Xung đột thương mại Mỹ-Trung: Thế giới bắt đầu nháo nhào

Thứ Hai, 25/06/2018, 13:48
Cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn biến một cách nguy hiểm sau khi liên tiếp những đòn ăn miếng trả miếng được Washington và Bắc Kinh tung ra. Thị trường tài chính thế giới đã nháo nhào, các dự báo hạ mức tăng trưởng cũng được đưa ra.

Ăn miếng - Trả miếng

Ngày 15-6, Tổng thống Donald Trump công bố quyết định đánh thuế hải quan 25% trên 50 tỉ đôla hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Cụ thể kể từ ngày 6-7-2018, trên 800 sản phẩm Trung Quốc có trị giá 34 tỉ đôla sẽ bị Hoa Kỳ áp thuế và đợt 2 đánh vào 280 mặt hàng khác, nhưng chưa rõ thời hạn.

Mỹ chủ yếu nhắm vào các sản phẩm công nghệ, tránh những mặt hàng phổ biến như điện thoại di động, tivi. Mục tiêu là làm giảm số thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc, năm ngoái lên tới 375 tỉ đôla.

Khi chính thức hóa các sắc thuế mới áp đặt, ông Trump còn cảnh báo: “Nếu Trung Quốc đáp trả bằng các biện pháp trả đũa, như áp thuế mới lên hàng hóa, dịch vụ, hoặc nông sản của Mỹ, chính quyền của tôi sẽ đáp ứng ngay bằng cách áp đặt các sắc thuế mới khác và lần này đánh lên lượng hàng có tổng giá trị 100 tỉ đôla”.

Tuy nhiên, lời đe dọa trên của ông Trump không khiến Trung Quốc lùi bước. Ngay trong ngày 15-6, Trung Quốc thông báo đánh thuế 25% lên hàng Mỹ có trị giá cũng 34 tỉ đôla, cũng từ ngày 6-7 tới, gồm nông sản, xe hơi và hải sản. Có 659 mặt hàng được nhắm đến và Bắc Kinh nhấn vào những chỗ dễ tổn thương nhất của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18-6 đe dọa áp thêm 10% thuế quan trên khoảng 200 tỷ đôla hàng hóa nhập từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, một thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc còn nói Bắc Kinh cũng sẽ hủy bỏ thỏa thuận thu hẹp thặng dư thương mại nhiều tỉ đôla của mình với Mỹ bằng việc mua thêm nông sản, khí thiên nhiên và các sản phẩm khác của Mỹ.

Nhưng ông Trump cũng không vừa. Ngày 18-6, Tổng thống Mỹ đã chỉ đạo cho Đại diện Thương mại Mỹ chuẩn bị lập danh sách hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ đôla sẽ bị đánh thuế 10%.

Ông Trump nói trong thông cáo ra ngày 18-6 rằng: “Trung Quốc rõ ràng không có ý định thay đổi các biện pháp không công bằng liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ của Mỹ. Thay vì sửa đổi các biện pháp này, họ đang đe dọa các công ty, các công nhân và nhà nông của Mỹ - những người chẳng làm gì sai cả”.

Ông Trump đe dọa áp thêm thuế nếu Bắc Kinh đáp trả bằng các loại thuế trả đũa lên các mặt hàng của Mỹ. Tức là vòng xoáy ăn miếng trả miếng sẽ tiếp tục mãi. Sau thông báo của ông Trump, Trung Quốc đã đe dọa áp dụng biện pháp trả đũa tương xứng.

Trong một thông báo ngày 19-6, với lời lẽ cứng rắn, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng nếu phía Mỹ trở nên vô lý và công bố danh sách (hàng bị áp thuế), Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp toàn diện về cả khối lượng lẫn chất lượng để phản ứng mạnh mẽ, kể cả với dầu mỏ. Tuyên bố này lập tức làm giá cổ phiếu của ExxonMobil và Chevron giảm từ 1 tới 2% trong ngày 19-6 và khiến giá dầu thô Mỹ sụt giảm khoảng 5%.

Theo Cơ quan Năng lượng Hoa Kỳ, dầu thô của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng mạnh trong 2 năm qua nhờ tăng sản lượng dầu để bù đắp lại trong tình hình các nước OPEC và Nga tìm cách cắt giảm nguồn cung. Các biện pháp trả đũa gay gắt của Trung Quốc để phản bác ông Trump đã gây bất ngờ.

“Chúng tôi bất ngờ vì dầu thô được ghi vào danh sách”, quan chức của một tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc nói.

Mức thuế mà Trung Quốc dọa áp đặt sẽ khiến dầu thô của Mỹ trở nên đắt hơn so với các nguồn cung đến từ các khu vực khác, kể cả Trung Đông và Nga, có nguy cơ gây gián đoạn cho một ngành công nghiệp đã phát triển mạnh trong thời gian gần đây.

Nếu Mỹ tiếp tục đánh thuế thì Trung Quốc sẽ dùng đòn gì để đáp trả? Vấn đề là do việc hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ nhiều hơn gấp bội so với hàng Mỹ nhập vào Trung Quốc, Bắc Kinh không thể áp dụng kiểu đánh trả một đối một bằng thuế quan như từng chủ trương cho đến nay.

Trung Quốc nhập khẩu 129,89 tỷ đôla hàng hóa Mỹ hồi năm ngoái, so với mức 505,47 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2017, theo số liệu của Mỹ. Con số này khác với số liệu do hải quan Trung Quốc đưa ra mà theo đó Trung Quốc nhập khẩu 153,9 tỷ hàng hóa Mỹ còn Mỹ mua 429,8 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc.

Cho dù theo số liệu nào đi nữa thì ngay cả khi chính quyền Trump vẫn áp thuế lên 300 hay thậm chí 400 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh chỉ có thể áp thuế lên tổng cộng hơn 100 tỷ đôla hàng hóa Mỹ.

Phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc Cao Phong cho rằng Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp toàn diện về cả khối lượng lẫn chất lượng để đáp trả Mỹ.

Các biện pháp phi thuế quan: Liệu có được áp dụng

Theo các chuyên gia, để leo thang cuộc chiến thương mại, Bắc Kinh có thể dùng đến các biện pháp phi thuế quan. Họ có dùng đến nhiều biện pháp phi thuế quan khác đã từng chứng tỏ hiệu quả khi Trung Quốc muốn “bắt chẹt” các nước khác. Các biện pháp phi thuế quan này được coi là những đòn ngầm vì không thể hiện qua những số liệu cụ thể.

Theo phân tích của Reuters, một trong những đòn hiểm mà Bắc Kinh rất thiện nghệ là dùng thủ tục hành chính để gây tắc nghẽn đường vào thị trường Trung Quốc của hàng nhập khẩu từ Mỹ, từ việc tăng cường kiểm tra cho đến việc cấp phép hoạt động. Từ tháng 5 vừa qua, theo Reuters, Bắc Kinh có dấu hiệu đã bắt đầu dùng chiêu này đối với các mặt hàng Mỹ nằm trong danh sách sản phẩm sẽ bị trả đũa nếu chiến tranh thương mại nổ ra.

Một số nguồn tin từ giới nhập khẩu và công nghiệp đã xác nhận rằng khối lượng các cuộc kiểm tra hàng hóa đến từ Mỹ đã gia tăng đáng kể so với các kiểm tra ngẫu nhiên trong quá khứ. Các sản phẩm bị kiểm tra rất đa dạng, đi từ thịt lợn, táo tươi và trái anh đào, cho đến xe cộ.

Giới nhập khẩu cho biết họ đã được chính quyền thông báo rằng đó chỉ đơn thuần là những cuộc kiểm tra “kỹ thuật”, thế nhưng các mặt hàng bị làm khó dễ đều có tên trong danh sách bị áp thuế trả đũa của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng có thể bày ra các quy định mới về các sản phẩm Mỹ được bán trên thị trường, cũng như đối với công ty Mỹ để hạn chế sự hiện diện, thậm chí cấm các công ty này tại Trung Quốc. Đây là điều đã từng xảy ra với Facebook, Google và có nguy cơ xảy ra với các tập đoàn khác.

Jacob Parker - Phó Chủ tịch đặc trách các hoạt động tại Trung Quốc của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung - đã tin chắc rằng Bắc Kinh đang xem xét thêm các phương thức nhằm cản trở hoạt động của các công ty Mỹ tại Trung Quốc, thậm chí còn khuyến cáo các doanh nghiệp tư nhân và quốc doanh thôi mua sắm các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ mà quay sang mua của châu Âu, Nhật Bản hoặc các công ty Trung Quốc trong nước.

“Điều này sẽ có tác động rất lớn vì nhiều công ty của chúng tôi hoạt động ở Trung Quốc đã xây dựng được thị phần lớn qua hàng chục năm. Nếu thị phần đó bị xói mòn thì gần như sẽ không thể trở lại như cũ”, ông Parker giải thích.

Ngoài ra, việc Trung Quốc phê chuẩn cho các thỏa thuận kinh doanh với Mỹ cũng sẽ trở nên khó khăn hơn. Chẳng hạn như họ vẫn chưa phê chuẩn thương vụ thâu tóm hãng bán dẫn NXP Semiconductors trị giá 44 tỷ đôla mà hãng sản xuất chip điện tử Qualcomm của Mỹ đưa ra - một thỏa thuận đã nhận được sự đồng ý của 8 trong số 9 nhà quản lý bắt buộc trên thế giới.

Vũ khí tiếp theo mà Trung Quốc có thể tung ra là tuyên truyền cho người tiêu thụ trong nước tẩy chay hàng hóa và dịch vụ Mỹ. Bắc Kinh đã sử dụng biện pháp này đối với Seoul vào năm ngoái sau khi Hàn Quốc cho Hoa Kỳ triển khai hệ thống tên lửa THAAD trên lãnh thổ bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Ngành du lịch Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng nếu Bắc Kinh khuyên các công ty lữ hành của họ giảm các tour đi Mỹ. Hiện nay, có khoảng 3 triệu lượt du khách Trung Quốc đi thăm Hoa Kỳ mỗi năm, chi ra hàng chục tỉ đôla.

Ngoài ra, dịch vụ lữ hành chiếm gần hai phần ba các dịch vụ mà Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2015. Khi bà Thái Anh Văn đắc cử lãnh đạo Đài Loan hồi năm 2016, số lượng du khách Trung Quốc đến Đài Loan đã sụt giảm mạnh. Mặc dù bà Thái nói bà muốn hòa bình với Trung Quốc, Bắc Kinh nghi ngờ rằng bà muốn tuyên bố độc lập chính thức.

Lượng hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ gấp nhiều lần hàng Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc.

Ngoài các đòn ngầm kể trên, giới phân tích cũng nhắc đến khả năng Trung Quốc để cho đồng nhân dân tệ hạ giá so với đồng đôla Mỹ để đẩy giá hàng Mỹ lên cao và hàng xuất khẩu Trung Quốc rẻ hơn. Trên thực tế, đồng nhân dân tệ đã giảm giá so với đồng đôla từ giữa tháng 4-2018, sau khi tăng giá đều đặn kể từ tháng 1-2017.

Thế nhưng, một số nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh sẽ phải rất thận trọng khi dùng đến vũ khí tiền tệ này, rút kinh nghiệm của năm 2015, khi sự mất giá của đồng nhân dân tệ đã tạo nên tình trạng vốn tư bản từ Trung Quốc chảy ngược ra nước ngoài.

Một khả năng khác được nhắc đến là cắt giảm số lượng lớn trái phiếu nhà nước Mỹ mà Trung Quốc nắm trong tay, trị giá tính đến tháng 3-2018 đã lên tới 1.188 tỉ đôla. Có điều, nếu Bắc Kinh làm như vậy, trị giá các trái phiếu sẽ tụt, khối tài sản của Trung Quốc sẽ bị giảm mạnh về giá trị, điều này không có lợi cho Bắc Kinh. Chính vì thế mà nhiều nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng tăng cường sức ép lên các công ty Mỹ hơn là gây ra hỗn loạn trên thị trường mà cuối cùng khiến cho Bắc Kinh bị tổn thương.

Một phản ứng cực đoan của Trung Quốc có thể làm cấm vận giao thương với một loạt hàng hóa Mỹ nhưng động thái này có thể sẽ dẫn đến quan hệ song phương xấu đi trầm trọng và gây xáo trộn trong hệ thống thương mại toàn cầu. Mỹ từng áp đặt lệnh cấm vận thương mại lên Trung Quốc trong khoảng từ năm 1950 cho đến năm 1972.

Cuộc chiến mậu dịch leo thang có thể đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu

Cho đến nay, tất cả mới chỉ dừng lại ở khẩu chiến, phải đến đầu tháng 7 này thì vẫn chỉ có khoảng 34 tỉ đôla hàng nhập khẩu Trung Quốc vào Mỹ phải chịu thuế cao. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng viễn cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lần này được cho là nghiêm túc. Họ đã bắt đầu tính toán thiệt hại lớn cho nền kinh tế của hai nước cũng như của cả thế giới.

Theo Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng Kinh tế và Thông tin Quốc tế (CEPII), nếu áp dụng tới nơi tới chốn các biện pháp trừng phạt lẫn nhau, giữa Mỹ và Trung Quốc thì thiệt hại cho mỗi bên lên tới 25 tỷ đôla.

Ngoài hai nước bị tác động, cuộc đọ sức Mỹ-Trung cũng đang khiến bầu không khí trên thế giới trở nên u ám. Ngân hàng Trung ương châu Âu giảm dự báo tăng trưởng trong khu vực đồng Euro. Loạt khẩu chiến giữa Washington và Bắc Kinh đã làm cho các chỉ số của thị trường châu Á sụt giảm mạnh hôm 19-6.

Chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm 3,7% trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 2,7%. Các chỉ số của Tokya, Seoul, Manila và Đài Bắc đồng loạt mất hơn 1%. Chỉ số Dow Jones tại chứng khoán Wall Street cùng ngày đã giảm 1,5% khi mở cửa.

Các giao dịch chứng khoán sáng ngày 19-6 cũng giảm trên toàn châu Âu. Tại Đức, các doanh nghiệp cũng đang hoang mang. Ngân hàng Trung ương Đức cũng giảm dự báo tăng trưởng 0,5 điểm. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) cũng gióng tiếng chuông báo động tương tự khi cho rằng “cuộc chiến mậu dịch leo thang đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu” đặc biệt là trong bối cảnh giá dầu trên thế giới bắt đầu tăng lên trở lại, Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) tăng lãi suất chỉ đạo, đơn vị tiền tệ của một số nền kinh tế đang phát triển, như Thổ Nhĩ Kỳ hay Argentina liên tục bị mất giá.

Trong một động thái liên quan, ngày 20-6, Liên minh châu Âu cho biết sẽ bắt đầu đánh thuế nhập khẩu 25% lên một loạt các sản phẩm của Mỹ từ ngày 21-6-2018, đáp lại thuế suất của Mỹ nhắm vào thép và nhôm của EU vào đầu tháng này. Hành động này cho thấy đang có một cuộc ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và châu Âu mà có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh thương mại toàn cục, đặc biệt nếu Tổng thống Donald Trump thực hiện lời đe dọa của ông trừng phạt xe hơi của châu Âu.

M.T. (tổng hợp)
.
.