Xoá nợ cho các nước nghèo: Làm phải như nói

Thứ Tư, 15/06/2005, 07:11

Các nước giàu nhất thế giới vừa quyết định xoá nợ 40 tỷ USD cho những nước nghèo nhất thế giới. Vấn đề xoá nợ cho các nước nghèo được Ngân hàng thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đưa ra cách đây 9 năm. Tuy nhiên, qua nhiều cuộc thảo luận và không ít lần hứa hẹn, các nước giàu nhất thế giới vẫn chần chừ mà không có thoả thuận mạnh mẽ nào.

Các Bộ trưởng Tài chính nhóm G8 (gồm Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Nhật Bản, Italia và Nga) họp trong hai ngày cuối tuần qua tại London để thảo luận về kế hoạch giảm nợ và tăng viện trợ phát triển cho châu Phi theo đề xuất của Anh - nước hiện giữ chức Chủ tịch G8 và chuẩn bị chương trình nghị sự cho Hội nghị thượng đỉnh của nhóm này tại Scotland vào tháng 7 tới.

Theo thỏa thuận vừa mới đạt được tại hội nghị này, các quốc gia thuộc diện nghèo và nặng nợ, chủ yếu là tại châu Phi, sẽ được xóa nợ để tập trung tài chính vào cải thiện y tế, giáo dục và phát triển.

Bộ trưởng Tài chính Anh Gordon Brown cho biết, kế hoạch chi tiết sẽ bao gồm việc xóa nợ và giảm nợ cả song phương lẫn đa phương 100% đối với các quốc gia thuộc loại nghèo nhất thế giới. Kế hoạch này sẽ bao gồm khoản nợ tổng cộng 55 tỷ USD mà Ngân hàng thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Phát triển Phi châu cho các nước vay.

18 nước sẽ được xóa ngay lập tức số nợ tổng cộng là 40 tỷ USD. 9 quốc gia khác sẽ được xóa nợ dần dần trong thời gian từ 12 đến 18 tháng tới với tổng số nợ được xóa là 11 tỷ USD. Cuối cùng, đề nghị xóa nợ 100% cũng được đưa ra cho 11 nước khác nếu họ hội tụ đủ các tiêu chuẩn để được cho vào sáng kiến xóa nợ cho các quốc gia nghèo và nặng nợ.

Tuy nhiên tại hội nghị, đại diện các nước G8 vẫn bất đồng về phương thức gây quỹ giảm nợ cho các nước nghèo và về số nước ở châu Phi và Mỹ La-tinh được chọn xóa nợ hoàn toàn lần đầu. Đức nghi ngờ về khả năng thỏa thuận trên sẽ được thông qua tại hội nghị lần này.

Hàng năm, cứ đến Hội nghị thượng đỉnh của nhóm G8, vấn đề này lại được nêu ra. Thậm chí, để làm đẹp cho Hội nghị thượng đỉnh G8, người ta còn mời một số nhà lãnh đạo các nước nghèo ở châu Phi đến dự vài cuộc họp bên lề hội nghị G8. Nhưng rốt cuộc, dòng chảy của đồng tiền vẫn hoạt động theo quy luật của nó kiểu "nước chảy vào chỗ trũng". Các nước giàu lại giàu hơn, còn các nước nghèo nhất vẫn tiếp tục nghèo thêm vì gánh nặng nợ nần chồng chất… Chính vì vậy, dư luận quốc tế, nhất là các nước nghèo mong muốn thỏa thuận này sớm được các nước giàu thực hiện như đã cam kết.

Thực ra, số tiền mà các nước giàu quyết định xóa nợ cho các nước nghèo chẳng thấm gì so với mỗi năm các nước giàu chi phí cho ngân sách quân sự của họ (gần 1.000 tỉ USD, trong đó Mỹ chiếm gần một nửa).

Những người tham gia chiến dịch xóa đói nghèo ở các nước đang phát triển đã hoan nghênh một cách thận trọng việc G8 tuyên bố xóa nợ cho các nước nghèo nhất ở châu Phi. Các nhà vận động trong chiến dịch giảm nợ cho các nước nghèo trên thế giới lo ngại, chỉ có 27 nước được hưởng quy chế trên là quá ít vì theo họ phải có 62 nước.

Các nước châu Phi hoan nghênh thông tin mới này. Ông John Nagenda, cố vấn cho Tổng thống Uganda Yoweri Museveni nói rằng, đã tới lúc các nước giàu thực hiện những gì họ từng hứa hẹn vì "đơn giản đó là bổn phận tinh thần của con người"

Nguyễn Khắc Đức
.
.