân xung quanh nghe tiếng nổ đã chạy đến nhà ông Khả. Họ cùng nhau đưa thi thể các chiến sĩ ra một nơi, chờ đơn vị đến tiếp nhận.

Trong một thời gian ngắn, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã có mặt tiến hành phun nước, phun khí CO2 để dập lửa. Đồng thời các loại cưa máy được huy động để cắt nhỏ các phần thân của máy bay, nhanh chóng vận chuyển ra. Cho đến 11 giờ 30 phút, hiện trường của khu vực cơ bản đã được dọn sạch.

Anh Thân Văn Hà, con trai của ông Khả cho chúng tôi biết, anh hiện đang làm công nhân cho một công ty về thiết kế kiến trúc trên quận Tây Hồ. Ngày 6/7, anh đang thiết kế công trình bỗng thấy nóng ruột, vội xin phép lãnh đạo công ty về thăm gia đình. Hơn 7 giờ sáng 7/7, anh Hà đang ngồi ở phía bếp nhặt rau thì nghe thấy tiếng động cơ máy bay rất gần. Thực ra vì khu vực này gần với sân bay Hòa Lạc nên chuyện máy bay bay qua bay lại là bình thường. Nhưng khác với mọi hôm, anh Hà nghe thấy những tiếng động lạ, và khi ngước lên anh phát hiện chiếc máy bay đang cháy bốc khói đen, nhiều khả năng sắp rơi. Và chỉ trong tích tắc, chiếc máy bay lượn xuống dưới đường điện cao thế, rồi lao thẳng vào khu vườn của nhà anh Hà và bốc cháy. Rất may anh kịp chạy vào nhà nên không bị mảnh vỡ bắn vào.  Sau đó anh Hà vội đưa vợ sang nhà người bà con để tránh bị sốc (vì chị đang mang bầu được 6 tháng).

Cũng theo ông Thân Văn Khả, dù rằng mảnh vườn của ông bị phá nát song ông cảm thấy thực sự biết ơn người phi công đã lái chiếc máy bay rất quả cảm. Vì chỉ cần lệch vài mét nữa thôi, thì chiếc máy bay sẽ lao thẳng vào nhà ông, hoặc những nhà người dân khác. Trước đó, người phi công còn lượn để tránh  đường điện cao thế.

Quả thật, quan sát kỹ hiện trường, chúng tôi mới nhận ra rằng, khu vực mà chiếc máy bay "đổ bộ" đúng là khu vực duy nhất chỉ có cây cối, không có nhà dân. Có lẽ người phi công đã cố gắng điều khiển chiếc máy bay rơi vào khu vực ít gây thương vong cho người dân nhất.

Trả lời báo chí, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết, hiện đã tìm thấy hộp đen của chiếc máy bay gặp nạn; lực lượng chức năng đang tiến hành giải mã nguyên nhân vụ tai nạn dựa trên hộp đen này.

Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết thêm, trước mắt Bộ Quốc phòng sẽ có hỗ trợ đối với gia đình các chiến sĩ hy sinh và các chiến sĩ bị thương. Hiện tại cơ quan chức năng đang tập trung cứu chữa người bị nạn và tiến hành điều tra vụ việc.

Trên trang facebook cá nhân nhà báo Hoàng Trường Giang, phóng viên báo Quân đội nhân dân chia sẻ: Một lần anh được theo Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Lê Hữu Đức (nay là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đi công tác trên một chiếc trực thăng. Khi chiếc máy bay Mi-171 rời sân bay Sư đoàn 372 ở Đà Nẵng, nhằm hướng Chu Lai, Dung Quất, Tư lệnh Lê Hữu Đức nói rằng, mỗi người lính không quân, mỗi phi công được coi là một khí tài. Mất phi công là mất khí tài chứ không chỉ đơn giản là mất một sinh lực quân đội đâu. Hơn thế nữa việc tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo được một phi công bài bản, vững vàng là điều vô cùng tốn kém cả thời gian, công sức, tiền bạc và nhiều yếu tố khác nữa. Chính vì thế các phi công luôn phải tự ý thức giữ gìn bản thân, phương tiện vô cùng quý giá, cẩn trọng.

Vụ tai nạn xảy ra tại Hòa Lạc thực sự là tổn thất lớn đối với Quân chủng PK-KQ. Chúng tôi xin nghiêng mình trước các anh!

Khi phóng viên là… bà tướng!?

Cũng trong sáng ngày 7/7/2014, tại khu vực xã Thạch Hòa, Bình Yên (Thạch Thất) đã xảy ra một sự việc gây bức xúc không chỉ cho cơ quan chức năng đang làm nhiệm vụ mà cả đối với nhiều phóng viên báo đài. Một nữ phóng viên thuộc một kênh truyền hình khi được lực lượng chức năng đề nghị đứng ở vòng ngoài vì phía trong đang tiến hành khám nghiệm, điều tra. Nữ phóng viên này đã buông một câu nói thiếu văn hóa và cố tình xông vào khu vực đang được bảo vệ. Chứng kiến việc này, phóng viên của một số tờ báo như Tuổi trẻ TP HCM, VnExpress… chỉ biết lắc đầu chào thua.

Trước sự việc này, Cơ quan công an đã mời gần 30 phóng viên của nhiều cơ quan báo chí về trụ sở Công an huyện Thạch Thất để làm việc. Cũng tại đây, khi được đề nghị kiểm tra máy quay, nữ phóng viên này tiếp tục có hành vi… khiếm nhã bằng việc mở những hình ảnh bikini của chính chị ta.

Có lẽ không còn lời nào để bình luận về thái độ ứng xử của một phóng viên - nhà báo này nữa!

Hoa Sơn
.
.