Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại tự do Bắc Mỹ:

Xóa bỏ bất đồng, tăng cường hợp tác

Thứ Tư, 19/08/2009, 19:10
Từ ngày 9/8/2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến công du tới Guadalajara (Mexico) để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các quốc gia trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA - North American Free Trade Agreement).

Với sự tham dự của nguyên thủ 3 quốc gia lớn nhất khu vực Bắc Mỹ, hội nghị lần này dự kiến sẽ tập trung thảo luận về một loạt các vấn đề quan trọng và giải quyết những bất đồng, đặc biệt là về thương mại và nhập cư, với mục tiêu cuối cùng là đưa NAFTA thực sự trở thành một trong những khu vực kinh tế hùng mạnh nhất trên thế giới.

Trong quá khứ, Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã được 3 quốc gia hàng đầu trong khu vực này là Canada, Mỹ và Mexico ký kết vào ngày 12/8/1992 trước khi chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/1994. Mục tiêu chính của hiệp định này là tăng cường sự hợp tác trao đổi tiềm lực kinh tế của các quốc gia thành viên, đặc biệt là về công nghệ và nhân lực, giúp cho khu vực này có khả năng cạnh tranh cao với nhiều liên minh kinh tế khác trên thế giới như EU hay NAFTA.

Hội nghị thượng đỉnh lần này được xem như là một cơ hội để quan chức các bên liên quan hy vọng có thể giúp xóa bỏ nhiều bất đồng và đưa triển vọng hợp tác trong liên minh lên một tầm cao mới.

Theo đánh giá, dù các quan chức đều khẳng định quyết tâm tích hợp chặt chẽ hơn vào một thị trường chung, nhưng những khoảng cách không nhỏ về kinh tế, xã hội giữa 3 quốc gia trong NAFTA đã khiến cho việc thực thi mục tiêu trên nhiều khi còn gây ra bất đồng, thậm chí tranh chấp giữa các thành viên. Đơn cử hàng đầu có thể kể tới vấn đề nhập cư. Trước đây, tình trạng người Mexico nhập cư ồ ạt vào Mỹ đã từng là mối lo lắng trong suốt nhiều năm của Washington.

Tình trạng trên đang có chiều hướng gia tăng, nhưng giờ đây đích đến của nhiều người Mexico lại là Canada. Chính phủ Canada phàn nàn rằng, có quá nhiều người Mexico viện lý do xin cư trú chính trị để vào nước này, kéo theo những bất ổn về xã hội và kinh tế. Trước tình hình trên khiến Canada vào tháng trước đã tuyên bố, họ có thể sẽ yêu cầu các công dân Mexico xuất trình thị thực mỗi khi xin nhập cảnh, một quyết định đang được coi như "hành động gây xúc phạm" tại Mexico.

Các nhà lãnh đạo nước này cũng trả đũa ngay lập tức với tuyên bố, các nhà ngoại giao cũng như quan chức Chính phủ Canada cũng cần phải có thị thực nếu muốn tới Mexico. Chưa kể một số nghị sĩ Mexico còn thúc giục Tổng thống Felipe Calderon cần có biện pháp mạnh tay hơn, khi yêu cầu thị thực của tất cả mọi công dân Canada. Tuy nhiên, ông Calderon đã không đồng ý vì lo ngại hành động trả đũa này có thể làm tổn hại tới ngành công nghiệp du lịch của Mexico, chủ yếu dựa vào các vị khách trong khu vực Bắc Mỹ. 

Trong lúc "tuyên chiến" với Canada về vấn đề nhập cư, Mexico cũng đang trong một cuộc chiến thương mại khác với Mỹ, bắt đầu bùng phát từ khi Quốc hội Mỹ đình chỉ một chương trình cho phép các xe tải của Mexico hoạt động trên đất Mỹ - một quyết định được Mexico cho là đã vi phạm các thỏa thuận của NAFTA. Chính phủ nước này cũng phản ứng ngay với kế hoạch tăng thêm hàng tỉ USD tiền thuế nhằm vào các sản phẩm của Mỹ.

Cuộc gặp song phương đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Felipe Calderon.

Chính phủ Obama cho biết, họ sẽ tận dụng hội nghị lần này để hy vọng có thể giải quyết được tranh chấp trên. Chưa hết, Washington sẽ còn phải tìm cách xoa dịu những phản đối của cả Canada lẫn Mexico xung quanh kế hoạch kích thích kinh tế "Buy American", được cho là có nhiều điều khoản mang tính bảo hộ mậu dịch. Theo khẳng định từ một trợ lý của Thủ tướng Canada Stephen Harper, "không có gì ngạc nhiên" nếu nguyên thủ Canada nêu ra vấn đề chủ nghĩa bảo hộ đối với ông Obama trong hội nghị lần này.

Ngay cả quyết tâm giúp đỡ Mexico trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy của NAFTA vẫn tồn tại những bất đồng về chính trị. Khoản hỗ trợ trọn gói cho Mexico trước đó còn kèm điều kiện, 15% số tiền hỗ trợ này chỉ được phân phối nếu như Bộ Ngoại giao kết luận Chính phủ Mexico đáp ứng được đầy đủ các điều kiện cơ bản về nhân quyền.

Trong khi nhiều báo cáo của phía Mỹ cho rằng, quân đội Mexico đã có những hành vi lạm dụng tra tấn hay vi phạm nhân quyền khác trong cuộc chiến chống ma túy, khiến nhiều nghị sĩ trong Quốc hội đã phản đối việc cấp khoản tiền đã định này.

Phía Mexico giải thích rằng, những hiện tượng lạm dụng như trên (nếu có) chỉ là một vài trường hợp ngoại lệ, và một mục tiêu quan trọng của Tổng thống Calderon trong cuộc gặp lần này chính là thúc giục Washington nhanh chóng giải ngân số tiền còn lại này. Bản thân Thủ tướng Canada Stephen Harper trước đó cũng đã cam kết trợ giúp cho Mexico 15 triệu USD mỗi năm để chi phí cho cuộc chiến chống ma túy.

Bất chấp thực tế nội bộ NAFTA còn nhiều bất đồng cần giải quyết, các nguyên thủ Bắc Mỹ tham gia hội nghị lần này vẫn sẽ dành một thời lượng đáng kể cho các chủ đề đối ngoại, như một cách khẳng định uy tín của NAFTA trên trường quốc tế. Chủ đề bàn bạc hàng đầu chắc chắn vẫn là cuộc đảo chính tại Honduras. Theo khẳng định của các nguyên thủ trong NAFTA, phương châm hành động của họ là thông qua đàm phán để giải quyết khủng hoảng, đưa Tổng thống Zelaya trở lại nắm quyền

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.