Xử lý 80 cá thể gấu nuôi trái phép tại Quảng Ninh

Thứ Sáu, 23/05/2008, 11:00
Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã "phớt" kiến nghị của AAF?

Mới đây, Cục Kiểm lâm đã có cuộc họp với một số nhà báo để giải thích lý do Bộ NN&PTNT đề xuất cho phép các cơ sở ở Quảng Ninh đã nuôi nhốt trái phép 80 cá thể gấu không gắn chíp, bị phát hiện hồi tháng 9/ 2007 được tiếp tục nuôi. Theo đó, một trong những lý do là việc cứu hộ đối với gấu phải nuôi chúng suốt đời; Nhà nước chưa có cơ sở cứu hộ, nuôi gấu tập trung với số lượng lớn, chưa bố trí được kinh phí nếu phải nuôi dài ngày.

Tuy nhiên, theo phản hồi từ Tổ chức Động vật hoang dã châu Á (AAF) và những văn bản mà chúng tôi có thì dường như Bộ NN&PTNT đã bỏ qua những kiến nghị rất tích cực của AAF...

Như ANTG đã từng phản ánh, tháng 9/2007, qua kiểm tra 6 cơ sở ở tỉnh Quảng Ninh đang nuôi nhốt 281 con gấu, lực lượng chức năng đã phát hiện các chủ nuôi nhốt đều không có giấy phép nuôi nhốt theo quy định và đặc biệt là có tới 80 con không gắn chíp điện tử theo dõi.

Ngày 10/3/2008, Bộ NN&PTNT có Công văn số 568/ BNN - KL gửi Thủ tướng Chính phủ “xin chủ trương giải quyết những trường hợp mua, nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trái phép” với đề xuất:

Với những cá thể gấu nuôi không gắn chíp điện tử (được mua của người săn bắt tự nhiên để nuôi trái phép sau thời điểm gắn chíp điện tử và ký cam kết không vi phạm), sau khi xử phạt người có hành vi vi phạm hành chính, giao cho chính quyền địa phương hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân tiếp tục nuôi những cá thể gấu hiện có, nếu đảm bảo về điều kiện nuôi quy định tại Nghị định số 82/2006.

Trường hợp người nuôi không theo quy định này thì tịch thu. Số cá thể gấu tịch thu sẽ giao cho các trung tâm cứu hộ, vườn thú, cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo... có khả năng nuôi dưỡng vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, đào tạo, biểu diễn nghệ thuật, hoặc giao cho một số cơ sở nghiên cứu nuôi sinh sản để duy trì và phát triển nguồn giống cung cấp cho các cơ sở nuôi hợp pháp. Nhưng cá thể ốm yếu bệnh tật không có khả năng nuôi lâu dài thì tổ chức tiêu hủy...

Tại cuộc họp với báo chí, ông Hà Công Tuấn, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, đưa ra văn bản số 1247/BNN-KL, ngày 7/5/2008 của Bộ NN&PTNT, gửi Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội. Trong đó đưa ra 5 lý do khiến Bộ này phải đề xuất Thủ tướng xem xét chỉ đạo hướng xử lý:

Thứ nhất, Bộ Luật Hình sự năm 1999 quy định các hành vi xâm hại động vật hoang dã quý hiếm là tội phạm tại điều 190 bao gồm các hành vi “săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép...” như vậy theo điều 190 của Bộ Luật Hình sự thì hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã, quý hiếm không cấu thành tội phạm, nên không thể xử lý hình sự đối với các hộ nuôi nhốt gấu trái phép.

Thứ hai, Nghị định 139/2004/NĐ-CP ngày 25/6/2004 của Chính phủ về xử lý phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (có hiệu lực thi hành tại thời điểm kiểm tra việc nuôi gấu tại Quảng Ninh) lại quy định không xử phạt vi phạm hành chính mà chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi “xâm hại đến thực vật hoặc động vật hoang dã nhóm IA, IB...” nên không có cơ sở để xử lý hành chính đối với các hộ nuôi nhốt gấu trái phép.

Thứ ba, Nghị định 159/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007 thay Nghị định 139/2004/NĐ-CP đã bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nuôi nhốt động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IB trái phép. Tuy nhiên, Nghị định này lại có hiệu lực thi hành ngày 24/11/2007, sau thời điểm kiểm tra, phát hiện vi phạm.

Thứ tư, ngoài những vướng mắc về xử lý hành vi nuôi nhốt gấu trái phép, thì theo quy định hiện hành của pháp luật về tịch thu tang vật là động vật còn sống phải tiếp tục cứu hộ, nuôi dưỡng, bảo tồn. Tuy nhiên, quy định hiện hành về bảo tồn động vật hoang dã trong điều kiện nuôi nhốt, nhất là với trường hợp tịch thu động vật nuôi với số lượng lớn, thú hung dữ trách nhiệm bảo đảm các điều kiện nuôi như tiêu chuẩn chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, kinh phí còn chưa cụ thể để bảo đảm thực hiện thống nhất.

Thứ năm, dù Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 47/2006/QĐ-BNN quy định về việc quản lý gấu nuôi, nhưng do những vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật về xử lý hành vi vi phạm như vậy nên Bộ NN&PTNT phải báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng.  

Bộ NN&PTNT cũng đưa ra 4 cơ sở để đề xuất việc tiếp tục nuôi gấu:

Các cá thể gấu nuôi nhốt trái phép tại Quảng Ninh đã rất lâu, số gấu này không xác định chính xác về nguồn gốc xuất xứ nên không thể tái thả lại  rừng.

Việc cứu hộ đối với gấu phải nuôi chúng suốt đời. Nhà nước chưa có cơ sở cứu hộ, nuôi gấu tập trung với số lượng lớn, chưa bố trí được kinh phí nếu phải nuôi dài ngày, trong khi các trại nuôi tư nhân đã có kinh nghiệm.

AAF mới hỗ trợ Cục Kiểm lâm xây dựng Trạm cách ly gấu tại Vườn Quốc gia Tam Đảo với sức chứa thiết kế là 50 cá thể gấu. Nhưng cho đến nay chưa có bất kỳ cam kết nào với tổ chức này về việc thu 80 cá thể tại Quảng Ninh để chuyển toàn bộ về Trạm cách ly gấu tại Vườn Quốc gia Tam Đảo.

Nếu áp dụng biện pháp tiêu hủy số gấu tịch thu là không phù hợp với mục đích bảo tồn, quan điểm của các nhà khoa học và dư luận xã hội cũng không đồng tình áp dụng biện pháp này...   

Theo những tài liệu chúng tôi thu thập được thì ngay từ ngày 8-10-2007, AAF đã ký thỏa thuận hỗ trợ kinh phí cho Cục Kiểm lâm. Theo đó AAF cam kết tài trợ (bằng tiền mặt và hiện vật) không hoàn lại một khoản tương đương 450 triệu đồng cho Cục Kiểm lâm để sử dụng vào việc vận chuyển, xây dựng chuồng trại tạm thời và nuôi dưỡng các cá thể gấu nuôi trái phép và bị tịch thu tại tỉnh Quảng Ninh. Thời gian chuyển tiền sẽ chia làm 5 đợt từ 10-10 tới ngày 15-12-2007.

Tiếp đó, ngày 29/2/2008, AAF tiếp tục có Công văn số 160-CV/2008/AAF-VN gửi Bộ NN&PTNT, trong đó một lần nữa khẳng định để chuẩn bị tất cả các điều kiện về cơ sở vật chất sẵn sàng phục vụ cho việc thực hiện cứu hộ 80 cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép, AAF đã cam kết và ký biên bản thỏa thuận với Cục Kiểm lâm về việc hỗ trợ toàn bộ chi phí phát sinh cho việc cứu hộ và chăm sóc, nuôi dưỡng 80 cá thể gấu kể từ khi tịch thu cho đến khi chuyển số cá thể gấu này về Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo.

AAF cũng cam kết “sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí để xây dựng khu nuôi nhốt tạm thời các cá thể gấu ở Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn, nhằm đảm bảo tốt nhất cho sự chăm sóc nuôi dưỡng tạm thời các cá thể gấu trong thời gian chờ đợi giai đoạn 2 của dự án xây dựng Trung tâm Cứu hộ gấu tại Vườn Quốc gia Tam Đảo hoàn thành và đủ khả năng tiếp nhận thêm khoảng 200 cá thể gấu”; đồng thời khẳng định “hỗ trợ toàn bộ chi phí nuôi dưỡng chăm sóc 80 cá thể gấu này và cung cấp toàn bộ chi phí duy trì hoạt động của Trung tâm Cứu hộ gấu trong thời gian tối thiểu là 20 năm”.

AAF còn “xin cam kết để quý Bộ có cơ sở để khẳng định mọi điều kiện về hậu cần đều đã sẵn sàng cho việc thực thi pháp luật nhằm xử lý và tịch thu 80 cá thể gấu nuôi nhốt trái phép khi có quyết định xử lý chính thức của cơ quan chức năng”.

Như vậy, có thể hiểu rằng vào thời điểm đó, mọi công tác chuẩn bị tiếp nhận 80 cá thể gấu nuôi nhốt trái phép đã được AAF sẵn sàng. Nhưng  không hiểu sao Bộ NN&PTNT lại không “ngó ngàng” tới đề nghị này, và 10 ngày sau, ngày 10/3/2008, Bộ này đã có Công văn số 568 gửi Thủ tướng Chính phủ.

Cho tới lúc này, Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo vẫn đang chờ gấu để... cứu hộ. Hiện trung tâm đang chờ phê duyệt để xây dựng giai đoạn 2 nhằm nâng quy mô có thể tiếp nhận cứu hộ 200 cá thể gấu với vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng.

Tuy nhiên, sau sự việc xử lý 80 cá thể gấu ở Quảng Ninh, ông Tuấn Bendixsen Giám đốc Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo không khỏi thất vọng, bởi mục đích xây dựng trung tâm cứu hộ để giúp cơ quan chức năng thực thi pháp luật, nhưng nếu những vi phạm vẫn được xử lý như vậy thì trung tâm này có cũng bằng... thừa

Nguyễn Thiêm
.
.