Xử phạt người đội MBH rởm: Sẽ khó nếu chỉ “khoán” cho CSGT

Thứ Ba, 08/07/2014, 11:29

Để xảy ra tình trạng loạn mũ bảo hiểm rởm trên thị trường như thời gian vừa qua, ngoài ý thức kém của một bộ phận người dân còn có trách nhiệm của nhiều lực lượng khác và sẽ rất khó nếu việc xử phạt chỉ giao cho CSGT làm nhiệm vụ ngoài đường.

Từ ngày 1/7, thực hiện Kế hoạch 69 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ xử lý người tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy, xe đạp máy (người điều khiển và người đi cùng) không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe gắn máy, xe đạp máy với mức xử phạt 100.000 - 200.000 đồng theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ.

Để xảy ra tình trạng loạn mũ bảo hiểm rởm trên thị trường như thời gian vừa qua, ngoài ý thức kém của một bộ phận người dân còn có trách nhiệm của nhiều lực lượng khác và sẽ rất  khó nếu việc xử phạt chỉ giao cho CSGT làm nhiệm vụ ngoài đường.

Thị trường bát nháo

Tháng 6/2007, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, trong đó có quy định từ ngày 15/9/2007, người đi môtô, xe gắn máy trên các quốc lộ bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm; từ ngày 15/12/2007, người đi môtô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm.

Sau hơn 7 năm thực hiện bắt buộc đội mũ bảo hiểm, với rất nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, xử lý vi phạm đã tạo được một thói quen văn minh cho phần lớn người dân mỗi khi ngồi lên xe máy ra khỏi nhà là đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, với nhiều người, đội mũ bảo hiểm không phải vì thấy được sự cần thiết phải đội mũ  mà đơn giản đội mũ cho có để khỏi bị phạt nên dù đội mũ bảo hiểm nhưng lại không cài quai nên đội cũng như không.

Để xử lý hành vi này, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP đã quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi: "người điều khiển, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ". 

Nhưng, thực tế đời sống luôn phong phú hơn rất nhiều những gì các nhà làm luật tính tới. Vì thế khi việc đổi mũ bảo hiểm thành quy định bắt buộc thì cùng với các nhà sản xuất ra các sản phẩm đạt chuẩn, cũng có nhiều công ty sản xuất mũ không đạt chuẩn với tên gọi mũ bảo hiểm thời trang để phục vụ một số lượng không nhỏ những người đội mũ chống đối.

Mặc dù từ năm 2008, Bộ Khoa học- Công nghệ cũng đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe gắn máy (QCVN 2: 2008/BKHCN), ban hành theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN và Thông tư 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT ngày 28-2-2013 quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe môtô, xe gắn máy, xe đạp máy. Theo đó, mũ bảo hiểm cho người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy khi tham gia giao thông phải đủ các tính năng:

Mũ phải đủ 3 bộ phận gồm vỏ mũ, lớp đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo.

Mũ đó đã được chứng nhận hợp quy, được gắn dấu hợp quy CR (dấu hợp quy CR phải được thể hiện một cách rõ ràng, dễ đọc, được in trực tiếp lên mũ bảo hiểm hoặc được dán lên mũ bảo hiểm bằng chất liệu không thấm nước, không thể tẩy xóa, làm mờ dấu hợp quy) và có ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Trong đó, nhãn của mũ sản xuất trong nước tối thiểu phải bao gồm các thông tin: Tên sản phẩm phải có cụm từ "Mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy", tên địa chỉ và cơ sở sản xuất, cỡ mũ, năm tháng sản xuất; nhãn của mũ nhập khẩu tối thiểu phải bao gồm các thông tin: Tên sản phẩm phải có cụm từ "Mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy", tên địa chỉ của tổ chức hoặc cá nhân nhập khẩu và phân phối, xuất xứ hàng hóa, cỡ mũ, năm tháng sản xuất.

Cũng theo quy chuẩn này, đối với mũ bảo hiểm có lưỡi trai mềm gắn liền vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời tháo lắp được, độ dài của lưỡi trai tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm dài nhất của lưỡi trai không quá 70mm. Trường hợp mũ có lưỡi trai cứng gắn liền vỏ mũ, độ dài của lưỡi trai không lớn hơn 50mm. Trường hợp mũ bảo hiểm có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20mm.

Tuy nhiên, vào các hàng bán mũ bảo hiểm, khách hàng sẽ hoa mắt trước "rừng" mũ đủ kiểu đủ màu sắc, kiểu dáng và dường như các cơ quan quản lý đã bất lực trước tình trạng thị trường mũ bảo hiểm hỗn loạn với đủ kiểu dáng, chất lượng.

Từ vài năm nay, mỗi khi đi ra đường, chỉ bằng mắt thường thôi cũng có thể thấy có khoảng 50% người đi môtô, xe máy đội mũ không phải là mũ bảo hiểm. Bởi cái thứ người ta úp lên đầu có những kiểu chỉ có thể gọi là mũ nhựa chứ không thể gọi là mũ bảo hiểm khi đó là sự phóng tác từ chiếc mũ lưỡi trai, lại có loại không khác gì mũ của các tay đua... ngựa. Thế nên từ khi Luật Giao thông đường bộ 2009 có hiệu lực, việc xử phạt lĩnh vực này đã được CSGT quan tâm, mỗi năm có khoảng 2 triệu trường hợp vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm đã bị xử phạt.

Sở dĩ mũ rởm hấp dẫn bởi kiểu dáng và mẫu mã rất đa dạng, và giá quá rẻ khi mà chỉ 30.000 đồng đã có thể mua được một cái mũ. Nhưng, cái gốc vẫn là ý thức của một bộ phận người dân, nhất là thanh, thiếu niên chỉ coi việc đội mũ bảo hiểm là việc đối phó chứ không thấy được lợi ích thiết thân khi đội mũ. Thế nên không ít người đi ra đường, thấy chốt CSGT thì úp mũ lên đầu, nhưng qua chốt thì lại bỏ ra để… giữ tóc.

Xử phạt người sử dụng chỉ là phần "ngọn"

Nhìn vào thực trạng mũ rởm được bày bán công khai từ các cửa hàng ở thành phố đến nông thôn, thậm chí ra cả vỉa hè thì khó có thể nói rằng chính quyền và các cơ quan chức năng lại không biết để xử lý.

Với thực tế đang có quá nhiều người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn như hiện nay, nếu tập trung xử phạt sẽ tạo thành áp lực cho CSGT khi làm nhiệm vụ. Bởi lẽ ngoài những chiếc mũ nhìn bằng mắt thường cũng có thể nhận biết là mũ rởm thì mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng nhưng có hình thức như mũ "xịn" cũng đang bày bán tràn lan nên người tiêu dùng khi mua cũng khó phân biệt được. Với những trường hợp này thì CSGT rất khó xử lý. Bởi nếu muốn xác định mũ đó có đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hay không thì phải niêm phong mũ và đưa đến cho các cơ quan có chức năng thẩm định.

Mũ bảo hiểm rởm bán đầy vỉa hè, một hình ảnh không lạ ở Hà Nội nhiều năm qua.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt Hà Nội cho biết, phòng sẽ tập trung phát hiện những người vận chuyển mũ bảo hiểm, kiểm tra hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, bàn giao cho cơ quan chức năng có thẩm quyền nếu phát hiện sai phạm. "Chưa có quy định, hướng dẫn và chế tài với loại mũ bảo hiểm không đủ tiêu chuẩn dẫn đến việc cảnh sát không làm được tận gốc, vì xử phạt xong người vi phạm tiếp tục sử dụng chiếc mũ đó để tham gia giao thông".

Hơn nữa, CSGT không có máy móc, phương tiện, tập huấn để phân biệt mũ bảo hiểm không đủ tiêu chuẩn mà chỉ thông qua văn bản hướng dẫn của Bộ Khoa học - Công nghệ.

Vì vậy, để thực hiện tốt chỉ thị của Chính phủ thì không riêng CSGT mà Quản lý thị trường, Công an kinh tế cũng phải cùng xử lý tận gốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán, có như vậy, người dân mới không thể mua và sử dụng những loại mũ bảo hiểm không đủ tiêu chuẩn.

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt, một chiếc mũ bảo hiểm rởm để đến tay người tiêu dùng phải qua 3 bước: sản xuất - lưu thông - tiêu thụ. Vì vậy, cùng với xử phạt người đội mũ không đạt chuẩn, cần phải quản lý chặt từ khâu sản xuất để chỉ có mũ hợp chuẩn, hợp quy mới được xuất xưởng. Chính quyền các cấp, quản lý thị trường cũng phải quản chặt không cho lưu thông sản phẩm kém chất lượng ra thị trường

Nguyễn Thiêm
.
.